Cách hình thành và vai trò của sữa mẹ
Nội dung bài viết
Sự thay đổi của vú mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú là gì? Làm thế nào để cơ thể phụ nữ tạo ra sữa mẹ? Chính xác thì sữa mẹ chứa gì? Nó ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé như thế nào? Đó là những câu hỏi sẽ được tập trung trả lời trong bài viết dưới đây. Mọi kiến thức đều được trích dẫn từ những nghiên cứu y khoa với bằng chứng tốt nhất.
1. Sự thay đổi của nhũ hoa ở phụ nữ
Bạn nghĩ bộ ngực của mình đã dừng phát triển ở độ tuổi trưởng thành? Không phải vậy đâu, thật sự thì lúc này nó vẫn chưa có được chức năng thiêng liêng nhất của mình – tiết sữa.
Sau tuổi dậy thì, cơ thể người phụ nữ bắt đầu hình thành nên một số tế bào tiết sữa. Sự hình thành này đi kèm với các lần hành kinh. Mỗi lần hành kinh thì một ít tế bào sản xuất sữa xuất hiện. Hiện tượng này kéo dài đến năm người phụ nữ 35 tuổi. Sau giai đoạn 35 tuổi, ngực của người phụ nữ sẽ không phát triển hơn nữa, nhưng không phải nó trưởng thành, người ta gọi đây là “ngủ đông”.
Và chức năng của bộ ngực người phụ nữ vẫn được tái kích hoạt thường xuyên nhưng rất nhẹ nhàng vào mỗi chu kỳ kinh. Lúc này, có thể họ sẽ cảm thấy căng tức, nhạy cảm và hơi sưng đỏ nhẹ.
>> Có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng đau vú ở phụ nữ. Đọc thêm: Đau vú: Mười nguyên nhân thường gặp.
Trong thai kỳ
Chu kỳ hình thành, tái kích hoạt phụ thuộc vào kinh nguyệt. Do đó, khi phụ nữ có thai thì chu kỳ này bị gián đoạn.
Từ cuối tháng đầu tiên của thai kỳ, ngực của bạn bắt đầu chuyển hóa thành các cơ quan sản xuất sữa. Trong thời gian này, ống dẫn sữa của bạn tăng về số lượng và trở nên dày đặc. Các ống dẫn bắt đầu phân nhánh thành một hệ thống ngày càng phức tạp. Đồng thời, các tế bào sản xuất sữa được gọi là tế bào sữa bắt đầu phát triển trong ngực của bạn. Lượng máu chảy đến ngực tăng gấp đôi khi bạn mang thai. Đó cũng là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy các tĩnh mạch qua da trên ngực của mình.
Cấu trúc của vú ở phụ nữ đang cho con bú
Trong vú có nhiều loại tế bào: Mô mỡ, tế bào tiết sữa và ống dẫn sữa.
Nang sữa là các túi dự trữ sữa hình thành bởi các tế bào tiết sữa.
Các ống dẫn thật sự là những ống nhỏ, chỉ rộng vài milimet. Chức năng của các ống này là vận chuyển sữa chứ không phải lưu trữ. Thay vào đó, sữa được tạo ra và thu thập trong túi nhỏ – nang. Các túi này được tạo từ những tế bào tiết sữa và kết nối với các ống dẫn liên tiếp nhau ra ngoài.
Sữa mẹ được giữ ở trong các túi nhỏ. Khi em bé bú sữa mẹ, một hormone trong não của mẹ sẽ được tiết ra – mang tên là oxytocin. Chất này sẽ tác động vào tuyến sữa ở vú khiến tuyến này co bóp, đẩy sữa ra ngoài.
Thật ra, trong khoảng 3 tháng giữa thai kỳ thì các tế bào vú của thai phụ đã có thể bắt đầu tiết sữa. Tuy nhiên, do lượng hormone nữ lúc này quá cao nên việc tiết sữa sẽ bị ức chế.
Khi bánh nhau đi ra khỏi tử cung của mẹ, các hormone nữ này sẽ giảm nhanh chóng. Từ đó, nó dẫn đến hiện tượng ức chế không còn làm cho sữa được hình thành và tiết ra.
Sau khi mẹ dừng cho trẻ bú hẳn thì sau khoảng 1 tháng, vú mẹ sẽ trở lại bình thường như chưa có thai.
