Thông tin về bấm huyệt chữa bệnh bại liệt
Nội dung bài viết
Bại liệt là tình trạng y tế cần được quan tâm chăm sóc, bởi có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Với sự tiến bộ của y học ngày nay mà nhiều phương pháp tây y và đông y có thể hỗ trợ điều trị và phục hồi tổn thương do bệnh lý này gây ra. Trong số đó, bấm huyệt là trị liệu mang đến nhiều kết quả tích cực và lâu dài. Sau đây, mời quý độc giả cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu cách bấm huyệt chữa bệnh bại liệt đơn giản nhưng vẫn hiệu quả.
Tổng quan về bệnh bại liệt
Theo tây y
Theo tài liệu, bại liệt là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, do virus lây lan theo đường tiêu hóa. Dấu hiệu tổn thương thường gặp là liệt mềm ở một cơ hoặc một nhóm cơ. Điều này được giải thích là do virus bại liệt có ái tính đặc biệt với tế bào thần kinh vận động ở sừng trước tủy xám.1 Hiện nay, bệnh lý này đã có thể dự phòng được bằng cách tiêm vaccine. Cách này giúp tạo ra miễn dịch chủ động, từ đó giảm tỷ lệ đáng kể người mắc bệnh.
Xem thêm: Vắc xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt cho trẻ
Theo đông y
Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh bại liệt thường do phong tà, thấp nhiệt qua đường Phế Vị. Các tà khí này gây ứ trệ ở kinh lạc, dẫn đến khí huyết vận hành không thông. Bệnh kéo dài lâu ngày làm rối loạn chức năng Can, Thận, Tỳ, gân cơ không được nuôi dưỡng mà sinh chứng bại liệt.2
Nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận khi điều trị bằng các phương pháp đông y, đặc biệt là ở giai đoạn di chứng.
Bấm huyệt có tác động lên bệnh bại liệt như thế nào?
Sau đây là một số tác động tích cực của phương pháp bấm huyệt chữa bệnh bại liệt; đặc biệt là trong quá trình phục hồi chức năng và khắc phục di chứng.
- Giúp khai mở huyệt đạo, kích thích lưu thông khí huyết, nâng cao chính khí, loại trừ tà khí…
- Bổ khí huyết, cải thiện nuôi dưỡng thần kinh, cơ nhục, giảm đau…
- Thông kinh hoạt lạc, hành khí hoạt huyết, thư cân cốt, cân bằng rối loạn tạng phủ…
- Hỗ trợ giấc ngủ và tinh thần, thư giãn thần kinh,…
Cách bấm huyệt chữa bệnh bại liệt
Chỉ định, chống chỉ định
Chỉ định với các trường hợp được chẩn đoán là di chứng bại liệt, cần phục hồi tổn thương.1
Chống chỉ định:
- Bệnh lý cấp cứu, ngoại khoa, tri giác không tỉnh táo, sinh hiệu không bình thường, quá đói…
- Vùng da đang bị viêm nhiễm, lở loét, bệnh da liễu thì không nên xoa bóp bấm huyệt.
Quy trình điều trị bệnh bại liệt bằng bấm huyệt
Để đạt nhiều lợi ích trong quá trình phục hồi bệnh thì nên điều trị càng sớm càng tốt, theo chỉ định của thầy thuốc. Mỗi ngày nên tiến hành xoa bóp kết hợp bấm huyệt chữa bệnh bại liệt 30 phút/lần/ngày trong 15 – 30 ngày. Sau đó, thầy thuốc sẽ đánh giá lại và tùy theo mức độ mà kéo dài thêm liệu trình khác.
Thông thường, thầy thuốc sẽ lựa chọn xen kẽ các huyệt tại chỗ ở vùng cơ bị liệt; huyệt ở đường kinh Dương minh (Đại trường, Vị) – nơi chứa đựng khí huyết dồi dào, các huyệt đặc hiệu triệu chứng… để nâng cao thể trạng và hiệu quả điều trị.
Một số huyệt đạo thường dùng
Nâng cao chính khí toàn thân, dưỡng âm huyết: Quan nguyên, Khí hải, Tam âm giao…2
Phục hồi chức năng chi tổn thương như rối loạn vận động, cảm giác:
- Chi trên: Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Hợp cốc, Ngoại quan, Bát tà…3
- Chi dưới: Lương khâu, Huyết hải, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Túc tam lý, Giải khê, Thái xung, Bát phong… Xen kẽ Hoàn khiêu, Trật biên, Ủy trung, Thừa sơn, Thận du…1 3
- Rối loạn tiểu tiện: Trung cực, Quan nguyên, Khúc cốt…3
Vị trí một số huyệt đạo trên cơ thể giúp phục hồi bệnh bại liệt
Quan nguyên: Trên đường giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 3 thốn.
