YouMed

Bà bầu bị đau răng có nguy hiểm không?

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Mang thai là khoảng thời gian tuyệt đẹp, mẹ bầu sẽ làm mọi thứ để đảm bảo cho thai nhi khỏe mạnh. Ví dụ như tập thể dục, bỏ một số thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia. Ngoài ra, vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng của các mẹ bầu cũng cần được chú ý. Trong đó, vấn đề không mong muốn nhất trong thai kỳ chính là bà bầu bị đau răng. Vậy phải làm gì khi bị đau răng trong thai kỳ? Đừng lo lắng, bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn.

Nguyên nhân bà bầu bị đau răng

Đau răng do thay đổi nội tiết tố 

Thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân hàng đầu khiến các bà bầu bị đau răng. Trong thời kỳ mang thai, estrogen và progresteron tăng lên gây ra các triệu chứng nôn, buồn nôn. Điều này cũng khiến các mảng bám răng dễ tích tụ gây hiện tượng đau răng. Sự tích tụ các mảng bám có thể là nguyên nhân gây chảy máu chân răng và viêm. Tình trạng viêm này được gọi là viêm nướu thai kỳ, phổ biến ở 75% phụ nữ mang thai. 

Mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm có thể dẫn đến bệnh nha chu. Bệnh nha chu là một nhiễm trùng nướu khá nghiêm trọng, là biến chứng nặng của tình trạng đau răng. Bệnh có thể gây phá hủy mô nâng đỡ răng khiến lợi dần dần không bám chắc chắn vào bề mặt chân răng. Hậu quả là gây đau răng, nghiêm trọng hơn là mất răng sau này.

Đau răng do lơ là việc chăm sóc răng miệng

Hầu hết các thai phụ đều ốm nghén, đau lưng, mệt mỏi… Những vấn đề toàn thân này khiến các mẹ bầu quên đi việc chải răng mỗi ngày. Điều này dẫn đến tích tụ các mảng bám – nguyên nhân hàng đầu gây đau răng

Đau răng do răng khôn mọc lệch 

Thông thường, răng khôn mọc ở độ tuổi từ 17-25 tuổi. Răng khôn mọc lệch trong thời gian mang thai có thể khiến các mẹ bầu cực kỳ khó chịu. Sự mọc “khôn” này gây đau, có thể làm mất ngủ, vướng víu trong ăn nhai. Nếu kéo dài cơ thể người mẹ mệt mỏi, thiếu chất, làm thai nhi suy dinh dưỡng, chậm phát triển cả về cơ thể lẫn trí não.

Đau răng do sâu răng

Sâu cũng có thể là nguyên nhân làm đau răng ở bà bầu. Nguyên nhân của sâu răng là trong thai kỳ, mẹ bầu rất thèm ăn một số thức ăn đặc biệt. Thông thường là những thức ăn không lành mạnh như thực phẩm ngọt, có đường. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn trong răng phát triển dẫn đến sâu. Và nếu có thêm các răng sâu trước đó sẽ làm bà bầu bị đau răng nặng nề hơn. Do đó nên chú ý đi phục hồi các răng bị tổn thương trước khi mang thai. 

Do bệnh trào ngược dạ dày phối hợp

Bà bầu bị đau răng rất có thể là do có mắc bệnh trào ngược dạ dày phối hợp dù nguyên nhân này khá hiếm. Lý do là bệnh sẽ khiến bạn nôn nhiều axit dạ dày lên khoang miệng, làm yếu men răng. Để cải thiện, hãy ngậm nước lọc trong miệng 2-3 phút sau khi nôn. Mục đích của việc làm này để hòa loãng axit có hại trong khoang miệng. 

Thường xuyên nôn có thể gây tổn hại men răng
Thường xuyên nôn có thể gây tổn hại men răng

Điều trị đau răng ở bà bầu

Đau răng và chữa trị răng luôn là vấn đề nan giải với hầu hết mọi người. Đặc biệt là phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vậy bà bầu bị đau răng phải làm sao? 

Bà bầu bị đau răng phải làm sao?
Bà bầu bị đau răng phải làm sao?

Đến gặp nha sĩ

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bà bầu bị đau răng hãy đến gặp nha sĩ ngay!

Các mẹ bầu đừng quá lo lắng về việc đi gặp nha sĩ sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi. Hiện nay, việc chụp X-quang và một số thủ thuật nha khoa khi mang thai đã được kiểm chứng là an toàn. Cũng có một số thủ thuật cần phải đến 3 tháng giữa trở lên mới thực hiện được đặc biệt là thuốc tê.

Thuốc tê có thể làm ảnh hưởng thai nhi trong 3 tháng đầu. Do đó trong giai đoạn này, bà bầu bị đau răng nếu cần trám răng, chữa tủy thì nha sĩ sẽ hoãn đến tam cá nguyệt thứ hai. 

Giữ vệ sinh răng miệng

Rất nhiều người giữ thói quen tốt là đi nha sĩ mỗi 6 tháng. Khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục thói quen này. Vì thực ra, việc làm sạch răng định kỳ không hề gây hại cho em bé. Thậm chí còn có thể giúp bạn làm sạch các mảng bảm, giảm ê buốt răng. Nếu bị đau răng trong thai kỳ, bạn hãy thử cân nhắc đi làm sạch răng định kỳ. Việc làm sạch các mảng bám còn có thể điều trị viêm lợi khi mang thai. Thậm chí nha sĩ có thể khuyên bạn nên làm sạch răng định kỳ 3 tháng một lần thay vì 6 tháng một lần.

