Những bệnh tinh hoàn mà nam giới cần cảnh giác
Nội dung bài viết
Ngày nay, các bệnh lý về cơ quan sinh dục, đặc biệt là các bệnh tinh hoàn gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nam giới. Có rất nhiều bệnh lý ở tinh hoàn, có bệnh nguy hiểm cũng có bệnh lành tính. Bài viết sau của ThS.BS Trần Quốc Phong đề cập đến một số bệnh lý phổ biến và những điều bạn đọc cần lưu ý.
Tổng quan về tinh hoàn
Trước khi tìm hiểu về bệnh tinh hoàn, chúng ta cần tìm hiểu tổng quan về cơ quan này.
Tinh hoàn là cơ quan hình bầu dục nằm trong bìu. Bìu là cơ quan được treo bên ngoài cơ thể phía trước vùng xương chậu gần đùi trên. Bình thường, nam giới có 2 tinh hoàn ở bên tương ứng với 2 bìu.
Tinh hoàn bên phải thường lớn hơn tinh hoàn trái. Kích thước tinh hoàn trung bình của người Việt Nam khoảng 4,5cm x 2,5cm x 1,5cm, nặng khoảng 20g.
Tinh hoàn có chức năng sản xuất và dự trữ tinh trùng cho đến khi xuất tinh. Ngoài ra, đây cũng là nơi sản xuất các loại nội tiết tố nam như testosterone. Đây là hormone chi phối các cảm giác ham muốn tình dục, cũng như khả năng sinh sản và sự phát triển của các khối cơ bắp, xương ở nam giới.
Cấu tạo
Tinh hoàn có cấu tạo gồm ống sinh tinh và các mạch máu. Mỗi tinh hoàn được bao bọc bởi lớp vỏ xơ dày, trắng gọi là bao cân trắng.
Mỗi tinh hoàn được chia thành 300 – 400 tiểu thùy. Mỗi tiểu thùy lại có từ 2 – 4 ống sinh tinh xoắn. Các ống sinh tinh này phân cách nhau bởi các vách xơ. Các ống sinh tinh nằm thành các vòng cung nối với nhau tại một đầu và đầu bên kia sẽ đổ về mào tinh.
Các bộ phận có liên quan trực tiếp đến tinh hoàn nếu tổn thương có thể gây ra các bệnh tinh hoàn. Cụ thể là:
Ống dẫn tinh
Ống dẫn tinh là ống nối trực tiếp từ tinh hoàn. Nhờ ống dẫn tinh mà tinh trùng có thể di chuyển từ tinh hoàn đến mào tinh, tuyến tiền liệt, túi tinh và các bộ phận khác.
Mào tinh hoàn
Mào tinh hoàn có cấu tạo gồm 10 – 12 ống có kích thước từ 5 đến 6 cm. Cấu tạo của mào tinh gồm 3 phần:
- Đầu: dự trữ tinh trùng.
- Thân: tinh trùng sống và phát triển tại đây.
- Đuôi: vận chuyển tinh trùng đến ống phóng tinh để chuẩn bị xuất tinh ra ngoài.
Túi tinh
Túi tinh là nơi tiết các chất dinh dưỡng để nuôi tinh trùng, giúp tinh trùng phát triển. Vị trí của túi tinh nằm giữa bàng quang và trực tràng.
Chức năng
Tinh hoàn có hai chức năng chính là nội tiết và ngoại tiết. Chức năng nội tiết là cân bằng các nội tiết tố. Chức năng ngoại tiết là sản xuất tinh trùng.
Cân bằng nội tiết tố
Tinh hoàn tiết ra hormone sinh dục nam chủ yếu là testosteron. Loại hormone này quyết định các đặc tính sinh dục nam giới và điều khiển hoạt động của hệ sinh dục nam.
Sản xuất tinh trùng
Đàn ông trẻ tuổi thì mỗi ngày hai tinh hoàn sản xuất trung bình khoảng 120 triệu tinh trùng. Một lượng lớn tinh trùng này sẽ được dữ trữ ở ống dẫn tinh, phần còn lại là ở mào tinh.
Ngoài ra, các chức năng này được chi phối bởi tuyến yên thông qua hormon FSH và LH. LH tác động lên tế bào Leydig để sản xuất testosteron, sau đó FSH tác động lên tế bào Sertoli để sản xuất tinh trùng.
Những bệnh tinh hoàn mà nam giới thường mắc
Nang mào tinh hoàn
Nang mào tinh là bệnh tinh hoàn, thường không gây đau. Đây là bệnh lý viêm nhiễm nam khoa khá phổ biến. Nguyên nhân bệnh thường do sự ứ đọng, tắc nghẽn của một hoặc vài ống dẫn tinh ở mào tinh. Chẳng hạn như một ống tuyến mào tinh nào đó bị lộn ngược hoặc cuộn lại gây cản trở quá trình đưa dịch ra bên ngoài. Từ đó dịch bị ứ đọng lại hình thành nang.
