Bệnh hạt kê (mụn sữa) và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Trong những năm tháng đầu đời của trẻ, các bậc phụ huynh sẽ trải qua những khó khăn khi lần đầu chăm sóc bé. Có những bệnh lý hay tình trạng sức khỏe gây lo lắng cho bậc cha mẹ và cần sự tư vấn của bác sĩ. Trong số đó, bệnh hạt kê là một trong những bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ sơ sinh. Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về bệnh hạt kê
Bệnh hạt kê (tiếng anh là Milia) là tình trạng có những nốt mụn nhỏ màu trắng, xuất hiện trên mũi và má. Bệnh này xảy ra khi keratin bị mắc kẹt bên dưới bề mặt da.
Keratin là một loại protein thường được tìm thấy trong các mô da, tóc và tế bào móng tay. Bệnh có thể xảy ra ở mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh.
>> Viêm da cơ địa là một bệnh rất phổ biến, thường gặp ở trẻ em. Tìm hiểu thêm để biết cách phòng tránh và những lưu ý khi điều trị sẽ hạn chế tỷ lệ mắc bệnh cho trẻ.
2. Triệu chứng của bệnh hạt kê là gì?
Bệnh hạt kê có những nốt mụn nhỏ, hình vòm, thường có màu trắng hoặc vàng. Chúng thường không gây ngứa và cũng không gây đau. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể khiến một số người không thoải mái. Khăn trải giường hoặc quần áo thô ráp có thể khiến các nốt mụn sưng đỏ lên.
Các nốt mụn thường được tìm thấy trên mặt, môi, mí mắt và má. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được tìm thấy ở những khu vực khác của cơ thể. Chẳng hạn như thân mình hoặc tại cơ quan sinh dục.
Những nốt mụn này thường bị nhầm lẫn với một tình trạng khác, được gọi là Epstein pearls. Tình trạng này bao gồm sự xuất hiện của các nốt mụn màu trắng-vàng vô hại, nằm trên nướu và miệng của trẻ sơ sinh. Đôi khi bệnh hạt kê còn được gọi một cách không chính xác là “mụn trứng cá”.
Bác sĩ sẽ thăm khám da để xác định bệnh dựa trên các nốt mụn. Sinh thiết tổn thương da chỉ cần thiết trong một số trường hợp rất hiếm.
3. Nguyên nhân nào gây nên bệnh hạt kê?
Nguyên nhân gây bệnh hạt kê ở trẻ sơ sinh khác so với trẻ lớn và người lớn.
>>Xem thêm: Tại sao trẻ nhỏ bị viêm da tiết bã?
3.1 Trẻ sơ sinh
Nguyên nhân của bệnh ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được biết rõ. Bệnh thường bị nhầm với mụn trứng cá ở trẻ em, đó là bệnh do kích thích nội tiết tố từ người mẹ.
Không giống như mụn trứng cá, bệnh hạt kê không gây viêm hoặc không sưng tấy. Trẻ sơ sinh thường bị hạt kê từ lúc sinh ra, trong khi mụn trứng cá chỉ xuất hiện sau hai đến bốn tuần sau sinh.
3.2 Trẻ lớn và người lớn
Ở trẻ lớn và người lớn, bệnh hạt kê thường liên quan đến một số loại tổn thương da. Chúng có thể là:
- Phồng rộp do một bệnh da khác. Chẳng hạn như bệnh ly thượng bì bọng nước, bệnh Pemphigoid có sẹo, hoặc bệnh porphyria cutanea tarda (một dạng của bệnh Porphyria)
- Phồng rộp do tổn thương, ví dụ do bị cây thường xuân độc gây nên
- Bỏng
- Tổn thương lâu ngày do ánh nắng
- Sử dụng lâu dài các loại kem steroid
- Thực hiện quy trình tái tạo bề mặt da, chẳng hạn như tái tạo bề mặt bằng laser
Bệnh hạt kê cũng có thể xuất hiện nếu da mất khả năng tẩy tế bào chết tự nhiên. Điều này có thể xảy ra do quá trình lão hóa.
4. Các thể của bệnh hạt kê
Các thể hạt kê được phân loại dựa trên độ tuổi hoặc nguyên nhân khiến các nốt mụn xuất hiện. Những loại này còn có thể chia thành nguyên phát và thứ phát.
Bệnh hạt kê nguyên phát xuất phát từ sự tắc nghẽn của chất sừng tại các nang. Những nang này thường có ở trên mặt của trẻ sơ sinh hoặc người lớn.
Bệnh hạt kê thứ phát cũng có triệu chứng tương tự, nhưng chúng xuất hiện sau khi có nguyên nhân nào đó làm tắc nghẽn các ống dẫn ra bề mặt da. Chẳng hạn như sau chấn thương, bị bỏng hoặc bị phồng rộp.
4.1 Bệnh hạt kê sơ sinh
Bệnh hạt kê sơ sinh được coi là bệnh hạt kê nguyên phát. Những nang mụn này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và mất đi sau vài tuần. Các nang mụn này thường được nhìn thấy trên mặt, da đầu và phần trên của thân mình. Theo một số liệu nghiên cứu, bệnh này xuất hiện ở 40 phần trăm trẻ sơ sinh.