Điều trị kịp thời ngay khi có thể 

Tùy tình trạng của bà bầu mà nha sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp.

Nếu mẹ bầu có khối u do các mảng bám lâu ngày gây ra, khiến bà bầu bị đau răng, cản trở việc ăn uống. Lúc này nha sĩ có thể xem xét loại bỏ chúng. Thông thường khối u này không phải là loại khối u trên nướu (loại u nguy hiểm) và thường được can thiệp vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba.

Nếu thai phụ phát triển bệnh nha chu và răng bị lung lay, thì việc nhổ răng trong tam cá nguyệt thứ hai có thể được xem xét để giảm đau răng và ê buốt. Sau đó có thể cấy ghép răng hoặc chỉnh cầu răng. Hai thủ thuật này đều an toàn sau tam cá nguyệt hai. 

Chữa đau răng tại nhà

Các bà bầu có thể áp dụng cách chăm sóc răng đau nhức tại nhà dưới đây. Các phương pháp này khá hiệu quả mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.

Cách chữa đau răng tại nhà cho bà bầu bị đau răng
Cách chữa đau răng tại nhà cho bà bầu bị đau răng

Tỏi tươi

Tỏi được biết đến với nhiều tác dụng thần kỳ, chứa nhiều hoạt chất sinh học. Trong tỏi có hoạt chất sulfur có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm mạnh. Do đó, tỏi được biết đến là cách chữa sâu răng dân gian thường sử dụng rất hiệu quả. Khi bà bầu bị đau răng, dùng vài tép tỏi giã nát cùng vài hạt muối trắng, sau đó dùng hỗn hợp này đắp lên chỗ răng đau khoảng 10 phút bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Ngoài ra, dùng nước ép tỏi pha loãng với nước để súc miệng mỗi ngày và ngăn ngừa sâu răng cũng rất hiệu quả. 

Chườm đá lạnh

Chườm đá là phương pháp giảm đau răng rất nhanh. Khi chườm đá lạnh lên má, nhiệt độ lạnh sẽ làm tê liệt các dây thần kinh cảm giác, từ đó giảm đau răng. Phương pháp này thường được sử dụng trong nhiều trường hợp đau răng khôn

Mỗi khi xuất hiện cơn đau răng, lấy vài viên đá cho vào miếng vải sạch và mỏng. Sau đó chườm lên vùng má bên ngoài chỗ răng bị đau nhẹ nhàng trong vòng từ 15-20 phút

Lá lốt

Lá và thân cây có chứa alcaloid và tinh dầu, tinh dầu có thành phần chủ yếu là beta-caryophylen, rể chứa benzylacetat có tính kháng khuẩn rất tốt. Lá lốt có vị cay, mùi thơm có tác dụng hạ khí giảm đau răng. Bà bầu bị đau răng lấy cả thân, lá, rễ sắc nước đặc và ngậm liền 3-4 ngày sẽ có hiệu quả.

Gừng

Gừng có tính kháng viêm. Dùng rễ hoặc củ gừng giã nát rồi bôi lên chỗ răng bị đau. Lặp lại nhiều lần trong ngày sẽ giúp giảm đau răng ở bà bầu. 

Cách phòng ngừa đau răng ở bà bầu 

Khi mang thai đã quá có nhiều những khó chịu về mặt thể chất. Vì vậy, phòng ngừa đau răng cho các mẹ bầu làm giảm phần nào những đau đớn trong thời kỳ mang thai. Điều đơn giản nhất là đừng quên vệ sinh răng miệng thường xuyên trong suốt thai kỳ. Dưới đây là những cách để ngăn ngừa cho bà bầu bị đau răng:

Vệ sinh răng miệng thường xuyên

Chải răng ít nhất hai lần một ngày và sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần. Ngoài ra, sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa flo để ngăn ngừa đau răng do sâu. 

Súc miệng bằng nước sau khi nôn.

Điều này nhằm hòa loãng lượng axit trong khoang miệng khi bạn nôn. Lưu ý tuyệt đối không đánh răng sau khi nôn. Nhiều người nghĩ rằng đánh răng để làm sạch khoang miệng sau khi nôn. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm. Do các hợp chất mài mòn có trong kem đánh răng và tác động chà xát của bàn chải kết hợp với nồng độ axit cao sẽ làm phá hủy men răng, làm đau răng trầm trọng hơn. 

Hạn chế thức ăn có đường và carbonhydrat

Mẹ bầu nên ăn các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, bánh quy làm từ lúa mì nguyên cám và trái cây. Hạn chế các đồ ăn, đồ uống ngọt, có đường để hạn chế sâu răng. Hơn nữa còn làm giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ. 

Để có sức khỏe răng miệng tốt trong thời kỳ mang thai, các mẹ nên giữ gìn và chăm sóc răng một cách tốt nhất. Những phụ nữ có ý định mang thai thì nên đi khám răng định kỳ để lấy sạch vôi răng, chữa dứt điểm các bệnh lý răng miệng khác nếu có. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn trong việc chuẩn bị cũng như can thiệp tốt nhất để có một thai nhi khỏe mạnh, thai kỳ an toàn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-teeth-pain
  2. https://suckhoedoisong.vn/cho-de-dau-rang-trong-thai-ky-n185971.html

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người