Nang thường xuất hiện ở cực đầu tinh hoàn. Khi thăm khám, bác sĩ có thể sờ thấy một khối hình tròn hoặc bầu dục ở bìu. ấn có thể có cảm giác đau.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng là bệnh tinh hoàn thường gặp. Đây là hiện tượng giãn các tĩnh mạch phía trên tinh hoàn. Bệnh này thường không nguy hiểm.
Tuy nhiên, đôi khi, giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể làm giảm khả năng sinh sản hoặc gây đau mức độ nhẹ đến trung bình. Nếu nhận thấy có khối phồng phía trên tinh hoàn, đặc biệt là khi đang đứng hoặc “cúi xuống”, nam giới có thể mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Xoắn tinh hoàn
Khi xảy ra hiện tượng xoắn tinh hoàn, chỗ xoắn sẽ gấp khúc – giống như một cái vòi nước bị xoắn lại. Hiện tượng này sẽ chặn lưu lượng máu đến tinh hoàn. Một số nam giới có vấn đề về phát triển khiến họ dễ bị xoắn tinh hoàn.
Mặc dù xoắn tinh hoàn là bệnh tinh hoàn hiếm gặp nhưng đây là một trường hợp cấp tính cần can thiệp y tế. Đau tinh hoàn đột ngột khiến bệnh nhân phải đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Nếu điều trị chậm trễ, tinh hoàn có thể chết.
Bệnh tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn ẩn là tình trạng mà lúc sinh ra có một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà di chuyển đến nằm ở bụng hoặc chỉ xuống bìu một phần. Thông thường chỉ một trong hai tinh hoàn bị ảnh hưởng nhưng khoảng 10% bệnh nhân bị cả hai tinh hoàn.
Tinh hoàn ẩn gặp ở 3 – 4% bé trai khi sinh. Tỷ lệ này cao hơn ở trẻ sinh nhẹ cân, trẻ sinh non hoặc sinh đôi.
Có 2 dạng tinh hoàn ẩn:
- Tinh hoàn ẩn nhưng sờ thấy: sờ được tinh hoàn ở ống bẹn.
- Tinh hoàn ẩn mà không sờ thấy: tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu, trong ổ bụng nên không sờ thấy.
Nhiều trường hợp, tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trước khi trẻ 3 tháng tuổi. Nếu tinh hoàn không xuống bìu khi trẻ đã 6 tháng tuổi thì cần điều trị.
Viêm mào tinh hoàn
Viêm mào tinh hoàn là bệnh tinh hoàn do nguyên nhân viêm hoặc nhiễm trùng. Bao gồm cả bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Viêm mào tinh có thể xuất phát từ chấn thương, áp lực tích tụ. Chẳng hạn như sau khi thắt ống dẫn tinh, hoặc do nước tiểu chảy ngược khi nâng vật nặng hoặc căng thẳng. Viêm mào tinh có thể gây ra các triệu chứng từ kích ứng nhẹ đến đau nghiêm trọng, sưng tấy và sốt.
Chấn thương tinh hoàn
Chấn thương tinh hoàn là bệnh tinh hoàn hiếm gặp. Đây là bệnh lý chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong các chấn thương niệu dục. Vì tinh hoàn di động và được bảo vệ giữa 2 đùi. Chấn thương tinh hoàn thường xảy ra khi chúng bị ép giữa tác nhân gây chấn thương và đùi hay khớp mu.
Sau chấn thương bệnh nhân đau nhiều vùng bìu, có thể ngất xỉu, buồn nôn và nôn. Bìu bên tổn thương thường sưng to. Tình trạng nặng có thể có vỡ tinh hoàn. Một số trường hợp gây hoại tử, teo tinh hoàn.
Tràn dịch tinh hoàn
Tràn dịch màng tinh là hiện tượng màng tinh bị tổn thương, dẫn đến ứ đọng dịch, máu hoặc mủ giữa hai lá của màng tinh hoàn.
Bệnh có thể gặp ở nhiều đối tượng:
- Trẻ trai dưới 10 tuổi.
- Nam giới từ 40 tuổi trở lên.
- Nam giới mắc các bệnh như: Viêm mào tinh, viêm tinh hoàn…
Tràn dịch màng tinh ở trẻ em có thể hình thành từ trong bụng mẹ. Khi thai đến tuần thứ 28, tinh hoàn bắt đầu di chuyển từ ổ bụng xuống bìu. Ở giai đoạn này hầu hết chất dịch tự thoát ra ngoài trước khi ống phúc tinh mạc đóng lại. Nhưng vẫn có một lượng nhỏ chất dịch không thoát ra nên gây tràn dịch màng tinh ở trẻ sơ sinh.
Đối với người lớn, nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý như:
- Viêm mào tinh.
- Viêm tinh hoàn.
- Ung thư tinh hoàn.
- Suy tim.
- Bệnh xơ gan cổ chướng.
