Hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?
Nội dung bài viết
Hội chứng bàng quang tăng hoạt, một cái tên có vẻ xa lạ nhưng thực chất không hề hiếm gặp. Bạn có thường xuyên sử dụng phòng tắm hằng ngày? Bạn có cảm giác rằng mình cần đi tiểu ngay mà không thể chờ đợi? Liệu bạn có thức dậy nhiều hơn một hoặc hai lần một đêm để đi tiểu không? Tình trạng này có gây ra vấn đề với công việc và sinh hoạt của bạn không? Nếu câu trả lời là có, rất có thể bạn đang mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt. Sau đây, hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này nhé!
Như thế nào là bàng quang tăng hoạt?
Bàng quang là nơi chứa nước tiểu trước khi thải ra ngoài cơ thể. Có thể tưởng tượng bọng đái như một quả bóng có tính đàn hồi. Quả bóng này thông với một ống tên là niệu đạo để dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể. Chức năng của bọng đái là chứa và xả nước tiểu theo sự điều khiển của chúng ta.
Bình thường, dung tích bàng quang khoảng 300 – 500ml. Ở người lớn, thể tích bàng quang khi giãn căng có thể chứa khoảng 800 – 1.000 ml. Khi nước tiểu chiếm khoảng 2/3 thể tích bàng quang, các cơ ở đây sẽ được thần kinh kích thích. Bàng quang sẽ nhận được tín hiệu xả nước tiểu ra niệu đạo. Bạn sẽ có cảm giác mắc tiểu. Các dây thần kinh khác nối với niệu đạo mở ra để nước tiểu có thể rời khỏi cơ thể bạn.
Đôi lúc, các tín hiệu thần kinh bị nhầm lẫn, bàng quang chưa đầy nước nhưng bạn vẫn có cảm giác mắc tiểu. Bạn buộc phải đi tiểu ngay. Đây chính là tình trạng tăng hoạt động quá mức của bàng quang. Hay vắn tắt là hội chứng bàng quang tăng hoạt, tên gọi khác là bàng quang thần kinh. Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tập hợp các triệu chứng có liên quan xảy ra trong tình trạng này.
Nguyên nhân của hội chứng bàng quang tăng hoạt
Thông thường, nguyên nhân của hội chứng bàng quang tăng hoạt là một ẩn số khó xác định. Đôi khi, nguyên nhân của hội chứng này lại đơn giản và dễ điều trị, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các nguyên nhân khác có thể là tổn thương thần kinh do:
- Chấn thương tủy sống, thoát vị đĩa đệm.
- Chấn thương hoặc phẫu thuật vùng chậu.
- Sỏi bàng quang hoặc khối u bàng quang.
- Đái tháo đường.
- Các bệnh lý nhiễm trùng có biến chứng thần kinh như: giang mai, herpes…
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc và rối loạn thần kinh như bệnh Parkinson, đột quỵ hoặc đa xơ cứng.
- Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.
- Tiêu thụ quá nhiều cà phê hoặc rượu bia.
- Suy giảm chức năng nhận thức do lão hóa. Điều này có thể khiến bàng quang của bạn khó nhận biết các tín hiệu thần kinh.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm về bệnh lý này trong bài viết Bàng quang tăng hoạt và những vấn đề thường gặp.
Dấu hiệu thường gặp
- Đột ngột mắc tiểu không nhịn được, khó kiểm soát.
- Són tiểu, tiểu không tự chủ được. Có thể xảy ra tự nhiên không có yếu tố khởi phát hay xảy ra ngay sau khi gắng sức, vận động mạnh, sau khi ho, hắt hơi.
- Đi tiểu thường xuyên, thường là 7 – 8 lần trở lên trong suốt 24 giờ.
- Thức dậy nhiều hơn 2 lần trong đêm để đi tiểu (tiểu đêm).
- Ngay cả khi bạn có thể đi vệ sinh kịp thời lúc buồn tiểu, việc thường xuyên phải đi tiểu nhiều lần vào ban ngày hay ban đêm vẫn khiến bạn gặp phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày.
Hậu quả nếu không điều trị đúng cách hội chứng bàng quang thần kinh
Việc phải liên tục đi tiểu hoặc són tiểu ở nơi công cộng có thể dẫn đến gián đoạn sinh hoạt của bạn. Nếu tình trạng này lặp lại thường xuyên, hậu quả có thể là:
- Xấu hổ, tự ti, tự cô lập.
- Rối loạn cảm xúc hoặc trầm cảm.
- Lo lắng, bất an thường xuyên.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Các vấn đề về tình dục.
