Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một thuật ngữ được sử dụng để gọi chung nhiều tình trạng ảnh hưởng đến gan ở những người không hoặc ít uống rượu. Bệnh lý này ngày càng phổ biến hơn. Vậy liệu tình trạng này có nguy hiểm không? Có cách nào để điều trị hay phòng ngừa? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu qua đọc bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quát về căn bệnh này nhé.
Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có đặc điểm là sự hiện diện của rất nhiều mỡ tích tụ trong gan. Sau đó có thể diễn tiến nặng dần lên thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH). Tình trạng này có thể gây tổn thương tế bào gan nghiêm trọng và dẫn đến xơ gan, suy chức năng gan.
Các biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Thông thường, bệnh gan nhiễm mỡ không có bất kỳ biểu hiện nào. Chỉ một số trường hợp có ghi nhận các triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, đau tức vùng gan. Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến sang viêm gan nhiễm mỡ thì có thể gặp các biểu hiện như:
- Báng bụng (có dịch tích tụ trong bụng).
- Các tĩnh mạch nổi lên dưới da (tuần hoàn bàng hệ).
- Lách to.
- Lòng bàn tay son.
- Vàng da, vàng mắt.
Khi nào bạn nên đi khám?
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào khiến bạn lo lắng, hãy đi khám. Đặc biệt là khi chúng xuất hiện và diễn tiến nặng lên. Các triệu chứng này có thể báo hiệu tổn thương gan hay suy giảm chức năng gan.
Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu đều có liên quan đến:
- Tình trạng thừa cân, béo phì.
- Đề kháng insulin: Điều này kiến các tế bào không thu nhận đường theo cơ chế điều hòa của insulin.
- Tăng đường huyết: Tình trạng này xuất hiện ở bệnh đái tháo đường hay tiền đái tháo đường.
- Tăng mỡ máu: Đặc biệt là tăng thành phần triglyceride.
Các tình trạng này khi xuất hiện cùng nhau thường đi kèm với gan nhiễm mỡ. Đối với một số người, khi mỡ tích tụ trong gan, nó trở thành một độc tố. Chúng gây phá hủy tế bào gan và dẫn đến viêm gan, xơ gan.
Yếu tố nào làm tăng khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu?
Có rất nhiều bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Có thể kể đến như:
- Cholesterol máu cao.
- Mỡ máu cao, tăng triglyceride máu.
- Hội chứng chuyển hóa.
- Béo phì, đặc biệt là khi mỡ tập trung ở trong bụng, hay mỡ tạng.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Đái tháo đường type 2.
- Nhược giáp.
- Thiểu năng tuyến yên.
Viêm gan nhiễm mỡ thường hay xuất hiện ở:
- Người lớn tuổi.
- Người mắc đái tháo đường.
- Tạng người tích mỡ bụng.
Gan nhiễm mỡ có những biến chứng nào?
Xơ gan là biến chứng chính của gan nhiễm mỡ và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Đây là cũng là giai đoạn cuối cùng của các bệnh gan. Trong quá trình tổn thương tế bào gan do viêm, các tế bào sẽ cố gắng hồi phục. Khi đó, các mô xơ, sẹo sẽ xuất hiện. Khi tổn thương gan ngày càng nặng, các mô xơ này ngày càng nhiều và gây xơ gan.
Nếu tổn thương gan tiếp tục diễn tiến, xơ gan có thể dẫn tới:
- Báng bụng.
- Dãn tĩnh mạch thực quản, có thể gây vỡ làm nôn ra máu: Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong.
- Bệnh não gan: Các biểu hiện như lú lẫn, ngủ gà hay rối loạn chức năng thần kinh cao cấp.
- Ung thư gan.
- Suy gan giai đoạn cuối.
Có khoảng từ 5 – 12 % người có viêm gan nhiễm mỡ không do rượu chuyển thành xơ gan.
Làm sao để phòng ngừa gan nhiễm mỡ không do rượu?
Để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể:
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn hợp lý với nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo có lợi.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bạn bị thừa cân hay béo phì, hãy cố gắng giảm cân. Không chỉ phòng ngừa gan nhiễm mỡ, bạn cũng có thể tránh được nhiều loại bệnh tật khác. Việc giảm cân cần có sự kiên trì với chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên: Hãy chọn chế độ tập luyện vừa sức nhé.
Cách chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Hầu như các trường hợp bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đều không có triệu chứng. Do đó bệnh thường được chẩn đoán một cách gián tiếp qua xét nghiệm hay khi bạn bị một bệnh lý khác. Trường hợp thường gặp là xuất hiện hình ảnh gan nhiễm mỡ trên siêu âm hay men gan tăng.
Các xét nghiệm phù hợp là cần thiết để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
1. Xét nghiệm máu
- Tổng phân tích tế bào máu.
- Đo nồng độ men gan trong máu, xét nghiệm chức năng gan.
- Xét nghiệm viêm gan siêu vi như viêm gan A, viêm gan C…
- Xét nghiệm tầm soát bệnh celiac (bệnh không dung nạp Gluten).
- Đường huyết đói.
- Xét nghiệm đo HbA1c, giúp ước đoán lượng đường trong máu.
- Các xét nghiệm về mỡ máu, bao gồm cả cholesterol và triglyceride.
2. Xét nghiệm hình ảnh học
Các xét nghiệm hình ảnh học rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh. Có thể kể đến như:
- Siêu âm bụng: Đây thường là xét nghiệm được chọn khi nghi ngờ có gan nhiễm mỡ.
