YouMed

Bướu cường giáp và những ảnh hưởng tới cơ thể bạn?

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Bướu cường giáp một trong những bệnh nội tiết thường gặp. Vậy những ảnh hưởng của bướu cường giáp đến cơ thể chúng ta như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu các thông tin hữu ích cường giáp để hiểu rõ thêm về bệnh này. 

Bướu cổ cường giáp: Đâu là nguyên nhân?

Cường giáp là thuật ngữ chung để chỉ ra tình trạng tuyến giáp tăng tạo và tiết ra nhiều hormon giáp.

Nguyên nhân gây cường giáp bao gồm tại tuyến giáp và ngoài tuyến giáp. Phân loại nguyên nhân gây bướu cường giáp được chia thành 2 nhóm chính.

Cường giáp nguyên phát

  • Bệnh Basedow ( Bệnh cường giáp có lồi mắt)
  • Bướu giáp đa nhân hoá độc
  • U độc giáp
  • U quái buồng trứng
  • Quá tải Iốt: muối Iốt, thuốc cản quang
  • Đột biến tăng hoạt thụ thể TSH
  • Các di căn ung thư giáp

Cường giáp thứ phát

  • Adenoma tuyến yên tiết TSH ( TSH tăng)
  • Hội chứng đề kháng hormon giáp
  • U tiết HCG ( Thai trứng, Ung thư nguyên bào nuôi)
  • Nhiễm độc giáp thai kỳ

Trong các nhóm nguyên nhân trên, cường giáp do Basedow thường gặp nhất với tần suất 60-70% bệnh nhân cường giáp đến khám.

Bệnh bướu cường giáp do basedow các đặc điểm bướu giáp to lan toả, nhiễm độc hormon giáp, các dấu hiệu về mắt ( mắt to, lồi mắt, phù mi mắt, viêm loét giác mạc, giảm thị lực). Đây cũng là thể bệnh điển hình nhất cho các triệu chứng cường giáp với nhiều với các triệu chứng rầm rộ, nổi trội.

Triệu chứng sớm bướu cổ cường giáp

Triệu chứng cường giáp biểu hiện ở nhiều cơ quan do sự dư thừa hormon tuyến giáp. Các triệu chứng sớm. Các triệu chứng của cường giáp ở giai đoạn đầu nhẹ, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác nên thường không được chú ý đến.

Rối loạn chuyển hóa

Người bệnh thường nhanh đói, ăn nhiều bữa và tăng khẩu phần ăn. Giai đoạn đầu có thể tăng cân nhẹ sau đó sụt cân nhanh nhanh chóng.

Tiêu chảy xảy ra thường xuyên không do ăn uống với tần suất 5-10 lần/ ngày không kèm đau quặn bụng, khác với tiêu chảy do rối loạn tiêu hoá.

Rối loạn thân nhiệt

Nhiệt độ cơ thể tăng, sờ da có cảm giác nóng ẩm.

Người bệnh cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi hơn.

Lòng bàn tay nóng hoặc ấm, ẩm ướt do ra nhiều mồ hôi.

Triệu chứng tim mạch

  • Tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực.
  • Nhịp tim ở hầu hết người bệnh đều tăng với tần số dao động trung bình 100-140 lần/ phút.
  • Huyết áp tăng

Triệu chứng thần kinh – tinh thần – cơ

  • Bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động, tính tình thay đổi, hay cáu gắt.
  • Mệt mỏi nhưng không ngủ được, mất ngủ thường xuyên, giảm sức lao động.
  • Run tay ở tần số cao, biên độ nhỏ ( run nhanh liên tục ở các đầu ngón tay).
  • Mỏi cơ, yếu cơ, khả năng vận động giảm.

Kích thước tuyến giáp

Bướu cường giáp to ở nhiều mức độ, thấy được ở vùng trước cổ, sờ mềm, to một bên hoặc cả hai bên.

Một số bệnh nhân bướu giáp quá to chèn ép vào khu vực phía trong gây khó thở, nghẹn khi nuốt.

Triệu chứng về mắt

Các triệu chứng về mắt chủ yếu có ở những bệnh nhân bướu cường giáp do nguyên nhân bệnh Basedow với tần suất khoảng 50%.

