YouMed

Bệnh tim mạch: Liệu bạn đã thật sự hiểu và biết về nó chưa?

bác sĩ hoàng thị việt trinh
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh

Bệnh tim mạch là nhóm bệnh ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc chức năng của trái tim và mạch máu của bạn. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Điều quan trọng là tìm hiểu về trái tim và mạch máu để giúp ngăn ngừa bệnh lý này. Nếu bạn đang mắc bệnh tim mạch, bạn có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh hơn bằng cách hiểu rõ về nó, biết cách ngăn chặn nó tiến triển, và phối hợp tốt với bác sĩ của bạn để điều trị chúng hiệu quả. Cùng bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này qua bài viết sau.

Tăng huyết áp

Ở trên cùng một người, trị số huyết áp sẽ có những thay đổi theo giờ trong ngày. Chúng thường có xu hướng cao vào buổi sáng và thấp về ban đêm. Bên cạnh đó, chỉ số này cũng thay đổi theo phản ứng của cơ thể như lúc ngủ, khi stress, sau ăn no,.. Ngoài ra huyết áp còn thay đổi theo giới tính, chủng tộc, tuổi. Huyết áp tâm thu có thể tăng 5 mmHg cho mỗi 10 năm, trong khi huyết áp tâm trương lại không đổi. Vì vậy, khó có tiêu chuẩn cho từng cá thể. Giá trị huyết áp bình thường và cao theo phân loại tăng huyết áp theo JNC VII được trình bày theo bảng dưới đây:

Phân độ tăng huyết áp theo JNC VII
Phân độ tăng huyết áp theo JNC VII

Tăng huyết áp nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho hệ tim mạch cũng như các cơ quan khác như suy tim, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh thận mạn, bệnh lý về mắt và mạch máu ngoại biên.

Suy tim

Thường đây là hậu quả của các bệnh lý tim mạch. Nó là nguyên nhân hàng đầu nhập viện ở những người trên 65 tuổi. Bệnh lý này không có nghĩa là trái tim của bạn đã thất bại, hoặc ngừng hoạt động. Nó có nghĩa là trái tim của bạn không bơm lượng máu cần thiết để cung cấp cho cơ thể như nó cần làm. Điều này sẽ khiến cơ thể ứ muối và nước. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy cơ thể sưng phù và khó thở.

Các triệu chứng cơ năng trong suy tim:

  • Khó thở khi gắng sức, khi nghỉ ngơi, khi nằm, khó thở kịch phát về đêm.
  • Phù mắt cá chân.
  • Mệt mỏi.
  • Suy kiệt.
  • Giảm cân.
  • Ho.
  • Tiểu đêm.
  • Hồi hộp.
  • Tím ngoại biên.
  • Trầm cảm.

Bệnh động mạch vành

Đây là tình trạng bệnh lý xảy ra trên hệ thống động mạch vành (hệ thống động mạch cung cấp máu nuôi dưỡng tim). Nó xuất hiện khi có các mảng bám tích tụ trên thành đông mạch vành. Chúng có thể là các mảng xơ vữa, mảng huyết khối. Hậu quả làm hẹp hoặc tắc lòng động mạch vành, dẫn đến mất cân bằng cán cân cung cấp oxy và chất dinh dưỡng quan trọng cho tim. Khi đó, các vùng cơ tim sẽ bị thiếu máu nuôi và nếu không được chữa trị kịp thời chúng có thể hoại tử và chết đi. Và hậu quả dẫn đến tim hoạt động bơm máu yếu đi và dẫn đến suy tim.

Bệnh tim mạch: Liệu bạn đã thật sự hiểu và biết về nó chưa?
Hình ảnh mô phỏng bệnh xơ vữa động mạch vành

Triệu chứng:

  • Đau ngực, tức ngực, nặng ngực và khó chịu ở ngực. Đau có thể lan đến cổ, hàm, cổ họng, bụng trên hoặc lưng.

  • Cảm giác hụt hơi, khó thở.

Rối loạn nhịp tim

Trái tim là một cơ quan tuyệt vời. Nó đập theo nhịp đều, khoảng 60 đến 100 lần mỗi phút. Đôi khi trái tim của bạn bị loạn nhịp. Bác sĩ gọi nhịp tim không đều hoặc bất thường là rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim có thể là nhịp tim không đều hoặc tim đập quá chậm hoặc quá nhanh.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Cảm giác hồi hộp.

  • Nhịp tim nhanh.

  • Nhịp tim chậm.

  • Đau ngực hoặc khó chịu.

  • Hụt hơi.

  • Chóng mặt.

  • Ngất.