Khí hải: Trên đường giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 1,5 thốn.
Tam âm giao: Từ đỉnh cao của mắt cá trong đo lên 3 thốn, thuộc bờ sau trong xương chày.
Kiên ngung: Chỗ lõm trước ngoài khớp mỏm cùng – xương đòn, khi dang cánh tay.
Tý nhu: Đầu dưới cơ delta cánh tay, trên đường thẳng nối huyệt Khúc trì – Kiên ngung.
Khúc trì: Nằm cuối nếp gấp khuỷu tay phía ngoài, dễ dàng xác định hơn khi gấp cẳng tay.
Thủ tam lý: Dưới Khúc trì 2 thốn (hướng về phía cổ tay), trên đường nối Dương khê – Khúc trì.
Hợp cốc: Xác định bằng cách khép 2 ngón cái và trỏ lại, nơi nhô lên cao nhất là huyệt.
Lương khâu: Lấy điểm giữa bờ trên khớp gối đo lên 2 thốn rồi ra ngoài 2 thốn.
Huyết hải: Lấy điểm giữa bờ trên khớp gối đo lên 1 thốn rồi vào trong 2 thốn.
Dương lăng tuyền: Chỗ lõm trước và dưới đầu trên xương mác, giúp ngăn teo cơ chày trước.
Túc tam lý: Lõm dưới ngoài khớp gối đo xuống 3 thốn, cách mào chày 1 thốn.
Quy ước độ dài của đốt giữa ngón tay thứ 3 là 01 thốn.
Lưu ý khi điều trị bại liệt bằng phương pháp bấm huyệt
Bấm huyệt chữa bệnh bại liệt thực sự là liệu pháp không dùng thuốc được nhân dân tin tưởng và áp dụng từ lâu. Thế nhưng, cần hiểu rõ kỹ thuật này sẽ có tác động mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi các di chứng hơn là giai đoạn cấp.
Khả năng phục hồi tùy theo tình trạng bệnh lý của từng đối tượng. Chính vì vậy, cần tin tưởng và kiên trì, thường xuyên áp dụng các phương pháp trị liệu, tập luyện…
Khi tiến hành thao tác, luôn chú ý theo dõi toàn trạng người bệnh và các triệu chứng kèm theo. Nếu có dấu hiệu bất thường như chóng mặt, vã mồ hôi, mệt mỏi… cần dừng thủ thuật. Sau đó lau mồ hôi, uống nước ấm, nằm nghỉ tại chỗ, đánh giá chặt chẽ sinh hiệu… cho người bệnh. Ngoài ra, để tránh rủi ro, động tác cần có lực vừa phải, điều chỉnh cường độ theo từng đối tượng và xác định chính xác huyệt đạo. Tốt hơn cả là phải có hướng dẫn và tư vấn từ người có chuyên môn.1
Đảm bảo dinh dưỡng và kiểm soát bệnh lý kèm theo đóng góp quan trọng trong tiến trình điều trị. Cùng với xu hướng hiện nay là điều trị kết hợp giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền đem đến nhiều kết quả khả quan.
Những phương pháp đông y khác điều trị bệnh bại liệt
Xoa bóp
Xoa bóp kết hợp với bấm huyệt chữa bệnh bại liệt sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn. Tiến hành các thủ thuật xoa, xát, miết, day, bóp, lăn… lên các vùng bị tổn thương sẽ kích thích nuôi dưỡng cơ, tăng khả năng phục hồi.
Châm cứu
Châm cứu cũng là trị liệu thường sử dụng trong điều trị bại liệt, bởi tính hiệu quả. Nhiều phương pháp kích thích huyệt đạo bằng kim châm như thể châm, điện châm, thủy châm,… dưới sự chỉ định của y bác sĩ.
Xem thêm: Phương pháp châm cứu điện trong điều trị bệnh
Quả thực, nền y học phát triển tiến bộ đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc phục hồi di chứng bệnh bại liệt. Trong đó, bấm huyệt chữa bệnh bại liệt góp phần như một trị liệu bổ sung an toàn và được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về phương pháp này. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh theo đông y, bạn hãy lựa chọn những cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền
Ngày tham khảo: 23/11/2021
-
Trường Đại học Y Hà Nội (2005). Bài giảng Y học cổ truyền tập 2. NXB Y học, Hà Nội.
Ngày tham khảo: 23/11/2021
-
Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Tài Thu (1987). Châm cứu chữa bệnh, NXB Tổng hợp Đồng Nai
Ngày tham khảo: 23/11/2021