Bệnh mù màu: Những kiến thức bạn cần biết
Nội dung bài viết
Bệnh mù màu xảy ra khi bạn không thể phân biệt màu sắc cách bình thường. Nó còn được gọi là khiếm khuyết màu sắc. Điều này thường xảy ra giữa màu xanh lá và màu đỏ, đôi khi cả màu xanh lam. Những người mắc bệnh mù màu nhẹ thường phát hiện cách tình cờ vì nó không ảnh hưởng nhiều đến đời sống thường ngày. Thay đổi trong tầm nhìn màu sắc có thể biểu thị một tình trạng nghiêm trọng hơn. Nó có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bạn, như khi không phân biệt được các màu sắc của đèn tín hiệu giao thông.
1. Bệnh mù màu là gì?
Mù màu còn được gọi như bệnh rối loạn sắc giác. Nó biểu hiện tình trạng mắt không phân biệt được các màu sắc của vật như màu đỏ, xanh lá, xanh lam, hoặc khi pha trộn các màu này với nhau. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mù màu mà khả năng nhận biết các màu sắc trên bị giảm hoặc không nhìn thấy hoàn toàn.
2. Cấu tạo của mắt để nhận biết màu sắc ra sao?
Hãy tưởng tượng mắt của bạn như một máy ảnh. Phần trước có một ống kính. Công việc của nó là tập trung hình ảnh vào phía trong mắt bạn. Khu vực này được gọi là võng mạc. Nó được bao phủ bởi các tế bào thần kinh đặc biệt có chứa các sắc tố phản ứng với ánh sáng. Trong võng mạc, có hai loại tế bào phát hiện ánh sáng. Chúng được gọi là tế bào hình que và hình nón:
- Các tế bào hình nón phát hiện các màu sắc. Nó tập trung ở hố trung tâm võng mạc. Có ba loại tế bào hình nón để nhận biết màu sắc: đỏ, xanh lá và xanh lam. Có một số loại sắc tố trong 3 tế bào hình nón. Một số phản ứng với ánh sáng bước sóng ngắn, một số khác phản ứng với bước sóng trung bình và một số khác phản ứng với bước sóng cao hơn.
- Các tế bào hình que chỉ có một loại sắc tố. Nó phản ứng theo cùng một cách với bất kỳ bước sóng ánh sáng nào. Các tế bào này không liên quan đến việc phát hiện màu sắc. Nhưng chúng rất nhạy cảm với ánh sáng và cho phép chúng ta nhìn vào ban đêm.
Sau đó bộ não sẽ xử lý thông tin nhận vào từ các tế bào hình nón này. Nó kết hợp những thông tin từ cả ba loại tế bào để tạo ra tầm nhìn màu bình thường.
3. Cơ chế gây mù màu
Mù màu xảy ra khi một hoặc nhiều tế bào hình nón vắng mặt, không hoạt động hoặc phát hiện màu khác với bình thường. Do đột biến trong gen OPN1LW, OPN1MW và OPN1SW gây ra các dạng thiếu thị lực màu. Các protein được tạo ra từ các gen này đóng vai trò thiết yếu trong tầm nhìn màu sắc. Bệnh mù màu hoàn toàn xảy ra khi cả ba tế bào hình nón đều vắng mặt.
Bệnh mù màu nhẹ xảy ra khi cả ba tế bào hình nón có mặt nhưng một tế bào hình nón không hoạt động đúng. Nó phát hiện một màu khác với bình thường.
4. Nguyên nhân gây bệnh?
Bệnh mù màu đa số là do di truyền, vì vậy bạn sẽ mắc bênh từ khi sinh ra. Các gen OPN1LW và OPN1MW nằm trên nhiễm sắc thể X, đây là một trong hai nhiễm sắc thể giới tính. Ở nam giới (chỉ có một nhiễm sắc thể X), một thay đổi di truyền trong mỗi tế bào là đủ để gây ra tình trạng này.
Nam giới bị ảnh hưởng bởi các gen lặn liên kết nhiễm sắc thể X thường xuyên hơn nhiều so với nữ giới. Vì ở nữ giới có hai nhiễm sắc thể X. Một sự thay đổi di truyền sẽ phải xảy ra trên cả hai bản sao của nhiễm sắc thể để gây ra rối loạn. Một đặc điểm của vấn đề này là người cha không thể truyền các đặc điểm liên kết trên nhiễm sắc thể X cho con trai của họ.