Khi nào bạn cần liên hệ bác sĩ?
Nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc hội chứng bàng quang thần kinh gia tăng theo độ tuổi. Tuy nhiên, hội chứng này không phải là một tiến trình bình thường của hệ tiết niệu trong quá trình lão hóa. Vì vậy, ở bất kỳ độ tuổi nào, khi gặp các triệu chứng kể trên, chúng ta đều cần phải lưu ý. Khi các triệu chứng bắt đầu gây cản trở đến sinh hoạt hằng ngày, hoặc có thêm các dấu hiệu cảnh báo thì hãy liên hệ bác sĩ ngay.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể chỉ điểm những nguyên nhân của một bệnh lý khác cần điều trị:
- Tiểu đau, tiểu gắt buốt.
- Tiểu ra máu hay nước tiểu sậm màu.
- Khi bạn có sẵn các bệnh lý mạn tính như Parkinson, đái tháo đường, bệnh tim mạch… Lúc này, bàng quang tăng hoạt có thể là một biến chứng hoặc tác dụng phụ khi dùng thuốc. Bạn cần tái khám để được điều chỉnh biện pháp điều trị.
Chẩn đoán được thực hiện như thế nào?
Khi có các triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ có thể thăm khám đường tiểu và các triệu chứng toàn thân khác. Những xét nghiệm phù hợp sẽ được đề nghị tùy theo từng nguyên nhân.
- Tổng phân tích nước tiểu tìm các tình trạng nhiễm trùng, dấu hiệu gợi ý sỏi, đái tháo đường…
- Cấy nước tiểu khi nghi ngờ nguyên nhân nhiễm trùng.
- Sinh hóa nước tiểu (khảo sát các chất thường gặp trong nước tiểu). Qua nồng độ các chất này, ta xác định chức năng lọc máu tạo nước tiểu của thận có bị suy giảm hay không. Đây là một dấu hiệu nặng nề của bệnh.
- Khảo sát tế bào học nước tiểu. Những tế bào xuất hiện một cách bất thường trong nước tiểu gợi ý nguyên nhân nhiễm trùng hoặc ung thư.
- Test tã (pad test). Thực hiện test tã nhằm ghi nhận số lượng nước tiểu bị són ra.
Một số xét nghiệm chuyên sâu khác sẽ được đề nghị thêm để làm rõ nguyên nhân gây nên hội chứng này.
Ngoài ra, bạn cần ghi lại nhật ký đi tiểu. Người bệnh sẽ ghi lại thời điểm đi tiểu trong ngày. Những lúc nào là đi tiểu không kiểm soát. Các yếu tố nào gây mắc tiểu đột ngột hay són tiểu. Nhật ký này giúp bác sĩ và người bệnh cùng xác định các yếu tố liên quan đến tình trạng són tiểu, theo dõi mức độ và cải thiện tình trạng bệnh.
Cách điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt
1. Phân loại bệnh nhân
Trước khi bắt đầu điều trị cần phải phân loại bệnh nhân. Người bệnh tiểu không kiểm soát được phân thành 3 nhóm chính:
Tiểu không kiểm soát khi gắng sức
Nước tiểu tràn ra không tự chủ khi gắng sức mà không do sự co bóp bàng quang. Thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, xảy ra khi bệnh nhân có hoạt động gắng sức như ho, hắt hơi, rặng, cười, khiêng vật nặng… Lượng nước tiểu thường thoát ra ít. Tình trạng này hay gặp ở phụ nữ béo phì, sinh nhiều lần, mãn kinh… Ở nam giới thường gặp sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, nhất là cắt bỏ tuyến tiền liệt tận gốc.
Tiểu không kiểm soát gấp
Cảm giác mắc tiểu xảy đến và nước tiểu tràn ra rất nhanh. Người bệnh không kịp đến nhà vệ sinh. Nguyên nhân thường do bàng quang bị suy giảm chức năng giữ nước tiểu. Thường gặp khi thời tiết lạnh hay người bệnh có rối loạn tinh thần.
Tiểu không kiểm soát hỗn hợp
Phương pháp điều trị có nhiều khác biệt tùy theo từng nhóm bệnh nhân. Điều trị nội khoa (điều chỉnh hành vi kết hợp dùng thuốc) sẽ có hiệu quả cho nhóm tiểu không kiểm soát gấp. Ngược lại, các can thiệp ngoại khoa có ích cho nhóm tiểu không kiểm soát khi gắng sức.
