Bướu cổ basedow và những lưu ý đến từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Bướu cổ basedow (còn được gọi là bệnh Graves) là một trong những bệnh nội tiết phổ biến nhất hiện nay. Biểu hiện thường gặp của bệnh là dấu hiệu tuyến giáp to lan tỏa kèm các triệu chứng cường giáp không ức chế được. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ từ 20 – 50 tuổi. Vậy, bướu cổ basedow có nguy hiểm không? Làm cách nào để điều trị? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết của ThS.BS Trần Quốc Phong!
Bướu cổ basedow là gì?
Bướu cổ basedow (bệnh Graves) là một bệnh hình thành do cơ chế rối loạn tự miễn dịch. Tuyến giáp của bạn bị kích thích tạo nên quá nhiều hormon giáp. Tình trạng này được gọi là cường giáp. Bệnh Graves là một trong dạng cường giáp phổ biến nhất.
Trong basedow, hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra các kháng thể globulin miễn dịch “tấn công” chính tuyến giáp. Vì thế y khoa gọi đây là một căn bệnh tự miễn. Các kháng thể này sẽ gắn vào tế bào tuyến giáp khỏe mạnh. Tuyến giáp được ví như nhạc công chịu sự chỉ huy từ nhạc trường tuyến yên. Khi các kháng thể tự miễn gắn vào tuyến giáp sẽ khiến tuyến giáp không chịu sự ức chế điều hòa từ tuyến yên nữa. Từ đó hormon giáp được tạo ra với số lượng nhiều không thể kiểm soát.
Hormon tuyến giáp giữ vai trò quan trọng, chi phối ảnh hưởng nhiều khía cạnh lên cơ thể bạn. Các chức năng bao gồm: chức năng thần kinh, sự phát triển não bộ, điều hòa nhiệt độ cơ thể và các yếu tố quan trọng khác.
Nếu không được điều trị, bướu cổ basedow có thể gây sụt cân, lo lắng, bồn chồn, nóng nảy, hay cáu gắt và biến chứng “cơn bão giáp” gây trụy tim mạch cực kỳ nguy hiểm.
Nguyên nhân của bướu cổ basedow
Trong các rối loạn tự miễn như bệnh Graves, hệ thống miễn dịch sẽ chống lại các mô và tế bào khỏe mạnh trong cơ thể bệnh nhân. Hệ thống miễn dịch giữ vai trò tạo ra các protein được gọi là kháng thể. Các kháng thể này sẽ nhận diện và tấn công, tiêu diệt các tác nhân “lạ” như virut và vi khuẩn.
Tuy nhiên, do một bất thường nào đó mà hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể nhận diện chính các tế bào của chúng ta là “lạ”. Từ đó sẽ huy động toàn bộ lực lượng tấn công nhóm tế bào đó. Trong bệnh bướu cổ basedow, các kháng thể này nhầm tưởng tuyến giáp là “kẻ địch” và tấn công. Chúng không ngừng gắn vào tuyến giáp, khiến tuyến giáp không còn chịu sự điều khiển của tuyến yên. Vô số hormon giáp được tạo ra một cách mất kiểm soát.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra rõ nguyên nhân của sự hình thành các kháng thể tự miễn này. Tuy nhiên, bệnh có tính chất gia đình (di truyền. Xác suất 50% người trong họ hàng mang gen bệnh, trong đó 15% người có biểu hiện bệnh ra ngoài.
Ai dễ mắc bệnh này hơn?
Dù bất kỳ ai cũng có khả năng hình thành và phát triển bướu cổ basedow, theo thống kê có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
1. Gia đình có người bị bệnh:
Như đã đề cập ở phần trước, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tự miễn là một yếu tố nguy cơ đã biết. Có thể tồn tại một hoặc nhiều gen khiến một người dễ mắc bệnh hơn.
2. Giới tính:
Theo thống kê, bệnh Graves thường xảy ra ở phụ nữ hơn nam giới.
3. Tuổi:
Bệnh bướu cổ basedow thường khởi phát ở người dưới 40 tuổi.
4. Tiền căn mắc các rối loạn miễn dịch khác:
Những người có tiền căn bệnh rối loạn miễn dịch khác. Như đái tháo đường típ 1, viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh Graves.
5. Căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất:
Những căng thẳng do cuộc sống hoặc stress bệnh lý có thể dẫn đến khởi phát bệnh Graves ở những người mang gen mắc bệnh.
6. Thai kỳ:
Mang thai hoặc sinh con gần đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt ở những phụ nữ mang gen bệnh. Tình trạng cường giáp sẽ làm tăng rủi ro xảy ra biến chứng thai kỳ.
7. Hút thuốc lá:
Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh Graves.
Triệu chứng của bướu cổ basedow
Bệnh Graves và cường giáp đơn thuần có nhiều triệu chứng giống nhau. Các triệu chứng này có thể bao gồm:
- Run tay: người bệnh thường làm rơi vỡ đồ đạc do run tay, cầm không chặt.
- Sụt cân dù ăn uống bình thường.
- Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực
- Khả năng chịu nhiệt (nóng) kém: người bệnh thường xuyên đổ mồ hôi nhiều, luôn phải ngồi quạt hoặc ở trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ.
