Bàng quang tăng hoạt ở nữ và những vấn đề thường gặp
Nội dung bài viết
Ở bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu tổng quan về hội chứng bàng quang tăng hoạt. Trong đó, phụ nữ, đặc biệt ở thai phụ là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ mắc phải hội chứng này. Cụ thể quá trình mang thai ảnh hưởng đến hội chứng bàng quang tăng hoạt như thế nào? Những bài tập nào giúp cải thiện các triệu chứng? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Nguy cơ mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt ở phụ nữ có thai
Sinh con có thể góp phần gây tình trạng tiểu không tự chủ sau khi mang thai. Trong quá trình sinh con ngã âm đạo, cơ bắp và dây thần kinh có thể bị tổn thương. Một cuộc chuyển dạ kéo dài cũng có thể làm tăng khả năng tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang. Hội nghị Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa Kỳ công nhận rằng sinh mổ làm giảm tình trạng tiểu không tự chủ trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, khả năng này giảm dần sau 2 đến 5 năm sau khi sanh ngã âm đạo.
Tham khảo bài viết: Hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?
Đối với người phụ nữ có bàng quang tăng hoạt từ trước, tình trạng có thể nặng lên trong và sau quá trình mang thai. Vì quá trình sinh con làm suy yếu các cơ sàn chậu. Từ đó góp phần nặng lên vấn đề bàng quang hoạt động quá mức. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các yếu tố sau:
- Sự di lệch của niệu đạo và bàng quang trong khi mang thai và sanh ngã âm đạo.
- Phẫu thuật cắt tầng sinh môn. Trong quá trình sanh, bác sĩ có thể chủ động tạo một vết cắt ở cơ sàn chậu. Vết cắt này tránh rách tầng sinh môn quá mức và giúp em bé sanh ra dễ dàng hơn.
- Các yếu tố rủi ro khác bao gồm: lớn tuổi, thừa cân, có phẫu thuật vùng chậu trước đó, hút thuốc hoặc ho mạn tính.
Cần liên hệ bác sĩ về tình trạng bàng quang tăng hoạt khi nào?
Hãy liên hệ với bác sĩ của bạn nếu sau 6 tuần sau sinh, các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt không được cải thiện. Vô tình rò rỉ nước tiểu xảy ra không thường xuyên có thể không chỉ điểm hội chứng bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên, cần được thăm khám cặn kẽ để chẩn đoán xác định. Vì nếu không điều trị kịp thời, những vấn đề về bàng quang nói riêng và đường tiết niệu nói chung có thể gây nên nhiều phiền toái.
Xem thêm: Tiểu không kiểm soát: Lời khuyên của bác sĩ và cách cải thiện tình trạng phiền toái
Dụng cụ tập cơ sàn chậu cho nữ giới
Cơ chế hoạt động của nó như một công cụ tập tạ cho cơ sàn chậu của bạn. Đây là một trong các phương pháp cải thiện các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt.
Một quả bóng nhỏ sẽ được đặt vào âm đạo của bạn. Bạn thít chặt cơ sàn chậu để giữ nó không bị tụt. Sau khi bạn có thể giữ những quả bóng nhỏ mà không khó chịu, bạn có thể tập luyện cơ bắp để giữ những quả bóng nặng hơn. Cơ sàn chậu của bạn sẽ được rèn luyện và tăng cường sức mạnh trong suốt quá trình này.
Bài tập Kegel là gì?
Bài tập Kegel là một phương pháp có thể được sử dụng để giúp kiểm soát chứng tiểu không tự chủ trong bàng quang tăng hoạt. Những bài tập này giúp làm săn chắc và tăng cường cơ bắp ở sàn chậu, có thể áp dụng cho cả nam và nữ. Tăng cường cơ sàn chậu có thể cải thiện chức năng của niệu đạo và cơ thắt trực tràng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Kegel tại đây
Một cách để tìm cơ bắp Kegel là ngồi trên nhà vệ sinh và bắt đầu đi tiểu. Sau đó ngừng tiểu giữa dòng. Các cơ mà bạn sử dụng để ngăn chặn dòng nước tiểu là cơ Kegel. Một cách khác để giúp xác định vị trí các cơ Kegel là đưa một ngón tay vào âm đạo và cố gắng thít chặt các cơ xung quanh ngón tay của bạn.
