Bà bầu bị tay chân miệng có sao không? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Bệnh tay chân miệng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người mắc phải. Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ mắc bệnh này nếu không phòng ngừa cẩn thận. Vậy, bà bầu bị tay chân miệng có sao không? Cần phòng ngừa tay chân miệng như thế nào? Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ giúp bạn đọc giải quyết những vấn đề trên. Hãy cùng theo dõi nhé!
Bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tay chân miệng do virus thuộc họ enterovirus gây ra, bao gồm những chủng sau:1
- Coxsackievirus A16 thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tay chân miệng ở Hoa Kỳ. Nhưng các coxsackievirus khác cũng có thể gây bệnh.
- Coxsackievirus A6 cũng có thể gây bệnh tay chân miệng. Khi nhiễm loại virus này các triệu chứng có thể trầm trọng hơn.
- Enterovirus 71 (EV-A71) là chủng có liên quan đến bệnh tay chân miệng và đợt bùng phát ở các nước Đông Á và Đông Nam Á. Mặc dù hiếm gặp, nhưng EV-A71 có liên quan đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn như viêm não (sưng não).
Bệnh tay chân miệng lây lan như thế nào?
Bệnh tay chân miệng thường lây lan qua tiếp xúc giữa người với người. Virus tồn tại trong chất thải (phân) của người bệnh, sẽ bám vào thức ăn, nước uống hay đồ dùng của mẹ bầu và xâm nhập vào cơ thể. Nghiêm trọng hơn, mầm bệnh từ virus còn ẩn mình trong dịch tiết từ miệng hay hệ hô hấp hay từ chất lỏng tại các mụn nước.1
Bà bầu bị tay chân miệng có sao không?
Không có bằng chứng lâm sàng nói về việc mẹ bầu mắc bệnh tay chân miệng sẽ bị sảy thai, thai chết lưu hay dị tật bẩm sinh khi đứa bé chào đời.
Tuy nhiên, việc virus tay chân miệng theo nhau thai để di chuyển sang bào thai chiếm tỷ lệ khá cao, từ 30% đến 50%. Do đó điều này gây ra nhiều trường hợp thai nhi và trẻ sơ sinh bị chết lưu không rõ nguyên nhân. Nhưng tốc độ lây truyền của chúng và mối tương quan giữa nhiễm trùng bào thai cũng như kết quả tiến triển bệnh sau đó vẫn chưa được ghi nhận rõ ràng.2
Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu nhiễm enterovirus trong nửa sau của thai kỳ thì trẻ sơ sinh có thể gặp các biến chứng sau:2
- Đông máu rải rác nội mạch ở trẻ sơ sinh.
- Xuất huyết nội sọ sơ sinh.
- Tử vong sơ sinh.
- Thai chết lưu.
- Viêm màng não.
Những ảnh hưởng của triệu chứng tay chân miệng với mẹ bầu?
Một trong những triệu chứng khó chịu của bệnh tay chân miệng là sốt. Phụ nữ mang thai sốt cao trong thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai. Đây là trường hợp rất hiếm nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra.3
Ngoài ra, khi bị ở loét tại miệng, mẹ sẽ khó khăn trong việc ăn uống. Điều này có thể khiến mẹ bầu không nạp đủ chất dinh dưỡng cho bản thân và em bé. Trong khi đó chất dinh dưỡng là yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và thể chất của bé sau này. Hơn nữa, khi ở tay chân mẹ bầu bị ảnh hưởng, sinh hoạt hàng ngày của mẹ cũng khó khăn hơn trước. Tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng lên cả tinh thần và thể chất của mẹ bầu.
Điều trị tay chân miệng ở mẹ bầu như thế nào?
Việc điều trị bệnh tay chân miệng quan trọng nhất là giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Nó đúng ở cả trẻ em, người lớn hay phụ nữ mang thai. Mẹ bầu nên cố gắng uống nhiều nước, cung cấp đủ dưỡng chất để nhanh chóng khỏe mạnh và đảm bảo không ảnh hưởng đến thai nhi.4
Mẹ bầu cần cân nhắc việc sử dụng thuốc giảm đau hay hạ sốt và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng chúng. Ngay cả khi đó là thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, một số thuốc giảm đau không kê đơn có thể gây hại cho phụ nữ mang thai, bao gồm:5
1. Acetaminophen
Hầu hết phụ nữ mang thai có thể dùng thuốc này khi có sự đồng ý của bác sĩ. Nhưng nếu bạn có tiền sử dị ứng hay vấn đề về gan thì hãy “tránh xa” khi đang mang thai. Đối với mẹ bầu được phép dùng thuốc này, thì vẫn nên dùng càng ít và thời gian càng ngắn. Acetaminophen không gây ra các vấn đề nghiêm trọng như sảy thai hay dị tật bẩm sinh nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Dùng acetaminophen hàng ngày trong thời gian dài (từ 28 ngày trở lên) được cho là có thể khiến đứa bé sinh ra có nguy cơ cao bị chậm phát triển (mức độ nhẹ) hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Bên cạnh đó, acetaminophen còn được chỉ ra nếu được sử dụng hàng ngày hoặc gần như hàng ngày trong nửa sau của thai kỳ thì sẽ làm tăng nguy cơ bé sinh ra bị thở khò khè hoặc mắc bệnh hen suyễn.
