YouMed

Bạch đàn trắng: Nguồn tinh dầu tự nhiên

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Bạch đàn là nhóm cây được di thực vào Việt Nam từ nhiều năm, được trồng để lấy gỗ. Bên cạnh đó, lá Bạch đàn được dùng để chế tạo một loại dầu thường dùng đó là dầu Khuynh diệp. Bạch đàn trắng là một cây thuốc cùng họ thực vật, do đó cũng có nhiều thành phần và công dụng tương tự. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu với quý bạn đọc về cây Bạch đàn trắng và ứng dụng của nó trong chăm sóc sức khỏe.

1. Giới thiệu cây thuốc Bạch đàn trắng

Bạch đàn trắng có tên khoa học là Eucalyptus camaldulensis Dehnh., thuộc họ Sim. Đây là cây thân gỗ cao đến 60m, thân thẳng, đường kính thân 3,6m. Vỏ già của cây xám nâu, tróc thành mảng vỏ mỏng, vỏ non màu trắng.

Toàn cây Bạch đàn trắng
Toàn cây Bạch đàn trắng

Lá có phiến hình lưỡi liềm, mốc mốc, dài 12 – 30cm, rộng 1,5 – 3cm, gân giữa màu vàng. Tán hoa có cuống dài 1,5cm, mang 4 – 8 hoa.

Quả hình bán cầu, dài 7 – 8mm, rộng 5 – 8mm, hạt nhỏ. Cây mọc nhanh, ra hoa quả nhiều, chịu được điều kiện khắc nghiệt. Bạch đàn trắng có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất, đặc biệt chịu được đất phèn.

Lá cây Bạch đàn trắng có phiến hình lưỡi liềm
Lá cây có phiến hình lưỡi liềm

Cây Bạch đàn trắng ở Việt Nam có nguồn gốc từ Australia. Cây được trồng ở Nghệ An và các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, cây còn được trồng ở Trung Quốc.

>> Đọc thêm bài viết liên quan: Bạch đàn: Tinh dầu kỳ diệu từ thiên nhiên.

2. Bộ phận dùng và thành phần hóa học

2.1. Bộ phận dùng

Người ta trồng cây để lấy gỗ, còn trong y học dùng lá cây.

2.2. Thành phần hoá học

Thành phần chủ yếu của lá là tinh dầu. Các thành phần chính của tinh dầu như pinen; p.cynen; 1,8-cineol; terpinen; globulol;… Ngoài ra, Bạch đàn trắng còn cung cấp chất gôm và tanin.

Bộ phận Bạch đàn trắng dùng là lá, để chiết tinh dầu
Bộ phận dùng là lá để chiết tinh dầu

2.3. Tác dụng dược lý

Nghiên cứu cho thấy tinh dầu Bạch đàn trắng có tác dụng kháng khuẩn. Nó có tác dụng với rất nhiều loại vi khuẩn gram dương, là những vi khuẩn thường gây bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp… So sánh các loài Bạch đàn, tinh dầu Bạch đàn trắng tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn Bạch đàn chanh và Bạch đàn lá liễu, tương đương với tinh dầu Khuynh diệp.

Nghiên cứu trên chuột nhắt trắng gây ho bằng amoniac, cho thấy uống tinh dầu Bạch đàn trắng giúp giảm ho. Tác dụng giảm ho mạnh nhất sau khi uống 2 – 3 giờ.

3. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Tinh dầu được dùng làm thuốc chống nhiễm trùng đường hô hấp, một số bệnh ngoài da, bệnh lỵ.

Gôm chiết từ cây có thể dùng chữa tiêu chảy, đau họng. Nó còn dùng làm chất săn trong nha khoa và điều trị vết thương. Khi áp dụng làm chất gây săn trong chảy máu hoặc trường hợp thanh quản bị đau, gôm được trộn lẫn với một lượng tương đương tinh bột.

4. Các bài thuốc có Bạch đàn trắng

4.1. Hỗn hợp tinh dầu chữa cảm lạnh

Chiết xuất hỗn hợp các tinh dầu như Bạch đàn trắng, Hương như trắng, Sả, Bạc hà, Tràm, Màng tang, Hồi, Quế.

Trị cảm lạnh: dùng 10 – 15 giọt uống với nước nóng, rồi dùng xoa mũi, ngực, đầu, gáy, dọc 2 bên sống lưng…

Trị đau bụng, lạnh bụng, khó tiêu, nôn: uống mỗi lần 5 – 6 giọt, ngày 3 lần, xoa bụng trên và dưới rốn.