Bệnh van tim

Bệnh van tim bao gồm bệnh hẹp van, hở van, hẹp – hở van. Nguyên nhân do 2 loại: bẩm sinh và mắc phải. Loại bẩm sinh hiếm gặp, hay nằm trong bệnh cảnh của nhiều tổn thương bẩm sinh khác. Thường gặp loại gặp phải, có thể do nhiễm trùng, thoái hóa. Ở nước ta và các nước nghèo khác thường gặp nhiều bệnh van 2 lá do thấp.

Bệnh tim mạch: Liệu bạn đã thật sự hiểu và biết về nó chưa?
Hình ảnh hệ thống van tim của con người

Tùy thuộc vào loại van nào không hoạt động, các triệu chứng bệnh van tim nói chung thường bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Hụt hơi.
  • Nhịp tim không đều.
  • Bàn chân hoặc mắt cá chân bị sưng.
  • Đau ngực.
  • Ngất xỉu.

Bệnh cơ tim

Đây là thuật ngữ cho các bệnh về cơ tim. Những người mắc các bệnh này có trái tim to bất thường, dày hoặc cứng. Thường bệnh lý về cơ tim hay gặp là bệnh cơ tim dãn nỡ hay phì đại. Nếu không điều trị, bệnh cơ tim sẽ trở nên tồi tệ hơn. Chúng có thể dẫn đến suy tim và nhịp tim bất thường.

Bệnh cơ tim đôi khi có thể do di truyền. Nhưng nó cũng có thể được gây ra bởi huyết áp cao, bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh chuyển hóa hoặc nhiễm trùng.

Xem thêm: Bệnh cơ tim giãn nở: Mối nguy hiểm âm thầm với hậu quả khôn lường!

Triệu chứng biểu hiện bao gồm:

  • Khó thở khi gắng sức hoặc nghỉ ngơi.
  • Sưng chân, mắt cá chân và bàn chân.
  • Mệt mỏi.
  • Nhịp tim không đều, cảm thấy đập nhanh hoặc chậm.
  • Chóng mặt, ngất xỉu.

Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh thường xảy ra trước khi sinh. Khi mang thai, qua việc siêu âm tiền sản, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường liên quan đến trái tim của con bạn. Tỉ lệ bệnh ước tính trên thế giới khá cao 8/1000 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh. Trẻ có thể có các triệu chứng sớm khi sinh như tím tái, ăn uống kém, bú kém, chậm tăng cân, khó thở, sưng phù cơ thể. Nhưng một số người mắc bệnh này có triệu chứng xuất hiện trễ hơn, thậm chí cho đến lúc trưởng thành.

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ chưa được biết rõ. Các gen có thể đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra, các bệnh lý, thói quen xấu của người mẹ có thể gây ra bệnh lý cho trẻ như mẹ bị nhiễm virus khi mang thai, mẹ uống rượu hoặc sử dụng ma túy.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tim bẩm sinh ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tim bẩm sinh ở trẻ

Yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch

  • Tuổi.
  • Di truyền.
  • Giới tính.
  • Hút thuốc lá.
  • Uống nhiều rượu bia.
  • Hoạt động thể chất không đầy đủ.
  • Chế độ ăn uống kém.
  • Cholesterol trong máu cao.
  • Thừa cân và béo phì.
  • Đời sống kinh tế và các áp lực tâm lý.
Lối sống lười vận động là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch
Lối sống lười vận động là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch

Một số các yếu tố nguy cơ này cũng gặp trong các bệnh mãn tính khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh thận mạn tính. Sự tương tác giữa các tình trạng mạn tính này rất phức tạp và không được hiểu rõ, tuy nhiên người ta biết rằng bệnh tiểu đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao gấp đôi so với dân số nói chung. Tỷ lệ đột quỵ có thể cao hơn gấp năm lần và tỷ lệ đau tim cao hơn gấp mười lần đối với người mắc bệnh tiểu đường so với những người không mắc bệnh tiểu đường.

Điều trị bệnh tim mạch

Điều trị nhằm mục đích:

  • Giảm triệu chứng.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm tái phát, tránh bệnh trở nên tồi tệ hơn.
  • Ngăn ngừa các biến chứng, chẳng hạn như suy tim, đột quỵ, đau tim, nhập viện, tử vong.
  • Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ tìm cách ổn định nhịp tim, giảm tắc nghẽn và giúp thư giãn các động mạch để cho phép lưu thông máu tốt hơn.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị các bệnh tim mạch có thể khác nhau tùy theo tình trạng bệnh lý bao gồm:

Tập thể dục thường xuyên

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên bạn nên dành 150 phút vận động thể chất từ trung bình đến cường độ cao mỗi tuần.

