Da nhiễm corticoid: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Nội dung bài viết
Hiện nay trên khắp các diễn đàn làm đẹp, mỹ phẩm, thẩm mỹ da và các bệnh lý da liễu, người ta đang bàn tán đến tình trạng “da nhiễm corticoid”. Có người “thần thánh hóa” việc thoa corticoid, cùng có người lại rất sợ khi nhắc đến nó. Vậy corticoid là gì, sử dụng chúng đúng cách như thế nào, nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết tình trạng da nhiễm corticoid cùng cách điều trị ra sao sẽ được Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.
Da nhiễm corticoid là gì ?
Thực ra “da nhiễm corticoid” là một cách gọi không thực sự chính xác nhưng được dùng thường xuyên, mục đích là để chỉ những tình trạng da bị tổn thương do hoạt tính của chất corticoid khi sử dụng thoa lên da cho những những trường hợp không có chỉ định dùng, trong một thời gian dài hơn mức cho phép, hay do việc sử dụng một cách vô tội vạ các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ xuất xứ và không rõ các thành phần chứa trong đó.
Mặc dù khi mới sử dụng corticoid tại chỗ bôi lên da, đặc biệt da mụn trứng cá, các bệnh lý da viêm nổi mẩn đỏ, ngứa như do côn trùng cắn, viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa,… mọi người sẽ thấy tác dụng nhanh chóng. Tuy nhiên việc tự ý sử dụng corticoid thoa dẫn đến những hệ lụy vô cùng lớn, biến chứng để lại rất nhiều, việc điều trị cho tình trạng “da nhiễm corticoid” trong nhiều trường hợp nặng còn là thách thức và khó khăn với chi phí lớn và thời gian lâu dài.
Corticoid là gì?
Corticoid hay còn gọi là corticosteroids, là một nhóm thuốc nhân tạo hoặc tổng hợp được sử dụng trong hầu hết các chuyên khoa trong y tế. Nhìn chung thì chúng giúp giảm hiện tượng viêm trong cơ thể bằng cách giảm hoặc ức chế các hóa chất và con đường viêm, ngoài ra ở liều lượng cao, corticoid còn làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, do đó được xếp vào nhóm thuốc gây ức chế miễn dịch cơ thể.
Corticoid có cấu trúc và hoạt tính tương tự như cortisol, là một hormone (nội tiết tố) được sản xuất tự nhiên bởi tuyến thượng thận trong cơ thể con người. Cortisol đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt các quá trình sinh học, bao gồm cả chuyển hóa, phản ứng miễn dịch và đáp ứng với stress.
Corticoid thường được dùng trong trường hợp nào?
Vì corticoid làm giảm hiện tượng viêm, giảm sưng tấy, kích ứng, dị ứng trong nhiều cơ quan khác nhau, do đó chúng thường xuyên được bác sĩ kê đơn để điều trị các bệnh lý như là hen suyễn, phát ban da, lupus, viêm da cơ địa,…
Corticoid được sử dụng theo 2 con đường chính là đường toàn thân và tại chỗ. Đường toàn thân có thể là đường uống, tiêm vào cơ, tiêm vào mạch máu. Đường tại chỗ có thể kể đến là các loại kem bôi da, thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai, hay dạng corticoid hít. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào cơ chế, công dụng cũng như tác dụng phụ của corticoid đường dùng thoa tại chỗ.1
Nguồn gốc của corticoid
Sự ra đời của corticoid thoa tại chỗ do Sulzberger và Witten tổng hợp năm 1952 được coi là một cột mốc quan trọng trong lịch sử điều trị các rối loạn về da liễu nói chung. Từ đó đến nay, rất nhiều hoạt chất corticoid được tạo ra với hiệu lực và hoạt tính khác nhau, nhằm phù hợp cho từng bệnh lý da cụ thể.2
Mặc dù hiệu quả là thế, nhưng việc sử dụng corticoid thoa là một con dao hai lưỡi, đến nay người ta đang báo động tình trạng gia tăng liên tục các trường hợp lạm dụng và dùng sai corticoid dẫn đến các biến chứng và tác dụng phụ nghiêm trọng, đôi khi không phục hồi lại được.2
Dấu hiệu nhận biết da nhiễm corticoid
Khi sử dụng một sản phẩm bôi có dán nhãn corticosteroids hay không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ thành phần chứa trong chai, ban đầu các triệu chứng da như nổi ban đỏ, ngứa, mụn trứng cá… sẽ giảm nhanh chóng, khiến cho người dùng có cảm tưởng “thần thánh hóa” kem bôi đó.
Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, hay sau khi dừng bôi kem, các bệnh lý viêm da lúc trước sẽ ồ ạt trầm trọng lên, vùng da được thoa kem hay thậm chí vùng da xung quanh có thể teo mỏng đi, hay sần sùi, tróc vảy, nổi đỏ, ngứa ngáy khó chịu, bỏng rát hay châm chích, nóng rát và thậm chí gây đau.
Da người đó trở nên nhạy cảm, đôi khi sưng nề, chảy dịch, nước, bùng phát mụn dữ dội, nhiễm trùng da,… và có thể gặp các biến chứng toàn thân ở các cơ quan khác. Đôi khi gây nên một bệnh cảnh gọi là “chứng sợ corticosteroids” hay “hội chứng cai/phụ thuộc corticosteroids”.
Biến chứng của da nhiễm corticoid
Nhìn chung, corticoid đường dùng tại chỗ an toàn hơn corticoid toàn thân Tuy nhiên vẫn ghi nhận các tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm các tác dụng phụ tại chỗ thoa, và tác dụng phụ toàn thân. Đặc biệt, biến chứng nặng là do các loại corticoid có hoạt lực mạnh hay rất mạnh, hoặc các hoạt chất có hoạt lực thấp nhưng được sử dụng trong thời gian dài mà không có sự ngắt quãng hợp lý.
Tổn thương da
Nhiều tác dụng phụ trên da có thể xảy ra khi sử dụng corticosteroids tại chỗ. Tổn thương da gây ra bởi corticoid thoa thường xoay quanh các cơ chế như:
- Giảm khả năng lành thương của da: ức chế hoạt động của các tế bào tạo sừng, tế bào sợi, các mô liên kết mạch máu, yếu tố tạo mạch trong da.
- Giảm khả năng đàn hồi của da: corticoid sẽ làm giảm tổng hợp collagen, giảm chu kỳ sống các tế bào trong da; làm giảm khả năng co dãn và đàn hồi của các cấu trúc mềm và mô liên kết ở da.
- Tăng tổn thương da do ánh nắng mặt trời: tổn thương do corticosteroids giống như tổn thương da do lão hóa (lão hóa da) làm da mỏng hơn bình thường, chậm phục hồi kho có tốn thương.
- Tổn thương hàng rào bảo vệ trên da: hoạt chất corticoid sẽ gây ra sự giảm nồng độ lipid trong da và khả năng phục hồi của da.
Biến chứng bệnh lý
Từ đó có thể xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh lý liệt kê dưới đây, có thể ban đầu chỉ là nóng rát, khô da, châm chích, tuy nhiên sau đó diễn tiến nặng lên thành các triệu chứng cực kỳ khó chịu và biến chứng lâu dài, khó phục hồi.3
Teo da, giãn mạch máu ở da và rạn da2
Có thể xảy ra khi bạn sử dụng các chất kem chứa corticoid liên tục hằng ngày trong từ 2 đến 3 tuần trở lên. Các vùng da ở vùng nếp như nách, bẹn, và các vùng da mỏng thuốc sẽ xuyên thấu và thấm nhập như quanh mí mặt, vùng mặt, da vùng bộ phận sinh dục rất dễ bị teo da, giảm độ dày của da, nhưng vẫn có thể hồi phục trong vòng vài tuần đến vài tháng nếu ngừng thoa corticoid kịp thời ngay khi có dấu hiệu bắt đầu thấy da thay đổi.
Trong đó tình trạng teo da là thường gặp nhất, xảy ra do mọi loại corticoid thoa tại chỗ, soi da vi thể cho thấy có sự thay đổi và lớp thượng bì và trung bì da, làm thu nhỏ kích thước và hình dạng các tế bào, đồng thời cũng giảm số lớp tế bào trong da.
