Bệnh pemphigus (bóng nước tự miễn) ở phụ nữ mang thai
Nội dung bài viết
Pemphigus là thuật ngữ Latin dùng để mô tả tình trạng nổi bóng nước ở da. Khi mắc bệnh lý này, trên người sẽ nổi các bóng nước ở thân mình, tay hoặc chân. Bóng nước có thể xuất hiện ở cả trong mắt, mũi miệng hay bô phận sinh dục. Đây là một bệnh lý không thường gặp, có thể ảnh hưởng trên nhiều đối tượng khác nhau.
Có một đối tượng đặc biệt cần được quan tâm nhiều hơn khi mắc bệnh lý này đó là phụ nữ mang thai. Vậy phụ nữ mang thai mắc bệnh pemphigus có nguy hiểm không? Bệnh có gây ra những ảnh hưởng xấu cho thai nhi không? Trong bài viết này, YouMed sẽ trình bày đến các bạn đọc nguyên nhân và các biểu hiện của bệnh lý pemphigus ở phụ nữ mang thai.
1. Bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai
Như chúng ta đã biết pemphigus là bệnh lý tự miễn mắc phải, khi đó cơ thể tiết ra một kháng thể gọi là tự kháng thể. Chính tự kháng thể này tấn công lên các tế bào ở da và niêm mạc rồi hình thành nên bóng nước. Bệnh có thể ảnh hưởng trên nhiều đối tượng và nhiều độ tuổi khác nhau.
Tuy nhiên nữ giới thường bị ảnh hưởng nhiều hơn so với nam giới. Với khả năng mắc bệnh gần gấp đôi so với nam giới. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể phát triển bệnh bóng nước tự miễn. Nhưng các khảo sát cho kết quả rằng độ tuổi trung bình mắc bệnh dao động từ 40 đến 60 tuổi. Điều này có nghĩa bệnh thưởng ảnh hưởng đến đối tượng người lớn tuổi hay người già.
Khi bệnh pemphigus xuất hiện ở phụ nữ mang thai thì nó còn gọi là herpes thai kỳ. Mặc dù có tên gọi là herpes thai kỳ nhưng bệnh không có liên quan gì đến vi rút herpes. Bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khi mang thai, nhưng thường phát triển trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ.
Tỷ lệ xuất hiện pemphigus ở phụ nữ mang thai rất hiếm. Nó nằm trong khoảng 1/40.000 người, có nghĩa trong 40.000 người phụ nữ mang thai thì chỉ có 1 người mắc pemphigus. Khi mắc bệnh thì người mẹ xuất hiện các bóng nước đầu tiên ở bụng và thân mình. Sau đó các bóng nước nhanh chóng lan khắp toàn thân của người mẹ.
Xem thêm: Khám thai như thế nào để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?
2. Nguyên nhân gây bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai
Bệnh pemphigus là một bệnh lý tự miễn, có nghĩa do tự hệ miễn dịch của chúng ta gây ra. Bình thường, khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố ngoại lai từ môi trường thì hệ miễn dịch sẽ xác định chúng là vật thể lạ so với cơ thể. Từ đó cơ thể sẽ tiết ra những kháng thể để tiêu diệt các vật thể lạ này nhằm bảo vệ chúng ta khỏi các tác hại.
Ở phụ nữ mang thai thì nhau thai trong tử cung của mẹ được tạo thành từ tế bào của mẹ và bố. Đối với cơ thể của người mẹ thì các tế bào có nguồn gốc của bố là vật thể lạ. Khi cơ thể mẹ nhận ra đây là vật thể lạ thì sẽ sản xuất kháng thể. Chính kháng thể này tiêu diệt các tế bào da của mẹ.
Kết quả là các tế bào không còn dính chặt vô nhau mà rời rạc tạo thành các bóng nước. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa hiểu hết được rằng tại sao chỉ có một số ít bà mẹ bị kích thích bởi các tế bào lạ này. Trong khi phần lớn phụ nữ mang thai vẫn có các tế bào nguồn gốc của cha trong nhau thai nhưng lại không kích thích sản xuất kháng thể.
Một giả thiết khác được đưa ra là chính nội tiết tố làm trầm trọng hơn tình trạng này. Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nồng độ estrogen tăng rất cao. Điều này giải thích tại sao bệnh thường hay xảy ra trong thời kỳ mang thai. Đặc biệt là bệnh pemphigus có thể tái phát khi dùng các thuốc uống tránh thai có chứa estrogen.
3. Biểu hiện của bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai
Pemphigus ở phụ nữ mang thai có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên bệnh thường khởi phát ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Đặc biệt bệnh cũng có thể xuất hiện ngay cả sau khi sinh hay trong giai đoạn hậu sản.
Biểu hiện bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai cũng là phát ban và nổi bóng nước. Tuy nhiên chúng có điểm khác với người không mang thai đó là:
- Bắt đầu người mẹ sẽ cảm giác ngứa dữ dội ở vùng bụng và thân mình
- Từ những vùng ngứa sẽ xuất hiện ban đỏ ở trên da giống như nổi mày đay
- Sau vài ngày ban đỏ lan rộng dần và xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti ở trên bề mặt. Các mụn nước mọc thành chùm giống biểu hiện bệnh herpes nên có tên gọi herpes thai kỳ. Tuy nhiên chúng hoàn toàn không có liên quan đến vi rút herpes.
- Các mụn nước bắt đầu liên kết với nhau tạo thành bóng nước to
- Bóng nước lan dần từ bụng ra thân mình, lưng, mông hay cánh tay. Mặt, da đầu, lòng bàn tay hay lòng bàn chân thường không bị ảnh hưởng. Một số ít trường hợp bóng nước nổi ở vùng âm hộ hay âm đạo.
- Bóng nước vỡ sẽ tạo thành những vết trợt màu hồng và không để lại sẹo
4. Kết luận
Pemphigus là một bệnh lý không thường gặp, đặc biệt là hiếm gặp ở phụ nữ mang thai. Khi mắc bệnh lý này, trên người của bà mẹ thường sẽ nổi các bóng nước ở phần bụng hay quanh rốn trước, sau lan rộng ra toàn thân. Ngoài ra bóng nước còn có thể gặp ở bộ phận sinh dục như âm đạo hay âm hộ.
Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh pemphigus chưa được hiểu rõ. Nhưng các giả thiết cho rằng có liên quan đến tế bào nguồn gốc từ cha trong nhau thai và do nội tiết tố tăng cao. Ảnh hưởng của bệnh pemphigus trên thai nhi như thế nào và quản lý thai kỳ ra sao, các bạn hãy tiếp tục cùng YouMed tìm hiểu nhé!
Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
pemphigus gestationis, https://www.healthline.com/health/pregnancy/pemphigoid-gestationis#causes, accessed on 2020 Apr 04