YouMed

Bà bầu bị đau mắt đỏ phải làm sao? Câu trả lời của bác sĩ

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Mang thai là giai đoạn mà phụ nữ cần được quan tâm và chăm sóc tốt nhất. Vì đây là lúc cơ thể chị em nhạy cảm trước nhiều tác nhân nhiễm bệnh. Trong đó, đau mắt đỏ cũng là vấn đề thường gặp. Vậy bà bầu bị đau mắt đỏ phải làm sao? Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin cần thiết về vấn đề trên.

Dấu hiệu bà bầu bị đau mắt đỏ?

Đau mắt đỏ là tên thường gọi của viêm kết mạc. Như tên gọi, đây là bệnh lý về mắt, do viêm màng kết mạc ở mắt. Kết mạc là lớp màng mỏng, trong suốt, lót mí mắt và nhãn cầu. Khi bị viêm, các mạch máu nhỏ trong lớp màng này sẽ sưng lên và bị kích thích, làm cho chúng dễ bị nhìn thấy hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân mắt có màu đỏ hoặc hồng khi bị viêm kết mạc.1

Tương tự như những đối tượng khác, các dấu hiệu đau mắt đỏ ở bà bầu bao gồm:1

  • Đỏ hoặc/và ngứa ở một hoặc cả hai mắt.
  • Cảm giác cộm ở một hoặc cả hai mắt.
  • Chảy dịch ở một hoặc cả hai mắt. Dịch này có thể tạo thành lớp vảy và khiến người bệnh khó mở mắt vào buổi sáng.
  • Chảy nước mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng, được gọi là chứng sợ ánh sáng.
Đỏ, ngứa và cộm ở mắt là dấu hiệu của đau mắt đỏ
Đỏ, ngứa và cộm ở mắt là dấu hiệu của đau mắt đỏ

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở mẹ bầu

Có nhiều nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ. Bao gồm:1

  • Virus.
  • Vi khuẩn.
  • Dị ứng.
  • Hóa chất trong mắt.
  • Dị vật trong mắt.

Vì đau mắt đỏ có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn nên bầu bầu nên đi thăm khám bác sĩ nhãn khoa để họ có thể chẩn đoán loại viêm kết mạc và đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.

Mang bầu bị đau mắt đỏ có sao không?

Đau mắt đỏ khi mang thai là một tình trạng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của mẹ bầu. Bệnh có thể khiến cho mẹ bầu mệt mỏi và nhạy cảm hơn bình thường. Tuy nhiên, đau mắt đỏ không phải là căn bệnh nguy hiểm đối với thai phụ và em bé trong bụng.

Đau mắt đỏ cũng không ảnh hưởng đến thị lực nếu được chữa trị đúng cách và kịp thời. Do đó, nếu mẹ bầu có các biểu hiện của đau mắt đỏ thì tốt nhất nên liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hợp lý sớm. Điều này tốt cho cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất – một điều kiện tiên quyết để có được một thai kỳ hoàn hảo.

Bà bầu bị đau mắt đỏ phải làm sao?

Khi bị đau mắt đỏ trong thời kỳ mang thai, tốt nhất mẹ bầu nên áp dụng các liệu pháp an toàn trước khi chuyển sang dùng dược phẩm. Trên thực tế, nguyên tắc chung cho bà bầu là dùng ít thuốc nhất có thể, ngay cả khi loại thuốc đó được coi là an toàn cho thai nhi.