- Bệnh lao
- Bệnh thận hư…
Ung thư tinh hoàn
Giống như bất kỳ bệnh lý ung thư nào, ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào trong tinh hoàn phát triển các đột biến khiến chúng hoạt động bất thường. Các tế bào có thể nhân lên một cách thiếu kiểm soát và xâm nhập vào các cơ quan vùng chậu.
Trong ung thư tinh hoàn, khối u thường cứng và không đau. Chúng có thể phát triển chậm ở một bên tinh hoàn. Trong hầu hết các trường hợp, nam giới tự phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Nếu được chăm sóc y tế từ rất sớm, ung thư tinh hoàn có thể điều trị được.
Bệnh teo tinh hoàn
Teo tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn suy giảm về kích thước. Đây là bệnh nam khoa khá phổ biến đặc biệt là ở nam giới trong tuổi sinh sản.
Bệnh được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phổ biến là do virus quai bị. Ngoài ra còn do một số bệnh lý về tinh hoàn khác. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của nam giới. Vì thế nam giới không nên chủ quan khi thấy kích thước tinh hoàn thay đổi bất thường.
Vôi hóa tinh hoàn
Vôi hóa tinh hoàn là tình trạng lắng đọng canxi ở tinh hoàn. Đây là bệnh tinh hoàn không có triệu chứng nên người bệnh thường không phát hiện. Cho đến khi cảm thấy bị đau ở bìu, sờ vào thấy cứng thì bệnh nhân mới đi khám.
Bệnh lý này có thể gặp ở cả nam giới trưởng thành hay các trẻ em trai. Nhưng đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là:
- Người bị giãn tĩnh mạch sớm, viêm tinh hoàn.
- Người bị nhiễm loại virus, vi khuẩn ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục. Chẳng hạn như virus quai bị.
Những bệnh tinh hoàn được chẩn đoán như thế nào?
Các bệnh tinh hoàn nói chung được chẩn đoán bằng cách thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Khám lâm sàng bao gồm khám hạch bạch huyết ở bẹn và tinh hoàn hai bên. Thăm trực tràng và tuyến tiền liệt. Khám cận lâm sàng là thực hiện các xét nghiệm như:
- Công thức máu.
- Tổng phân tích nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng.
- Xét nghiệm dịch tiết niệu đạo, nhuộm Gram để phát hiện tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục. Làm kháng sinh đồ để giúp lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp
- Siêu âm Doppler tinh hoàn để loại trừ xoắn tinh hoàn hoặc ung thư tinh hoàn.
- Chụp tinh hoàn.
Những thói quen tốt giúp “bảo vệ” tinh hoàn
Để phòng ngừa các bệnh tinh hoàn, bạn có thể thực hiện một số thói quen tốt như:
Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia
Thuốc lá rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan đã biết như phổi, gan mà còn ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục trong đó có tinh hoàn. Hút thuốc lá thường xuyên làm cho hàm lượng thiocyanate tăng cao. Từ đó ức chế lực hoạt động của tinh trùng. Uống rượu bia cũng làm cho chất lượng tinh trùng thấp hơn, gây dị tật cho thai nhi.
Tắm bằng vòi đứng
Xông hơi, tắm bồn nước nóng làm nhiệt độ của bìu tăng cao. Điều này làm cho tinh hoàn luôn ở trong trạng thái nhiệt độ cao, hoạt lực tinh trùng sẽ giảm thấp. Nhất là nam giới chưa sinh sản nên chú ý giảm số lần và thời gian tắm bồn nước nóng. Tốt nhất là nên tắm bằng vòi sen đứng.
Chú ý đến các yếu tố môi trường
Nam giới nên chú ý bảo vệ tia bức xạ điện từ và ô nhiễm mỗi trường, bảo vệ tinh hoàn. Nếu nam giới làm việc trong các ngành nghề nguy hiểm thường xuyên phải tiếp xúc với độc tố như nhiệt độ cao, tia bức xạ lớn, và một số chất độc hại mà không có các biện pháp bảo vệ sẽ gây tổn thương cho tinh hoàn cũng như chất lượng tinh trùng. Hay để laptop lên đùi khi làm việc cũng là nguyên nhân gây suy giảm chất lượng tinh trùng.
Khám nam khoa định kỳ
Nam giới nên kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản định kỳ. Đặc biệt là khi có ý định sinh con. Nếu thấy có bất kỳ bất thường nào ở cơ quan sinh dục, nam giới nên đi khám ngay.
Trên đây là bài viết của YouMed về bệnh tinh hoàn và một số vấn đề liên quan. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu hơn về một số vấn đề liên quan đến tinh hoàn. Nếu có bất thường ở tinh hoàn, nam giới nên đi khám ngay để được xác định bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Testicular Diseasehttps://www.webmd.com/men/guide/testicular-disease
Ngày tham khảo: 16/08/2021
-
Testicular Disordershttps://my.clevelandclinic.org/health/articles/9126-testicular-disorders
Ngày tham khảo: 16/08/2021