4.2 Bệnh hạt kê nguyên phát ở trẻ lớn và người lớn
Các nang mụn có thể được tìm thấy xung quanh mí mắt, trán và trên cơ quan sinh dục. Bệnh hạt kê nguyên phát thường mất đi trong vài tuần hoặc nhiều nhất là vài tháng.
4.3 Bệnh hạt kê liên quan tới bệnh da di truyền
Một số bệnh di truyền hiếm gặp có thể gây ảnh hưởng đến da. Điều đó có thể gây nên bệnh hạt kê. Những bệnh được kể đến, bao gồm:
- Hội chứng Gorlin: Hội chứng này có thể gây ung thư biểu mô tế bào đáy.
- Bệnh dày móng: Bệnh có thể khiến móng dày hoặc có hình dạng bất thường.
- Hội chứng Gardner: Bệnh lý di truyền hiếm gặp này có thể dẫn đến ung thư đại tràng theo thời gian.
- Hội chứng Bazex-Dupré-Christol: Hội chứng này ảnh hưởng tới sự phát triển của lông, tóc và khả năng đổ mồ hôi.
>> Xem thêm: 10 dấu hiệu móng tay bất thường cảnh báo sức khỏe
4.4 Milia en plaque
Tình trạng này thường liên quan đến các bệnh da do di truyền hoặc bệnh tự miễn. Chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa hoặc bệnh lichen phẳng. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến mí mắt, tai, má hoặc hàm.
Các nốt mụn có thể có đường kính từ vài centimet. Bệnh này chủ yếu gặp ở phụ nữ trung niên, nhưng có thể xảy ra ở người lớn hoặc trẻ em ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ.
4.5 Multiple eruptive milia
Thể này có các vùng ngứa có thể xuất hiện trên mặt, cánh tay và thân mình. Các nốt mụn thường xuất hiện trong một khoảng thời gian, từ vài tuần đến vài tháng.
4.6 Bệnh hạt kê liên quan tới chấn thương bề mặt
Những nang mụn thường xuất hiện khi da đã bị tổn thương. Ví dụ như khi bị bỏng hoặc phát ban. Những nốt mụn có thể bị kích ứng, khiến chúng có màu đỏ theo viền và trắng ở trong trung tâm.
4.7 Bệnh hạt kê liên quan đến thuốc, chất
Việc sử dụng các loại kem chứa steroid có thể gây bệnh tại vùng thoa kem. Tuy nhiên, tác dụng phụ này hiếm khi gặp phải.
Một số thành phần trong các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm có thể gây mụn ở một số người. Nếu bạn có làn da dễ bị hạt kê, hãy tránh những thành phần sau:
- Liquid paraffin
- Liquid petroleum
- Paraffin oil
- Paraffinum liquidum
- Petrolatum liquid
- Petroleum oil
Đây là tất cả các loại dầu khoáng có thể gây bệnh hạt kê. Lanolin cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
5. Điều trị bệnh hạt kê
Không cần điều trị bệnh đối với trẻ sơ sinh. Những nốt mụn thường tự biến mất trong vài tuần.
Đối với trẻ lớn và người lớn, những nốt mụn sẽ biến mất trong vòng vài tháng. Nếu những nốt mụn này khiến bạn không thoải mái thì vẫn có các cách điều trị hiệu quả để loại bỏ chúng. Bao gồm:
- Phương pháp áp lạnh: Sử dụng Nitơ lỏng đóng băng các nốt mụn. Đây là cách thường dùng nhất để xóa mụn.
- Dùng một kim vô trùng để lấy các chất bên trong nang mụn.
- Thoa retinoid tại chỗ: Các loại kem có chứa vitamin A giúp tẩy tế bào chết trên da của bạn.
- Lột da hóa học: Phương pháp này khiến lớp da trên cùng bị bong tróc, tạo ra lớp da mới.
- Đốt bằng laser: Một tia laser nhỏ tập trung vào các khu vực bị ảnh hưởng để loại bỏ nốt mụn.
- Thấu nhiệt: Sử dụng nhiệt độ cao để phát hủy các nang mụn.
Bệnh hạt kê không gây ra những vấn đề về lâu dài. Ở trẻ sơ sinh, các nốt mụn thường biến mất trong vài tuần sau khi sinh. Mặc dù quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn đối với trẻ lớn và người lớn, nhưng bệnh không được coi là có hại.
Qua bài viết trên, YouMed mong gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích về căn bệnh phổ biến này, đặc biệt là ở trẻ mới sinh ra. Nếu có những trăn trở và thắc mắc cần giải đáp, đừng ngần ngại đến với YouMed và đặt lịch hẹn bác sĩ để có thể được tư vấn về tình trạng bệnh.
>> Hội chứng bong vảy da do tụ cầu thường gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi. Cùng tìm hiểu ngay để có phương pháp điều trị dứt điểm và không để lại biến chứng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.healthline.com/health/milia