2. NSAID
Đây không phải là một lựa chọn an toàn cho phụ nữ mang thai khi cần giảm đau, hạ sốt. Việc dùng NSAID (ibuprofen, naproxen, aspirin, celecoxib) trong thời kỳ đầu được phát hiện có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác cho thấy thuốc NSAID (dùng trong giai đoạn sớm của thai kỳ) có thể tăng nhẹ nguy cơ gây các vấn đề về tim mạch hay tiêu hóa của trẻ.
Thuốc nhóm NSAID không được dùng trong 3 tháng cuối của thai kỳ vì sẽ khiến mạch máu trong tim bé đóng lại. Điều này dẫn đến nguy cơ huyết áp cao trong phổi em bé. Việc dùng thuốc nhóm NSAID cũng khiến mẹ bầu khó chuyển dạ hơn hoặc có thể làm giảm lượng nước ối.
Vì vậy, việc sử dụng thuốc nhóm này để giảm đau khi bị tay chân miệng cần được giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ khi bạn đang mang thai.
3. Thuốc giảm đau Opioid
Bao gồm: codein, morphine hay oxycodone. Chúng thuộc loại thuốc giảm đau mức độ mạnh. Do đó, khi một người mang thai sẽ được bác sĩ khuyên ngừng dùng thuốc này lại để đảm bảo sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Việc ngưng thuốc này không nên đột ngột mà cần có sự từ từ để đảm bảo không ảnh hưởng đến “cai nghiện”.
Việc sử dụng Opioid có thể làm tăng khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh (ví dụ vấn đề trên tim mạch). Chúng cũng làm tăng khả năng sinh non hoặc thậm chí làm thai chết lưu rất nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu mẹ bầu dùng thuốc giảm đau Opioid trong khi mang thai thì đứa bé sinh ra có thể bị nghiện thuốc. Đây được gọi là hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh (NAS). Hội chứng này nghiêm trọng và có thể khiến bé gặp các vấn đề về hô hấp.
Cần phòng tránh bệnh như thế nào?
Mẹ bầu có thể tham khảo những cách sau đây để phòng ngừa bệnh tay chân miệng:
- Vệ sinh sạch sẽ là cách bảo vệ tốt nhất: rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi lau mũi và sau khi thay tã hoặc quần áo bẩn. Bạn có thể dùng găng tay dùng một lần khi thay tã lót.
- Tránh dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống, vật dụng vệ sinh cá nhân (ví dụ như khăn tắm, máy giặt và bàn chải đánh răng) và quần áo (đặc biệt là giày và tất)
- Giặt kỹ toàn bộ quần áo bẩn.
- Đảm bảo che miệng và mũi khi ho và hắt hơi. Lau mũi và miệng bằng khăn giấy, vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng rồi rửa tay thật sạch.
- Mẹ bầu cũng không nên tiếp xúc gần với những bệnh nhân đang nhiễm tay chân miệng (đặc biệt là trong giai đoạn mang thai ở giai đoạn cuối).
Lưu ý rằng virus có thể tồn tại trong phân ở thời gian vài tuần sau khi hết phát ban, bạn hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung liên tục với tã lót bẩn.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc “Bà bầu bị tay chân miệng có sao không?” cho bạn đọc. Hãy thực hiện biện pháp phòng tránh tay chân miệng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How Hand, Foot, and Mouth Disease Spreadshttps://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/transmission.html
Ngày tham khảo: 26/06/2023
-
A Rare Presentation of Hand, Foot, and Mouth Disease During Pregnancyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9411823/
Ngày tham khảo: 26/06/2023
-
Hand, foot and mouth diseasehttps://www.nhs.uk/conditions/hand-foot-mouth-disease/
Ngày tham khảo: 26/06/2023
-
How to Treat Hand, Foot, and Mouth Diseasehttps://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/treatment.html
Ngày tham khảo: 26/06/2023
-
What Pain Relievers Are Safe During Pregnancy?https://www.webmd.com/baby/pain-relievers-that-are-safe-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 26/06/2023