YouMed

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

BS Nguyễn Tấn Phước Thịnh
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Tấn Phước Thịnh
Chuyên khoa: Nhi khoa

Bệnh tay chân miệng là bệnh phổ biến ở trẻ em mà các bậc phụ huynh và thường quan tâm, lo ngại. Tuy bệnh hầu như không quá nghiêm trọng, nhưng có thể dễ dàng lây nhanh ở trẻ em tiến triển thành dịch bệnh. Vậy thật sự bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh gì? Làm sao có thể hiểu đúng, phát hiện sớm bệnh cũng như nhận thức được  mức độ nghiêm trọng của bệnh nhằm trang bị những kiến thức về các biện pháp phòng ngừa, xử trí ban đầu tại nhà và khi nào thì cần sự giúp của nhân viên y tế. Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Tấn Phước Thịnh đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé.

Tổng quan bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính các virus đường ruột gây nên. Tác nhân thường gặp nhất là Coxsackie virus nhóm A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có thể không quá nghiêm trọng tuy nhiên một vài trường hợp có thể gây ra biến chứng nguy hiểm ở não, tim… Thậm chí, bệnh có thể dẫn đến tử vong nên cần nhận biết sớm để có các biện pháp điều trị phù hợp.1 2

Đặc điểm nhận biết của bệnh là sốt, đau họng và những vết loét hoặc bóng nước trên nền hồng ban ở những vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, bàn tay, bàn chân và đầu gối, cùi chỏ, mông. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở trẻ 3 tuổi, dễ lây lan thành dịch. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng nổi trội vào tháng 2 – tháng 4 và tháng 9 – tháng 12 hàng năm.1 2

bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em

Vì sao trẻ lại mắc bệnh tay chân miệng?

Tay chân miệng là bệnh gây ra bởi virus. Vì vậy bất cứ trẻ nào nhiễm virus đều có thể lây bệnh cho trẻ khác. Đường lây truyền chủ yếu của bệnh là qua đường phân – miệng, một số trường hợp lây qua dịch tiết từ mũi và họng như nước bọt, nước mũi, giọt bắn từ đường hô hấp sau khi ho và dịch vỡ ra từ bóng nước của trẻ bệnh.2

Do vậy trẻ ở độ tuổi dưới 5, đặc biệt trẻ 3 tuổi hiếu động, thích khám phá mọi thứ, chưa ý thức được vệ sinh sạch sẽ, sinh hoạt tập thể ở nhà trẻ, mẫu giáo thường là yếu tố khiến trẻ dễ mắc bệnh và hình thành dịch.2

Tại sao trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi dễ mắc bệnh?  Vì trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi thường có kháng thể từ mẹ truyền sang nên ít khi mắc bệnh. Còn trẻ trên 5 tuổi đa số đã hình thành kháng thể do đã nhiễm Enterovirus từ trước nhưng không có triệu chứng. Tuy nhiên trẻ lớn và người lớn vẫn có thể mắc bệnh tay chân miệng và cũng có thể bị nhiều lần trong đời.3 4

Một số ví dụ cách thức lây bệnh ở trẻ:5

  • Tiếp xúc giọt bắn sau hắt xì / ho của trẻ bệnh.
  • Tiếp xúc gần với trẻ bệnh: ôm, hôn, chạm, ăn uống chung.
  • Chạm vào phân, bề mặt, môi trường có virus sau đó đưa tay vào mắt mũi miệng.
Trẻ chơi đùa nhưng quên rửa tay sạch sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh
Trẻ chơi đùa nhưng quên rửa tay sạch sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh

Triệu chứng bệnh tay chân miệng

Thông thưởng bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh, tức là thời gian kể từ khi nhiễm virus đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khi virus đạt số lượng nhất định thể hiện bệnh, khoảng từ 3 – 6 ngày. Sau đó bệnh sẽ tiến triển theo 3 giai đoạn: khởi phát, toàn phát và lui bệnh.

