YouMed

Bệnh dại: Có thật sự nguy hiểm không?

bác sĩ đinh gia khánh
Tác giả: Bác sĩ Đinh Gia Khánh
Chuyên khoa: Huyết học - Truyền máu

Chắc hẳn chúng ta không mấy lạ lùng với bệnh dại. Nhất là với thói quen nuôi chó phổ biến ở Việt Nam. Bệnh từ lâu đã được mô tả và cảnh báo bởi nhiều kênh truyên thông. Liệu bệnh dại có thật sự nguy hiểm? Chúng ta đã hiểu hết về nó chưa? Hãy theo dõi bài viết này của bác sĩ Đinh Gia Khánh để trả lời câu hỏi đó nhé.

1. Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Tác nhân gây ra bệnh là virus dại (Rabies lyssavirus). Người bệnh sẽ có biểu hiện triệu chứng thần kinh, viêm não cấp. Trung gian lây truyền bệnh dại cho người là các loài thú có vú.

2. Bệnh dại lây truyền như thế nào?

“Chó cắn có thể bị dại đấy!”. Chúng ta có thể rất quen thuộc với câu nói ấy. Đây là một câu nói hoàn toàn chính xác, vì nước bọt của chó dại là một yếu tố lây truyền dại phổ biến.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không chỉ có “chó cắn” mới lây dại. Nước bọt của bất kỳ loài thú có vú nào bị mắc dại đều có thể chứa dại và lây cho người. Ngoài ra, một số nguy cơ khác đã được ghi nhận, chúng ta hãy điểm lại các yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Vết cắn của thú vật dại ( Đặc biệt là chó mèo nuôi, các loài thú rừng,…).
  • Bị thú vật dại cào (Vết cào có thể dễ nhiễm virus từ nước bọt, phân của thú vật).
  • Hít phân dơi bị dại có.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh dại: Chuẩn bị gì trước khi gặp bác sĩ?

Dù rất hiếm nhưng đã ghi nhận trường hợp bệnh dại bùng phát ở đối tượng ghép giác mạc mà người cho mắc dại, tuy vậy bệnh dại lây từ người sàng người thì chưa được ghi nhận. Dù về mặt lý thuyết điều này có thể xảy ra.

Nhìn chung, nguyên nhân chiếm tuyệt đại đa số là bị súc vật dại cắn. Và tiếp xúc với nước bọt của chúng qua da không toàn vẹn là nguy cơ rõ rệt nhất.

bệnh dại 1
Hình 1. Một con chó đang theo dõi bị dại.

3. Bệnh dại có thật sự nguy hiểm không?

Tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh dại là 100%. Tức là không có bất kỳ trường hợp nào sống sót nếu khởi phát bệnh dại. Và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh. Hoàn toàn không quá khi nói bệnh dại là một bệnh chỉ có thể dự phòng. Có thể thấy không cần tranh cãi gì về mức độ nguy hiểm của bệnh phải không nào?

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh truyền nhiễm là gì và những căn bệnh phổ biến cần lưu ý

4. Dấu hiệu của bệnh dại là gì?

Sau khi bị súc vật dại cắn, sẽ rơi vào thời kỳ ủ bệnh. Tức là thời giai không triệu chứng sau khi tiếp xúc với virus. Thời gian này trung bình từ 20 – 60 ngày, nhưng có thể chỉ vài ngày hoặc kéo dài hằng năm.

Vết cắn gần mặt sẽ nguy hiểm hơn, thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn. Khi bệnh khởi phát, sẽ bước vào các giai đoạn sau:

Tiền triệu

Gồm nhiều triệu chứng tương đối mơ hồ:

  • Sốt.
  • Mệt mỏi.
  • Chán ăn.
  • Đau đầu, đau cơ.
  • Cảm giác đau, châm chích ở vết cắn.
  • Thay đổi tâm thần kinh: lo lắng, mất ngủ, dễ cáu gắt, kích thích,…

Bùng phát

Có thể biểu hiện hai thể: Thể hung dữ (viêm não) và thể bại liệt.