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ
- Da dày, đỏ thường ở ống chân hoặc mặt trên bàn chân (dấu hiệu phù niêm trước xương chày).
- Mắt lồi: mi mắt nhắm không kín, hở khe mi mắt, lồi mắt hoặc nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn.
- Mệt mỏi
- Lo lắng
- Cáu gắt: bệnh nhân thường xuyên cáu gắt vì những lý do rất bình thường, hoặc không vì lý do gì.
- Yếu cơ: người bệnh than phiền không leo lên cầu thang được, hoặc không tự đứng dậy được, cần phải chống tay hay có người đỡ.
- Bướu cổ (tuyến giáp phình to)
- Đi tiểu thường xuyên
- Đi ngoài nhiều lần, có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy
- Khó ngủ dù rất mệt mỏi
Chẩn đoán bướu cổ basedow
Để chẩn đoán xác định một bệnh nhân mắc bướu cổ basedow cần dựa trên cả lâm sàng và cận lâm sàng (các xét nghiệm) cần thiết.
Về lâm sàng: bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng nhiễm độc giáp (bồn chồn, mệt mỏi, yếu cơ, run tay chân, chịu nhiệt kém, hồi hộp đánh trống ngực…) và ít nhất 1 trong 3 triệu chứng: bướu mạch, lồi mắt và phù niêm trước xương chày.
Các chỉ định xét nghiệm cần thiết bao gồm:
FT4 tăng đồng thời TSH giảm. Ở một số bệnh nhân đang trong giai đoạn đầu có thể chỉ tăng FT3 đơn độc(5%).
Nồng độ kháng thể TSH – Rab (kháng thể kháng TSH) tăng.
Xạ hình tuyến giáp cho kết quả hình ảnh tăng xạ do tuyến giáp tăng bắt giữ Iod hoặc Technitium.
Xạ hình tuyến giáp đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong chẩn đoán bướu cổ Graves của mình. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu một số xét nghiệm thường quy. Điển hình là:
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm tuyến giáp
- Xét nghiệm globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI).
Các phương pháp điều trị
Có 3 lựa chọn điều trị phổ biến cho người bị bệnh Graves:
- Điều trị nội khoa (thuốc kháng giáp).
- Xạ trị (liệu pháp Iod phóng xạ).
- Điều trị ngoại khoa
Điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp
Điều trị nội khoa là phương pháp hàng đầu được ưu tiên sử dụng. Phương pháp này được chỉ định ở những người bệnh mới phát hiện, tuyến giáp to vừa, không có nhân, chưa xảy ra biến chứng. Đồng thời bệnh nhân có điều kiện để điều trị lâu dài và theo dõi bệnh.
Các thuốc kháng giáp được sử dụng hiện nay là propylthyouracin, methimazole và carbimazole. Nhóm thuốc chẹn beta đôi khi được chỉ định để giúp giảm triệu chứng cho đến khi các phương pháp điều trị khác phát huy hiệu quả.
Tỷ lệ lui bệnh hoàn toàn theo thống kê từ 60 – 70% sau 12 – 18 tháng điều trị.
Xạ trị (liệu pháp Iod phóng xạ)
Liệu pháp Iod phóng xạ là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị bướu cổ basedow. Phương pháp này sử dụng Iod phóng xạ I-131 nhằm thu nhỏ tuyến giáp và đưa chức năng tuyến giáp từ cường năng trở về bình thường.
Liệu pháp này yêu cầu bệnh nhân nuốt một lượng nhỏ Iod dưới dạng thuốc viên. Phương pháp này chống chỉ định với trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú vì có thể gây suy giáp ở trẻ sơ sinh. Đối với bệnh nhân có triệu chứng nhiễm độc giáp nặng, hoặc bướu cổ basedow quá to gây chèn ép, khó nuốt, khàn tiếng thì phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn.
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
Phương pháp phẫu thuật là một trong các lựa chọn điều trị nhưng ít được sử dụng hơn. Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa 4 – 6 tháng thất bại (bệnh tái phát khi ngưng thuốc), hoặc tuyến giáp quá to gây mất thẩm mỹ, chèn ép các cơ quan lân cận. Hoặc chỉ định khi nghi ngờ ung thư tuyến giáp.
Phẫu thuật tuyến giáp cũng có thể được đề nghị cho bệnh nhân mang thai mà không thể sử dụng Iod phóng xạ hay thuốc kháng giáp. Phẫu thuật chỉ được thực hiện từ sau tam cá nguyệt thứ hai (tháng 4 của thai kỳ) để phòng ngừa nguy cơ sẩy thai.
Nếu bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp sẽ cần phải được điều trị hormon thay thế suốt đời.
Bướu cổ basedow là một trong những bệnh nội tiết phổ biến nhất. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó biến cố tim mạch là đáng lo ngại nhất. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện bất kỳ triệu chứng kể trên để được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Graves' Diseasehttps://www.healthline.com/health/graves-disease
Ngày tham khảo: 04/06/2021
-
Graves' Diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/graves-disease/symptoms-causes/syc-20356240
Ngày tham khảo: 04/06/2021