Các triệu chứng của bệnh theo từng giai đoạn như sau:1 2 6

Giai đoạn khởi phát

Các biểu hiện chưa đặc hiệu của bệnh, kéo dài 1- 2 ngày:

  • Trẻ bắt đầu sốt tùy mức độ, có thể sốt cao , vừa hoặc nhẹ.
  • Biếng ăn.
  • Đau họng, nôn ói hoặc tiêu lỏng.
  • Cảm thấy không khỏe, trẻ ít chơi đùa và năng động hơn bình thường.
Trẻ sốt, mệt mỏi ở giai đoạn khởi phát của bệnh
Trẻ sốt, mệt mỏi ở giai đoạn khởi phát của bệnh

Giai đoạn toàn phát

Các triệu chứng đặc hiệu của bệnh bắt đầu xuất hiện, đây là thời kỳ cần theo dõi sát vì có thể xuất hiện các biến chứng hoặc dấu hiệu nặng, kéo dài từ ngày 3 – 10 của bệnh.

Triệu chứng sang thương da niêm

Sang thương da

Phát ban dạng nốt đỏ phẳng (sẩn hồng ban) hoặc nổi gồ trên bề mặt da, thường không ngứa hoặc mụn nước (kích thước 2 – 10 mm) dịch trong, đôi khi hơi đục trên nền hồng ban.

Hình ảnh sang thương da ở tay
Hình ảnh sang thương da ở tay

Vị trí thường thấy là ở lòng bàn tay, bàn chân. Đôi khi tổn thương xuất hiện ở gối, khuỷu, mông và cơ quan sinh dục.

Mụn nước thường ít khi vỡ, lành tính, không để lại sẹo, nhiễm trùng da sau vỡ cũng hiếm gặp, thường sẽ lành sau 3-4 ngày. Tuy nhiên dịch trong mụn nước có thể chứa virus có thể lây bệnh khi vỡ, vì thế hãy giữ mụn nước sạch và hạn chế chạm vào mụn nước.

Hình ảnh bóng nước trên nền hồng ban ở chân
Hình ảnh bóng nước trên nền hồng ban ở chân

 

Sang thương niêm mạc

Bóng nước ở niêm mạc miệng diễn tiến nhanh chóng thành vết loét, đường kính 2 – 3 mm. Vị trí điển hình: 2 bên má, nước, vòm họng và trên lưỡi. Vết loét giới hạn rõ, bờ trơn láng, đáy vết loét nông và có màu trắng.

Hình ảnh vết loét ở lưỡi khi trẻ bị tay chân miệng
Hình ảnh vết loét ở lưỡi khi trẻ bị tay chân miệng

Vết loét khiển trẻ đau khi nuốt, một số dấu hiệu gợi ý trẻ đau: trẻ giảm ăn, giảm bú, chảy nước bọt nhiều vì không nuốt được và chỉ muốn uống nước lạnh.

Hình ảnh vết loét ở bên má
Hình ảnh vết loét ở bên má

Triệu chứng giai đoạn lui bệnh

Giai đoạn này các triệu chứng dần biến mất và cải thiện

Thông thường nếu không xảy ra biến chứng, hầu hết trẻ sẽ khỏi bệnh không biến sau 7 – 10 ngày từ lúc khởi bệnh trẻ giảm sốt, ăn uống được, hết quấy khóc. Vết loét ở miệng lành dần, mụn nước ngoài da tự xẹp và mất, nếu vỡ sẽ đóng mày, để lại vết thâm da mờ dần theo thời gian, không để lại sẹo.

Bệnh tay chân miệng thường ít xảy ra biến chứng nặng và sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, vẫn có sự khác nhau ở biểu hiện lâm sàng khi tác nhân gây bệnh là khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới, một số vụ dịch tay chân miệng xảy ra gần đây, khi nhiễm EV71 có thể gây ra một số biến chứng ở hệ thần kinh trung ương và toàn thân nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Ngược lại với trường hợp nhiễm CA16 thường có diễn tiến tốt hơn.1

Một số biến chứng có thể xảy ra

Biến chứng thần kinh

Biến chứng hô hấp tuần hoàn

Xảy ra khi có tổn thương thân não, nơi có trung tâm điều hòa hô hấp tuần hoàn, trẻ sẽ rơi vào suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim.

