Sử dụng thuốc đái tháo nhạt liệu có hiệu quả?
Nội dung bài viết
Đái tháo nhạt là tình trạng cơ thể mất quá nhiều nước qua đường tiểu tiện. Điều này gây ra nguy cơ mất nước nguy hiểm cũng như một loạt các bệnh và tình trạng khác. Bệnh này thường không phổ biến, theo thống kê từ Hoa Kỳ đái tháo nhạt ảnh hưởng đến khoảng 1 trong 25000 người. Vậy phương pháp sử dụng thuốc đái tháo nhạt có hiệu quả? Hãy cùng Ths.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bệnh đái tháo nhạt là gì?
Định nghĩa
Đái tháo nhạt là một rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lượng nước trong cơ thể. Bệnh nhân đái tháo nhạt thường tạo ra một lượng nước tiểu quá nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng đi tiểu quá nhiều và khát nước. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản của bệnh này khác với đái tháo đường type 1 và 2.
Phân loại
Đái tháo nhạt có hai dạng chính bao gồm đái tháo nhạt do thận và đái tháo nhạt trung ương.
- Đái tháo nhạt trung ương xảy ra khi tuyến yên không tiết vasopressin. Đây là một loại hormone có tác dụng điều hòa lượng nước trong cơ thể.
- Đái tháo nhạt do thận, hormone vasopressin được tiết ra bình thường tuy nhiên thận lại không đáp ứng với hormone này.
Dấu hiệu của đái tháo nhạt
Triệu chứng chính của đái tháo nhạt là có nhu cầu đi tiểu thường xuyên lượng nước tiểu thải ra hàng ngày rất nhiều và loãng. Ngoài ra khát nước quá mức cũng là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh này. Điều này được giải thích là việc mất nước nhiều qua đường tiểu dẫn đến cảm giác khát, cần cung cấp nước để bù lại.
Nhu cầu đi tiểu nhiều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Lượng nước tiểu thải ra mỗi ngày có thể từ 3 đến 20 lít. Trường hợp đái tháo nhạt trung ương lượng nước này có thể lên đến 30 lít. Ở trẻ em các dấu hiệu của việc mất nước được biểu hiện qua các tình trạng như trẻ trở nên bơ phờ, sốt, nôn mửa, tiêu chảy và có thể chậm lớn.
Trường hợp mất nước quá mức có thể dẫn đến tình trạng tăng natri máu. Đây là tình trạng trong đó nồng độ natri của huyết thanh trong máu trở nên rất cao do khả năng giữ nước thấp. Các tế bào của cơ thể cũng bị mất nước. Tăng natri máu có thể dẫn đến các triệu chứng thần kinh. Một số biến chứng như não và cơ hoạt động quá mức dẫn đến lú lẫn, co giật hoặc thậm chí hôn mê.
Nếu bệnh nhân không được điều trị đái tháo nhạt trung ương có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn. Ở đái tháo nhạt thận các biến chứng nghiêm trọng hiếm khi xảy ra, tuy nhiên cần phải cung cấp đủ nước trong cơ thể.
Cơ chế vận chuyển nước trong cơ thể
Chất lỏng chiếm khoảng 60% tổng khối lượng cơ thể. Nước được cung cấp bởi các hoạt động như ăn uống hàng ngày và được đào thải qua các quá trình như đi tiểu, toát mồ hôi, thở,…
Bình thường cơ thể sử dụng một hệ thống các cơ quan và tín hiệu hormone để điều chỉnh lượng nước trong cơ thể. Cơ thể tự điều chỉnh lượng nước theo một số cách. Vùng dưới đồi, một phần của não, điều chỉnh cảm giác khát. Não cũng sản xuất ra một loại hormone chống bài niệu (ADH), còn được gọi là vasopressin.
Khi cơ thể cần giữ nước, tuyến yên sẽ giải phóng vasopressin vào dòng máu. Khi cơ thể cần loại bỏ nước, hormone này sẽ được giải phóng với một lượng nhỏ hơn hoặc hoàn toàn không được giải phóng. Điều này dẫn đến nhu cầu tiểu tiện của cơ thể nhiều hơn.
Sử dụng thuốc đái tháo nhạt
Mục tiêu của thuốc đái tháo nhạt là đảm bảo khôi phục và (hoặc) duy trì cân bằng nội môi thẩm thấu. Việc điều trị nên được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân và phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian của đái tháo nhạt. Trường hợp đái tháo nhạt nhẹ đa phần không cần điều trị. Bệnh nhân chỉ cần cung cấp đủ nước cho cơ thể và theo dõi lượng nước thải ra chặt chẽ.
Thuốc điều trị dành cho các trường hợp đa niệu quá mức và gây khó chịu cho bệnh nhân, đặc biệt là vào ban đêm.
- Desmopressin là một hormone tương tự như vasopressin. Hormone này làm giảm nhanh lượng nước tiểu và tác dụng của nó kéo dài 6-12 giờ. Thuốc có dạng tiêm dưới da, uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
- Thuốc lợi tiểu thiazid có thể làm giảm tốc độ lọc máu của thận. Đồng thời thuốc này làm giảm lượng nước tiểu ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân cần lưu ý một số tác dụng phụ như chóng mặt, táo bón,… các tác dụng phụ này sẽ hết khi ngưng thuốc.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Giúp giảm lượng nước tiểu hơn nữa khi sử dụng kết hợp với thuốc lợi tiểu thiazid. Tuy nhiên nếu sử dụng trong một khoảng thời gian dài, thuốc này có thể làm tăng nguy cơ tiến triển loét dạ dày tá tràng.
Các phương pháp điều trị đái tháo nhạt không dùng thuốc
Đa phần các phương pháp này phù hợp với các bệnh nhân bị đái tháo nhạt dạng nhẹ hoặc đái tháo nhạt do thận.
- Điều chỉnh chế độ ăn hạn chế muối.
- Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể.
- Tránh sử dụng các nhóm thuốc gây lợi tiểu khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
- Bỏ thói quen nhịn tiểu.
- Thay đổi lối sống, tránh sử dụng các chất kích thích.
Trên đây là những chia sẻ các nhóm thuốc đái tháo nhạt. Bệnh này không quá nguy hiểm nhưng người bệnh vẫn nên thận trọng để tránh các biến chứng về sau. Việc chẩn đoán bệnh thường dựa vào các dấu hiệu và các xét nghiệm như kiểm tra lượng nước trong cơ thể hoặc các chẩn đoán hình ảnh. Từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị đái tháo nhạt phù hợp với tình trạng bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What's to know about diabetes insipidus?https://www.medicalnewstoday.com/articles/183251
Ngày tham khảo: 10/08/2021
-
Diabetes insipidushttps://www.nhs.uk/conditions/diabetes-insipidus/
Ngày tham khảo: 10/08/2021