YouMed

Bệnh cường giáp trạng: Dấu hiệu và phương pháp điều trị

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Cường giáp là bệnh khá thường gặp hiện nay với các triệu chứng đa dạng. Hãy cùng Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu về bệnh cường giáp trạng với các dấu hiệu, nguy cơ và phương pháp điều trị cho bệnh này.

Các bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp

Tuyến giáp nằm ngay dưới thanh quản và trước khí quản. Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể. Các hormon do tuyến giáp tiết ra có tác dụng làm tăng chuyển hoá chất của cơ thể.

Các bệnh lý ở tuyến giáp làm tăng hoặc giảm hormon này đều gây ra những sự thay đổi nhất định trong cơ thể. Các bệnh lý ở tuyến giáp được chia thành nhiều nhóm bao gồm.

Nhóm dị tật bẩm sinh

  • Nang giáp lưỡi.
  • Ống giáp lưỡi.
  • Nang khe mang.

Viêm tuyến giáp

  • Viêm tuyến giáp Hashimoto.
  • Viêm tuyến giáp bán cấp.
  • Viêm tuyến giáp mủ.

Phình giáp

  • Bướu giáp đơn thuần.
  • Bướu giáp kèm cường giáp như bệnh Basedow.
  • U tuyến độc của tuyến giáp.
  • Bướu giáp độc đa nhân.

Bướu lành tuyến giáp

  • Bướu tuyến tuyến giáp.
  • Bướu quái.
  • Bướu mạch máu.

Ung thư tuyến giáp

  • Ung thư biểu mô dạng nhú.
  • Ung thư biểu mô dạng nang.
  • Ung thư tế bào Hurthle.
  • Ung thư tủy giáp trạng.
  • Ung thư biểu mô giáp thể không biệt hoá (loạn sản).
  • U lympho.
  • Ung thư tuyến giáp thứ phát (di căn).

Các bệnh lý trên đưa đến bệnh cường giáp hoặc suy giáp do làm thay đổi nồng độ hormon giáp trong máu. Suy giáp có thể do bẩm sinh hoặc ở người lớn do những bệnh lý tại tuyến giáp trên.

Bệnh lý tuyến giáp
Bệnh lý tuyến giáp

Bệnh cường tuyến giáp trạng có khác bệnh cường giáp không?

Thực tế không có sự khác biệt giữa hai bệnh này. Cường giáp hay được biết đến cường giáp trạng là sự cường hóa chức năng hoạt động của tuyến giáp.

Trong bệnh cường giáp trạng, tuyến giáp tăng tổng hợp và giải phóng hormone vào máu, tăng hoạt động của các cơ quan và chuyển hoá trong cơ thể.

Đôi khi bác sĩ chẩn đoán nhiễm độc giáp tố, đó là tình trạng cường giáp quá mức, hormon giáp dư thừa quá nhiều trong máu vào các cơ quan gây ra các triệu chứng nặng nề. Nguyên nhân gây nhiễm độc giáp tố hầu hết do bệnh basedow và các bướu giáp nhân hoá độc.

Những nguy cơ mắc bệnh cường giáp trạng?

  • Tuổi mắc bệnh nhiều nhất khoảng 20-50 tuổi.
  • Bệnh gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới ( Tỉ lệ 10:1).
  • Bản thân hoặc gia đình có các bệnh đái tháo đường type 1, suy thượng thận tự miễn, viêm khớp dạng thấp, bệnh nhược cơ, giảm tiểu cầu vô căn có tần suất mắc bệnh cường giáp trạng cao hơn.
  • Một số nguyên nhân gây cường giáp di truyền trong gia đình, chủ yếu di truyền theo hệ nữ.
  • Thai sản, đặc biệt giai đoạn hậu thai sản.
  • Nhiễm phóng xạ.
  • Sang chấn tâm lý (stress).
  • Nhiễm độc chất.
  • Sử dụng iod hoặc thuốc có chứa iod như amiodaron.

Các triệu chứng của bệnh cường giáp trạng

Mức độ triệu chứng nặng nhẹ của bệnh cường giáp trạng phụ thuộc vào mức độ cường giáp, thời gian mắc bệnh bao lâu và tuổi của bệnh nhân.

