YouMed

Bệnh phong thấp có lây không và bí quyết phòng bệnh

bác sĩ hồ đức việt
Tác giả: Bác sĩ Hồ Đức Việt
Chuyên khoa: Cơ xương khớp - Chấn thương chỉnh hình

Bệnh phong thấp gây các triệu chứng đau nhức khớp, biến dạng khớp. Bệnh gây cản trở trong hoạt động sinh hoạt thường ngày. Đa phần người bệnh đều lo sợ và các bác sĩ thường nhận được câu hỏi bệnh phong thấp có lây không? Vậy hãy cùng Bác sĩ Hồ Đức Việt tìm lời giải đáp cho câu hỏi này.

Phong thấp là gì?

Phong thấp là tên gọi dân gian của bệnh Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis – RA), là một bệnh lý tự miễn, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây ra tình trạng viêm (sưng đau) ở các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể.

Phong thấp chủ yếu tấn công các khớp, thường là nhiều khớp cùng một lúc, hệ thống miễn dịch tấn công niêm mạc bao khớp (bao hoạt dịch). Từ đây gây tổn thương bao hoạt dịch khớp và tổn thương khớp. Hậu quả là khớp của bạn có hiện tượng sưng, đau. Các khớp thường ảnh hưởng là khớp bàn tay, cổ tay và đầu gối.1 2

Khi tình trạng viêm khớp này kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần, các tổn thương gây bào mòn xương và huỷ khớp. Đưa đến tính trạng dính và biến dạng các khớp ảnh hưởng thường xuyên. Tổn thương này có thể gây đau khớp kéo dài hoặc mãn tính, mất vững và biến dạng khớp.1 2

Phong thấp cũng có thể ảnh hưởng đến các mô khác trên khắp cơ thể và gây ra các vấn đề ở các cơ quan như phổi, tim và mắt.

Trong Đông y phong thấp là tên gọi của bệnh lý viêm khớp dạng thấp
Trong Đông y phong thấp là tên gọi của bệnh lý viêm khớp dạng thấp

Nguyên nhân gây bệnh phong thấp là gì?

Ở một người khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch chống lại những kẻ xâm lược, chẳng hạn như vi khuẩn và vi rút. Với một bệnh tự miễn dịch như phong thấp, hệ thống miễn dịch nhầm các tế bào của cơ thể với những kẻ xâm lược từ bên ngoài và giải phóng các hóa chất gây viêm tấn công các tế bào đó, tấn công vào màng hoạt dịch. Bao hoạt dịch bị viêm ngày càng dày khiến vùng khớp cảm thấy đau, cứng, đỏ và sưng lên, đồng thời cử động khớp có thể khó khăn.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao mọi người lại phát phong thấp. Họ tin rằng những cá nhân này có thể có một số gen nhất định được kích hoạt bởi tác nhân kích hoạt trong môi trường, chẳng hạn như vi rút hoặc vi khuẩn, stress hoặc một số yếu tố bên ngoài khác.2 3

Bệnh phong thấp có lây không.
Các vi sinh vật như virus, vi khuẩn có thể là tác nhân gây nên tình trạng phong thấp

Triệu chứng bệnh phong thấp

Với phong thấp, có những thời điểm khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, được gọi là đợt bùng phát, và những thời điểm khi các triệu chứng trở nên cải thiện hơn, được gọi là thuyên giảm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của phong thấp bao gồm:1

  • Đau nhức ở nhiều khớp.
  • Căng cứng ở nhiều khớp.
  • Đau và sưng ở nhiều khớp.
  • Các triệu chứng giống nhau ở cả hai bên của cơ thể (chẳng hạn như ở cả hai tay hoặc cả hai đầu gối).
  • Sụt cân.
  • Sốt.
  • Mệt mỏi hoặc kiệt sức.

Bệnh phong thấp có lây không?

Bệnh phong thấp do cơ địa tuỳ người và không lây từ người sang người như các bệnh truyền nhiễm khác.

Bệnh xảy ra chủ yếu do hệ thống miễn dịch riêng biệt ở mỗi người. Đó là khi có sự rối loạn của hệ miễn dịch trước đáp ứng với các tác nhân như nhiễm khuẩn, thuốc lá, môi trường,…

Yếu tố nguy cơ bệnh phong thấp

Các nhà khoa học đã nghiên cứu một số yếu tố di truyền và môi trường để xác định xem liệu chúng có gây thay đổi nguy cơ phát triển phong thấp ở người bình thường hay không.

