“Bệnh đái tháo nhạt có nguy hiểm không?” và câu trả lời từ bác sĩ.
Nội dung bài viết
Đái tháo nhạt là một nhóm bệnh xảy ra do rối loạn cân bằng nước. Nguyên nhân của bệnh này đa phần xuất phát từ sự thiếu hụt bài tiết hoặc kháng hormone chống bài niệu ADH của tuyến yên. “Bệnh đái tháo nhạt có nguy hiểm không?” hãy cùng Ths.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về bệnh đái tháo nhạt
Định nghĩa
Đái tháo nhạt là một tình trạng do sản xuất không đủ hormone chống bài niệu (ADH), một loại hormone giúp thận và cơ thể điều hòa lượng nước. Bình thường, hormone chống bài niệu kiểm soát việc thải ra nước tiểu của thận. Nó được tiết ra bởi vùng dưới đồi (một tuyến nhỏ nằm ở đáy não). Sau đó hormone này được lưu trữ trong tuyến yên và được giải phóng vào máu.
ADH được tiết ra giúp giảm lượng nước tiểu để không xảy ra tình trạng mất nước. Tuy nhiên, bệnh đái tháo nhạt gây ra sản xuất quá nhiều nước tiểu rất loãng và khát quá mức. Đái tháo nhạt được phân loại thành:
- Đái tháo nhạt trung ương: Cơ thể sản xuất ADH không đủ. Nguyên nhân có thể là kết quả của tổn thương tuyến yên do chấn thương đầu, rối loạn di truyền, khối u, phẫu thuật.
- Đái tháo nhạt do thận: Nguyên nhân là do thiếu phản ứng của thận với mức ADH bình thường. Việc này có thể do thuốc hoặc các rối loạn mãn tính, chẳng hạn như suy thận, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc bệnh thận đa nang.
Dấu hiệu
Ở bệnh đái tháo nhạt, mỗi cá nhân có thể gặp các dấu hiệu bệnh khác nhau. Tuy nhiên, một số dấu hiệu điển hình có thể là:
- Bệnh nhân khát nước liên tục. Điều này có nghĩa là bệnh nhân cần uống nước nhiều hơn bình thường.
- Bệnh nhân có nhu cầu đi tiểu nhiều bất thường. Nguyên nhân là do cơ thể sản xuất quá nhiều nước.
- Màu sắc nước tiểu nhạt, loãng.
Nguyên nhân của bệnh đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt trung ương
Bệnh do cơ thể giảm tiết hormone ADH gây ra. Nguyên nhân có thể do:
- Tổn thương vùng dưới đồi tuyến yên gây suy tuyến yên. Các thương tổn vùng dưới đồi như u sọ hầu hoặc các vấn đề của thần kinh trung ương thâm nhiễm, thường dễ dẫn đến đái tháo nhạt.
- Chấn thương hoặc các phẫu thuật u tuyến yên, u dưới đồi.
- Do di truyền – đây là nguyên nhân hiếm gặp, thường biểu hiện bệnh từ nhỏ. Bệnh đái tháo nhạt do di truyền thường mắc kèm với đái tháo đường và các khuyết tật liên quan đến ADH.
Đái tháo nhạt thận
Được gọi là đái tháo nhạt thận vì bệnh xuất hiện do thận không đáp ứng với ADH. Mặc dù lượng ADH trong cơ thể vẫn ở mức bình thường. Nguyên nhân gây nên việc thận đáp ứng kém với ADH như:
- Các bệnh thận mãn tính.
- Rối loạn điện giải: Giảm kali máu và tăng calci máu khiến nước tiểu bị cô đặc.
- Sử dụng các thuốc như lithium, amphotericin B,…
Đái tháo nhạt ở phụ nữ có thai
Đái tháo nhạt thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do nhau thai tiết ra một loại enzyme có khả năng phá hủy ADH.
Bệnh đái tháo nhạt có nguy hiểm không?
Bệnh đái tháo nhạt không nguy hiểm tuy nhiên việc can thiệp y tế cần được thực hiện để tránh các biến chứng về sau. Với những phương pháp điều trị thích hợp, bệnh nhân đái tháo nhật vẫn có thể có một lối sống bình thường. Trường hợp nước tiểu nhiều, nhạt màu do uống nhiều nước đôi khi không phải là bệnh đái tháo nhạt, cần phân biệt rõ với đái tháo nhạt thực sự
Chẩn đoán
Một số xét nghiệm máu và nước tiểu có thể chỉ ra chẩn đoán đái tháo nhạt. Các xét nghiệm như đo nồng độ natri trong máu. Hay là độ thẩm thấu huyết thanh hoặc huyết tương. Xét nghiệm độ thẩm thấu nước tiểu cũng có thể là phương pháp chẩn đoán đái tháo nhạt.
Để chắc chắn về chẩn đoán, bác sĩ thường được thực hiện “Ước lượng chất lỏng trong cơ thể”’. Quá trình này mất vài giờ và liên quan đến việc bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi và không được sử dụng chất lỏng trong một khoảng thời gian quy định.
Desmopressin được sử dụng để kiểm tra xem bệnh nhân đang mắc phải bệnh lý đái tháo nhạt trung ương hay đái tháo nhạt do thận. Một giờ sau khi tiêm thuốc này, nồng độ nước tiểu được kiểm tra lại. Nếu nồng độ tăng hơn 50% thì rất có thể bệnh nhân đang ở dạng đái tháo nhạt trung ương. Bệnh nhân đái tháo nhạt do thận sẽ có phản ứng kém với việc tiêm desmopressin.
MRI cũng được xem là một xét nghiệm hình ảnh trong chẩn đoán đái tháo nhạt. Phương pháp này được thực hiện để tìm các bằng chứng bất thường ở vùng dưới đồi hoặc trong tuyến yên.
Điều trị
Ở những bệnh nhân đái tháo nhạt thể nhẹ, có thể không cần phải sử dụng thuốc điều trị. Những bệnh nhân này chỉ cần bổ sung thêm nước cho cơ thể để bù lại lượng chất lỏng đã mất qua đường tiểu tiện.’
Bệnh nhân đái tháo nhạt trung ương, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định hormone desmopressin (một dạng hormone chống lợi tiểu). Ở bệnh nhân đái tháo nhạt do thận sẽ được chỉ định thuốc lợi tiểu (hydrochlorothiazide hoặc amiloride).
Tác dụng phụ của desmopressin hiếm khi xảy ra. Đa phần khi bệnh nhân sử dụng quá nhiều hormone này có thể dẫn đến lượng muối trong máu thấp và chất lỏng dư thừa trong cơ thể. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nội tiết nếu nhận thấy các bất thường trong khi sử dụng thuốc này.
Trên đây là lời giải đáp của câu hỏi “Bệnh đái tháo nhạt có nguy hiểm không?”. Ngoài những thông tin về bệnh đái tháo nhạt như trên, người bệnh cần cẩn thận để tránh rơi vào tình trạng mất nước. Việc sử dụng hormone hay bất kỳ loại thuốc điều trị nào cũng cần tham vấn y khoa từ bác sĩ và tránh ngừng thuốc đột ngột.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Diabetes insipidushttps://www.yourhormones.info/endocrine-conditions/diabetes-insipidus/
Ngày tham khảo: 11/08/2021
-
Diabetes Insipidushttps://www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/pituitary_center/conditions/diabetes-insipidus.html
Ngày tham khảo: 11/08/2021