Một số trường hợp nó không phải do gen. Chúng có thể được gây ra bởi các rối loạn về mắt khác. Chẳng hạn như:
- Các bệnh liên quan đến võng mạc, dây thần kinh mang thông tin thị giác từ mắt đến não (dây thần kinh thị giác) hoặc các khu vực của não liên quan đến xử lý thông tin thị giác.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, như chloroquine (được sử dụng để điều trị sốt rét).
- Tiếp xúc với các hóa chất cụ thể, như dung môi hữu cơ.
- Tổn thương vật lý hoặc hóa học cho mắt.
- Đục thủy tinh thể.
- Tuổi tác.
5. Tần suất mắc bệnh
Bệnh mù màu ảnh hưởng đến khoảng 1/12 nam giới (8%) và 1/ 200 phụ nữ (0,5%). Điều này có nghĩa là có một người trong khu phố hoặc lớp học của bạn bị ảnh hưởng bởi nó. Hầu hết trong số họ là nam giới. Bởi vì trường hợp phổ biến nhất là mù màu đỏ-xanh lá. Nó được mã hóa trên nhiễm sắc thể X và do đó liên kết giới tính.
Do đó, bệnh mù màu đỏ-xanh lá được truyền từ mẹ sang con trai, người cha không bao giờ truyền bệnh mù màu này cho con.
6. Có những loại bệnh mù màu nào?
a. Mù màu đỏ – xanh lá
Nó xảy ra khi các tế bào hình nón màu đỏ hoặc màu xanh lá không hoạt động đúng, hoặc hoàn toàn không có. Có một số loại:
- Mù xanh lá nhẹ: Đây là dạng mù màu phổ biến nhất và ảnh hưởng đến 5% nam giới, nhưng hiếm gặp ở nữ giới. Nó xảy ra khi tế bào hình nón màu xanh lá không hoạt động như bình thường. Màu vàng và màu xanh lá trông đỏ hơn, và khó có thể phân biệt màu xanh từ màu tím.
- Mù màu đỏ nhẹ : Nó xảy ra khi tế bào hình nón màu đỏ của bạn không hoạt động như bình thường. Cam, đỏ và vàng trông xanh hơn, và màu sắc kém tươi sáng hơn. Nó thường nhẹ và không gây ra vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đây là dạng mù màu rất hiếm ở nữ giới và ảnh hưởng đến khoảng 1% nam giới.
- Mù màu đỏ: Bạn không có tế bào hình nón màu đỏ hoạt động. Màu đỏ đơn giản trông thành màu xám đen. Một số sắc thái của màu cam, vàng và xanh lá trông có màu vàng. Nó rất hiếm ở nữ giới và ảnh hưởng đến khoảng 1% nam giới.
- Mù xanh lá: xảy ra khi bạn không có tế bào hình nón màu xanh lá làm việc. Màu đỏ có thể có màu vàng nâu và màu xanh lá có thể có màu be( màu xám ánh vàng nhạt). Nó ảnh hưởng đến 1% nam giới và hiếm gặp ở nữ giới
b. Mù màu xanh lam – vàng
Loại mù màu này ảnh hưởng đến nam và nữ như nhau. Tình trạng này xảy ra ở ít hơn 1/10.000 người trên toàn thế giới.
Nó xảy ra khi các tế bào hình nón màu xanh lam của bạn bị thiếu hoặc không hoạt động chính xác. Đây là loại phổ biến thứ hai, và nó ảnh hưởng đến nam và nữ như nhau.
- Mù màu xanh lam- vàng nhẹ: xảy ra khi các tế bào hình nón màu xanh lam của bạn hoạt động theo một cách hạn chế. Màu xanh lam trông xanh lá hơn và khó có thể nhìn thấy màu hồng từ vàng và đỏ. Nó cực kỳ hiếm.
- Mù màu xanh lam – vàng: nó xảy ra khi bạn không có tế bào hình nón màu xanh lam. Màu xanh trông thành xanh lá , và màu vàng trông xám nhạt hoặc tím. Nó cực kỳ hiếm
c. Mù màu hoàn toàn
Bạn không thấy bất kỳ màu nào cả và tầm nhìn của bạn có thể không rõ ràng.