Dấu hiệu nhận biết biến chứng

Dấu hiệu để nhận biết trẻ có biến chứng sẽ xảy ra ở giai đoạn toàn phát, đặc biệt vào ngày thứ 3 – 5 của bệnh.2 4

1. Dấu hiệu ở hệ thần kinh

  • Bứt rứt, lừ đừ, chới với, run chi, trợn mắt, đi loạng choạng, giật mình.
  • Yếu chi.
  • Co giật, hôn mê.

2. Dấu hiệu ở việc hô hấp

Thở không đều. thở nhanh, co lõm ngực, sùi bọt hồng.

3. Dấu hiệu ở hệ tuần hoàn

Mạch nhanh, nhịp tim nhanh, da nổi bông, da lạnh.

Phân loại các mức độ của bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Nhìn chung bệnh tay chân miệng có nhiều triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, để dễ ghi nhớ và thuận tiện trong việc thực hiện điều trị bệnh tay chân miệng, người ta chia bệnh làm 4 mức độ theo độ nặng tăng dần của bệnh

Tay chân miệng độ 1

Chỉ có phát ban tay chân miệng ở da kèm có hoặc không loét miệng.

Tay chân miệng độ 2

Độ 2a: Có một trong các dấu hiệu sau

  • Trẻ có giật mình  dưới 2 lần trong 30 phút.
  • Sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39ºC, nôn nhiều, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.

Độ 2b:

  • Giật mình nhiều từ 2 cơn trong 30 phút trở lên.
  • Sốt cao trên 39,5℃ hoặc không hạ sốt khi uống thuốc.
  • Run chi, đi loạng choạng.
  • Yếu chi, liệt chi.

Tay chân miệng độ 3

  • Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc từng vùng.
  • Thở nhanh, thở bất thường: cơn ngừng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm ngực, khò khè.
  • Rối loạn tri giác.

Tay chân miệng độ 4

  • Sốc.
  • Phù phổi cấp.
  • Tím tái.
  • Ngừng thở.

Trên thực tế, khi trẻ có các dấu hiệu từ độ 2a trở lên đã có chỉ định nhập viện và được theo dõi bởi nhân viên y tế. Cụ thể, độ 2a là nằm ở phòng bệnh cùng người nhà theo dõi dấu hiệu chuyển độ với chế độ chăm sóc như độ 1. Độ 2b sẽ được nhân viên y tế đánh giá và có thể cho nhập phòng cấp cứu của khoa để theo dõi và có những biện pháp chăm sóc điều trị nâng cao.

Độ 3, độ 4 với mức độ nguy hiểm cao hơn có thể phải nhập viện ở khoa hồi sức tích cực. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trẻ chỉ có thể biểu hiện ở độ 1 và độ 2a, vì thế người nhà cần biến cách phát hiện sớm và theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm khi nào cần nhập viện cũng như chăm sóc trẻ hiệu quả khi trẻ mới chỉ ở độ 1 của  bệnh.

Làm sao có thể sớm nhận biết bệnh tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng được chẩn đoán dựa trên sự kết hợp các yếu tố đặc trưng của bệnh:

  • Yếu tố môi trường xung quanh trẻ: nhà trẻ, khu sinh hoạt tập thể.
  • Tuổi mắc bệnh: thường ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi.

Triệu chứng thường gặp là khởi phát bởi sốt, đau họng, biếng ăn. Sang thương da đặc trưng của bệnh gồm: loét miệng, bóng nước trên nền hồng ban và các sẩn hồng ban ở những vị trí đặc biệt như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối…

Một số biện pháp điều trị và chăm sóc trẻ tại nhà khi trẻ chưa có dấu hiệu nặng

Người nhà cần phải hiểu bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus, vì vậy kháng sinh là không cần thiết và không hiệu quả. Phần lớn bệnh sẽ tự khỏi trong 7 – 10 ngày, ngoại trừ một số trường hợp nặng cần có chỉ định của bác sĩ.5

Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Vì vậy, việc chúng ta có thể làm là giúp trẻ là điều trị triệu chứng, chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng. Việc quan trọng nhất phải theo dõi sát sao những dấu hiệu gợi ý bệnh tiến triển nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Một số biện pháp chăm sóc trẻ:5

