Nổi mề đay: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Mề đay là một tình trạng phản ứng của da. Khi nổi mề đay, da sẽ trở nên đỏ, ngứa và sưng phù, có thể ở dạng nốt nhỏ đến mảng lớn. Nó có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau. Thường gặp nhất là khi sử dụng một số loại thực phẩm hay thuốc men. Vậy mề đay biểu hiện ra sao và có nguy hiểm không? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu thêm về tình trạng này nhé.
Mề đay là gì?
Như đã nói ở trên, mề đay là một phản ứng của da. Sự phản ứng này thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với yếu tố kích ứng, đi kèm với nó có thể có tình trạng phù mạch. Tình trạng này là do sự tích tụ dịch ở trong lớp sâu trong da, thường là ở môi hay ở da mặt. Đôi khi, tình trạng phù mạch cũng có thể xuất hiện một mình mà không kèm mề đay.
Mề đay và phù mạch là những tình trạng khá thường gặp. Trong hầu hết các trường hợp, chúng là vô hại. Mề đay và phù mạch thường sẽ biến mất trong vòng một ngày và không để lại dấu vết gì và cũng không cần điều trị nếu chỉ có các biểu hiện nhẹ.
Một số trường hợp, mề đay và phù mạch có thể cần tới điều trị với thuốc antihistamine. Đôi khi, sự phù mạch trở nên nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Đó là những trường hợp mà sự tích tụ dịch phù gây tắc nghẽn đường thở khi xuất hiện ở những vị trí như họng, thanh quản và lưỡi.
Những biểu hiện của phù mạch và mề đay đôi khi dễ nhầm lẫn với các ban da khác.
Triệu chứng của mề đay
Khi da của bạn bị sưng phù, có thể đó là mề đay nếu:
- Màu đỏ, hay dạng hồng ban.
- Ngứa, tuỳ mức độ, có thể từ nhẹ đến nặng.
- Thường dạng hình tròn, oval hay dạng hình que.
- Có thể nhỏ như hạt đậu hay lớn như cái đĩa.
Hầu hết mề đay xuất hiện nhanh chóng và biến mất trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, mề đay mạn tính thì các mảng cũng biến mất trong vòng 24h nhưng sẽ lặp lại sau đó. Mỗi tuần khoảng 2 – 3 lần, thậm chí mỗi ngày. Mốc để phân biệt mày đay cấp hay mạn là 6 tuần. Nguyên nhân gây mề đay cấp thường do thuốc, thức ăn; mạn đa số là vô căn.
Bạn có thể quan tâm: Nổi mề đay kéo dài: Có phương pháp điều trị dứt điểm không?
Triệu chứng của phù mạch
Phù mạch là phản ứng tương tự như mề đay. Các phản ứng này ảnh hưởng đến các lớp sâu của da. Phù mạch có thể xuất hiện cùng mề đay hay hiện diện đơn độc. Các dấu hiệu của phù mạch như:
- Sự sưng phù hình thành trong vòng vài phút đến vài giờ.
- Sưng phù và đỏ, hay xuất hiện ở quanh mắt, má hay môi.
- Cảm thấy đau hay nóng ở vùng cơ thể bị ảnh hưởng.
Khi nào thì bạn nên đi khám bác sĩ nếu thấy mề đay/phù mạch?
Đối với tình trạng nhẹ, bạn có thể tự chữa chúng tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ khi các triệu chứng của bạn kéo dài nhiều ngày.
Nếu nghĩ rằng tình trạng nổi mề đay và phù mạch của mình là do dị ứng với một loại thức ăn hay thuốc men nhất định, các triệu chứng bạn có đôi khi là dấu hiệu cảnh báo sớm cho phản ứng phản vệ. Hãy nhập cấp cứu ngay nếu bạn cảm thấy lưỡi, môi, miệng hay họng mình sưng phù hay cảm thấy khó thở. Chúng có thể là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Khi đó, bạn cần được khám và hỗ trợ kịp thời.
Nguyên nhân của mề đay và phù mạch
Tình trạng này có thể là do các nguyên nhân sau:
- Thức ăn. Nhiều loại thức ăn có thể gây nên phản ứng ở cơ địa người dễ nhạy cảm. Một số loại thường gặp như hải sản (tôm, cua), cá, đậu phộng, đậu nành, lúa mì, trứng, sữa… Hãy nhớ lại loại thức ăn vừa dùng khi bạn nổi mề đay.
