YouMed

Bệnh thận mạn tính và những điều bạn cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Thận là một cấu trúc quan trọng của cơ thể. Tuy kích thước nhỏ nhưng chúng thực hiện nhiều chức năng quan trọng giúp giữ cân bằng cho cơ thể. Mỗi ngày thận có khả năng lọc 200 lít máu để loại bỏ các chất không cần thiết khỏi cơ thể. Các chất thải được đào thải ra ngoài dưới dạng nước tiểu. Khi thận bị tổn thương, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng đào thải các chất. Nó còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Trong bài viết hôm nay của ThS.BS Trần Quốc Phong, hãy cùng Youmed tìm hiểu về bệnh thận mạn để trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Tổng quát bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính (Chronic Kidney Disease – CKD) có nghĩa là thận bị tổn thương và mất khả năng giữ cho bạn được khoẻ mạnh. Theo KDIGO 2021, bệnh thận mạn là bệnh lý liên quan đến tổn thương về cấu trúc hoặc chức năng thận kéo dài trên 3 tháng và có ảnh hưởng đến sức khoẻ của bệnh nhân.

benh than man
Bệnh thận mạn

Các triệu chứng của bệnh thận mạn

Trong giai đoạn đầu của bệnh, đa số bệnh nhân không có triệu chứng. Vì thận có khả năng bù đắp cho các chức năng bị tổn thương suy giảm. Do đó các dấu hiệu và triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến khi tổn thương nặng hơn xảy ra.Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận mạn thường không đặc hiệu. Có nghĩa là nó cũng có thể do các nguyên nhân khác gây ra. Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận mạn bao gồm:

  • Ăn mất ngon
  • Cảm thấy mệt mỏi và suy nhược
  • Bị co giật cơ và chuột rút đặc biệt là vào ban đêm
  • Sưng bàn chân và mắt cá chân
  • Có bụng xung quanh mắt, đặc biệt là buổi sáng khi thức dậy
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt vào ban đêm
  • Thay đổi về lượng nước tiểu
  • Ngứa dai dẳng
  • Ngoài ra có thể có đau ngực hay khó thở nếu chất lỏng tích tụ ở phổi hay màng tim

Bất kì ai cũng có thể mắc bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên một số bệnh nhân có sẵn bệnh nền sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Bệnh nhân một trong các yếu tố sau sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh thận mạn. Đó là:

  • Bệnh nhân bị đái tháo đường
  • Bệnh nhân bị cao huyết áp
  • Bệnh nhân có tiền sử gia đình bị suy thận
  • Bệnh nhân thuộc nhóm có tỷ lệ mắc đái tháo đường và tăng huyết áp cao.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn tính

Mỗi quả thận có khoảng 1 triệu đơn vị lọc được gọi là nerphron. Bất kì nguyên nhân nào dẫn đến tổn thương các nerphron trong thời gian dài đều có thể gây ra bệnh thận mạn.Nguyên nhân tổn thương các nerphron thường gặp nhất đó là đái tháo đường và tăng huyết áp. Do đó đây là hai nguyên phân phổ biến nhất của bệnh thận mạn. Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu trong cơ thể. Thận là một cơ quan tuy nhỏ nhưng có rất nhiều máu. Vì vậy các bệnh mạch máu nói chung nguy hiểm cho thận của bạn. Bệnh cạnh hai nguyên nhân phổ biến trên cũng có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến bệnh thận mạn tính:

  • Viêm cầu thận, viêm các đơn vị lọc của thận, viêm ống thận và các cấu trúc xung quanh
  • Bệnh thận đa nang, một bệnh lý di truyền. Thận sẽ có các túi chứa đầy chất lỏng hình thành bên trong
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài do các bệnh như sỏi đường niệu, phì đại tiền liệt tuyến.
  • Trào ngược bàng quang – niệu quản, là tình trạng nước tiểu trào ngược từ bàng quang vào niệu quản và thận.
  • Nhiễm trùng thận hay còn gọi là viêm bể thận
  • Các bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch như lupus ban đỏ
  • Sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến thận hay nhiễm độc tố thời gian dài.
Đái tháo đường và cao huyết áp là các nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh thận mạn
Đái tháo đường và cao huyết áp là các nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh thận mạn

Cách chẩn đoán bệnh thận mạn tính

Để chẩn đoán bệnh thận mạn tính, trước hết bác sĩ sẽ hỏi thăm về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh gia đình, các loại thuốc đang dùng và triệu chứng của bạn. Cũng như sẽ hỏi về tiền căn mắc bệnh trước đây hay các bệnh hiện có của bạn. Sau đó để chẩn đoán chính xác bệnh bạn cần làm vài xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một vài xét nghiệm thường dùng.

