Bệnh cường giáp có thai được không? Các bác sĩ nói gì?
Nội dung bài viết
Bệnh cường giáp là hội chứng rối loạn tuyến giáp tương đối phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Khi nồng độ hormone tuyến giáp dư thừa, tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Do đó, nhiều chị em phụ nữ thường lo lắng về thiên chức làm mẹ của mình. Hãy cùng các ThS. BS Trần Minh Quang đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc “Liệu bệnh cường giáp có thai được không?” qua bài viết dưới đây.
Bệnh cường giáp là gì?
Cường giáp là bệnh lý xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức. Đây là cơ quan tiết ra các hormone đóng vai trò điều hòa hoạt động của cơ thể. Các hormone này có nhiệm vụ:
- Tăng cường các hoạt động chuyển hóa như chuyển hóa đường, lipid và gây giảm cân.
- Giúp cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng.
- Giúp hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và các cơ quan khác hoạt động khi cần thiết.
Khi lượng hormone này được tiết ra quá nhiều, bạn sẽ có một số triệu chứng cường giáp như:
- Đổ nhiều mồ hôi dù không vận động mạnh, mắc chứng sợ nóng.
- Sụt cân nhanh dù chế độ ăn vẫn giữ nguyên.
- Nhịp tim đập nhanh, có thể bị khó thở hoặc đau thắt ngực.
- Có hiện tượng run không kiểm soát, đặc biệt là bàn tay.
- Có thể bị phù ở vùng cổ.
- Thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ, giấc ngủ không sâu và ngắn.
- Luôn mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng vận động.
Nếu gặp phải các biểu hiện trên, bạn nên liên hệ bác sĩ để được xét nghiệm cường giáp. Theo các bác sĩ, cường giáp nên được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Với những trường hợp có tiền sử rối loạn tuyến giáp, bạn nên đến phòng khám xét nghiệm ít nhất 6 tháng/lần để tầm soát bệnh.
Bệnh cường giáp có thai được không?
Do tỷ lệ phụ nữ bị cường giáp ngày càng cao, nhiều chị em phụ nữ lo lắng bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của mình. Câu hỏi “Bệnh cường giáp có thai được không?” cũng là thắc mắc hàng đầu của nhiều người. Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ nên tránh có em bé khi đang điều trị cường giáp do bệnh tác động xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Những ảnh hưởng đối với thai nhi
Tuyến giáp của con được hình thành từ tuần thứ 10 – 12 của thai kỳ. Trong giai đoạn này, trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến giáp của mẹ. Khi nồng độ thyroxin của mẹ tăng cao, lượng thyroxin dư thừa sẽ truyền qua máu của bé và gây nên các biến chứng như:
- Tăng nhịp tim thai, dẫn đến bệnh tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
- Thai có kích thước nhỏ hơn so với tuổi.
- Có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai lưu.
- Bé sinh ra có thể mang dị tật.
Trong trường hợp này, bệnh cường giáp có lây không? Câu trả lời là trẻ sơ sinh có thể bị cường giáp.
Ngoài ra, các thuốc kháng giáp hoặc iod phóng xạ được sử dụng trong điều trị cường giáp cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Các loại thuốc kháng giáp tổng hợp có thể qua nhau thai và gây bướu cổ cho trẻ sơ sinh.
Những ảnh hưởng đối với mẹ bầu
Nếu mẹ có em bé khi đang bị cường giáp, ngoài các triệu chứng lâm sàng điển hình, thai phụ còn có khả năng gặp các vấn đề sau:
- Tiền sản giật.
- Suy tim.
- Cơn cường giáp cấp (còn gọi là bão giáp) có thể đe dọa tính mạng của thai phụ.
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, các biến chứng có thể được cải thiện. Tuy nhiên, bệnh lại trở nên nặng hơn sau khi sinh con. Do đó, với câu hỏi “Bệnh cường giáp có thai được không?”, các bác sĩ thường khuyên mẹ bầu không nên có em bé trong giai đoạn bệnh đang tiến triển. Để đảm bảo an toàn, mẹ chỉ nên có thai khi đã chữa khỏi bệnh.
Điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai
Quyết định có em bé không được khuyến khích khi mẹ đang bị cường giáp. Song nếu mẹ bầu đã có thai khi bệnh cường giáp đang tiến triển nặng, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị sao cho ít ảnh hưởng đến mẹ và bé nhất.
Cường giáp nhẹ (nồng độ hormone giáp tăng nhẹ, ít triệu chứng)
Thai phụ lúc này có thể không cần điều trị. Bác sĩ theo dõi chặt chẽ các biểu hiện lâm sàng để đảm bảo mẹ và bé luôn khỏe mạnh. Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý cũng giữ vai trò quan trọng ở giai đoạn này.
Cường giáp nặng đến mức cần điều trị
Thai phụ có thể sử dụng thuốc kháng giáp ở liều cao, tác dụng mạnh nếu được sự cho phép của bác sĩ. Tuy nhiên, liều lượng thuốc nên được kiểm soát chặt chẽ để tránh gây rối loạn tuyến giáp ở thai nhi.
Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này được sử dụng rất hạn chế do thuốc mê không có lợi cho thai nhi.
Việc điều trị bằng iod phóng xạ có thể phá hủy hoàn toàn tuyến giáp ở trẻ hoặc khiến trẻ bị rối loạn tuyến giáp.
Với những thai phụ có biểu hiện tim đập nhanh hoặc run tay, thuốc chẹn beta có thể là sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng thuốc khi thật sự cần thiết.
Bỏ thai
Khi thai nhi chết lưu hoặc có dị tật bẩm sinh nặng, mẹ có thể được khuyên bỏ thai. Song để tránh các biến chứng cấp đe dọa tính mạng, bạn nên điều trị cường giáp ổn định rồi bỏ thai.
Những nguyên tắc chung khi điều trị cường giáp trong giai đoạn mang thai
Sau khi giải đáp được câu hỏi “Bệnh cường giáp có thai được không?”, những nguyên tắc cần nắm trong điều trị cường giáp cũng là vấn đề đáng được lưu tâm.
- Nên điều trị bệnh tuyến giáp ổn định rồi lên kế hoạch có thai.
- Nếu đã lỡ có thai khi đang mắc cường giáp, bạn vẫn có thể giữ thai nếu tuân thủ tốt các hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ tuyệt đối không bỏ thai khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Nên dùng thuốc kháng giáp ở liều thấp nhất có hiệu quả. Mục tiêu là đưa hormone tuyến giáp về bình thường và duy trì tình trạng đó.
- Các loại thuốc kháng giáp có thể cho hiệu quả khác nhau tùy theo giai đoạn mang thai và sinh con. Do đó, việc sử dụng bất kì loại thuốc nào cũng cần tuân theo y lệnh của bác sĩ.
- Mẹ bầu nên được theo dõi kỹ lưỡng trong quá trình điều trị.
Bài viết dưới đây đã giúp bạn đọc trả lời câu hỏi “Bệnh cường giáp có thai được không?”. Tuy mẹ bầu có thể có em bé dù đang điều trị cường giáp, bác sĩ khuyên bạn nên chữa khỏi bệnh trước khi quyết định mang thai. Nếu đã lỡ mang thai, mẹ bầu cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hyperthyroidism and pregnancy https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2270981/
Ngày tham khảo: 01/06/2021