YouMed

Viêm phổi kẽ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Bác sĩ NGUYỄN ĐOÀN TRỌNG NHÂN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Chuyên khoa: Đa khoa

Viêm phổi kẽ (Interstitial lung diseases) là một thuật ngữ nhằm nói về một nhóm lớn, bao gồm rất nhiều bệnh lý gây ra các tổn thương mô kẽ ở phổi. Các bệnh lý này gây ra viêm và xơ sẹo ở phổi. Bệnh viêm phổi mô kẽ thường đi kèm hoặc dẫn tới nhiều bệnh lý khác, và kết cục tử vong do bệnh cũng thường gặp. Cùng tìm hiểu về viêm phổi kẽ qua bài viết sau của Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân nhé!

Tổng quan chung viêm phổi kẽ

Viêm là một nhóm các bệnh lý gây ra tổn thương nhu mô phổi lan toả do các cơ chế khác nhau, mức độ lan toả và xơ sẹo cũng khác nhau. Bệnh phổi kẽ là bệnh phổi mãn tính (mãn tính). Nó xảy ra do tổn thương giữa các túi khí trong phổi. Tổn thương để lại sẹo ở phổi và gây ra các vấn đề về hô hấp.

Về mặt cấu trúc phổi, thì phổi có hình dạng của một thân cây, với các phế quản là cành và phế nang là lá. Lá sẽ có các gân lá là các mao mạch phổi để tham gia cùng với phế nang để hấp thụ O2 và loại bỏ CO2.

 

Cấu trúc trên kính hiển vi của phế nang và mao mạch
Cấu trúc trên kính hiển vi của phế nang và mao mạch

Tổn thương mô kẽ làm cho khoảng cách giữa lá (phế nang) và gân lá (mao mạch phổi) trở nên dày hơn, xơ sẹo, hạn chế sự trao đổi khí của cơ thể. Ngoài ra nó cũng làm tăng khoảng cách giữa các phế nang với nhau, gây ra một số ảnh hưởng khác.

Hình trên kính hiển vi của phổi bình thường (trái) và phổi xơ hoá (phải)
Hình trên kính hiển vi của phổi bình thường (trái) và phổi xơ hoá (phải)

Tuy vậy, cần phải khẳng định rằng, bệnh phổi mô kẽ đôi khi còn được gọi là bệnh lý nhu mô phổi lan toa (Diffuse parenchymal lung disease). Trong đó nhu mô phổi còn bao gồm: Phế nang (lá) và phế quản (các cành).

Nguyên nhân bệnh phổi mô kẽ

Nguyên nhân đã biết1 

1. Nguyên nhân từ yếu tố nghề nghiệp và môi trường

Tiếp xúc lâu dài với một số chất hóa học hoặc các chất thải môi trường có thể ảnh hưởng đến phổi:

  • Abestos (hay còn gọi là Amiang): Là một chất có trong vật liệu xây dựng hiện nay.
  • Silica: Ở trong cửa sổ, lọ thuỷ tinh. Bệnh nhân bị phơi nhiễm khi sản xuất thuỷ tinh.
  • Kim loại nặng (Hard metals): Cobalt, vonfam. Thường gặp ở các đối tượng công nhân tham gia sản xuất mà không đeo khẩu trang.
  • Coal dust (Bụi than): Thường gặp ở đối tượng tiếp xúc nhiều như công nhân mỏ than, người tham gia bếp núc bằng củi, than thường xuyên.
  • Chất thải của chim và động vật.
  • Phương pháp điều trị bằng bức xạ.
 Ảnh chụp thợ đang lấy Asbestos từ tôn
Ảnh chụp thợ đang lấy Asbestos từ tôn

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng một số loại thuốc có thể gây hại cho phổi:

  • Thuốc hóa trị. Các loại thuốc được điều chế để tiêu diệt tế bào ung thư (chẳng hạn như methotrexate và cyclophosphamide) có thể làm hỏng mô phổi.
  • Thuốc trợ tim. Một số loại thuốc dùng để điều trị nhịp tim không đều (chẳng hạn như amiodarone hoặc propranolol) có thể gây hại cho mô phổi.
  • Một số loại thuốc kháng sinh. Nitrofurantoin và ethambutol có thể gây tổn thương phổi.
  • Thuốc chống viêm. Một số loại thuốc chống viêm, chẳng hạn như rituximab hoặc sulfasalazine cũng có thể gây tổn thương phổi.