2. Phát ban mụn trứng cá do corticoid
Nhiều trường hợp sau một thời gian sử dụng corticoid tại chỗ kéo dài, đặc biệt ở vùng mặt, hay vùng thân trên như vùng ngực, bụng, lưng trên có thể gây ra mụn phát ban. Cơ chế là do làm tăng nồng độ axit béo cùng lipid trong cở thể, từ đó kích hoạt hoạt động mạnh của các vi khuẩn có trong tuyến bã, hình thành nên mụn trứng cá.2
Nếu sử dụng corticosteroids tại chỗ mạn tính trên mặt cũng có thể gây khô da, tróc vảy, đóng mài với vài mụn mủ rải rác, viêm nang lông vùng quanh miệng (gọi là viêm da quanh miệng), đặc biệt lưu ý khi có nhiều tình huống oái ăm đó là khi sử dụng thoa corticoid trên mặt lâu ngày có thể gây phát ban đỏ, ngứa, bỏng rát tương tự như một bệnh lý da liễu thực sự. với điều trị còn nhiều hạn chế đó là bệnh trứng cá đỏ (rosacea, thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên, hiện diện các sang thương da như mụn mủ, cục nang, giãn mạch máu trên da, hay gặp tình trạng đỏ bừng mặt).
Giãn mạch máu ở da2
Corticosteroids làm mỏng lớp trung bì, và làm mất mô liên kết nâng đỡ trong da, khiến cho làn da chảy xệ, trong suốt, hình thành các nếp nhăn, gây ra rạn da và ảnh hưởng đến mạch máu trên da gây ra các tình trạng ban đỏ, giãn mạch máu, xuất huyết (vết bầm tím) trên da.
Gây nhạy cảm da hay viêm da tiếp xúc dị ứng
Như chúng ta đã biết, mặc dù corticosteroids thoa là một trong những điều trị tiêu chuẩn của tình trạng viêm da tiếp xúc trong đa số các trường hợp, tuy nhiên không phải là tất cả các chế phẩm bôi chứa corticoid đều an toàn cho da. Người ta đã ghi nhận có khá nhiều sản phẩm bôi chứa corticoid gây dị ứng cho da, thông thường là do các hoạt chất phụ đi kèm hay các tá dược, chất bảo quản của tuýp kem đó, tuy nhiên da của một người vẫn có thể dị ứng khi tiếp xúc với chính gốc steroid, mặc dù trường hợp này hiếm hơn.
Khi bạn bị viêm da tiếp xúc, hay bị các bệnh lý da viêm đỏ mạn tính, được các bác sĩ kê một tuýp kem chứa corticoid thoa tại chỗ, mà đột ngột bệnh không kiểm soát được và trầm trọng hơn khi điều trị, thì bạn nên nghi ngờ da bạn có nhiều khả năng bị viêm da tiếp xúc với hoạt chất corti hay thứ phát sau các thành phần khác có trong tuýp kem đó.
Hội chứng cai corticoid, hay còn gọi là lệ thuộc corticoid2
Sau một khoảng thời gian dài thoa corticoid liên tục, nếu người đó ngưng sử dụng corticoid đột ngột thì có thể gây ra một bệnh cảnh gọi là hội chứng cai corticoid, đặc biệt là trên da mặt, hoặc da bộ phận sinh dục, có thể tạo ra một loạt các dấu hiệu đa dạng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp nhất là:
- Nổi ban đỏ da.
- Cảm giác nóng bỏng hoặc châm chích.
- Da luôn trong tình trạng ngứa ngáy khó chịu, đôi khi gây cảm giác đau cho người bệnh.
- Mặt đỏ bừng bừng như bốc hỏa.
Đây là tình trạng cần được hướng dẫn điều trị bởi các bác sĩ da liễu, cơ chế chia làm 3 pha:
- Đầu tiên, sử dụng steroid cải thiện đáng kể mụn mủ, ngứa, ban đỏ, tróc vảy do steroid có tính kháng viêm mạnh, ức chế hoạt động của các tế bào viêm.