  • Sụt cân, cân nặng giảm nhanh trong nhiều tuần, nhiều tháng mặc dù vẫn ăn ngon, chế độ dinh dưỡng không giảm.
  • Lo lắng, dễ bị kích thích, cáu gắt, nóng nảy, cảm xúc thái quá, khó tập trung, mệt mỏi nhưng khó ngủ.
  • Hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng.
  • Tiêu chảy không kèm đau bụng.
  • Thân nhiệt tăng, đổ mồ hôi nhiều, lòng bàn tay nóng ẩm.
  • Run tay biên độ nhỏ, tần số cao, run tăng khi người bệnh xúc động hay cố gắp tập trung làm một việc như cầm đũa, khâu vá.
  • Yếu cơ, dễ bị chuột rút. Người bệnh nhanh chóng mỏi khi đi lại, lên cầu thang khó khăn, đứng dậy từ ghế phải dùng tay chống.
  • Bướu giáp to, sờ hoặc nhìn thấy ở vùng trước cổ. Một số bệnh nhân bướu giáp to dần.
Sụt cân trong bệnh cường giáp trạng
Sụt cân trong bệnh cường giáp trạng

Diễn tiến các triệu chứng của bệnh có thể đột ngột sau sang chấn tâm lý (stress) hoặc viêm nhiễm. Cũng có trường hợp bệnh diễn tiến từ từ với các triệu chứng lúc đầu nhẹ, mệt mỏi sụt cân tăng dần nên người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Bệnh cường giáp trạng: khi nào cần khám bác sĩ ?

Bất cứ khi nào bạn có các triệu chứng của cường giáp trạng nêu trên, hãy đến khám ngay bác sĩ. Bệnh cường giáp điều trị không khó nhưng không tự khỏi nếu không được điều trị. Khi kéo dài thời gian càng lâu, bệnh không tự khỏi mà diễn tiến nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm không hồi phục.

Một số nguyên nhân gây bệnh cường giáp có tính chất di truyền trong gia đình. Vì vậy bạn nên khám bác sĩ tầm soát kể cả khi chưa có triệu chứng nếu gia đình có người bệnh cường giáp trạng.

Điều trị bệnh cường giáp trạng

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa là sử dụng thuốc để điều trị cho bệnh cường giáp trạng với các thuốc sau

  • Thuốc kháng giáp: ngăn cản sự hình thành và kết hợp giữa Iod và các thyroglobulin để tạo thành hormon giáp. Liều thuốc tấn công với thời gian trung bình 6-8 tuần. Tình trạng cường giáp giảm rõ rệt sau khoảng 2 tháng điều trị khi các triệu chứng bệnh cường giáp trạng giảm dần về mức bình thường.
  • Iốt và các chế phẩm chứa Iốt: với liều sử dụng cao hơn liều nhu cầu cơ bản của cơ thể, thuốc giúp giảm tổng hợp và giảm phóng thích hormon giáp vào máu.
  • Thuốc ức chế beta giao cảm: tác dụng ức chế thần kinh giao cảm, giúp giảm nhanh các triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, bồn chồn lo lắng, giảm nhịp tim. Thuốc có tác dụng nhanh sau vài ngày.
  • Một số thuốc hỗ trợ khác: giúp người bệnh giảm lo âu, căng thẳng, và bảo vệ gan trong thời gian dùng thuốc kháng giáp

Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa là phẫu thuật tuyến giáp bán phần hoặc toàn phần. Được chỉ định khi

  • Bướu giáp quá to.
  • Không đáp ứng điều trị nội khoa, bệnh thường xuyên tái phát.
  • Người bệnh có các chống chỉ định thuốc nội khoa.

Trong điều trị ngoại khoa, người bệnh được sử dụng thuốc kháng giáp trong khoảng 2-3 tháng để đưa từ trạng thái cường giáp về bình giáp trước khi phẫu thuật. Mục tiêu giảm biến chứng cơn bão giáp khi phẫu thuật.

Điều trị bệnh cường giáp trạng là quá trình lâu dài. Hiểu rõ về dấu hiệu và yếu tố nguy cơ của bệnh giúp bạn điều trị hiệu quả hơn, giảm tái phát bệnh. Mong rằng những nội dung Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp sẽ có ích cho bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hyperthyroidism (Overactive)https://www.thyroid.org/hyperthyroidism/

    Ngày tham khảo: 05/06/2021

  2. Sách điều trị nội, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, 2020

  3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh nội tiết- chuyển hoá, Bộ y tế, 2015

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người