Bệnh suy giáp có nguy hiểm không và lời tư vấn từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Theo nhiều báo cáo y khoa, suy giáp nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiều bệnh nhân suy giáp hôn mê, đe dọa tử vong. Vậy suy giáp là bệnh lý gì? Bệnh suy giáp có nguy hiểm không? Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ bật mí “bí mật” của bệnh suy giáp trong bài viết sau đây.
Tổng quan về bệnh suy giáp
Về mặt giải phẫu, tuyến giáp hình chữ H, nằm giữa cổ. Tuy nhỏ bé, nó chính là chìa khóa của mọi chuyển hóa trong cơ thể. Bởi chúng sản xuất ra hormon T3, T4, TSH. Ba hormon này tham giá quá trình trao đổi chất của hầu hết các cơ quan. Nó cung cấp năng lượng cho tim, thận, cơ quan điều hòa thân nhiệt, hoạt động sinh dục, thực hiện chức năng não bộ.
Suy giáp là sự suy yếu hoạt động tại tuyến giáp. Nó làm xáo trộn những chức năng kể trên.
Những nguyên nhân suy giáp đa dạng và không điển hình. Nó có thể do tác động từ việc chữa trị, sự thiếu hụt iod, rối loạn miễn dịch,… Bệnh suy giáp thường gặp ở nữ giới. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nam:nữ là 1:4. Độ tuổi phổ biến là tuổi hoạt động tình dục từ 27 đến 45 tuổi hay sau 60 tuổi. Bệnh suy giáp có tác động nguy hiểm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ảnh hưởng nguy hiểm của bệnh suy giáp
Để biết bệnh suy giáp có nguy hiểm không, chúng ta cần tìm hiểu ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe. Như đã nói ở trên, suy giáp ảnh hưởng hệ thống toàn cơ thể. Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất là:
- Cân nặng tăng vọt không rõ lý do.
- Táo bón, kèm hay không kèm đau quặn bụng.
- Cảm thấy lạnh run.
- Nhịp tim giảm.
- Da dẻ tái, tóc móng yếu mỏng.
- Rối loạn kinh nguyệt.
Đối với trẻ nhỏ, biểu hiện thường gặp nhất là vàng da không do gan mật. Tuy không diễn đạt được như người lớn, trẻ sẽ thể hiện qua tiếng khóc. Trẻ suy giáp sẽ khóc yếu, khóc không rõ tiếng. Dù ăn ít, bụng trẻ to bè, mất cân đối.
Đối với người lớn, bao gồm các biểu hiện trên ngoài ra còn các dấu hiệu khác không điển hình
- Ăn uống kém,
- Cảm thấy đau yếu tay chân, đau cơ, cứng khớp.
Đối thai phụ, dấu hiệu phổ biến là trầm cảm. Sản phụ không muốn làm gì, thường xuyên buồn ngủ.
Vậy bệnh suy giáp có nguy hiểm không? Đâu là giải pháp điều trị?
Phương pháp điều trị suy giáp
Đa số các trường hợp sẽ dùng liệu pháp hormon thay thế. Tùy theo lứa tuổi, bác sĩ sẽ cho chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Ở trẻ, bệnh thường gặp là suy giáp bẩm sinh. Liệu pháp chữa trị được áp dụng hiện nay là Thyroxin. Với liều dùng phù hợp, suy giáp sẽ được kiểm soát. Sau đó, trẻ sẽ học tập và sinh hoạt đúng theo lứa tuổi.
Ở người lớn, bệnh thường gặp là suy giáp mắc phải. Thuốc dùng hiện nay sẽ là levothyroxin (L-T4). Những tên thuốc biệt dược được biết đến là levo-T, levothroid, levoxyl, synthroid. Bên cạnh đó còn có các nhóm thuốc khác như là liothyronin (L-T3), Liotrix (L-T4+L-T3).
Những nguy hiểm nếu không tuân thủ điều trị
Nguy hiểm suy giáp tại não bộ
Trầm cảm là ảnh hưởng hàng đầu của suy giáp. Tâm trạng thường người bệnh sa sút, kém tập trung. Bệnh nhân thường lo âu vô cớ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình.