  • Tổng phân tích tế bào máu để xem xét tình trạng thiếu máu. Vì thận tạo ra một loại hormon là erythropoietin kích thích tuỷ xương sản xuất hồng cầu. Khi thận bị tổn thương nghiêm trọng, khả năng tạo erythropoietin sẽ giảm. Điều này dẫn đến suy giảm tế bào hồng cầu và thiếu máu.
  • Xét nghiệm creatinin máu. Khi chức năng thận suy giảm, creatinin sẽ tăng lên trong máu. Đồng thời cũng dùng creatinin máu để tính toán độ lọc cầu thận của bệnh nhân thời điểm hiện tại.
  • Xét nhiệm ure máu. Ure là sản phẩm cuối cùng của quá trình phân giải protein trong cơ thể. Thông thường sẽ được lọc qua cầu thận. Tuy nhiên khi thận bị tổn thương, các sản phẩm này sẽ tích tụ lại. Dẫn đễn ure máu sẽ tăng cao.
  • Hình ảnh học: siêu âm thận. Vì khi bệnh thận mạn giai đoạn muộn, kích thước thận có thể bị giảm và phát hiện được trên siêu âm.
  • Ngoài ra còn có một xài xét nghiệm khác như sinh thiết thận, kiểm tra mật độ xương, CT bụng, MRI bụng,…

Điều trị bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn là một căn bệnh mạn tính và không thể hồi phục. Việc điều trị bệnh thận mạn là tập trung vào việc điều trị ngăn ngừa biến chứng và cải thiện các bệnh tiềm ẩn. Có thể kể đến là thiếu máu, xương giòn, giảm cân,… Hay kiểm soát các tình trạng tăng huyết áp, đái tháo đường. Những việc này sẽ góp phần làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận. Việc điều trị bệnh thận mạn bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống. Giảm lượng chất béo, muối, protein và kali trong chế độ ăn của mình. Giảm lượng muối và chất lỏng ăn vào có thể giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa quá tải chất lỏng. Đảm bảo vẫn nạp đủ calo để duy trì sức khoẻ.
  • Thay đổi lối sống. Tập thể dục thường xuyên. Bỏ hút thuốc lá nếu bạn có sử dụng
  • Điều trị bằng thuốc. Bổ sung sắt, vitamin kiểm soát tình trạng thiếu máu. Tiêm erythropoietin để kích thích tuỷ xương sản xuất hồng cầu.
  • Nếu bệnh thận mạn đến giai đoạn cuối sẽ cần chạy thận để lọc máu. Trong vài trường hợp có thể phải ghép thận

Tiên lượng cho bệnh nhân thận mạn

Để tiên lựa cho bệnh nhân bệnh thận mạn cần dựa vào các yếu tố sau:

  • Nguyên nhân gây bệnh
  • Bệnh thận giai đoạn nào
  • Mức độ albumin niệu
  • Các yếu tố nguy cơ khác và bệnh lý đi kèm
Tiên lượng bệnh thận mạn
Tiên lượng bệnh thận mạn

Xanh lá: nguy cơ thấp; Vàng: nguy cơ trung bình; Cam: nguy cơ cao; Đỏ: nguy cơ rất cao

Cách phòng ngừa bệnh thận mạn

Để làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thận, ta cần lưu ý những điều sau trong cuộc sống thường ngày:

  • Khi sử dụng thuốc không kê đơn, hãy làm theo hướng dẫn trên bao bì. Uống quá nhiều thuốc, ví dụ như thuốc giảm đau có thể dẫn đến tổn thương thận. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc đó nếu bạn đang có bệnh lí về thận
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bạn đang ở mức cân nặng hợp lý hãy cố gắng duy trì. Nếu bạn cần giảm cân, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có chiến lược giảm cân lành mạnh.
  • Không hút thuốc lá. Việc hút thuốc lá có thể là hỏng thận và làm cho tình trạng tổn thương thận tồi tệ hơn.
  • Nếu bạn đang có các bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, hãy kiểm soát chúng tốt.

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được bệnh thận. Tuy nhiên, được chẩn đoán và phát hiện sớm sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Tóm lại, bệnh thận mạn là một căn bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng. Và tỉ lệ mắc bệnh càng tăng cao ở những bệnh nhân có đái tháo đường hay tăng huyết áp. Việc điều trị bệnh thận mạn là để làm chậm sự tiến triển chứ không thể khôi phục được chức năng thận như ban đầu. Vì thế hãy duy trì cho bản thân một lối sống lành mạnh và khám sức khoẻ định kì để có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Chronic kidney diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-kidney-disease/symptoms-causes/syc-20354521

    Ngày tham khảo: 22/07/2021

  2. Chronic Kidney Disease Basicshttps://www.cdc.gov/kidneydisease/basics.html

    Ngày tham khảo: 22/07/2021

  3. Kidney Diseasehttps://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-kidney-disease-basic-information

    Ngày tham khảo: 22/07/2021

  4. Chronic Kidney Diseasehttps://www.healthline.com/health/chronic-kidney-disease

    Ngày tham khảo: 22/07/2021

  5. What is Vesicoureteral Reflux?https://www.webmd.com/children/vesicoureteral-reflux

    Ngày tham khảo: 22/07/2021

  6. KDIGO 2012https://kdigo.org/wp-content/uploads/2017/02/KDIGO_2012_CKD_GL.pdf

    Ngày tham khảo: 22/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người