Những sự thật về bướu giáp đa nhân lành tính
Nội dung bài viết
Bướu giáp đa nhân lành tính là một bệnh phổ biến của tuyến giáp. Vì nó lành tính nên đa số mọi người ít quan tâm đến chúng. Tuy nhiên nếu để bệnh kéo dài, chúng sẽ phát triển to và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vậy bướu giáp đa nhân lành tính là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh như thế nào? Cũng như việc chẩn đoán và điều trị bệnh ra sao? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết giúp bạn nắm rõ và biết được thế nào là bướu giáp đa nhân lành tính. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Bướu giáp đa nhân là gì?
Tuyến giáp là cơ quan quan trọng của cơ thể. Chúng có hình dạng con bướm nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp sản xuất ra hormone tham gia vào quá trình chuyển hoá của cơ thể. Mặc dù có chức năng quan trọng nhưng chúng rất dễ bị bệnh và một trong các bệnh đó là bướu giáp đa nhân.
Bướu giáp đa nhân là tình trạng bên trong tuyến giáp có các nhân (thường có từ 3 đến 4 nhân) kèm theo triệu chứng to vùng cổ. Hoặc có vài trường hợp có thể làm tăng hoặc giảm chức năng của tuyến giáp khiến người bệnh có các triệu chứng suy giáp hoặc cường giáp. Bệnh thường gặp ở phụ nữ có độ tuổi từ 35 đến 50 tuổi. Đa số các trường hợp bướu giáp đa nhân là lành tính rất hiếm khi tiến triển thành ung thư.
Bướu giáp đa nhân lành tính là gì?
Bướu giáp đa nhân được chia thành hai loại là bướu giáp đa nhân ác tính và bướu giáp đa nhân lành tính. Vậy bướu giáp đa nhân lành tính là gì? Bướu giáp đa nhân lành tính là tình trạng trong tuyến giáp có nhân (thường có 3-4 nhân) mà bệnh nhân không có triệu chứng gì mà chỉ thấy vùng cổ to ra. Tuy nhiên nếu bướu to gây chèn ép thì có thể bệnh nhân có các triệu chứng của cơ quan bị chèn ép.
Xem thêm: Liệu bạn đã biết gì về bướu tuyến giáp lành tính?
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Hầu hết các trường hợp bướu giáp đa nhân lành tính thường có kích thước nhỏ, tiến triển chậm cho nên chúng thường không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào điển hình. Tuy nhiên thời gian lâu dài khi khối u phát triển lớn người bệnh sẽ sờ thấy hoặc nhìn thấy cổ mình to ra bất thường. Hoặc khi bướu to gây chèn ép các cơ quan xung quanh gây ra các triệu chứng. Khi đó bệnh nhân mới đi khám và phát hiện bệnh. Các triệu chứng chèn ép như:
- Chèn ép vào thực quản khiến người bệnh nuốt khó.
- Chèn ép vào khí quản khiến người bệnh khó thở.
- Người bệnh có thể ho, khàn tiếng kéo dài.
- Một số ít trường hợp bệnh nhân có thể đau vùng cổ.
Cũng có một số ít trường hợp bướu to tiết nhiều hormone tuyến giáp gây ra các triệu chứng như:
- Nhịp tim nhanh, hồi hộp.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Luôn cảm thấy nóng bứt trong người, khó chịu, dễ cáu gắt.
- Run tay.
Nguyên nhân gây ra bệnh
Hiện nay theo các nghiên cứu nguyên nhân gây ra bướu giáp đa nhân vẫn chưa đưa xác định rõ ràng. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ đã được xác định làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Do thiếu hụt iốt trong khẩu phần ăn: Thiếu hụt lượng iốt trong khẩu phần ăn hằng ngày đôi khi gây ra tình trạng bướu giáp đa nhân. Chính vì thế, ta nên bổ sung lượng iốt cần thiết.
- Yếu tố di truyền: Một người có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh bướu giáp đa nhân thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người khác.
- Giới tính, tuổi tác: Theo các nghiên cứu tỉ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn gấp khoảng 5 lần so với đàn ông. Và phụ nữ càng lớn tuổi thì tỉ lệ này càng gia tăng.
- Do môi trường sống: Những người từng tiếp xúc với các tia phóng xạ hay từng xạ trị.vùng cổ, thì sẽ có nguy cơ bị bướu giáp đa nhân cao hơn so với người khác.
Chẩn đoán và điều trị bệnh bướu giáp đa nhân lành tính
Chẩn đoán bệnh
Việc chẩn đoán bướu đa nhân tuyến giáp phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng cũng như các xét nghiệm cận lâm sàng. Người mắc bệnh có thể đến bác sĩ để được chẩn đoán các triệu chứng lâm sàng.