- Pha 2 là khi tiếp tục sử dụng corticoid kéo dài, có hiện tượng ức chế miễn dịch cục bộ làm tăng sự phát triển của hệ vi sinh vật, có thể có hại trên da.
- Sau đó là pha 3, khi đột ngột ngừng corticoid, các cơn ngứa và da mẩn đỏ, nóng bừng, châm chích bùng phát, bệnh lý viêm trước đó được kiểm soát thì nay trở nên trầm trọng hơn.
Nhiễm nấm nông ngoài da
Khi bạn bị nhiễm một số loại nấm sống trên da, chúng sẽ gây cho bạn các triệu chứng thường gặp nhất là nổi ban đỏ, da tróc vảy trắng, kèm ngứa, đặc biệt khi tiếp xúc với nước hay ra nhiều mồ hôi. Việc thoa các sản phẩm corticoid tại chỗ không phù hợp có thể làm xấu đi hoặc làm che dấu đi các đặc điểm triệu chứng điển hình của bệnh nhiễm trùng nấm da, từ đó làm chậm điều trị hay lu mờ các dấu hiệu bệnh làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
Rậm lông
Thường gây ra do sử dụng corticoid đường toàn thân, rậm lông cục bộ khá hiếm, đôi khi vẫn kéo dài nhiều tháng sau khi ngưng steroid.
Tăng hoặc giảm sắc tố da
Giảm sắc tố da do corticoid thoa rất hay gặp, trong đó người có típ da sậm màu dễ phát hiện hơn người có típ da sáng màu, có thể liên quan đến việc corticoid ức chế hoạt động của tế bào hắc tố (tế bào tạo melanin – sắc tố của da).
Xuất huyết, sẹo, loét
Tình trạng này hiếm gặp, do hiện tượng teo lớp trung bì và sự mất chất nền tế bào gây mất nâng đỡ cấu trúc mạch máu, làm cho mạch máu nông trên da dễ vỡ có hiện tượng mạch máu thoát ra lòng mạch, hay làm mất sắc tố, sẹo ở tứ chi, có khi gây loét.
Hiện tượng lờn thuốc
Giảm hiệu quả của thuốc khi đang sử dụng corticoid thoa, thường gặp trong các bệnh lý cần sử dụng corticoid như là một chất điều trị chính, có thể kể đến là trong bệnh vảy nến, viêm da cơ địa,… biến chứng này hay gặp ở những người bệnh tự ý dùng corticoid thoa kéo dài, mà không tuân thủ điều trị của các bác sĩ da liễu.2
Tác dụng phụ khi bôi corticoid không kiểm soát
Trước đây mọi người cứ tưởng rằng, các hoạt chất bôi chứa corticoid sử dụng tại chỗ không có tác dụng phụ toàn thân, nhưng ngày nay càng có nhiều nghiên cứu và bằng chứng đã chứng tỏ rằng việc sử dụng kéo dài corticosteroids tại chỗ, đặc biệt là corticosteroids hiệu lực cao và siêu cao, có thể gây ức chế trục hạ đồi – tuyến yên (HPA), làm tăng chỉ số đường huyết và tăng nhãn áp (mắt) hoặc đục thủy tinh thể. Một số tác dụng phụ của việc bôi corticoid không kiểm soát là:3
Ức chế trục hạ đồi – tuyến yên
Các yếu tố nguy cơ bao gồm sử dụng corticosteroids hoạt lực mạnh, sử dụng kéo dài mạn tính, vùng da mỏng dễ hấp thu thuốc vào hệ thống, liên tục, hàng rào bảo vệ da bị thay đổi và tuổi còn trẻ. Sử dụng thường xuyên corticoid nhẹ ở trẻ nhỏ tưởng chừng như an toàn nhưng vẫn có thể gây ức chế hạ đồi – tuyến yên, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và sự phát triển tâm thần – vận động, tâm sinh lý ở trẻ.
