YouMed

Begenderm là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng

Dược sĩ Trần Việt Linh
Tác giả: Dược sĩ Trần Việt Linh
Chuyên khoa: Dược

Begenderm là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng như thế nào để thuốc cho hiệu quả điều trị? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của Dược sĩ Trần Việt Linh. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Hoạt chất: Betamethasone, Gentamicin.

Thuốc có thành phần tương tự: Dipolac G.

Begenderm là thuốc gì?

Begenderm là sản phẩm của công ty dược phẩm Chung Gei Pharma đến từ Hàn Quốc. Begenderm được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da và đóng gói bằng tuýp 15 g.

Với 2 hoạt chất chính là Betamethasone và Gentamicin, Bengenderm được chỉ định để điều trị các bệnh lý da liễu liên quan đến nhiễm trùng và các phản ứng viêm.

Begenderm là sản phẩm của công ty dược phẩm Chung Gei Pharma
Begenderm là sản phẩm của công ty dược phẩm Chung Gei Pharma

Thành phần của thuốc và công dụng của từng thành phần

1. Thành phần

Mỗi tuýp thuốc Begenderm 15g bao gồm các thành phần và hàm lượng như sau:

2. Công dụng của từng thành phần

Betamethasone1

Đây là một corticosteroid tổng hợp. Betamethasone thuộc nhóm glucocorticoid cho tác dụng mạnh. Với hàm lượng 0.75 mg thì tác dụng kháng viêm của nó tương đương với 5 mg prednisolone.

Betamethasone cho các tác dụng chống viêm, chống dị ứng, thấp khớp. Với liều cao có thể kèm theo tác động ức chế miễn dịch

Gentamicin2

Gentamicin thuộc nhóm kháng sinh aminoglycosid. Tác dụng diệt khuẩn được lý giải do nhóm này ức chế quá trình sinh tạo protein của vi khuẩn. Nhóm kháng sinh aminoglycosid sẽ gắn với một trong 2 đơn vị ribosome là 30S hoặc 50S để làm dị tật màng tế bào của vi khuẩn. Từ đó sẽ ức chế tế bào vi khuẩn phát triển. Gentamicin là một trong những chất được sử dụng phổ biến trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng.

Tác dụng của thuốc Begenderm

Thuốc bôi da Begenderm được chỉ định để điều trị các bệnh lý da liễu như sau:

  • Viêm da có nhiễm trùng thứ pháp, ghi nhận có đáp ứng với corticoid.
  • Eczema (bệnh chàm da).
  • Nấm da.
  • Viêm trầy.
  • Hăm.
Begenderm được chỉ định sử dụng cho một số bệnh lý da liễu như Eczema, viêm da do nhiễm trùng…
Begenderm được chỉ định sử dụng cho một số bệnh lý da liễu như Eczema, viêm da do nhiễm trùng…

Cách dùng và liều dùng của thuốc

1. Cách dùng

Begenderm được bào chế dưới dạng thuốc bôi, vì vậy thuốc sẽ được dùng bằng cách bôi ngoài da.

Khi sử dụng thuốc, hãy đảm bảo vùng da cần điều trị được vệ sinh sạch sẽ. Chỉ nên bôi thuốc lên vùng da bị bệnh.

Lưu ý tránh sử dụng Begenderm diện rộng và cho các vùng da lành và hạn chế để thuốc tiếp xúc lên mắt.

2. Liều dùng

Liều dùng của thuốc sẽ phụ thuộc vào tình trạng và diễn tiến của bệnh. Để tối ưu hiệu quả khi sử dụng Begenderm, bạn nên tham khảo với bác sĩ để có được liều dùng thích hợp.

Begenderm có giá bao nhiêu?

Theo như công bố trên trang thông tin của Cục quản lý Dược Việt Nam, 1 tuýp Begenderm 15 g sẽ có giá là 25.000 VNĐ.3

Lưu ý trên thực tế có thể sẽ có chênh lệch do thời gian mua, đơn vị phân phối và các chương trình khuyến mãi đi kèm từng thời điểm.

Tác dụng phụ của Begenderm

Một số tác dụng phụ hiếm gặp của Begenderm:

Khi dùng thuốc bôi Begenderm diện rộng, có dùng thêm băng ép bạn có thể gặp một số triệu chứng của tình trạng cường vỏ thượng thận. Ngoài ra, bạn có thể sẽ bị kích ứng da, viêm nang lôngrậm lông, viêm da dạng bội nhiễm, teo da…

Vì vậy, việc tuân thủ điều trị trong liều lượng và cách dùng thuốc là rất quan trọng. Nếu trong quá trình sử dụng Begenderm có ghi nhận các triệu chứng được liệt kê ở trên hoặc các phản ứng bất thường không mong muốn, bạn nên dừng sử dụng sản phẩm và liên hệ ngay chuyên gia y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Tương tác thuốc

Hiện nay vẫn chưa ghi nhận thông tin tương tác thuốc từ nhà sản xuất. Tuy nhiên khi sử dụng đồng thời các sản phẩm bôi da với Begenderm thì có thể sẽ có sự tương tác giữa các hoạt chất với nhau. Bên cạnh đó trong trường hợp không tuân thủ hướng dẫn sử dụng mà sử dụng trên vùng da diện rộng có thể cho tác dụng toàn thân, lúc này Begenderm có thể cho tác dụng tương tác với các thuốc đường uống, đường tiêm khác.