Như đã nói ở trên, đa số các trường hợp thường không có triệu chứng đặc hiệu. Người bệnh có thể phát hiện bệnh thông qua việc quan sát thấy vùng cổ của mình sưng to, đôi lúc có đau nhẹ vùng cổ trước. Sau đó người bệnh đi khám mới phát hiện bệnh. Để chẩn đoán bệnh chính xác, các bác sĩ cần kết hợp thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán và xác định bệnh.
Xem thêm: Những xét nghiệm bướu cổ để phát hiện sớm bệnh
Các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán bướu giáp đa nhân lành tính bao gồm:
Siêu âm tuyến giáp
Đây là xét nghiệm đầu tay và đơn giản. Siêu âm tuyến giáp giúp các bác sĩ xác định vị trí, kích thước của nhân tuyến giáp.
Xét nghiệm hormone tuyến giáp
Đo nồng độ T3, T4, TSH để bác sĩ đánh giá chức năng tuyến giáp có thay đổi hay không. Các chỉ số sẽ gợi ý cho bác sĩ xem đây là bướu ác tính hay lành tính.
Kiểm tra độ tập trung iốt
Đây cũng là phương pháp giúp đánh giá chức năng tuyến giáp. Nếu độ tập trung iốt cao chứng tỏ tuyến giáp đang sản xuất ra nhiều hormone và ngược lại nếu độ tập trung iốt thấp thì chứng tỏ tuyến giáp sản xuất không đủ hormone.
Sinh thiết
Sinh thiết tuyến giáp là quá trình lấy mẫu mô tuyến giáp để kiểm tra. Đây là phương pháp giúp chẩn đoán xác định đây là bướu lành tính hay ác tính. Và có thể chẩn đoán nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Điều trị bệnh bướu giáp đa nhân lành tính
Khi đã chẩn đoán xác định bướu giáp đa nhân lành tính. Nếu bướu nhỏ và bệnh nhân không có triệu chứng gì thì đa số không cần điều trị mà các bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi thường xuyên. Nếu chúng gây khó chịu cho người bệnh thì các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Hiện nay có một số phương pháp điều trị bướu giáp đa nhân phổ biến như:
Thuốc kháng giáp
Đối với bướu giáp đa nhân lành tính làm thay đổi chức năng tuyến giáp khiến bệnh nhân có các triệu chứng khó chịu thì các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc kháng giáp để giúp làm giảm triệu chứng cho người bệnh.
Phẫu thuật
Bướu giáp đa nhân lành tính theo thời gian có thể tăng lên về kích thước. Chúng có thể chèn ép các cơ quan xung quanh làm ảnh hưởng sức khoẻ. Bướu lớn ảnh hưởng đến cuộc sống và hình ảnh của người bệnh.
- Khi khối u chèn ép vào thực quản sẽ gây khó khăn trong quá trình ăn uống thức ăn.
- Chèn ép vào khí quản làm người bệnh khó thở, khàn giọng.
- Khối u khi lồi ra ngoài gây mất thẩm mỹ, vướng víu khi vận động.
Lúc này, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để cắt bướu. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi hay mổ hở.
Xem thêm: Cây Lưỡi hổ: Vị thuốc trị viêm họng, khàn tiếng
Điều trị bằng sóng cao tần
Bên cạnh các phương pháp phẫu thuật truyền thống, thì các phương pháp điều trị can thiệp không cần phẫu thuật ngày càng được đánh giá cao. Trong đó điển hình là phương pháp điều trị bằng sóng cao tần.
Các bác sĩ sẽ sử dụng mũi kim chọc vào khối u để đốt bằng sóng cao tần dưới hướng dẫn của siêu âm mà vẫn giữ được chức năng tuyến giáp. Đây là phương pháp điều trị mới tiên tiến, không để lại sẹo, có tính thẩm mỹ cao. Người bệnh có thể xuất viện về trong ngày.
Tóm lại, bướu giáp đa nhân lành tính là một bệnh khá phổ biến và đa số các trường hợp không cần điều trị. Chúng ta chỉ cần điều trị khi chúng có triệu chứng hoặc gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hi vọng bài viết trên đây của Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh bướu giáp đa nhân lành tính. Nếu các bạn có thắc mắc hay vấn đề gì cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Benign nodular thyroid diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK6893/
Ngày tham khảo: 20/08/2021
-
Which Is the Ideal Treatment for Benign Diffuse and Multinodular Non-Toxic Goiters?https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4876491/
Ngày tham khảo: 20/08/2021