YouMed

Ngứa da có phải là dấu hiệu tiềm ẩn một bệnh lý?

bác sĩ hoàng thị việt trinh
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh

Ngứa da là triệu chứng phàn nàn phổ biến của người bệnh, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.  Ngứa da có thể do dị ứng hoặc tình trạng da khác. Bạn có thể ngứa khắp cơ thể hoặc chỉ một khu vực cụ thể. Rất khó để xác định chính xác nguyên nhân gây ngứa. Nó có thể đơn giản do quần áo bạn mặc, dị ứng với thức ăn, đồ uống, sữa tắm. Ngoài ra, đây có thể là triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng như bệnh gan hoặc suy thận. Để giải quyết tình trạng khó chịu này, ngoài các thuốc điều trị triệu chứng, điều quan trọng là xác định nguyên nhân và điều trị triệt để chúng.

Yếu tố nguy cơ gây ngứa da

Da là hàng rào bảo vệ của cơ thể. Nó chứa các tế bào đặc biệt của hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn và các mối đe dọa tiềm ẩn khác xâm nhập. Khi các tế bào da phát hiện bất kỳ các dị nguyên đáng ngờ, chúng sẽ kích hoạt phản ứng khiến vùng da này bị viêm. Chúng còn được gọi là phát ban hoặc viêm da. Điều này có thể dẫn đến ngứa.

Ngứa da
Ngứa da là tình trạng phổ biến thường gặp ở nhiều đối tượng

Các tế bào miễn dịch có thể phản ứng với bất kì dị nguyên chạm vào da, nhiễm trùng toàn thân hoặc bệnh lý bên trong cơ thể. Một số phát ban thì đỏ, đau, kích thích, ngứa.  Trong khi những người khác có thể nổi mụn nước hoặc xuất hiện các mảng da thô.

Bất cứ ai cũng có thể bị ngứa nhưng một số nhóm người nhất định dễ mắc bệnh này hơn, bao gồm:

  • Người già;
  • Phụ nữ mang thai;
  • Mắc bệnh tiểu đường;
  • Dị ứng theo mùa, hen suyễn và bệnh chàm;
  • Nhiễm HIV/AIDS và các loại ung thư khác nhau, đặc biệt là những người mắc bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch.

Nguyên nhân gây ngứa da

Tìm ra nguyên nhân gây ngứa và điều trị chúng là bước đầu tiên để giải quyết ngứa.

1. Da khô

Da khô
Da khô là một trong những nguyên nhân dây ngứa da

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa da. Nếu một người không nhìn thấy bất kỳ vết sưng đỏ nào hoặc sự thay đổi đột ngột trên da của họ, thì da khô có thể là nguyên nhân.

Các yếu tố môi trường có thể dẫn đến da khô bao gồm thời tiết quá nóng hoặc lạnh với độ ẩm thấp. Nó có thể đặc biệt tồi tệ hơn vào mùa đông. Tắm rửa quá nhiều cũng có thể gây khô da. Bất kỳ nhóm tuổi nào cũng có thể bị khô da, nhưng khi già đi, làn da trở nên mỏng hơn và khô hơn.

Một loại kem dưỡng ẩm tốt thường có thể giúp sửa chữa làn da khô. Da quá khô có thể là một dấu hiệu cảnh báo viêm da. Vì vậy bạn có thể cần gặp bác sĩ da liễu để giúp giảm đau và giữ cho tình trạng da không trở nên tồi tệ hơn.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của da khô bao gồm:

  • Da sần sùi, bong vảy hoặc bong tróc
  • Ngứa quá mức
  • Da nứt nẻ
  • Vết nứt trên da dễ bị chảy máu

Điều quan trọng là điều trị da khô vì các vết nứt trên da có thể cho phép vi trùng xâm nhập. Một khi xâm nhập vào bên trong da, những vi trùng này có thể gây nhiễm trùng. Các đốm đỏ, đau trên da thường là dấu hiệu sớm của nhiễm trùng.

2. Bệnh chàm

Bệnh chàm, hay viêm da dị ứng, là nguyên nhân phổ biến nhất gây phát ban da ở trẻ em. Nó ảnh hưởng đến 1 trong 5 trẻ sơ sinh nhưng thường cải thiện tốt theo thời gian. Nó chỉ ảnh hưởng 1 trong 50 người lớn. Trẻ em có nhiều khả năng mắc bệnh hơn nếu gia đình chúng có tiền sử hen suyễn và dị ứng. Dị ứng thực phẩm có thể làm cho nó tồi tệ hơn.

Nguyên nhân do liên quan đến sự rò rỉ của hàng rào bảo vệ da. Điều này làm cho khu vực này bị khô, khiến nó có nguy cơ bị kích thích và viêm. Vì vậy, rất quan trọng để giữ cho làn da ẩm. Bệnh chàm thường cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, những người bị bệnh chàm phải cẩn thận do có nguy cơ cao nhiễm trùng da hơn.