Để thực hiện bài tập Kegel, bạn nên:
- Giữ cơ bụng, đùi và cơ mông thư giãn.
- Siết chặt các cơ sàn chậu.
- Viện Tiểu đường, Bệnh Tiêu hóa và Thận Quốc gia (NIDDKD) khuyên bạn nên giữ mỗi lần siết chặt trong ba giây. Dần dần tăng lên 1 bộ 10 giây. Sau đó là 10 bộ, 1 bộ 10 giây trong mỗi lần tập.
- Thư giãn các cơ sàn chậu cho đến khi bạn đếm đến 10.
Thực hiện 3 lần bài tập Kegel vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Chúng có thể được thực hiện bất cứ lúc nào – trong khi lái xe hoặc khi đang ngồi tại bàn.
Nhìn thấy kết quả với bất kỳ bài tập nào cũng cần có thời gian, vì vậy hãy kiên nhẫn. Nếu bạn thực hiện Kegels ba lần một ngày, bạn sẽ thấy bàng quang được kiểm soát tốt hơn trong ba đến sáu tuần. Một số người có thể đạt được kết quả trong thời gian ngắn hơn. Đừng quên ghi sự rò rỉ nước tiểu của bạn trong nhật ký đi tiểu mỗi ngày để giúp bạn nhận thấy sự cải thiện.
Làm gì khi không thực hiện được bài tập Kegel?
Nếu bạn gặp khó khăn khi thực hiện các bài tập Kegel, đừng ngại ngùng khi yêu cầu trợ giúp. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn thông tin phản hồi quan trọng để bạn học cách xác định đúng cơ bắp và thực hiện bài tập một cách hiệu quả.
Trong một số trường hợp, nghiệm pháp phản hồi sinh học có thể được chỉ định. Mục đích của nghiệm pháp này là nhằm hỗ trợ bạn tìm ra đúng cơ sàn chậu. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò nhỏ vào trực tràng của bạn. Khi bạn thư giãn và co thắt cơ sàn chậu, một màn hình sẽ đo và hiển thị hoạt động sàn chậu của bạn.
Xem thêm: Những thay đổi âm đạo sau khi sinh không đáng sợ như bạn nghĩ
Một số người không thấy bất kỳ thay đổi nào trong một tháng. Điều này có thể do bài tập Kegel không thực sự phù hợp với cơ thể của họ. Đừng ngại tìm đến bác sĩ để được tư vấn các bài tập khác thích hợp hơn.
Quá trình mang thai có thể gây ra hoặc góp phần làm nặng lên các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt. Kiên trì thực hiện những bài tập cơ sàn chậu là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả. Cả nam và nữ đều có thể áp dụng bài tập này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Overactive bladderhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/overactive-bladder/symptoms-causes/syc-20355715
Ngày tham khảo: 03/06/2020
-
Slideshow: OAB -- Helping a Confused Bladderhttps://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/ss/slideshow-overactive-bladder
Ngày tham khảo: 03/06/2020
-
Bàng quang tăng hoạt (do nguyên nhân thần kinh)
https://hahoangkiem.com/benh-than/hoi-chung-bang-quang-than-kinh-323.html
Ngày tham khảo: 03/06/2020
-
Urinary Incontinence and Pregnancyhttps://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/pregnancy
Ngày tham khảo: 03/06/2020
-
5 Best Exercises and Treatments for Women with an Overactive Bladderhttps://www.healthline.com/health/overactive-bladder-exercises-women
Ngày tham khảo: 03/06/2020
-
Kegel Exercises: Treating Male Urinary Incontinencehttps://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/kegel-exercises-treating-male-urinary-incontinence
Ngày tham khảo: 03/06/2020
-
Urinary Incontinence: Kegel Exercises for Pelvic Muscleshttps://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/urinary-incontinence-kegel-exercises-for-pelvic-muscles
Ngày tham khảo: 03/06/2020