  • Có thể cho trẻ hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol 10 – 15 mg/kg khi trẻ sốt từ 38,5℃. Nếu trẻ tăng thân nhiệt < 38,5℃, có thể thực hiện lau mát cho trẻ bằng nước ấm ở hai nách và hai bên bẹn.
  • Trẻ bị loét miệng, đau họng nên rất khó ăn uống, kiên nhẫn cho trẻ ăn đồ lỏng, dễ tiêu, đút muỗng chậm để tránh nôn ói.
  • Cho trẻ ăn đủ bữa ăn, tránh các loại thức uống như nước ép, nước ngọt vì có acid khiến trẻ đau họng nhiều hơn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh kích thích.
  • Cho trẻ nghỉ học, tránh lây cho trẻ khác cùng môi trường.

Khi nào thì cần đến gặp bác sĩ hoặc các cơ sở y tế?

Nếu có điều kiện, tốt nhất nên cho trẻ tái khám cơ sở y tế mỗi 1- 2 ngày trong 7 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt 48 giờ.

Những dấu hiệu cần cho trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế:2 4 5

  • Khi trẻ không uống được như bình thường và người nhà cảm thấy lo lắng trẻ bị mất nước.
  • Trẻ lừ đừ, ít chơi, không tươi tỉnh.
  • Trẻ sốt từ 3 ngày trở lên hoặc sốt cao liên tục khó hạ sốt (trên 39℃).
  • Trẻ thở nhanh, khó thở.
  • Giật mình, run chi, bứt rứt, khó ngủ, nôn nhiều.
  • Đi loạng choạng.
  • Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
  • Co giật, hôn mê.

Chẩn đoán xác định tại cơ sở y tế

Bệnh tay chân miệng thường được chẩn đoán dựa trên lâm sàng hay nói cách khác dựa trên việc hỏi bệnh sử, các yếu tố liên quan, triệu chứng của bệnh và thăm khám trực tiếp. Điều này nhằm mục đích tìm hiểu người bệnh có hay không sự xuất hiện những sang thương da niêm đặc trưng và vị trí điển hình của chúng trong quá trình bệnh.

Vì vậy đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng điển hình và không có biến chứng, thường không cần làm thêm xét nghiệm để xác định chẩn đoán. Tuy nhiên, khi bệnh cảnh không điển hình, gây khó khăn để xác định bệnh hoặc khi bệnh diễn tiến xuất hiện những biến chứng nặng và một số tình huống đặc biệt khác, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra tác nhân và theo dõi các biến chứng.3 6

Xét nghiệm tác nhân gây ra bệnh

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction) hoặc nuôi cấy virus từ mẫu bệnh phẩm lấy từ họng, phân, dịch mụn nước. Kỹ thuật PCR được ưa chuộng hơn cấy virus vì độ nhạy cao hơn và khi có kết quả cũng sớm hơn.3

Xét nghiệm theo dõi bệnh khi có biến chứng3

Công thức máu: trong trường hợp nặng có nhiễm trùng, bạch cầu tăng cao và Neutrophil ưu thế.

Đường huyết: trong trường hợp có biến chứng rối loạn thần kinh thực vật, đường huyết tăng cao trên 160 mg/dL.

Dịch não tủy: cần thiết trong trường hợp có biến chứng thần kinh.

X quang ngực thẳng: có thể thấy hình ảnh phù phổi cấp khi rối loạn chức năng cơ tim.

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Trẻ có thể lây lẫn nhau trong vòng 7 ngày đầu của bệnh. Tuy nhiên virus có thể tồn tại trong cơ thể nhiều ngày đến vài tuần vì thế bệnh vẫn có thể lây qua giọt bắn hô hấp hoặc phân. Hãy thực hiện những biện pháp sau để giảm nguy cơ bị lây bệnh:6 7

Vệ sinh sạch sẽ

Rửa tay thường xuyên và đúng cách đặc biệt sau khi trẻ đi vệ sinh hoặc sau khi hắt hơi, ho. Không chỉ trẻ mà kể cả gia đình cũng phải vệ sinh tay sạch sẽ. Nếu không có sẵn xà phòng có thể sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh.