3. Dị ứng

Tình trạng kích ứng và dị ứng cũng có thể gây ngứa da. Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng. Kết quả của dị ứng da là phát ban đỏ, ngứa có thể bao gồm mụn nước nhỏ hoặc vết sưng. Phát ban xuất hiện bất cứ khi nào da tiếp xúc với chất gây dị ứng. Một chất mà hệ thống miễn dịch tấn công. Thông thường, có một sự chậm trễ về thời gian giữa việc tiếp xúc với chất gây dị ứng và sự xuất hiện phát ban.

Các yếu tố có thể kích hoạt phản ứng dị ứng bao gồm:

  • Dị ứng thực phẩm;
  • Chạm vào quần áo, vật nuôi, hóa chất, xà phòng và các chất độc hại hoặc mỹ phẩm; 
  • Dị ứng niken – Khi một người tiếp xúc với đồ trang sức có chứa một lượng nhỏ niken, có thể xuất hiện đỏ da, ngứa và sưng tại điểm tiếp xúc;

Đối với một người có phản ứng dị ứng với một chất cụ thể, một trong những điều dễ làm nhất là tránh sản phẩm hoặc chất đó. Kem không kê đơn hoặc thuốc có thể giúp loại bỏ phát ban.

Dị ứng thuốc: nếu triệu chứng phát ban, ngứa da xảy ra sau uống thuốc, hoặc tiêm thuốc. Bạn nên dừng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ của bạn biết để được tư vấn và kê đơn loại thuốc thay thế khác.

Dị ứng Niken
Dị ứng Niken có thể khiến da bị ngứa

4. Mày đay (mề đay)

Mề đay là một loại viêm da do giải phóng chất hóa học trong cơ thể gọi là histamine. Sự giải phóng này làm cho các mạch máu nhỏ bị rò rỉ, khiến da bị sưng lên.

Có 2 loại mày đay:

  • Cấp tính: thường xảy ra sau khi tiếp xúc với một tác nhân gây dị ứng. Chẳng hạn như thực phẩm, thuốc. Các nguyên nhân không gây dị ứng, như thời tiết nóng hoặc lạnh quá mức, phơi nắng hoặc tập thể dục, cũng có thể đóng vai trò kích hoạt.
  • Mãn tính: Các tác nhân cụ thể không gây mề đay. Điều này có thể làm cho các xét nghiệm dị ứng không hữu ích. Chúng có thể tồn tại trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Mề đay có thể gây ngứa, khó chịu và đau đớn, nhưng chúng không lây nhiễm

Các nghiên cứu cho thấy rằng mề đay ảnh hưởng đến khoảng 20% số người tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ.

Mày đay
Mày đay (mề đay) là tình trạng phổ biến làm da bị ngứa

5. Côn trùng cắn

Côn trùng cắn khiến da bị ngứa và sưng lên. Muỗi và nhện cắn thường sẽ tạo ra một vết cắn nhỏ, được bao quanh bởi màu đỏ trên da. Những vết cắn này sẽ biến mất trong vòng 7 – 14.

Vết cắn từ rệp và ve có thể tạo ra phát ban lớn hơn và  gây ngứa khắp cơ thể. Chúng có thể khó chẩn đoán hơn vì trông giống như phát ban. Chấy rận có thể mang đến bạn cảm giác bị bò trên da đầu hoặc lông mu, cùng với ngứa dữ dội.  Nếu nghi ngờ có sự hiện diện của rệp, bạn cần loại bỏ tất cả đồ đạc và dọn dẹp phòng kỹ lưỡng bằng thuốc chống côn trùng. Tất cả các đồ vật bị ảnh hưởng nên được rửa ở 60 ºC.

6. Tâm lý

Một số người có thể trải nghiệm cảm giác ngứa mà không có nguyên nhân thực thể. Một số tình trạng sức khỏe tâm thần có thể làm cho một người cảm thấy như thể da của họ đang bị bò bởi vật gì đó. Điều này tạo ra một sự thôi thúc để gãi. Gãi quá mức có thể dẫn đến tổn thương da.

Việc gãi không ngừng có thể là kết quả của các tình trạng sau:

7. Nguyên nhân khác

Ngứa cũng có thể liên quan đến ký sinh trùng như giun kim. Tình trạng nhiễm nấm, chẳng hạn như bệnh chân vận động viên (athlete’s foot), cũng có thể gây ngứa ở giữa và xung quanh ngón chân.

Ngứa da cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý. Rối loạn thần kinh do bệnh tiểu đường, dây thần kinh bị chèn ép và bệnh zona có thể gây ngứa dữ dội.