Các đặc điểm làm tăng nguy cơ1 4

  • Tuổi tác: phong thấp có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, nhưng tỉ lệ thường tăng lên theo tuổi, sự khởi phát của phong thấp cao nhất ở những người từ 60 tuổi trở lên.
  • Giới tính: Tỉ lệ phụ nữ bị phong thấp cao hơn nam giới 2-3 lần.
  • Di truyền: một số người sinh ra với các gen cụ thể có nhiều khả năng phát triển phong thấp, được gọi là kiểu gen HLA (Human leucotye antigen) nhóm II, cũng có thể làm cho bệnh phong thấp của bạn trở nên tồi tệ hơn. Nguy cơ mắc phong thấp cao nhất khi những người có các gen này tiếp xúc với các yếu tố môi trường như hút thuốc hoặc bị béo phì.
  • Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển phong thấp và có thể làm cho bệnh tình hiện tại trở nên trầm trọng hơn.
  • Tiền sử sanh đẻ: Phụ nữ chưa từng sinh con có thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh phong thấp hơn.
  • Phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ từ khi còn bé: có thể làm tăng nguy cơ phát triển phong thấp ở tuổi trưởng thành. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em có mẹ hút thuốc lá có gấp đôi nguy cơ mắc bệnh phong thấp khi trưởng thành. Con cái của các bậc cha mẹ có thu nhập thấp hơn có nhiều nguy cơ mắc bệnh phong thấp khi trưởng thành.
  • Béo phì. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển RA. Các nghiên cứu xem xét vai trò của béo phì cũng cho thấy rằng một người càng thừa cân thì nguy cơ mắc bệnh phong thấp càng cao.
Việc hút thuốc lá là một trong những nguy cơ mắc bệnh phong thấp
Việc hút thuốc lá là một trong những nguy cơ mắc bệnh phong thấp

Các đặc điểm có thể làm giảm nguy cơ1

  • Đang cho con bú. Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh phong thấp.

Chẩn đoán bệnh phong thấp bằng cách nào?

Để chẩn đoán tốt bệnh phong thấp cần kết hợp giữa các triệu chứng của người bệnh với một số các xét nghiệm chuyên biệt.

Trước hết bác sĩ sẽ tìm kiếm một số thông tin sau từ tiền sử bệnh và triệu chứng của người bệnh. Các vấn đề này bao gồm:1

  • Tìm số khớp bị tổn thương.
  • Hỏi về tính chất sưng, nóng, đau ở các khớp.
  • Hỏi về tính chất cứng khớp buổi sáng, thời gian cứng khớp bao lâu. Mức độ cứng khớp tăng dần theo thời gian.
  • Kiểm tra chức năng hoạt động và phạm vị chuyển động của khớp.
  • Kiểm tra sự phản xạ và độ mạnh của các cơ. Mục đích kiểm tra tình trạng teo cơ do giảm vận động.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh phong thấp

Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm nhằm chuẩn đoán chính xác hơn tình trạng bệnh của bạn. Xét nghiệm máu để tìm yếu tố viêm và hội chứng miễn dịch của cơ thể. Các xét nghiệm máu này bao gồm:1

  • Tốc độ lắng máu: tăng trong các đợt cấp của bệnh.
  • Định lượng CRP: tăng khi có tình trạng viêm nhiễm.
  • Các chỉ số về hồng cầu để xem xét tình trạng thiếu máu do viêm nhiễm kéo dài.
  • Yếu tố dạng thấp RF huyết thanh (miễn dịch).
  • Kháng thể kháng CCP huyết thanh (miễn dịch).

Ở người bệnh chưa có các biểu hiện rõ ràng của bệnh phong thấp, sự có mặt của yếu tố dạng thấp RF và kháng thể kháng CCP trong máu giúp bác sĩ tiên lượng về khả năng diễn tiến thành bệnh trong tương lai.

Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm hình ảnh học khác như siêu âm, chụp X-quang khớp hoặc MRI khớp. Mục đích là để đánh giá tình trạng tổn thương khớp hoặc biến dạng khớp nếu có. Những xét nghiệm này cho kết quả hình ảnh nên độ trực quan và chính xác cao.

Điều trị bệnh phong thấp như thế nào?

Điều trị bằng thuốc, nghỉ ngơi, tập thể dục là những lựa chọn ưu tiên và trong một số trường hợp cần phẫu thuật để khắc phục tình trạng bệnh. Các phương pháp cụ thể bao gồm:1 2 4

1. Điều trị phong thấp bằng thuốc

Khi sử dụng các thuốc dưới đây cần sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc.

Một số loại thuốc làm dịu cơn đau

2. Thuốc DMARD

Thuốc DMARD truyền thống thường là những lựa chọn đầu tiên để điều trị phong thấp. Tác dụng của chúng là can thiệp và ngăn chặn sự tấn công của hệ miễn dịch vào khớp. Một số loại thuốc DMARD:

  • Methotrexate.
  • Hydroxycloroquine.
  • Leflunomide.
  • Sulfasalazine.

3. Thuốc DMARD sinh học

Loại thuốc DMARD thế hệ mới này sẽ có tác dụng nhắm trúng đích vào chứng viêm chứ không phải ngăn chặn phản ứng của toàn bộ hệ thống miễn dịch. Chúng là một phương án hiệu quả cho những người không đáp ứng trị liệu với thuốc DMARD truyền thống. Một số loại thuốc DMARD sinh học:

  • Abatacept.
  • Adalimumab.
  • Baricitinib.
  • Belimumab.

Điều trị phong thấp bằng chế độ nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý

Khi tình trạng phong thấp trở nên xấu hơn, triệu chứng nặng nề hơn, bạn phải hạn chế việc vận động mạnh. Nghỉ ngơi sẽ giúp tình trạng của bạn nhẹ đi.

Khi tình trạng viêm của phong thấp thuyên giảm, bạn nên bắt đầu các bài tập thể dục. Điều này sẽ giúp cho các khớp của bạn được vận động linh hoạt. Ngoài ra các cơ bao quanh khớp cũng sẽ được tăng cường. Để có cho mình những liệu trình tập luyện hợp lý, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia vật lý trị liệu.

Điều trị phong thấp bằng phẫu thuật

Khi tổn thương khớp do phong thấp trở nên nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là biện pháp hữu ích trong điều trị.

Chế độ ăn cho người bị phong thấp

Để tăng hiệu quả trị liệu và đẩy nhanh quá trình hồi phục, một chế độ ăn uống hợp lý sẽ là nhân tố quan trọng cho bạn. Những thực phẩm cần bổ sung cho người bị phong thấp:

  • Thực phẩm giàu omega-3: cá hồi, cá ngừ, hạt chia, hạt lanh, quả óc chó.
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (vitamin A, C, E, selen): việt quất, dâu tây, chocolate, rau chân vịt, atiso.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: ngũ cốc, rau tươi, trái cây tươi.
  • Thực phẩm chứa nhiều flavonoid: đậu phụ, trà xanh, bông cải xanh, nho.

Qua bài viết đã giải đáp được câu hỏi bệnh phong thấp có lây không. Chúng ta thấy được bệnh phong thấp không lây từ người sang người. Tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ và độ tuổi dễ mắc. Tránh các yếu tố này giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra hãy đến ngay các trung tâm y tế để khám khi có các dấu hiệu bất thường về khớp. Điều trị sớm bệnh phong thấp giúp ngăn ngừa sự tái phát của bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Rheumatoid Arthritis (RA)https://www.cdc.gov/arthritis/basics/rheumatoid-arthritis.html/

    Ngày tham khảo: 01/12/2022

  2. Rheumatoid Arthritis: Causes, Symptoms, Treatments and Morehttps://www.arthritis.org/diseases/rheumatoid-arthritis

    Ngày tham khảo: 01/12/2022

  3. Rheumatoid Arthritis (RA) Causes and Risk Factorshttps://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/rheumatoid-arthritis-basics

    Ngày tham khảo: 20/10/2022

  4. Rheumatoid arthritishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rheumatoid-arthritis/symptoms-causes/syc-20353648

    Ngày tham khảo: 20/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người