3. Tiếp xúc chất hữu cơ

  • Lông chim: thường là vẹt. Có thể gặp ở các bệnh nhân thích nuôi chim cảnh.
  • Cỏ khô.
  • Nấm mốc.
  • Vi khuẩn không điển hình (đặc trưng nhất là vi khuẩn lao).

4. Các vấn đề sức khỏe khác

Một số bệnh tự miễn cũng có thể làm tổn thương phổi:

Nguyên nhân không rõ

Nếu bác sĩ không thể tìm thấy nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh phổi kẽ, thì tình trạng đó được gọi là viêm phổi kẽ vô căn. Có nhiều loại viêm phổi kẽ vô căn, phổ biến trong đó là xơ phổi vô căn.2

Dựa vào hỏi bệnh, thăm khám và hình ảnh học như CT scan, X-quang phổi, sinh thiết mà bác sĩ còn có thể đưa ra 1 số cách phân biệt, như dựa vào diễn tiến bệnh.

1. Nhanh (cấp – trong vòng 1 tuần)

  • Viêm phổi tổ chức hoá vô căn (Cryptogenic organizing pneumonia).
  • Viêm phổi tăng eosinophil cấp (Acute eosinophilic pneumonia).
  • Xuất huyết phế nang lan toả (Diffuse alveolar hemorrhage).
  • Viêm phổi mẫn cảm cấp (Acute hypersensitivity pneumonitis).
  • Viêm phổi mô kẽ cấp (Acute interstitial pneumonia).
  • Đợt cấp của xơ phổi nguyên phát và của những tình trạng bệnh phổi mô kẽ khác.

2. Từ từ (bán cấp/mạn)

  • Bệnh mô liên kết.
  • Xơ hoá phổi nguyên phát.
  • U hạt Sarcoidosis.
  • Viêm phổi mẫn cảm mạn tính.
  • Bệnh phổi nghề nghiệp (tiếp xúc chất vô cơ).
  • Viêm phổi mô kẽ không đặc hiệu.
  • Viêm phổi mô kẽ tróc vẩy (Desquamative interstitial pneumonitis).
  • Bệnh phổi mô kẽ – viêm tiểu phế quản hô hấp (Respiratory bronchiolitis interstitial lung disease).
  • Viêm phổi mô kẽ do lympho.
  • Viêm phổi tăng eosinophil mạn tính.

Triệu chứng viêm phổi kẽ

Triệu chứng của nhóm bệnh lý này không hề đặc trưng. Thông thường, bệnh phổi mô kẽ sẽ có triệu chứng xuất hiện từ lâu, tăng dần đến khi bệnh nhân đến khám bệnh.

1. Triệu chứng chính của bệnh phổi mô kẽ3

  • Khó thở khi gắng sức.
  • Ho khan.
  • Mệt mỏi, suy nhược.
  • Ăn không ngon.
  • Sụt cân.
  • Ngực khó chịu.
  • Xuất huyết trong phổi.
Người bệnh viêm phổi kẽ có thể khó thở khi hoạt động gắng sức
Người bệnh viêm phổi kẽ có thể khó thở khi hoạt động gắng sức

2. Triệu chứng phân biệt4

Triệu chứng cấp tính cần phân biệt với các bệnh khác:

  • Nhiễm trùng phổi.
  • Suy tim cấp (phù phổi cấp).
  • ARDS (Nguy kịch hô hấp cấp ở người lớn).

Chẩn đoán viêm phổi kẽ như thế nào?

Như đã liệt kê, việc chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân tương đối khó khăn. Do đó, để chẩn đoán, bác sĩ bắt buộc phải có sự kết hợp từ tất cả mọi mặt:3

  • Thăm khám, hỏi bệnh.
  • Xét nghiệm chức năng phổi.
  • X-quang phổi.
  • CT scan ngực.
  • Nội soi phế quản.
  • Sinh thiết phổi.
  • Rửa phế quản.
  • Xét nghiệm máu.

Điều trị viêm phổi kẽ

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà có những phương hướng điều trị khác nhau.