Một nghiên cứu phân tích tổng hợp các nghiên cứu lớn đã thống kê có tới 5% người bệnh sử dụng corticosteroids tại chỗ có ức chế trục hạ đồi – tuyến yên. So với nhóm người bình thường không sử dụng corticoid thoa thì những người dùng corticosteroids tại chỗ để điều trị bệnh vảy nến, viêm da cơ địa, hay bệnh lichen phẳng có nguy cơ ức chế hệ HPA gấp 9 lần.4
Tăng chỉ số đường huyết
Các nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng corticoid thoa cũng làm cho người dùng tăng chỉ số đường trong máu, và gây bệnh tiểu đường tiềm tàng.
Bệnh tăng nhãn áp/ đục thủy tinh thể ở mắt
Trường hợp này thì ít gặp hơn, chủ yếu do việc sử dụng thoa corticoid hiệu lực mạnh ở vùng quanh mắt mãn tính.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn có thể thấy ở trên liệt kê và phân tích rất nhiều triệu chứng và tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng của da nhiễm corticoid, việc sử dụng corticoid thoa quá tay hay không đúng chỉ định của bác sĩ.
Do đó bất cứ khi nào bạn nghi ngờ các sản phẩm bạn đang dùng có chứa thành phần corticosteroids, và làn da của bạn có những dấu hiệu gợi ý nhiễm corticosteroids, bạn cần ngưng sản phẩm đó ngay, và đến khám hay cần nhờ tham vấn bởi những bác sĩ da liễu có chuyên môn, để họ cho bạn lời khuyên đúng đắn về việc có nên dừng hay sử dụng tiếp kem bôi đó sao cho hợp lý.
Một số đối tượng nhạy cảm, cần lưu ý khi sử dụng corticoid đường tại chỗ hay toàn thân như trẻ sơ sinh, trẻ em, người bị các bệnh lý da mạn tính, cấp tính, hay phụ nữ có thai, cho con bú,… phải được khám và tư vấn cẩn thận bởi bác sĩ da liễu, tuyệt đối không tự ý sử dụng các sản phẩm chứa corticoid.
Điều trị da nhiễm corticoid
Chẩn đoán da nhiễm corticoid
Nhìn chung, việc đầu tiên khi nghi ngờ làn da nhiễm corticosteroids, các bác sĩ sẽ lập tức kiểm tra các sản phẩm bôi có chứa thành phần corticosteroids hay không, từ đó xem xét việc dừng hay đổi các sản phẩm thoa khác.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, thời gian và độ mạnh của corticosteroids bạn sử dụng, các bác sĩ sẽ phải cân nhắc rất thận trọng, vì nếu dừng đột ngột corticoid thoa có thể làm nặng lên tình trạng “lệ thuộc corticosteroids”.
Chăm sóc da nhiễm corticoid
Bạn cũng có thể chăm sóc làn da nhiễm corticoid của mình tương tự như với một làn da nhạy cảm, sử dụng các sản phẩm da dịu nhẹ, không chứa xà phòng, chất tạo bọt quá mạnh, không sử dụng các chế phẩm mạnh có tính điều trị trong thời gian chờ da phục hồi.
Bên cạnh đó, những cách sau đây cũng thường được chỉ định điều trị da nhiễm corticoid.
Dưỡng da5
Nếu da bạn đang khô, bong tróc thì việc sử dụng dưỡng ẩm da là cần thiết, thoa từ 2 – 3 lần / ngày, với các thành phần chuyên biệt cho da nhạy cảm, không hương liệu, không chất tạo mùi. Tùy vào vùng da cần thoa như mặt, da thân mình hay tay chân mà lựa chọn chế phẩm cho phù hợp.