2. Sữa mẹ có gì đặc biệt?
“Sữa mẹ là sự sống của trẻ”. Câu nói này có vẻ là nói quá, do có những trẻ vẫn có thể phát triển bình thường dù không có sữa mẹ. Tuy nhiên, thật sự sữa mẹ rất tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do nó có rất nhiều dưỡng chất quan trọng.
Sữa non
Sữa non là một loại sữa đặc biệt, được tiết ra trong vòng 2 – 3 ngày đầu sau sinh (72 giờ).
Loại sữa này được sản xuất với lượng rất ít, khoảng 40 – 50ml trong ngày đầu tiên, nhưng bé sơ sinh chỉ cần có vậy thôi. Thể tích sữa này rất nhỏ, đôi khi mẹ có thể cảm nhận không có sữa tiết ra.
Sữa non có nhiều bạch cầu và kháng thể, đặc biệt là IgA, protein, khoáng chất, các vitamin tan trong mỡ (vitamin A, E và K) hơn bất kỳ loại sữa nào. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ mắt và giúp hoàn thiện bề mặt biểu mô. Chính vitamin A khiến cho sữa non có màu vàng.
Sữa non giúp bé được bảo vệ khỏi sự tấn công của các vi sinh vật trong lần đầu tiên bé phải tiếp xúc với thế giới mới xung quanh. Các yếu tố trong sữa non có thể giúp bé hấp thu dinh dưỡng tốt nhất. Bé cần nhận được sữa non vào giai đoạn đầu đời và không cần bất kỳ thực phẩm nào khác.
Lượng sữa non sẽ nhiều hơn vào ngày thứ 2 – 4, làm cho ngực mẹ cảm thấy đầy, còn gọi là “sữa về”. Vào ngày thứ 3, bé có thể bú 300 – 400ml/ngày, và đến ngày thứ 5, bé có thể bú 500 – 800 ml/ngày. Từ ngày thứ 7 đến ngày 14, sữa sẽ gọi là sữa chuyển tiếp (sữa trung gian). Sau 2 tuần thì gọi là sữa trưởng thành (màu trắng).
3. Những vai trò khác của sữa mẹ đối với trẻ
Tăng tốc sự trưởng thành của những trẻ sinh non
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bảo vệ bé tốt nhất trước các tình trạng có thể gây tử vong bao gồm:
- Nhiễm trùng huyết.
- Bệnh phổi mạn tính.
- Viêm ruột hoại tử (NEC) .
Trẻ sinh non được nuôi bằng sữa mẹ cũng có nhiều khả năng về nhà sớm hơn.
Trên thực tế, các bác sĩ thậm chí coi sữa mẹ là một biện pháp điều trị chứ không chỉ là thực phẩm.
Trẻ bú sữa mẹ đi ngủ sớm hơn sau bú
Trẻ nhỏ ngủ nhiều giúp phát triển trí não hoàn thiện và toàn diện.
Nghiên cứu cho thấy trẻ bú sữa mẹ và sữa công thức cũng có khả năng thức dậy để bú trong đêm. Nhưng điều khác biệt là trẻ bú sữa mẹ trở lại giấc ngủ sớm hơn. Chất oxytocin được sản xuất trong cơ thể bé khi bé bú mẹ khiến bé cảm thấy buồn ngủ sau đó. Các kích thích tố và nucleotide khác trong sữa giúp em bé của bạn phát triển nhịp sinh học khỏe mạnh (thức ngủ đều đặn).
Bú sữa mẹ giúp trẻ thông minh hơn
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo được nuôi bằng sữa mẹ ít nhất 3 tháng có não chứa chất trắng nhiều hơn từ 20% đến 30%. Chất trắng là bộ phận kết nối các vùng khác nhau trong não và truyền tín hiệu giữa chúng. Bên cạnh chất xám giúp phân tích thông tin thì chất trắng dẫn truyền thông tin cũng rất quan trọng.
Nhiều yếu tố giúp trẻ thông minh hơn khác đã được lọc ra như:
- Thu nhập hộ gia đình tốt hơn.
- Mẹ có trình độ học thức cao hơn.
Dù vậy, có vẻ như trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có nhiều khả năng có IQ cao hơn trẻ bú sữa công thức.