Có hai loại:
- Mù màu hoàn toàn hình nón: Nó xảy ra khi 2 trong số 3 tế bào hình nón của bạn: đỏ, xanh lá hoặc xanh lam, không làm việc. Khi chỉ có một loại hình nón hoạt động, nó khó có thể phân biệt màu từ một màu khác. Và nếu một trong những tế bào hình nón bị lỗi của bạn có màu xanh lam, tầm nhìn của bạn có thể không sắc nét. Bạn có thể bị cận thị và có thể bị cử động mắt không kiểm soát được. Đây một tình trạng được gọi là chứng giật nhãn cầu.
- Mù màu hoàn toàn hình que: Nó là dạng mù màu nghiêm trọng nhất. Không có tế bào hình nón nào của bạn có sắc tố nhạy cảm với ánh sáng hoạt động. Kết quả là thế giới xuất hiện với bạn màu đen, trắng và xám. Ánh sáng rực rỡ có thể làm tổn thương đôi mắt của bạn. Bạn có thể bị cử động mắt không kiểm soát được (chứng giật nhãn cầu).
7. Các mức độ nghiêm trọng của bệnh
Có nhiều mức độ mù màu khác nhau.
- Một số người bị mù màu nhẹ. Họ có thể nhìn thấy màu sắc bình thường trong ánh sáng tốt nhưng gặp khó khăn trong ánh sáng mờ.
- Trường hợp nặng hơn, họ không thể phân biệt màu sắc nhất định trong bất kỳ ánh sáng nào.
- Dạng mù màu nghiêm trọng nhất là khi mọi thứ được nhìn thấy trong sắc thái của màu xám, rất hiếm gặp.
Bệnh mù màu thường ảnh hưởng đến cả hai mắt như nhau và duy trì ổn định trong suốt cuộc đời.
8. Bệnh này có gây ra các vấn đề sức khỏe khác không?
Loại mù màu di truyền thì không gây ra vấn đề sức khỏe khác. Hầu hết những người bị mù màu đều có cuộc sống bình thường và trọn vẹn. Nó không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng. Hầu như không nguy tính mạng nếu như bạn không mắc bệnh mù màu hoàn toàn gây nguy hiểm như trong trường hợp không phân biệt được các biển báo đèn giao thông. Tuy nhiên, gen bệnh có thể di truyền cho thế hệ sau.
9. Bệnh mù màu có chữa trị được không?
Hiện tại không có cách chữa trị cho rối loạn này. Đặc biệt khi nó do di truyền.
Một số phương pháp có thể được sử dụng để tăng nhận thức về màu sắc của những người mắc bệnh như:
- Sử dụng kính lọc màu dựa trên bộ lọc Bragg. Mặc dù những chiếc kính này có hiệu quả, nhưng chúng có giá thành cao, cồng kềnh và không tương thích với các loại kính mắt điều chỉnh thị lực khác.
- Ngoài ra, đã có nghiên cứu về một dẫn xuất rhodamine được kết hợp trong kính áp tròng thương mại để lọc ra các dải bước sóng cụ thể (≈545-575nm) điều chỉnh mù thị lực màu. Đánh giá tính tương thích sinh học của kính áp tròng nhuộm trong nguyên bào sợi giác mạc và tế bào biểu mô giác mạc ở người cho thấy không có độc tính và khả năng sống của tế bào vẫn ở mức 99% sau 72 giờ. Nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của kính áp tròng nhuộm trong lọc bước sóng và quản lý thiếu thị lực màu.
Tóm lại, bệnh mù màu đa số do di truyền. Bên cạnh đó còn có một số trường hợp do các nguyên nhân khác mà bạn có thể phòng tránh và chữa trị được. Bệnh mù màu nhẹ đa số không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, nó sẽ hạn chế khả năng của bạn trong các công việc đòi hỏi nhận thức màu sắc cao như phi công,… Nếu bạn trải qua một sự thay đổi đáng kể trong nhận thức màu sắc, bạn nên gặp bác sĩ nhãn khoa nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Color Blindness - learn all about ithttps://www.color-blindness.com/
Ngày tham khảo: 26/03/2020
-
What is color blindness?https://www.webmd.com/eye-health/color-blindness
Ngày tham khảo: 26/03/2020