Nguy hiểm suy giáp tại tim mạch
Nghiên cứu cho thấy suy giáp ảnh hưởng đến tim mạch bởi 2 yếu tố. Một là làm giảm cung lượng tim. Hiểu nôm na, bệnh làm giảm lượng máu trong tim. Từ đó nó tăng nguy cơ suy tim. Hai là nó làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu. Đó chính là LDL. Chất béo này là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch.
Nguy hiểm suy giáp tại sinh dục
Một số bài báo gần đây cho thấy suy giáp làm giảm chức năng sinh dục ở cả đàn ông và phụ nữ. Ở nam giới, nó làm giảm sản xuất tinh trùng, gây cương dương. Ở nữ giới, nó tiết chế quá trình rụng trứng, gây rối loạn kinh nguyệt. Mặt khác, nó cũng là nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp ở thai phụ.
Chính vì vậy, nhiều phụ nữ trước khi có thai thường băn khoăn liệu bệnh suy giáp có nguy hiểm không, người bệnh suy giáp có nên mang thai,… Theo bác sĩ, phụ nữ nên tầm soát bệnh này trước khi có ý định mang thai để được điều trị kịp thời.
Cách chăm sóc bệnh nhân suy giáp
Bệnh suy giáp có nguy hiểm không? Câu trả lời là để giảm thiểu tối đa mức độ nguy hiểm của bệnh; bệnh nhân cũng cần được chăm sóc suốt quá trình điều trị. Đa số người mắc suy giáp sẽ chữa trị ngoại viện. Trừ một số trường hợp, cơn myxedema nặng, tức hôn mê suy giáp, người bệnh sẽ nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân cùng gia đình lưu ý cách chăm sóc khi dùng thuốc cũng như ăn uống.
Khi dùng thuốc
Bệnh suy giáp có ảnh hưởng nguy hiểm cho người bệnh nếu không điều trị. Bệnh nhân cần dùng đúng liều chỉ định của bác sĩ. Khi dùng quá liều, suy giáp sẽ chuyển thành bệnh cường giáp. Những biểu hiện cường giáp đối lập hoàn toàn với bệnh suy giáp.
Lưu ý:
- Khi dùng ít hơn liều chỉ định, bệnh suy giáp sẽ không cải thiện.
- Nếu quên liều, bệnh nhân không được uống bù mà nên thông báo cho bác sĩ.
Người bệnh nên chú ý những thuốc sau sẽ giảm hấp thu thuốc trị suy giáp. Đó là thuốc trị dạ dày, thuốc tăng canxi, sắt, thuốc có chứa estrogen.
Khi ăn uống
Người bệnh cần hạn chế tối đa thực phẩm đậu nành, nhóm thực vật của bắp cải.
Chú trọng các loại thực phẩm chất đường chuyển hóa chậm như khoai, lúa mạch, lúa mì,…
Tăng cường sử dụng muối iod trong sinh hoạt và nấu ăn
Cân bằng ba nhóm thực phẩm: chất đạm – chất đường – chất béo.
Sinh hoạt
Hoạt động thể chất điều độ. Các hoạt động được tổ chức y tế khuyến khích như bơi lội, yoga, chạy bộ. Thời gian hoạt động ít nhất 30 phút/ ngày, ít nhất 4 buổi/ tuần.
Chúng ta đã cùng giải đáp câu hỏi “Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?” Bệnh suy giáp có biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không tuân thủ việc điều trị. Những ảnh hưởng của bệnh suy giáp mang tính hệ thống. Phương pháp điều trị hiện nay là liệu pháp thay thế hormon tuyến giáp tại chỗ. Tùy theo độ tuổi và giới tính, bác sĩ sẽ chỉ định liều chữa trị phù hợp. Người bệnh cần lưu ý dùng thuốc thỏa hai tiêu chuẩn đúng – đủ. Ngoài ra người bệnh cần duy trì ăn uống và tập thể dục điều độ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hypothyroidismhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypothyroidism/symptoms-causes/syc-20350284
Ngày tham khảo: 02/06/2021
-
Bệnh suy giáp ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm https://suckhoedoisong.vn/benh-suy-tuyen-giap-o-phu-nu-mang-thai-co-nguy-hiem-n182219.html
Ngày tham khảo: 02/06/2021