Các bác sĩ cũng có thể đề cập đến ngứa liên quan đến bệnh thận như trong hội chứng ure huyết. Nó xảy ra khi thận bị tổn thương nghiêm trọng và không thể lọc độc tố khỏi cơ thể. Với bệnh lý thận, ngứa có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm. Vị trí phổ biến nhất là lưng, cánh tay và bụng.

Biện pháp giảm da bị ngứa tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp giảm tình trạng da bị ngứa:

  • Tắm nước ấm, không quá nóng
  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên để ngăn ngừa cháy nắng và tổn thương da
  • Chọn xà phòng, bột giặt có tính tẩy rửa nhẹ: Tránh các loại gây kích ứng da của bạn. Các sản phẩm khác nhau dành cho da nhạy cảm đều có sẵn. Bạn có thể mua trực tuyến, bao gồm bột giặt và xà phòng.
  • Tránh các chất gây kích ứng da hoặc gây ra phản ứng dị ứng: như niken, thường có mặt trong các loại trang sức, thắt lưng.
  • Tránh một số loại vải, chẳng hạn như len và tổng hợp. Chúng có thể làm ngứa da. Hãy thử chuyển sang quần áo, khăn trải giường loại cotton.
  • Không khí ấm, khô có thể làm cho da khô. Hãy giữ nhiệt độ trong nhà phù hợp và sử dụng máy tạo độ ẩm.
  • Để giảm ngứa, hãy đặt một chiếc khăn mát hoặc một ít nước đá lên vùng bị ngứa. Gãi quá mạnh và nhiều lần có thể dẫn đến viêm, tổn thương cho da và có thể làm ngứa thêm.
  • Dùng kem chống ngứa, chẳng hạn như kem hydrocortisone không cần kê toa. Bạn sẽ bôi nó vào vùng da ngứa để giảm triệu chứng. Kem hydrocortisone thì có sẵn, bạn cũng có thể mua trực tuyến
  • Nếu kem không kê đơn không có tác dụng, hoặc phát ban lan rộng, hoặc bạn gặp phải các triệu chứng khác ngoài ngứa. Khi đó bạn nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về da để xác định nguyên nhân và điều trị cụ thể.
Hydrocortisone bôi tại chỗ
Hydrocortisone bôi tại chỗ giúp điều trị ngứa da

Trị ngứa da như thế nào?

Kế hoạch điều trị tốt nhất là phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngứa.

1. Khô da

Đối với những người đang bị khô da, một loại kem dưỡng ẩm tốt có thể là tất cả những gì cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng nên uống nhiều nước để da giữ nước. Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm. Đừng tắm quá lâu và đừng dùng nước nóng nhé.

2. Dị ứng

Thuốc kháng histamine đường uống là loại thuốc chống dị ứng phổ biến. Ví dụ bao gồm Zyrtec, Claritin và Benadryl.

3. Nhiễm nấm

Nhiễm nấm ngoài da, bệnh chân của vận động viên( athlete’s foot) và các bệnh nhiễm nấm khác có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Thuốc dùng tại chỗ bao gồm kem và dầu gội đầu. Đối với nhiễm trùng nặng, bác sĩ có thể kê toa thuốc uống. Terbinafine, hoặc Lamisil thường được sử dụng.

4. Côn trùng cắn

Thuốc kháng histamine tại chỗ có thể làm giảm ngứa. Để ngăn ngừa vết cắn, hãy sử dụng thuốc chống côn trùng. Bạn cũng nên giữ cho cơ thể được che phủ bằng quần áo.

Nhiem-nam-ban-chan-la-tinh-trang-nguy-hiem-gay-ngua-da
Nhiễm nấm bàn chân là tình trạng nguy hiểm gây ngứa da

Những người bị bệnh vẩy nến hoặc suy thận có thể được điều trị ngứa bằng phương pháp thay thế để không dùng thuốc. Liệu pháp ánh sáng hoặc liệu pháp quang là một phương pháp. Phương pháp điều trị bao gồm phơi da dưới những bước sóng nhất định của tia cực tím để giúp kiểm soát cơn ngứa.

Ngứa da là tình trạng phổ biến thường gặp trong cuộc sống. Việc tìm ra nguyên nhân và loại bỏ chúng là điều quan trọng nhất. Các phương pháp điều trị giảm ngứa tạm thời cũng có thể hữu ích. Nếu tình trạng ngứa da ảnh hưởng nhiều đến công việc, sinh hoạt hằng ngày của bạn, bạn nên tìm gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia về da để được tư vấn, làm các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân và điều trị phù hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What’s causing my skin to itch?https://www.healthline.com/health/itching

    Ngày tham khảo: 08/04/2020

  2. Pruritus and systemic diseasehttps://emedicine.medscape.com/article/1098029-overview

    Ngày tham khảo: 08/04/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người