- Thuốc men. Nhiều loại thuốc gây ra phù mạch và mề đay. Thường thấy như: penicillin, aspirin, ibuprofen, naproxen sodium và các loại thuốc huyết áp.
- Các dị ứng nguyên trong không khí. Phấn hoa và các dị ứng nguyên khác khi hít vào có thể làm khởi phát mề đay. Đôi khi, tình trạng này còn đi kèm với các triệu chứng hô hấp trên và dưới.
- Các yếu tố môi trường. Ví dụ như ánh sáng mặt trời trực tiếp, cảm giác rung (như khi bạn dùng máy cắt cỏ), tắm nước nóng, áp lực trên bề mặt da như khi mặc quần áo quá chật, bó sát hay do động tác cào gãi. Những yếu tố khác như stress tâm lý, côn trùng cắn và vận động mạnh cũng có thể gây ra mề đay.
- Khi điều trị bệnh hay tình trạng bệnh nền. Mề đay có thể xuất hiện thường xuyên trong phản ứng do truyền máu và nhiễm trùng, nhiễm virus như viêm gan hay HIV.
Thường thì hiếm khi tìm được nguyên nhân gây nổi mề đay hay phù mạch. Đặc biệt là trong mề đay mạn tính, rất hiếm khi biết được nguyên nhân.
Các yếu tố nguy cơ
Mề đay và phù mạch là khá thường gặp. Chúng thường liên quan đến cơ địa dị ứng và đôi khi mang tính gia đình. Bạn có thể có nguy cơ cao nếu:
- Đã từng nổi mề đay hay phù mạch trước đó.
- Đã từng biểu hiện dị ứng với một chất, thức ăn hay thuốc men trước đó
- Gia đình bạn có người từng mắc bệnh. Hoặc gia đình bạn có tình trạng phù mạch di truyền.
Biến chứng của trình trạng này là gì?
Những trường hợp có biến chứng thường nặng nề, đôi khi gây tử vong. Nếu sự sưng phù xuất hiện ở họng hay lưỡi, làm tắc nghẽn đường thở, chúng có thể gây suy hô hấp. Đây là biến chứng đáng lưu ý nhất của phù mạch và mề đay.
Phòng ngừa mề đay và phù mạch như thế nào?
Hai tình trạng này có thể phòng ngừa được. Để làm giảm khả năng nổi mề đay này, bạn có thể:
- Tránh các yếu tố kích ứng đã biết. Nếu bạn biết một chất/yếu tố nào khiến mình nổi mề đay, hãy tránh không tiếp xúc với nó.
- Tắm rửa và thay quần áo sớm sau khi có tiếp xúc với yếu tố kích ứng. Nếu như phấn hoa hay lông động vật khiến bạn nổi mề đay, hãy tắm rửa và thay quần áo sau khi bạn tiếp xúc với chúng.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ khám phần bị ảnh hưởng và hỏi bạn một số câu hỏi. Các câu hỏi giúp xác định tình huống dẫn đến mề đay và tìm ra nguyên nhân của tình trạng hiện tại. Đôi khi, bạn cần phải làm phép thử lẫy da để chẩn đoán. Đây là một xét nghiệm về dị ứng. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm khác tuỳ vào tình trạng của bạn.
Mề đay điều trị ra sao?
Nếu như bạn chỉ có các triệu chứng nhẹ thì không cần thiết phải điều trị. Mề đay và phù mạch thường sẽ tự hết. Tuy nhiên, điều trị có thể cần thiết khi bạn cảm thấy khó chịu và ngứa nhiều. Nếu các triệu chứng nặng hay kéo dài, điều trị thuốc có thể giúp bạn thoải mái hơn.
Các thuốc được dùng để điều trị mề đay và phù mạch
- Thuốc làm giảm ngứa. Đây là điều trị tiêu chuẩn cho mề đay với thuốc antihistamine. Thuốc sẽ giúp bạn giảm ngứa, giảm sưng phù và các triệu chứng khác. Tuy nhiên, một số loại antihistamine có thể gây buồn ngủ. Bác sĩ sẽ chọn loại thuốc giúp hạn chế tác dụng phụ này này. Thuốc có thể được kê toa hoặc mua tại quầy mà không cần đơn thuốc.