Một số tác dụng khác
- Nghiên cứu cũng cho thấy những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ít mắc các bệnh ung thư như:
- Bệnh bạch cầu.
- Ung thư hạch.
- Có xu hướng có thị lực tốt hơn.
- Răng cứng hơn.
- Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ bị béo phì. Ngoài ra, nó còn giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
4. Cho con bú sữa mẹ cũng tốt cho mẹ
Bảo vệ sức khỏe
Oxytocin cũng có tác dụng chống trầm cảm. Một nghiên cứu cho thấy những bà mẹ có lượng hormone oxytocin cao hơn có ít triệu chứng lo âu và trầm cảm hơn.
Thực tế, miễn là bạn tiếp tục cho con bú, oxytocin sẽ giúp bạn bình tĩnh, giảm căng thẳng và giảm huyết áp. Nó thậm chí làm tăng khả năng chịu đau của bạn.
Tiếp tục cho con bú càng lâu, bạn càng được hưởng nhiều lợi ích sức khỏe. Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường loại 2 suốt đời. Mỗi tháng bạn cho con bú cũng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư vú, buồng trứng và tử cung.
Tránh thai
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng ngăn chặn sự rụng trứng. Vì vậy, khi đang cho con bú 6 tháng đầu, phụ nữ đa số sẽ không có kinh. Điều này có nghĩa là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ (không cho con bạn uống chất lỏng hay thức ăn nào khác, hay sữa mẹ chiếm hơn 90% khẩu phần ăn) cũng là một biện pháp tránh thai khá tốt. Thực tế, nó có hiệu quả ít nhất 98%, tỉ lệ thành công gần bằng thuốc viên hoặc bao cao su.
Giúp mẹ ngủ được nhiều hơn
Khi em bé của bạn thức dậy để đòi bú vào ban đêm thì cho con bú sữa mẹ có xu hướng làm cho bé ăn nhanh nhất, dễ dàng nhất và quay lại giấc ngủ sớm nhất. Do đó, người mẹ cũng có thể ngủ trở lại.
Như đã nói ở trên, oxytocin và các kích thích tố khác được giải phóng trong thời gian cho con bú sẽ giúp cả mẹ lẫn con ngủ lại nhanh chóng.
Giúp mẹ giảm cân
Nếu bạn đã từng tự hỏi có bao nhiêu calo được đốt cháy khi cho con bú thì câu trả lời là 500 calo mỗi ngày. Việc này tương đương với đạp xe đạp trong suốt một giờ. Và nếu bạn bơm sữa mẹ ra bình, bỏ vào tủ lạnh thì kết quả cũng sẽ tương tự.
Những calo thừa này được đốt cháy khi cho con bú. Chúng có thể giúp bạn giảm bất kỳ cân nặng nào mà bạn đã tăng trong khi mang thai. Tất nhiên là với điều kiện bạn không được ăn các thực phẩm nhiều năng lượng.
Tạo nên sự gắn bó bền chặt giữa 2 mẹ con
Sự gia tăng oxytocin mà bạn gặp phải trong mỗi lần cho con bú cũng giúp tăng cường mối liên kết của bạn với em bé. Trong quá trình cho con bú, người mẹ và bé:
- Có thể giao tiếp bằng mắt lâu hơn.
- Chăm sóc em bé của họ nhiều hơn.
5. Kết luận
Nhũ hoa của người phụ nữ chỉ thật sự trưởng thành khi họ mang thai và cho con bú. Các tế bào tiết sữa trong vú mẹ đã sẵn sàng từ những tháng giữa của thai kỳ.
Bầu vú cấu trúc bởi nhiều loại tế bào, ống dẫn sữa và mô mỡ. Có nhiều loại hormone tham gia tạo và tiết sữa, nhưng hormone được biết đến nhiều nhất là oxytocin. Thông qua động tác bú của trẻ, hormone oxytocin và vú mẹ giúp sữa được đẩy ra ngoài.
Sữa mẹ rất quan trọng và cần thiết cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Nó có rất nhiều dưỡng chất thiết yếu, giúp trẻ phát triển và được bảo vệ toàn diện. Ngoài tác dụng có lợi với trẻ, mẹ cho trẻ bú cũng nhận được nhiều lợi ích riêng.
Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.