Dạy trẻ cách vệ sinh sạch sẽ: che miệng khi hắt hơi hoặc khi ho. Thông thường sử dụng khăn giấy là biện pháp tốt, nhưng nếu không có sẵn thì che miệng bằng khuỷu tay cũng hiệu quả không kém. Cho trẻ biết không nên đưa ngón tay, bàn tay hoặc bất cứ thứ gì vào miệng.

Rửa tay đúng cách sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tay chân miệng
Rửa tay đúng cách sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tay chân miệng

Vệ sinh môi trường sống: lau phòng trẻ, khử khuẩn bề mặt bằng Cloramin B 2%.

Cách ly trẻ bệnh tại nhà

Không ôm hôn những trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng, không uống hoặc ăn chung đồ dùng, không đến nhà trẻ, trường học, nơi trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay và báo với cơ quan y tế gần nhất.

Tóm lại, bệnh tay chân miệng ở trẻ em hầu như không quá nghiêm trọng, song có thể lây lan nhanh phát triển thành dịch, thậm chí vẫn có thể có biến chứng và tử vong. Hiện tại bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy các bậc phụ huynh và gia đình hãy giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và nhận biết sớm được bệnh cũng là cách góp phần hạn chế và giảm những nguy cơ để khiến trẻ bị bệnh, đồng thời hiểu được cách nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm, thời điểm cần đến cơ sở y tế nhằm giảm thiểu biến chứng và giúp trẻ mau khỏi bệnh.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh tay chân miệng có lây cho người lớn không?

Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng đối tượng người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh. Nhất là đối tượng có sức đề kháng yếu.

Tay chân miệng là bệnh do virus. Người lớn có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với virus qua đường hô hấp, tiếp xúc miệng – miệng,…

Bệnh tay chân miệng có ngứa không?

Sang thương phát ban da dạng nốt đỏ phẳng của bệnh tay chân miệng thường không gây ngứa.

Tay chân miệng có bị lại không?

Có. Tay chân miệng hoàn toàn có thể quay trở lại cơ thể nhiều lần và vẫn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Trẻ bị chân tay miệng có được tắm không?

Nhiều phụ huynh quan niệm khi mắc tay chân miệng thì trẻ cần kiêng tắm, kiêng ra gió. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Việc không tắm, không vệ sinh, ủ quá kín sẽ làm các sang thương trên da bé dễ nhiễm trùng và để lại sẹo.

Do đó, phụ huynh vẫn nên tắm cho bé bằng nước ấm và nhẹ nhàng lau khô người cho bé sau khi tắm xong. Tránh làm vỡ các sang thương bóng nước trên da hoặc làm trầy da bé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. A Guide to Clinical Management and Public Health Response for Hand, Foot and Mouth Disease (HFMD)https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/08/A-Guide-to-Clinical-Management.pdf

    Ngày tham khảo: 08/06/2022

  2. ThS.BS Cù Tấn Ngoạn, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang (2021). Bài giảng nhi khoa trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trang 621 – 634.

  3. TS.BS Nguyễn An Nghĩa (2020). Giáo trình Nhi khoa trường Đại học Y dược. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trang 306 – 319.

  4. ThS.BS Dư Tuấn Quy, BS. Trương Hữu Khanh (2020). “Bệnh tay chân miệng”, Phác đồ điều trị Nhi Khoa – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Cuốn 2). Nhà xuất bản Y học. Trang 224-234.

  5. Hand, Foot and Mouth diseasehttps://www.nhs.uk/conditions/hand-foot-mouth-disease/

    Ngày tham khảo: 08/06/2022

  6. Hand, Foot and Mouth diseasehttps://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/prevention.html

    Ngày tham khảo: 08/06/2022

  7. Bệnh Tay chân miệng: nhận diện và chăm sóc trẻ bệnhhttps://hcdc.vn/hoidap/index/chitiet/edd2ebc62f097fe36b70b74542262784

    Ngày tham khảo: 08/06/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người