- CT scan hay cộng hưởng từ (MRI) bụng: Các xét nghiệm này có thể không cho phép phân biệt bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, nhưng vẫn có giá trị nhất định.
- Xét nghiệm đo độ đàn hồi gan: Giúp đo độ xơ cứng của gan, từ đó giúp dự đoán tình trạng xơ gan.
- Cộng hưởng từ đàn hồi gan (MRE): Kết hợp giữa MRI và đo độ đàn hồi gan.
3. Xét nghiệm khảo sát mô gan
Nếu các xét nghiệm trên không đủ để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể chỉ định làm sinh thiết gan. Một mẫu mô gan sẽ được lấy và quan sát trong phòng thí nghiệm dưới kính hiển vi. Kết quả sinh thiết có thể kết luận được tình trạng viêm hay xơ hóa của gan.
Tuy nhiên, sinh thiết gan là một kỹ thuật xâm lấn và ẩn chưa một vài nguy cơ. Có đó, hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ điều trị để có lựa chọn hợp lý nhé.
Xem thêm: Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám Gan nhiễm mỡ không do rượu?
Phương pháp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Điều trị hàng đầu là duy trì cân nặng hợp lý với chế độ ăn uống và tập luyện. Đối với những đối tượng cần giảm cân, việc giảm được 10% cân nặng là tối ưu. Tuy nhiên, việc chỉ giảm từ 3 – 5% trọng lượng cũng đã có những tác động tích cực nhất định.
Đối với những trường hợp nặng bị xơ gan, điều trị có thể nhắm tới là ghép gan.
Những lời khuyên dành cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu
Do không có thuốc đặc trị, việc thay đổi lối sống và chăm sóc cơ thể đối với bệnh nhân bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là rất quan trọng. Ngoài việc tham khảo ý kiến và xin hướng dẫn của bác sĩ cùng các chuyên gia, bạn nên chú ý đến những điều sau:
1. Chế độ ăn và cân nặng
- Giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bạn thừa cân, béo phì, hãy cố gắng cắt bớt lượng calo dư thừa trong thức ăn. Tăng cường các hoạt động thể lực để đốt cháy năng lượng. Quá trình kiểm soát năng lượng nhập vào luôn là điểm mấu chốt để duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bạn đã từng cố gắng giảm cân nhưng không được như mong muốn, hãy liên hệ với bác sĩ để nhận sự hỗ trợ cần thiết.
- Ăn uống với một chế độ lành mạnh: Hãy ăn nhiều trái cây, rau quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt. Đảm bảo bữa ăn đa dạng và đủ năng lượng. Hãy tính toán lượng calo cho bữa ăn của mình nhé.
- Vận động thể lực thường xuyên: Cố gắng vận động mỗi ngày ít nhất 30 phút. Nếu cần giảm cân, bạn nên có một chế độ tập luyện phù hợp.
2. Kiểm soát tốt các tình trạng bệnh lý của bạn
- Kiểm soát đường huyết: Nếu bạn mắc đái tháo đường, hãy tuân thủ điều trị và theo dõi đường huyết thường xuyên.
- Hạ lượng cholesterol trong máu: Chế độ ăn giàu thực vật và luyện tập thể thao sẽ giúp hạ cholesterol. Hãy theo dõi mỡ máu định kỳ theo lịch tái khám của bác sĩ.
- Bảo vệ gan: Tránh các tác nhân là tổn thương gan, như rượu và đồ uống có cồn. Khi phải sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ của bạn hay đọc hướng dẫn sử dụng xem chúng có gây hại cho gan không. Tương tự với việc sử dụng thảo dược, hãy tìm hiểu kỹ trước khi dùng.
3. Các phương pháp điều trị thay thế
Hiện tại chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho rằng nhiều loại dưỡng chất có lợi cho gan và có thể sử dụng để bảo vệ gan, bao gồm:
- Vitamin E: Vitamin E là một trong những chất chống oxy hóa. Do đó, chúng có thể bảo vệ gan, trung hòa bớt các thương tổn của tế bào gan. Hiện nay cần thêm các nghiên cứu thêm về tác dụng của vitamin E. Một điều đáng lưu ý là vitamin E tuy có vai trò chống oxy hóa, nhưng cũng mang một số nguy cơ nhất định. Một số công trình nghiên cứu thấy rằng vitamin E có thể làm tăng nguy cơ tử vong và ung thư tuyến tiền liệt.
- Cà phê: Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân có sử dụng nhiều hơn 1 cốc cà phê mỗi ngày có tổn thương gan ít hơn những bệnh nhân không uống hoặc uống ít cà phê. Tuy cơ chế của việc cà phê bảo vệ gan là chưa rõ, nhưng cũng là một tin tích cực cho những người uống cà phê và có bệnh gan nhiễm mỡ.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là một tình trạng chung của tổn thương tế bào gan. Tình trạng này có thể diễn tiến nặng dần đến viêm gan, xơ gan và suy gan giai đoạn cuối, gây tử vong. Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho tình trạng này. Do đó, cách tốt nhất là phòng bệnh. Bài viết vừa cung cấp cho bạn các lời khuyên để có một chế độ ăn và tập luyện lành mạnh, giúp bảo vệ lá gan.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Nonalcoholic fatty liver diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonalcoholic-fatty-liver-disease/symptoms-causes/syc-20354567
Ngày tham khảo: 23/09/2020