Bệnh viêm cầu thận có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Bệnh viêm cầu thận là một trong những căn bệnh nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến chức năng lọc máu và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Ở Việt Nam, viêm cầu thận thường phổ biến vào mùa hè do tình trạng nhiễm khuẩn ngoài da tăng lên. Căn bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Khi tiến đến bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh nhân buộc phải điều trị các liệu pháp thay thế thận (chạy thận, ghép thận). Qua bài viết dưới đây của ThS.BS Trần Quốc Phong, YouMed sẽ giúp bạn tìm hiểu xem bệnh viêm cầu thận có nguy hiểm không và cách để phòng bệnh.
Bệnh viêm cầu thận là gì?
Viêm cầu thận là tình trạng viêm các bộ lọc nhỏ trong thận (cầu thận). Cầu thận loại bỏ chất lỏng dư thừa, chất điện giải và chất thải từ máu của bạn và vận chuyển vào nước tiểu. Nếu cầu thận của bạn bị tổn thương, thận của bạn sẽ ngừng hoạt động bình thường và bạn có thể bị suy thận. Những biến chứng của nó làm rất nhiều người băn khoăn không biết bệnh viêm cầu thận có nguy hiểm không? Viêm cầu thận là một bệnh nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức.
Có những loại viêm cầu thận nào?
Có hai loại viêm cầu thận – viêm cầu thận cấp tính và viêm cầu thận mạn tính.
Viêm cầu thận cấp tính
Dạng cấp tính phát triển đột ngột. Bạn có thể bị viêm cầu thận sau khi bị nhiễm trùng ở cổ họng hoặc trên da. Đôi khi, các triệu chứng của viêm cấp tính tự hết. Nhưng nhiều trường hợp, căn bệnh trở nên tệ hơn nếu bạn không điều trị đúng cách.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh cấp tính là:
- Bọng mắt vào buổi sáng.
- Máu trong nước tiểu (hoặc nước tiểu màu nâu).
- Đi tiểu ít hơn bình thường.
- Hụt hơi và ho do có thêm chất lỏng trong phổi.
- Huyết áp cao.
Nếu bạn có một hoặc tất cả các triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Bệnh cấp tính có thể do nhiễm trùng như viêm họng hạt. Nó cũng có thể được gây ra bởi các bệnh khác, bao gồm lupus, hội chứng Goodpasture, bệnh Wegener và viêm động mạch nút (các mạch máu nhỏ bị huỷ hoại). Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa suy thận.
Viêm cầu thận mạn tính
Dạng mạn tính có thể phát triển âm thầm (không có triệu chứng) trong vài năm. Viêm cầu thận mạn tính thường dẫn đến suy thận hoàn toàn.
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của dạng mạn tính có thể bao gồm:
- Máu hoặc protein trong nước tiểu (tiểu máu, protein niệu).
- Huyết áp cao.
- Sưng mắt cá chân hoặc mặt (phù nề).
- Thường xuyên đi tiểu đêm.
- Nước tiểu sủi bọt.
Nguyên nhân viêm cầu thận mạn tính là do những thay đổi trong hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thường không xác định được nguyên nhân. Đôi khi, bạn sẽ bị một đợt viêm cấp tính và tiến triển thành mạn tính nhiều năm sau đó.
Bệnh viêm cầu thận có nguy hiểm không?
Viêm cầu thận có thể làm tổn thương thận khiến thận mất khả năng lọc. Kết quả là, mức chất lỏng, chất điện giải và chất thải nguy hiểm sẽ tích tụ trong cơ thể bạn. Viêm cầu thận có thể dẫn đến tăng huyết áp, suy tim , phù phổi và tổn thương các cơ quan khác. Nếu không điều trị, thận có thể bị hỏng hoàn toàn. Các chất thải tích tụ nhanh chóng, cần phải lọc máu khẩn cấp.
Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh lý bao gồm:
1. Suy thận cấp
Suy thận cấp là tình trạng cầu thận mất chức năng lọc dẫn đến sự tích tụ nhanh chóng của các chất thải. Bạn có thể cần chạy thận nhân tạo để loại bỏ thêm chất lỏng và chất thải ra khỏi máu.
2. Bệnh thận mạn tính
Thận của bạn mất dần khả năng lọc. Chức năng thận suy giảm xuống dưới 10% công suất bình thường dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối, cần phải chạy thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Chính vì thế, đây là một căn bệnh nguy hiểm cần được điều trị sớm và đúng cách.
3. Huyết áp cao
Thận mất chức năng đào thải chất độc và nước dư thừa có thể gây tăng huyết áp.
4. Hội chứng thận hư
Protein bị thải hàng loạt qua nước tiểu làm giảm nồng độ protein trong máu. Hội chứng thận hư có thể liên quan đến cholesterol trong máu cao, sưng (phù) mí mắt, bàn chân và bụng.
Cách phòng bệnh viêm cầu thận
Hầu hết các dạng viêm cầu thận là không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp để giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh:
- Điều trị kịp thời khi bị nhiễm trùng liên cầu với viêm họng.
- Để ngăn ngừa nhiễm trùng (HIV và viêm gan…) có thể dẫn đến một số dạng viêm cầu thận, hãy tuân thủ các hướng dẫn về tình dục an toàn và tránh sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch.
- Kiểm soát huyết áp cao làm giảm nguy cơ tổn thương thận do tăng huyết áp.
- Kiểm soát lượng đường trong máu của bạn để giúp ngăn ngừa bệnh thận do tiểu đường.
Nếu bạn bị loại viêm cầu thận mạn tính, kiểm soát huyết áp là điều cực kỳ quan trọng. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn hạn chế protein trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Bệnh viêm cầu thận có nguy hiểm không là một câu hỏi của rất nhiều người. Viêm cầu thận làm giảm khả năng lọc và thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Bệnh lý này có 2 dạng: viêm cầu thận cấp tính và mạn tính. Khi mắc phải, bệnh nhân có nguy cơ gặp các biến chứng: suy thận cấp, bệnh thận mạn tính, huyết áp cao, hội chứng thận hư, phù nề mí mắt, phù nề các chi. Đến nay chưa có phương pháp nào có thể ngăn ngừa được căn bệnh này. Nhưng có thể hạn chế rủi ro mắc bệnh bằng cách kiểm soát huyết áp, kiểm soát lượng đường trong máu và điều trị nhiễm khuẩn kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Glomerulonephritishttps://www.healthline.com/health/glomerulonephritis#:~:text=Glomerulonephritis%20(GN)%20is%20inflammation%20of,can%20go%20into%20kidney%20failure.
Ngày tham khảo: 23/07/2021
-
Glomerulonephritishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glomerulonephritis/symptoms-causes/syc-20355705
Ngày tham khảo: 23/07/2021
-
What is Glomerulonephritis?https://www.kidney.org/atoz/content/glomerul
Ngày tham khảo: 23/07/2021