Bại tương thảo: Công dụng và cách dùng
Nội dung bài viết
Cây Bại tương thảo có tên khoa học là Patrinia scaplosaefolia Lamk. Thuộc họ Nữ lang (Valerianaceae). Cây còn được gọi với các tên khác như Bại tương, Khô thán, Cây trạch bại, Cây lộc trường, Mã thảo. Đây là cây thuốc có nhiều tác dụng quý như trị mụn đinh nhọt, đau lưng hậu sản, viêm ruột thừa, táo bón, viêm gan vàng da… Bài viết dưới đây của bác sĩ Phạm Mỹ Linh sẽ cung cấp thêm thông tin về cây này.
1. Mô tả dược liệu
1.1. Đặc điểm của cây
Bại tương thảo là cây thân thảo, mềm, nhỏ, tuổi thọ trung bình từ 1 – 2 năm. Cây trưởng thành phát triển nhiều cành. Bề mặt thân và cành nhẵn, ruột bên trong rỗng. Cây có rễ Hình trụ dài, đâm sâu vào lòng đất. Xung quanh phát triển thêm nhiều rễ con.
Lá mọc đối xứng dọc theo thân và cành, xẻ dạng lông chim. Màu lá xanh lục, có phiến khép. Hoa mọc thành chùm. Cuống hoa đâm ra từ các nách lá hoặc đầu cành, ngọn cây. Cánh hoa nhỏ màu vàng nhạt.
Quả hình trứng, hơi dẹt, bên ngoài quả có nhiều lông bao phủ xung quanh. Một mặt có 3 sóng và bên còn lại có 1 sóng. Vào mùa thu quả bắt đầu già và có khuynh hướng lụi khi đông về.
1.2. Phân bố, sinh thái
Bại tương thảo là cây ưa ánh sáng. Tuy nhiên cây cũng có khả năng hơi chịu bóng và phân bố tập trung ở những vùng có khí hậu ẩm mát. Loại cây này được tìm thấy rất nhiều ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các khu vực sườn đồi hoặc bên vệ đường.
Ở nước ta, loại cây này phát triển ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… nhưng với số lượng ít.
1.3. Bộ phận sử dụng
Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để làm thuốc. Tuy nhiên được dùng nhiều nhất vẫn là rễ cây.
Rễ được thu hoạch vào tháng 8 là có giá trị dược liệu tốt nhất. Các bộ phận khác có thể thu hái quanh năm. Dược liệu đem về rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
1.4. Thành phần hóa học
Đem rễ cây này phân tích trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thu được 8% tinh dầu và một số chất hóa học khác.
2. Tác dụng dược lý
Bại tương thảo tính hàn nhẹ, vị cay, đắng. Quy kinh Vị, Can, Đại trường. Sử dụng chiết xuất bại tương thảo có khả năng tiêu độc cho cơ thể, giải nhiệt, trị nóng trong, bài nông, tiêu ứ. Ngoài ra cành và hoa Bại tương thảo kích thích lưu thông máu, chống ứ, bài nùng, thải độc, lợi thấp, làm mát cơ thể, tiêu nhọt.
Theo nghiên cứu, chiết xuất từ dược liệu có nhiều tác dụng như xoa dịu trạng thái căng thẳng ở dây thần kinh; ức chế co thắt các cơ ở tuyến tiền liệt của nam giới, tăng cường hoạt động tiết dịch của tuyến.
Loại dược liệu này thường được dùng làm thuốc sắc uống. Lá có thể sử dụng làm thuốc đắp ngoài da. Dùng 9 – 30 g uống mỗi ngày.
3. Một số bài thuốc dân gian
Bại tương thảo được sử dụng với vai trò là thành phần trong các bài thuốc dưới đây:
3.1. Điều trị sung huyết kết mạc, viêm kết mạc cấp tính gây sưng đau
- Chuẩn bị thang thuốc gồm: 60 g rễ cây bại tương thảo, 60 g diếp trời, 15 g nhẫn đông hoa.
- Cách dùng: Sắc thuốc cùng 4 bát nước lấy 2 bát. Uống 3 lần trong ngày cho hết.
3.2. Điều trị ứ huyết, căng đau vùng bụng dưới ở phụ nữ sau sinh
- Chuẩn bị: 60 g rễ cây bại tương thảo.
- Cách dùng: Sắc lấy nước đặc chia uống 3 lần.
Xem thêm bài viết về: Viễn chí: Thảo dược giúp an thần, chữa ho hiệu quả
4. Kiêng kỵ
Không có ứ trệ, thực nhiệt cấm dùng.
Bại tương thảo với nhiều công dụng như trên, đã được nhân dân biết đến và sử dụng nhiều. Quý đọc giả trước khi dùng dược liệu làm thuốc cần tham khảo ý kiến chuyên gia về liều lượng để có hiệu quả cao nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.