Thể hung dữ

  • Triệu chứng rầm rộ và tử vong nhanh chóng:
  • Sợ nước, sợ âm thanh, dễ bị kích động.
  • Co thắt cơ, co thắt hầu họng, co giật toàn thân.
  • Ảo giác, mất định hướng…
  • Cuối cùng sẽ dẫn đến hôn mê, ngưng tim ngưng thở và tử vong.

Thể bại liệt

  • Bệnh nhân liệt tiến triển, dần ra toàn thân.
  • Bí tiểu tiện, đại tiện,…
  • Liệt các cơ hô hấp, cuối cùng cũng dẫn đến tử vong, tuy có chậm hơn thể hung dữ.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Trẻ bị thú cưng cắn, bạn đã xử trí đúng cách chưa?

bệnh dại 2
Hình 2. Một bệnh nhân bùng phát dại với triệu chứng thần kinh nghiêm trọng.

5. Xử trí khi bị động vật dại cắn như thế nào?

Không chỉ có cắn, khi bị chúng cào hay tấn công mà gây nên vết thương đều cần lưu ý:

  • Rửa ngay vết cắn nhiều lần với xà phòng dưới vòi nước chảy ít nhất 10 – 15 phút.
  • Nếu có cồn 70o hoặc cồn iod nên rửa kỹ lại vết thương.
  • Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Nên bắt nhốt và theo dõi thú vật đã cắn/cào.

Lưu ý:

  • Không nên tự ý đắp, rắc lên vết thương các loại thuốc, lá, …
  • Không tự băng bó vết thương.
bệnh dại 3
Hình 3. Thao tác quan trọng đầu tiên giúp hạn chế nguy cơ nhiễm là rửa vết cắn dưới vòi nước đang chảy từ ít nhất 10 – 15 phút.

6. Có nên tiêm vắc xin phòng dại?

Bắt buộc, nếu bị súc vật (đặc biệt là chó mèo) nghi dại cắn. Tuy nhiên, vết cắn cho thể cần được đánh giá bởi bác sĩ để có chỉ định phù hợp. Tính chất, đặc điểm và vị trí của vết thương rất quan trọng để chọn lựa can thiệp.

Một yếu tố khác quan trọng không kém là theo dõi con vật cắn người. Thường là 10 ngày, nếu con vật có những biểu hiện sau, cần báo ngay cho cán bộ y tế nếu con vật chết hoặc có hành vi bất thường.

7. Chích ngừa dại chi phí bao nhiêu? 

Chi phí sẽ tuỳ thuộc vào tình huống, nếu nguy cơ cao (súc vật nghi dại, vết cắn gần mặt,…) thì bác sĩ có thể phải chỉ định cả vắc-xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại.

Vắc xin ngừa dại có giá thay đổi dao động từ: 200.000 VNĐ – 300.000 VNĐ.

Huyết thanh kháng dại sẽ tính theo cân nặng, chi phí một lần tiêm dao động từ khoảng trên 400.000 VNĐ đến 800.000 VNĐ.

Rất nhiều tin đồn rằng tiêm ngừa dại sẽ bị “ngu đần”, mất trí nhớ, điều này hoàn toàn vô căn cứ. Không có một tài liệu nghiên cứu nào chứng minh được điều trên. Cũng như nhiều loại vắc xin khác, tiêm ngừa dại cũng có một số tác dụng không mong muốn. Nổi bật là phản ứng dị ứng, cần phối hợp cùng bác sĩ để theo dõi sau tiêm ngừa nhé.

Bệnh dại là một bệnh không điều trị được, vô cùng nguy hiểm và tử vong là chắc chắn. Nên quan trọng nhất là phòng ngừa bệnh và xử trí đúng đắn khi có nguy cơ bị nhiễm. Một điều khác quan trọng không kém là cần quản lý thú nuôi hợp lý, rọ mõm, tránh thả rông và tiêm chủng cho chúng đầy đủ để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc căn bệnh tử thần này nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bệnh dạihttps://vncdc.gov.vn/benh-dai-nd14503.html

    Ngày tham khảo: 05/11/2019

  2. Bệnh Dại. Bộ môn Truyền Nhiễm. Đại Học Y Dược TP.HCM.

  3. Hỏi đáp về bệnh dạihttps://vncdc.gov.vn/hoi-dap-ve-benh-dai-nd13756.html

    Ngày tham khảo: 05/11/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người