- Thuốc kháng viêm. Đối với các trường hợp nặng, bạn có thể cần dùng tới corticosteroids. Đây là một loại thuốc kháng viêm, tác động lên hệ miễn dịch. Thuốc thường được dùng trong nhóm này là Prednisone. Thuốc làm giảm sưng phù, đỏ da và giảm ngứa. Bác sĩ kê toa loại thuốc này dưới dạng viên uống.
- Thuốc ức chế hệ miễn dịch. Nếu như những thuốc trên không hiệu quả, bạn có thể cần tới nhóm thuốc này. Bác sĩ sẽ đánh giá và cho thuốc để làm giảm bớt các đáp ứng của hệ miễn dịch. Từ đó giúp giảm các triệu chứng khó chịu do mề đay và phù mạch gây ra.
Các tình huống cấp cứu của mề đay?
Nếu bạn có nổi mề đay hay phù mạch với mức độ nặng, hãy tới cấp cứu nơi gần nhất. Bạn có thể được tiêm một liều epinephrine – một loại adrenaline. Nếu như bạn đã có tình trạng nghiêm trọng tương tự trước đây, có thể bạn sẽ cần mang theo một cây bút tiêm epinephrine để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Hãy liên hệ với bác sĩ để được trả lời bạn có cần bút tiêm epinephrine này hay không.
Điều chỉnh lối sống phù hợp và điều trị tại nhà
Đối với các trường hợp nhẹ, có nhiều mẹo giúp điều trị mề đay bạn có thể làm tại nhà. Khi xuất hiện các triệu chứng của mề đay và phù mạch, hãy nhớ đến những gợi ý sau:
- Tránh xa các yếu tố gây khởi phát. Ví dụ như thức ăn, thuốc, phấn hoa, lông vật nuôi, latex hay côn trùng đốt. Nếu bạn nghĩ một loại thuốc đang dùng khiến bạn nổi mề đay, hãy hỏi lại ý kiến bác sĩ.
- Dùng các loại thuốc giảm ngứa mua tại tiệm thuốc. Thuốc antihistamine uống có thể mua mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Một số loại như loratadine, cetirizine hay diphenhydramine có thể giúp giảm ngứa. Hãy hỏi dược sĩ các loại thuốc bạn có thể mua. Bạn cũng nên chọn loại không có tác dụng phụ gây buồn ngủ.
- Chườm mát. Chườm mát giúp làm dịu vùng da nổi mề đay và ngăn ngừa việc gãi ngứa. Điều này giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và an toàn cho vùng da của bạn.
- Tắm nước mát. Tắm nước mát nhẹ nhàng giúp bạn cảm thấy bớt ngứa hơn. Một số người tắm nước lạnh hòa với baking soda giúp cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu mề đay nổi kéo dài, bạn nên đi khám sớm nhé.
- Mặc quần áo thoải mái, êm dịu. Bạn nên mặc quần áo làm từ vải cotton. Nhớ tránh mặc quần áo chật, bó sát, bí hay làm từ len nhé. Điều này làm giảm sự kích ứng lên làn da của bạn.
- Tránh ánh nắng mặt trời. Khi ra ngoài, hãy nhớ đứng trong bóng râm để tránh ánh nắng trực tiếp nhé.
Tạm kết
Mề đay và phù mạch là những tình trạng khá thường gặp. Chúng có thể do nhiều nguyên nhân và tình trạng kích ứng gây ra. Đa số mề đay là nhẹ và không cần điều trị. Tuy nhiên cũng có những trường hợp nguy hiểm cần cấp cứu ngay.
Hãy lưu ý những mẹo nhỏ mà YouMed vừa cũng cấp cho bạn để có thể tự xử lý khi bạn hay người thân nổi mề đay nhé. Và đừng quên rằng, nếu có tình trạng cấp cứu hay mề đay nặng nề hoặc kéo dài, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay khi có thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hives and angioedemahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hives-and-angioedema/symptoms-causes/syc-20354908
Ngày tham khảo: 28/08/2020