2. Những phương pháp điều trị chính
Như đã đề cập, nguyên nhân gây ra hội chứng bàng quang tăng hoạt rất đa dạng và đôi khi khó xác định được. Nguyên tắc điều trị chủ yếu là cải thiện triệu chứng và điều trị dứt điểm nguyên nhân nếu có. Cụ thể là với các bệnh mạn tính như đái tháo đường, Parkinson…
Trong bài này chỉ tập trung vào cách điều trị các triệu chứng của hội chứng bàng quang tăng hoạt.
7.2.1. Điều chỉnh hành vi và lối sống (điều trị không dùng thuốc)
Đây được xem là bước đầu tiên trong quá trình điều trị, bao gồm:
- Truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh hiểu về chức năng của bàng quang và thế nào là bàng quang tăng hoạt.
- Hướng dẫn bệnh nhân viết nhật ký đi tiểu.
- Tập lại thói quen đi tiểu theo giờ, không cần phải đi tiểu bất cứ lúc nào cảm thấy mắc tiểu.
- Chế độ ăn uống: Một vài thực phẩm và đồ uống có thể kích thích bàng quang, khiến bạn dễ cảm thấy buồn tiểu hơn. Nên hạn chế: đồ uống hay thức ăn có đường, rượu bia, cà phê… Lượng nước uống vào quá nhiều cũng sẽ mau chóng làm người bệnh buồn tiểu. Điều chỉnh lại lượng nước uống hằng ngày sẽ cải thiện tình trạng này.
- Một số kỹ thuật tập luyện: bài tập kìm nén và kiểm soát cho người bệnh tiểu gấp; tập luyện bàng quang; tập co thắt cơ sàn chậu.
Điều trị dùng thuốc và can thiệp ngoại khoa khi cần
Dưới đây là một số nhóm thuốc chính:
Nhóm thuốc | Tác dụng | Nhược điểm |
Thuốc kháng Muscarinics | Làm giảm sự co bóp của cơ bàng quang. Nhóm thuốc này thường dùng kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc. | Tác dụng phụ: Khô miệng, mờ mắt, nóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh, khó tiêu, táo bón… |
Thuốc mới mirabegron | Giãn cơ và gia tăng dung tích bàng quang. | Chưa áp dụng tại Việt Nam. |
Thuốc khác: flavoxate, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng… | Có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng nhưng chưa rõ cơ chế. |
Khi các nhóm thuốc trên không có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng, những biện pháp sau sẽ được cân nhắc:
- Tiêm onabotulinumtoxin A vào bàng quang.
- Kích thích thần kinh cùng.
- Kích thích thần kinh chày.
- Phẫu thuật mở rộng bàng quang bằng ruột được chỉ định trong những trường hợp bàng quang có dung tích co nhỏ, rối loạn chức năng bàng quang với độ giãn nở kém.
Cần lưu ý rằng biện pháp dùng thuốc và các biện pháp can thiệp trên đây đều có ưu nhược điểm, có những tác dụng phụ không mong muốn. Việc can thiệp ngoại khoa tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần hợp tác với bác sĩ và tuân thủ liệu trình, không nên tự ý điều trị.
Phòng ngừa hội chứng bàng quang tăng hoạt như thế nào?
Luyện tập và duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa hội chứng đầy phiền toái này.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tập thể dục thể thao hằng ngày, tập vừa sức. Đối với người cao tuổi hoặc có các bệnh lý tim mạch, xương khớp, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn những bài tập phù hợp, tránh chấn thương.
- Hạn chế tiêu thụ đồ ăn thức uống chứa các chất kích thích bàng quang: cà phê, bia rượu, thực phẩm chứa nhiều đường.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Nếu bạn đang có sẵn các bệnh nền, đặc biệt là bệnh mạn tính như đái tháo đường, hãy tuân thủ điều trị và thăm khám đúng hẹn. Điều trị hiệu quả các bệnh lý này sẽ ngăn ngừa biến chứng thần kinh nói chung và hội chứng bàng quang tăng hoạt nói riêng.
- Thực hiện các bài tập dành riêng cho cơ sàn chậu.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt đặc trưng bởi tình trạng mắc tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu gấp, són tiểu không kiểm soát được. Chúng gây ra rất nhiều phiền toái với cuộc sống của bạn. Lâu dần, người bệnh có thể tự ti, rối loạn cảm xúc nếu không cải thiện được. Điều trị chủ yếu là thay đổi hành vi, tập thói quen đi tiểu, dùng thuốc và can thiệp ngoại khoa khi cần. Chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thể chất thường xuyên là chìa khóa vàng để ngăn ngừa hội chứng này.