Thực hiện chế độ ăn có lợi cho tim mạch

Ăn thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa và omega-3, chẳng hạn như cá có dầu. Bên cạnh đó, trái cây và rau quả có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Giảm lượng thức ăn chế biến sẵn, muối, chất béo bão hòa và đường.

Bỏ hút thuốc

Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính đối với hầu hết các bệnh tim mạch. Mặc dù việc bỏ thuốc lá có thể khó khăn, nhưng thực hiện các bước để bỏ thuốc có thể làm giảm đáng kể tác dụng gây hại của nó đối với tim.

Dùng thuốc

Các loại thuốc điều trị giảm cholesterol cao như statin hoặc các thuốc chống đông để ngừa huyết khối.

Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để tìm ra các loại thuốc an toàn và hiệu quả. Họ cũng sẽ sử dụng thuốc để điều trị các tình trạng tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như bệnh tiểu đường trước khi chúng trở nên có vấn đề.

Phẫu thuật

Các thủ thuật y tế như đặt bóng nội động mạch hoặc đặt stent trong mạch máu, phẫu thuật van tim hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Chế độ ăn giúp bảo vệ tim mạch

Những thực phẩm tốt cho tim mạch sẽ chứa lượng calo thấp, giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như trái cây và rau quả. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh các thực phẩm giàu calo, chứa lượng muối cao. Chẳng hạn như thực phẩm tinh chế, chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh. Chế độ ăn uống này tốt cho trái tim và vòng eo của bạn.

Trái cây và rau quả là những thực phẩm tốt cho tim mạch
Trái cây và rau quả là những thực phẩm tốt cho tim mạch

Rau và trái cây

Đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt. Chúng cũng ít calo và giàu chất xơ. Các loại thực vật hoặc thực phẩm có nguồn gốc thực vật có chứa các chất dinh dưỡng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Thật dễ dàng để rau và trái cây xuất hiện trong chế độ ăn của bạn. Đồng thời, đây cũng là các loại thực phẩm dễ bảo quản. Bạn có thể kết hợp rau và trái cây vào các bữa chính như rau xào hoặc trái cây tươi trộn vào món salad.

Ngũ cốc nguyên hạt

Chúng là nguồn chất xơ tốt và chứa các chất dinh dưỡng khác có vai trò trong việc điều hòa huyết áp và sức khỏe của tim. Bạn có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn bằng cách thay thế đơn giản cho các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.

Xem thêm: Yến mạch: Nguồn chất xơ dồi dào cho cơ thể

Hạn chế lượng chất béo bão hòa

Đây là bước quan trọng để giảm cholesterol trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Nồng độ cholesterol trong máu cao có thể dẫn đến sự tích tụ các mảng bám trong động mạch của bạn, được gọi là xơ vữa động mạch. Chúng có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Thịt nạc, thịt gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo, trứng

Chúng là một số nguồn protein tốt nhất cho bạn. Cá là một lựa chọn tốt hơn các loại thịt nhiều chất béo. Và một số loại cá rất giàu axit béo omega-3, có thể làm giảm mỡ trong máu được gọi là triglyceride. Bạn sẽ tìm thấy lượng axit béo omega-3 cao nhất trong cá nước lạnh, chẳng hạn như cá hồi, cá thu và cá trích. Các nguồn khác là hạt lanh, quả óc chó, đậu nành và dầu hạt cải.

Các loại đậu như đậu Hà Lan và đậu lăng

Đậu Hà Lan là nguồn protein tốt, chứa ít chất béo và không có cholesterol. Chúng sẽ là nguồn thay thế tốt cho thịt. Thay thế protein thực vật cho protein động vật. Điều này sẽ làm giảm lượng chất béo, cholesterol và tăng lượng chất xơ cho cơ thể.

Giảm lượng muối trong chế độ ăn

Người trưởng thành khỏe mạnh được khuyên không nên ăn quá 2.3 mg natri mỗi ngày (khoảng một muỗng cà phê muối). Hạn chế các thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn.

Tóm lại, bệnh tim mạch là bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở nhóm người lớn tuổi. Thay đổi lối sống, chế độ ăn lành mạnh là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh lý nguy hiểm này. Bên cạnh đó, trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết để phối hợp cùng bác sĩ trong điều trị là việc cần làm cho mọi người bệnh. Hãy cùng chung tay với chúng tôi để bảo vệ trái tim khỏe mạnh của bạn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cardiovascular Diseaseshttps://www.webmd.com/heart-disease/guide/diseases-cardiovascular

    Ngày tham khảo: 30/04/2020

  2. Đại học Y dược TP.HCM, Bộ môn Nội (2012). Bệnh học nội khoa.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người