Sử dụng thuốc
Đôi khi để giảm tình trạng ngứa ngáy khó chịu, các bác sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc uống như kháng histamin, hay kháng sinh để phòng ngừa hay điều trị tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn đi kèm, hay trong trường hợp có nhiễm nấm thì dùng phác đồ điều trị nấm, nhiễm ký sinh trùng (thường gặp nhất là nhiễm Demodex) thì điều trị phác đồ tương ứng.6
Liệu pháp chăm sóc da
Các bác sĩ da liễu cũng có thể sử dụng các phương pháp hiện đại tại phòng khám/bệnh viện chuyên sâu như là liệu pháp tiêm vi điểm, hay cho thoa các chế phẩm tế bào gốc, vitamin có tính chống oxy hóa, dưỡng ẩm da, nhằm giúp làn da phục hồi nhanh chóng hơn, làn da mau chóng “khỏe hơn”. Tùy từng tác dụng phụ như teo da, rạn da, nổi mạch máu… mà có các liệu trình điều trị khác nhau.7
Chiến lược giảm liều dùng
Với những người mắc hội chứng lệ thuộc corticoid, chắc chắn không thể dừng đột ngột việc bôi corticoid được, do đó các bác sĩ thường áp dụng chiến lược giảm dần liều lượng, độ mạnh, diện tích vùng da cần bôi và/hoặc tần suất bôi, có thể từ việc bôi hằng ngày giảm còn cách ngày, hoặc thoa vào ngày trong tuần, chừa ngày cuối tuần…, giảm từ một loại corticoid mạnh thành một loại ít mạnh hơn,…2
Thận trọng với những đối tượng đặc biệt
Tất nhiên phải hết sức thận trọng trên các đối tượng nhạy cảm, dễ tổn thương như trẻ em, người già, phụ nữ có thai và cho con bú, các vùng da dễ gặp tác dụng phụ nhất như là da mặt, vùng gấp, vùng quanh mắt, da cơ quan sinh dục,…2
Chi phí và thời gian điều trị da nhiễm corticoid
Chi phí điều trị cho da nhiễm corticoid phụ thuộc vào độ nặng và tình trạng da hiện tại của bạn.
Khi làn da của bạn chỉ mới có dấu hiệu nhiễm corticoid thì việc ngừng corticoid bôi kết hợp chăm sóc da đúng đắn có thể làm cho làn da của bạn mau chóng khỏe lại như ban đầu. Nhưng với việc sử dụng và lạm dụng corticoid thoa trong thời gian dài, chi phí điều trị cho các liệu trình phục hồi là đáng kể, kéo dài thay đổi từ vài tuần đến vài năm, thậm chí có các tác dụng phụ và biến chứng không thể phục hồi như lúc đầu được.8
Corticoid thoa là một trong những hoạt chất được sử dụng nhiều nhất trong da liễu vì tác dụng và hiệu quả mong muốn của nó, tuy nhiên việc thiếu hiểu biết dẫn đến sử dụng quá tay, lạm dụng các sản phẩm bôi trong điều trị các bệnh lý da liễu nói chung đã dẫn đến những hệ lụy xấu và trầm trọng cho người sử dụng và cho xã hội. Do đó bạn cần phải tỉnh táo trong ma trận các mỹ phẩm được quảng cáo quá mức như hiện nay, nhằm lựa chọn được sản phẩm phù hợp và an toàn nhất với làn da của mình và tránh bị bệnh lý da nhiễm corticoid.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Corticosteroids: Uses, Types, Side Effects and Interactions.https://www.healthline.com/health/corticosteroids-what-are-they
Ngày tham khảo: 06/10/2022
-
Coondoo A, Phiske M, Verma S, et al. Side-effects of topical steroids: A long overdue revisit.https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25396122/
Ngày tham khảo: 06/10/2022
- Beth G Goldstein M, Adam O Goldstein, MD, MPH. Topical corticosteroids: Use and adverse effects.
-
Broersen LH, Pereira AM, Jørgensen JO, et al. Adrenal Insufficiency in Corticosteroids Use: Systematic Review and Meta-Analysis.https://academic.oup.com/jcem/article/100/6/2171/2829580?login=false
Ngày tham khảo: 06/10/2022
-
What Causes Sensitive Skin and How Can I Care for It?https://www.healthline.com/health/skin-disorders/sensitive-skin
Ngày tham khảo: 06/10/2022
-
Topical corticosteroid withdrawal.https://dermnetnz.org/topics/topical-corticosteroid-withdrawal
Ngày tham khảo: 06/10/2022
-
Majid I, Timungpi R. Platelet rich plasma in treatment of topical steroid damaged face: A retrospective analytical study.https://doi.org/10.1111/dth.15356
Ngày tham khảo: 06/10/2022
-
Sheary B. Steroid Withdrawal Effects Following Long-term Topical Corticosteroid Use.https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29923852/
Ngày tham khảo: 06/10/2022