Triệu chứng mắt trong bướu cường giáp:

  • Cảm giác chói mắt, cộm mắt như có bụi, đau nhức mắt, chảy nước mắt.
  • Lồi mắt kèm phù nề mi mắt, giác mạc đỏ sung huyết.
  • Ở mức độ nặng hơn của lồi mắt: viêm loét giác mạc, giảm thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi).
  • Mắt nhắm không khít, hở khe mi.
Triệu chứng bướu cường giáp
Triệu chứng bướu cường giáp

Triệu chứng muộn của bệnh bướu cổ cường giáp

Các triệu chứng muộn hay biến chứng của bệnh bướu cổ cường giáp chủ yếu là sự tiến triển nặng hơn của các triệu chứng đã có sẵn. Các biến chứng này là hậu quả của việc không điều trị khi vừa có triệu chứng hoặc điều trị chưa đúng phương pháp.

Những biến chứng nguy hiểm bao gồm:

  • Suy tim
  • Rung nhĩ
  • Cơn bão giáp
  • Viêm gan do loạn dưỡng, sau đó có thể dẫn đến xơ gan
  • Các biến chứng tại mắt: song thị ( nhìn đôi), giảm thị lực đến mất thị lực, viêm loét giác mạc và các biến chứng khác do lồi mắt.
Suy tim và biến chứng tim mạch
Suy tim và biến chứng tim mạch

Có triệu chứng bướu cổ cường giáp, nên làm gì?

Ngay khi có các triệu chứng của bướu cường giáp, hãy đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để được khám và tư vấn sức khỏe.

Chẩn đoán cường giáp là một vấn đề không khó. Bác sĩ chẩn đoán dựa vào các biểu hiện triệu chứng đặc trưng của bệnh cường giáp. Sau đó đưa ra các xét nghiệm khác nhằm chẩn đoán chính xác bệnh cường giáp và nguyên nhân gây bệnh.

Người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống vì sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn. Không những không điều trị được bệnh mà có thể gặp phải những tác dụng phụ của thuốc.

Chẩn đoán sớm bệnh ở những giai đoạn ban đầu giúp người bệnh rút ngắn thời gian điều trị và những biến chứng nặng nề của cường giáp.

Điều trị bệnh cường giáp có khó không?

Các nguyên nhân gây bệnh cường giáp hầu như không tự hết mà cần được điều trị. Khi được điều trị, bệnh nhân có thể hết hoàn toàn, giảm một phần và duy trì thuốc thời gian dài để bình ổn giáp hoặc cũng có thể tái phát sau khi đã điều trị hết. Do đó cần theo dõi quá trình điều trị và tái khám đúng hẹn theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh cường giáp và các triệu chứng đi kèm có thể điều trị khỏi nếu điều trị sớm và giải quyết được nguyên nhân của  bệnh. Khi đã có biến chứng, bệnh cường giáp vẫn có thể điều trị khỏi.

Tuy nhiên biến chứng thường để lại về sau cho người bệnh mặc dù đã điều trị khỏi bướu cường giáp. Như vậy điều trị sớm và điều trị đúng rất quan trọng để giảm nguy cơ dẫn đến biến chứng về sau.

Điều trị cường giáp là quá trình lâu dài, cần có sự phối hợp giữa bác sĩ và người bệnh để quá trình điều trị mang lại hiệu quả.

Những biến chứng do cường giáp để lại thường khó hồi phục, do vậy hãy đến bệnh viện khám ngay khi bạn hoặc người nhà có những triệu chứng cường giáp trên. Nếu bạn đang trong quá trình điều trị, các triệu chứng cường giáp không giảm mà còn xuất hiện thêm các triệu chứng mới và nặng hơn, hãy quay trở tái khám sớm để được tư vấn điều trị và theo dõi tình trạng. Mong rằng những nội dung Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp sẽ có ích cho bạn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hyperthyroidism (Overactive)https://www.thyroid.org/hyperthyroidism/

    Ngày tham khảo: 03/06/2021

  2. Sách điều trị nội, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, 2020

  3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Bệnh nội tiết- chuyển hoá, Bộ y tế, 2015

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người