Nếu nghi ngờ rằng dị ứng, chất kích thích hoặc chấn thương gây ra trường hợp đau mắt đỏ của mình, hãy thử các biện pháp khắc phục tại nhà này để giảm các triệu chứng trước, chẳng hạn như:2

  • Đắp một miếng gạc mát, ẩm lên mắt bị ảnh hưởng. Mỗi lần thay gạc bạn nên dùng miếng mới để tránh lây nhiễm.
  • Nhẹ nhàng làm sạch mắt bằng bông gòn hoặc miếng bông ướt để loại bỏ cặn tích tụ, chất tiết gây khó chịu.
  • Ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi mắt ổn định.
  • Sử dụng nước mắt nhân tạo không chứa hoạt chất, có sẵn mà không cần toa bác sĩ.
  • Duy trì vệ sinh tốt và chỉ chạm vào mắt khi tay đã rửa sạch.

Sau đó, nếu tình trạng mắt vẫn không thuyên giảm, bà bầu hãy đến bệnh viện thăm khám để được điều trị an toàn và phù hợp nhất.

Phụ nữ mang thai nếu bị đau mắt đỏ kéo dài thì nên liên hệ thăm khám để được điều trị an toàn và phù hợp
Phụ nữ mang thai nếu bị đau mắt đỏ kéo dài thì nên liên hệ thăm khám để được điều trị an toàn và phù hợp

Những việc mẹ bầu cần lưu ý khi bị đau mắt đỏ

Khi bị đau mắt đỏ, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:

  • Không dụi mắt vì có thể ảnh hưởng đến giác mạc, làm nặng hơn tình trạng đau mắt.
  • Bạn có thể mang kính để giảm thiểu bụi, tác nhân bay vào mắt. Điều này giúp quá trình hồi phục được tốt hơn.
  • Sử dụng khăn cá nhân để lau mặt để không lây bệnh cho người khác.
  • Uống nhiều nước nếu mắt bị khô.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, điều độ cũng giúp mắt nhanh khỏi.

Cách phòng ngừa đau mắt đỏ ở mẹ bầu

Những cách phòng bệnh này ở thai phụ như:3

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Đặc biệt rửa tay thật kỹ sau khi chạm vào người bị đau mắt đỏ hoặc vật dụng cá nhân của họ.
  • Tránh chạm vào mắt hoặc dụi mắt. Điều này có thể làm tình trạng đau mắt trở nên tồi tệ hơn hoặc lây lan sang mắt còn lại của bạn.
  • Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân, chẳng hạn như đồ trang điểm, thuốc nhỏ mắt, khăn tắm, khăn trải giường, kính áp tròng và hộp đựng cũng như kính đeo mắt.
  • Giặt vỏ gối, khăn trải giường, khăn mặt và khăn tắm thường xuyên bằng nước nóng và chất tẩy rửa; rửa tay sau khi giặt.
  • Không sử dụng cùng một sản phẩm mắt cho mắt bị nhiễm trùng và không bị nhiễm trùng của bạn.
  • Ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi bác sĩ cho phép.
  • Làm sạch, bảo quản và thay thế kính áp tròng theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa.
  • Mẹ bầu nên tránh các bể bơi công cộng trong thời kỳ mang thai.
Mẹ bầu nên hạn chế đến bể bơi công cộng để không bị nhiễm các mầm bệnh gây đau mắt đỏ
Mẹ bầu nên hạn chế đến bể bơi công cộng để không bị nhiễm các mầm bệnh gây đau mắt đỏ

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp câu hỏi: “Bà bầu bị đau mắt đỏ phải làm sao?”. Đau mắt đỏ ở mẹ bầu vẫn có những triệu chứng tương tự như với các đối tượng khác. Tuy không phải là tình trạng nguy hiểm nhưng mẹ bầu vẫn nên thực hiện thăm khám sớm khi có triệu chứng để giúp cơ thể thoải mái và khỏe mạnh trong thời kỳ mang thai nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Pink eye (conjunctivitis)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355

    Ngày tham khảo: 25/05/2023

  2. Conjunctivitishttps://www.nhs.uk/conditions/conjunctivitis/

    Ngày tham khảo: 25/05/2023

  3. Conjunctivitis (Pink Eye) - Preventionhttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/prevention.html

    Ngày tham khảo: 25/05/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người