4.2. Thuốc xông

Dùng các vị lá thuốc như Bạch đàn, Cúc tần, Cỏ sả, lá Bưởi, lá Chanh, lá Tràm, Hương nhu, Kinh giới, Tía tô. Cho các vị vào nồi, đổ nước ngập, đậy vun kín, đun sôi rồi bắt xuống rót ra 1 bát, đậy nắp lại. Phần còn lại trong nồi dùng để xông cho đến khi ra mồ hôi. Sau đó, lau khô mình rồi uống bát thuốc.

Hoa của cây Bạch đàn trắng
Hoa của cây Bạch đàn trắng

5. Một số nghiên cứu gần đây về dược liệu

Nhiều nghiên cứu gần đây khẳng định tác dụng kháng khuẩn của cây, tác động lên cả vi khuẩn H. pylori gây bệnh viêm loét dạ dày. Ngoài ra, nó còn thể hiện tác dụng chống nấm. Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất Bạch đàn trắng có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn đã kháng với các kháng sinh thường dùng. Điều này đem lại tiềm năng bào chế thuốc mới điều trị vi khuẩn kháng thuốc.

Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất của Bạch đàn trắng có tác dụng chống oxy hóa, qua đó tác động vào cơ chế gây hạ đường huyết (tương tự một loại thuốc trị đái tháo đường). Cũng theo cơ chế chống oxy hóa, trong một nghiên cứu khác, người ta thấy chiết xuất Bạch đàn trắng có tác dụng chống lại các tế bào ung thư.

Từ quả của cây, người ta chiết xuất được 9 loại chất mới. Chúng có tác dụng chống lại các tế bào ung thư buồng trứng trên thí nghiệm.

Lưu ý: để có tác dụng, thuốc cần được nghiên cứu, bào chế đúng quy trình. Không được tự ý sử dụng cây thuốc để điều trị ung thư, viêm dạ dày…

Tóm lại, Bạch đàn trắng là một cây quen thuộc, thường được trồng lấy gỗ. Lá cây được dùng để điều trị cảm, ho, viêm họng, tiêu chảy… Các nghiên cứu hiện đại cho thấy tác dụng kháng sinh, có tác dụng với nhiều chủng vi khuẩn, vi nấm khác nhau, cả những vi khuẩn đã kháng kháng sinh. Chiết xuất từ cây còn cho thấy tiềm năng trong sản xuất thuốc điều trị ung thư.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội.

  2. Võ Văn Chi (2012). Từ điển Cây thuốc Việt Nam tập 1. NXB Y học, Hà Nội

  3. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung và cs. (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội

  4. Nima H. Jazani, Peyman  Mikaili, et al (2012). “The Hydro-alcoholic Extract of Leaves of Eucalyptus camaldulensis Dehnh. has Antibacterial Activity on Multi-drug Resistant Bacteria Isolates”.  Journal of Applied Biological Sciences, vol. 6 (1), pp. 37-40

  5. Sahin Basak S, Candan F, (2010). "Chemical composition and In vitro antioxidant and antidiabetic activities of Eucalyptus Camaldulensis Dehnh. essential oil". Journal of the Iranian Chemical Society, volume 7 (1), pp. 216-226

  6. Adeniyi C B A, Lawal T O, Mahady G B, (2009). "In vitro susceptibility of Helicobacter pylori to extracts of Eucalyptus camaldulensis and Eucalyptus torelliana". Pharmaceutical Biology, volume 47 (1), pp. 99-102

  7. Temitope O. Lawal, Bolanle A. Adeniyi, et al (2011). “In vitro activities of Eucalyptus camaldulensis Dehnh. and Eucalyptus torelliana F. Muell. against non-tuberculous mycobacteria species”. African Journal of Microbiology Research, Vol. 5(22), pp. 3652-3657

  8. Singab, A. N., Ayoub, N., Al-Sayed, E. et al (2011). “Phenolic constituents of Eucalyptus camaldulensis Dehnh, with potential antioxidant and cytotoxic activities”. Records of Natural Products, Vol. 5(4)

  9. Topçu G, Yapar G, Türkmen Z, Gören A C, et al, (2011). "Ovarian antiproliferative activity directed isolation of triterpenoids from fruits of Eucalyptus camaldulensis Dehnh". Phytochemistry Letters, volume 4 (4), pp. 421-425

  10. Gakuubi M M, Maina A W, Wagacha J M, (2017). "Antifungal Activity of Essential Oil of Eucalyptus camaldulensis Dehnh. against Selected Fusarium spp". International Journal of Microbiology, volume 2017 pp. 8761610

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người