1. Sử dụng thuốc1

Với bệnh viêm phổi kẽ, bác sĩ có thể kê đơn:

  • Thuốc Corticosteroid. Nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh phổi kẽ ban đầu được điều trị bằng corticosteroid (prednisone), đôi khi kết hợp với các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch khác. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh phổi kẽ, sự kết hợp này có thể làm chậm hoặc thậm chí ổn định sự tiến triển của bệnh.
  • Thuốc làm chậm quá trình xơ hóa phổi vô căn. Các loại thuốc pirfenidone và nintedanib có thể làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh. Tác dụng phụ liên quan đến điều trị có thể là đáng kể. Nói chuyện về những ưu và nhược điểm của những loại thuốc này với bác sĩ của bạn.
  • Thuốc làm giảm axit dạ dày. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ảnh hưởng đến phần lớn những người bị xơ phổi vô căn và có liên quan đến tổn thương phổi ngày càng trầm trọng. Nếu có triệu chứng trào ngược axit, bác sĩ có thể kê toa các thuốc giảm axit dạ dày, bao gồm thuốc đối kháng thụ thể H-2 hoặc thuốc ức chế bơm proton như lansoprazole, omeprazole và pantoprazole.

2. Liệu pháp oxy1

Tuy oxy không thể ngăn chặn tình trạng tổn thương của phổi, nhưng nó có thể:

  • Làm cho việc hít thở và tập luyện thể dục dễ dàng hơn.
  • Ngăn ngừa hoặc giảm bớt các biến chứng do nồng độ oxy trong máu thấp.
  • Giảm huyết áp ở bên phải trái tim.
  • Cải thiện giấc ngủ và cải thiện tâm trạng.

3. Phục hồi chức năng phổi1

Mục đích của phục hồi chức năng phổi không chỉ là cải thiện chức năng hàng ngày mà còn giúp những người mắc bệnh phổi kẽ sống một cuộc sống đầy đủ, thỏa mãn.

Phục hồi chức năng phổi tập trung vào:

  • Tập thể dục, để cải thiện sức chịu đựng.
  • Kỹ thuật thở, giúp cải thiện hiệu quả của phổi.
  • Hỗ trợ tinh thần.
  • Tư vấn dinh dưỡng.

4. Phẫu thuật1

Phẫu thuật ghép phổi có thể là một lựa chọn cuối cùng đối với một số người mắc bệnh phổi kẽ nghiêm trọng nhưng không cải thiện khi thực hiện các biện pháp điều trị khác.

5. Biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà1

Người bệnh có thể tự xây dựng một lối sống lành mạnh ngay tại nhà để giảm các tình trạng của bệnh:

  • Bỏ thuốc lá.
  • Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đủ calo.
  • Những người chưa mắc bệnh có thể thực hiện tiêm phòng vắc-xin viêm phổi.
Hãy bỏ thuốc lá để tình trạng bệnh không diễn tiến nghiêm trọng hơn
Hãy bỏ thuốc lá để tình trạng bệnh không diễn tiến nghiêm trọng hơn

Phòng ngừa viêm phổi kẽ

Một số nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi kẽ có thể được phòng ngừa. Cụ thể:2

  • Tránh làm việc trong môi trường có các chất độc hại. Nếu bắt buộc phải làm thì cần mang mặt nạ phòng độc.
  • Tương tự, tránh hoặc mang mặt nạ phòng độc khi làm việc tại môi trường có các yếu tố gây ra phản ứng dị ứng mãn tính. Ví dụ: cỏ khô, lông và chất thải động vật,…
  • Nếu mắc bệnh mô liên kết hoặc sarcoidosis, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để biết cách kiểm soát bệnh và ngăn ngừa viêm phổi kẽ.
  • Bỏ hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.

Trên đây là thông tin về viêm phổi kẽ mà Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân muốn gửi đến bạn đọc. Mong rằng qua bài viết này đọc giả sẽ có thêm kiến thức về bệnh, cách phòng bệnh cũng như các dấu hiệu giúp nhận biết sớm, góp phần cho việc điều trị dễ dàng, thành công hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Interstitial lung diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/interstitial-lung-disease/symptoms-causes/syc-20353108

    Ngày tham khảo: 07/06/2023

  2. Interstitial Lung Disease: Stages, Symptoms & Treatmenthttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17809-interstitial-lung-disease

    Ngày tham khảo: 07/06/2023

  3. Interstitial Lung Diseasehttps://stanfordhealthcare.org/medical-conditions/chest-lungs-and-airways/interstitial-lung-disease.html

    Ngày tham khảo: 07/06/2023

  4. Interstitial Lung Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541084/

    Ngày tham khảo: 07/06/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người