Hãy liệt kê danh sách các loại thuốc mà bạn đang sử dụng cho bác sĩ được biết, bao gồm cả thuốc không kê đơn. Điều này sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ không mong muốn do tương tác thuốc đem lại.

Đối tượng chống chỉ định dùng Begenderm

Begenderm chống chỉ định dùng cho các đối tượng như sau:

  • Có tiền sử dị ứng với các thành phần chính như corticoid hoặc aminoglycosid.1 2
  • Bệnh nhân có các vùng da bị xây xát, tổn thương, trầy xước.
  • Eczema tai ngoài kèm thủng màng nhĩ và loét.2
Không sử dụng Begenderm lên các vùng da bị trầy xước
Không sử dụng Begenderm lên các vùng da bị trầy xước

Đối với phụ nữ có thai và mẹ cho con bú

Trong trường hợp lượng thuốc vào cơ thể lớn và cho tác dụng toàn thân:

  • Corticosteroid được ghi nhận làm giảm cân ở trẻ sơ sinh khi người mẹ sử dụng trong thời gian dài. Lý do được giải thích là do corticoid ức chế vỏ thượng thận ở trẻ. Bên cạnh đó, Betamethasone có thể được bài tiết vào sữa mẹ và cho những tác dụng không mong muốn cho trẻ nhỏ.1
  • Tất cả các kháng sinh nhóm aminoglycosid đều có thể qua nhau thai và gây độc cho thai nhi. Nên tránh dùng Gentamicin cho người mang thai vì nó có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác và dây thần kinh tiền đình trong giai đoạn thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ. Gentamicin cũng có thể bài tiết một lượng nhỏ qua sữa mẹ và gây độc cho thai nhi.2

Hiện vẫn chưa có thông tin từ nhà sản xuất về việc dùng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên việc sử dụng Begenderm cho những đối tượng đặc biệt này nên nhận được sự đồng ý và tư vấn từ bác sĩ.

Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng Begenderm

Đối với trẻ em cần hết sức thận trọng trong việc tuân thủ liều lượng và cách dùng. Nếu bôi thuốc trên diện tích rộng, tại vùng da bị tổn thương, dùng kéo dài hoặc bôi kèm theo băng quấn thì thuốc có thể tăng hấp thu và làm ức chế chức năng trục tuyến yên – dưới đồi – tuyến thượng thận. Từ đó sẽ cho những tác dụng không mong muốn trên toàn thân.1

Xử trí khi quá liều

Nếu chẳng may sử dụng quá liều thuốc, người bệnh cần được theo dõi liên tục để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường nếu có và có hướng điều trị kịp thời. Dừng việc sử dụng thuốc là cần thiết và liên hệ ngay với chuyên gia y tế để được tư vấn và hướng dẫn.

Trường hợp quên liều

Nếu quên sử dụng Begenderm đúng thời gian dự kiến, bạn có thể sử dụng ngay để bù cho liều đã quên.

Trong trường hợp đã gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo. Hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng như kế hoạch. Tuyệt đối không sử dụng gấp đôi liều vì có thể gây nên các phản ứng quá liều.

Lưu ý gì khi sử dụng Begenderm

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc Begenderm trước khi sử dụng.
  • Cần chú ý đến trường hợp quên liều khi sử dụng Begenderm cho các bệnh nhân gặp vấn đề về trí nhớ.
  • Tránh điều trị dài ngày khi không thấy cải thiện triệu chứng.
  • Nếu gặp tình trạng nghi ngờ nhiễm khuẩn lan rộng, nên phối hợp với kháng sinh đường toàn thân.

Cách bảo quản

Bảo quản Begenderm ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, nhiệt độ bảo quản dưới 30 độ C.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Begenderm do Dược sĩ Trần Việt Linh cung cấp. Mong rằng những nội dung mà bài viết mang lại sẽ có ích cho bạn đọc!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y Tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà nội. Tr. 252https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=252

    Ngày tham khảo: 06/03/2023

  2. Bộ Y Tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà nội. Tr. 722https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=722

    Ngày tham khảo: 06/03/2023

  3. Begendermhttps://drugbank.vn/thuoc/Begenderm&VN-14487-12

    Ngày tham khảo: 06/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người