YouMed

Các phương pháp điều trị huyết áp thấp hiệu quả

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Huyết áp thấp là một trong những rối loạn của cơ thể. Rối loạn này có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Một vài trường hợp, huyết áp thấp sẽ diễn biến nặng đòi hỏi phải can thiệp cấp cứu. Vậy thì điều trị huyết áp thấp có những phương pháp nào? Có biện pháp nào phòng ngừa hay không? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sau đây nhé!

Huyết áp thấp gây nguy hiểm như thế nào?

Trước khi tìm hiểu về cách trị huyết áp thấp, bạn đọc cần biết thế nào là huyết áp thấp. Huyết áp là trị số biểu thị áp lực của dòng máu lên thành mạch. Trị số này được biểu thị bằng hai con số. Đó là huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) và huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương).

Huyết áp tâm thu có giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 90 đến dưới 130 mmHg. Trong khi huyết áp tâm trương sẽ có giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 60 đến 80 mmHg. Theo đó, bất kỳ chỉ số huyết áp nào nằm ngoài khoảng bình thường này đều biểu hiện sự bất thường. Hoặc có thể là bệnh lý của cơ thể.

Như vậy, hạ huyết áp hay huyết áp thấp là tình trạng mà khi ấy:

  • Huyết áp tâm thu của một người thấp dưới 90 mmHg.
  • Và/hoặc huyết áp tâm trương thấp dưới 60 mmHg.

Huyết áp thấp gây nguy hiểm như thế nào?

Nắm được sự nguy hiểm của huyết áp thấp, bạn đọc sẽ thấy được vai trò quan trọng của những cách trị hạ huyết áp. Huyết áp thấp nói chung là không tốt cho sức khỏe. Nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất khó lường. Một số biến chứng có thể xảy ra do tình trạng hạ huyết áp bao gồm:

  • Thiếu máu cơ tim. Do tình trạng hạ huyết áp, lượng máu đến nuôi cơ tim không đủ sẽ dẫn đến thiếu máu cơ tim. Lâu dài gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim,…
  • Đột quỵ. Không chỉ tăng huyết áp mới có thể gây đột quỵ. Tình trạng hạ huyết áp kéo dài dẫn đến giảm lượng máu lưu thông đến các tế bào não. Đồng thời, tình trạng đột quỵ nhồi máu não có thể xảy ra.
  • Suy thận cấp tính. Hạ huyết áp làm giảm lưu lượng tuần hoàn đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận. Thiếu máu nuôi thận sẽ dẫn đến tình trạng suy thận cấp. Về lâu dài có thể gây ra suy thận mạn và tổn thương thận vĩnh viễn.
  • Các bệnh lý tâm thần cấp tính do tình trạng thiếu máu lên não. Chẳng hạn như: Mất ngủ, trầm cảm, sa sút trí tuệ, giảm tập trung chú ý,…
Mất ngủ do hạ huyết áp
Mất ngủ do hạ huyết áp

Điều trị huyết áp thấp bằng thuốc

Hiện nay, có nhiều cách điều trị tụt huyết áp. Một trong những cách điều trị bệnh huyết áp thấp phổ biến, hiệu quả và nhanh chóng nhất đó là dùng thuốc. Các loại thuốc sau đây có thể được sử dụng để trị bệnh huyết áp thấp.

  • Fludrocortisone. Fludrocortisone là một loại thuốc có thể hiệu quả đối với một số trường hợp huyết áp thấp. Thuốc này hoạt động bằng cách thúc đẩy thận giữ natri. Do đó, cơ thể sẽ giữ nước lại và cải thiện huyết áp. Tuy nhiên, thuốc này có thể làm mất kali. Vì vậy, khi sử dụng Fludrocortisone, người bệnh nên chú ý bổ sung kali mỗi ngày.
  • Midodrine. Midodrine kích hoạt các thụ thể trên các động mạch và tĩnh mạch nhỏ để gây nên sự tăng huyết áp. Thuốc này được sử dụng để như một cách chữa trị bệnh huyết áp thấp ở những người bị hạ huyết áp tư thế. Hay những trường hợp hạ huyết áp liên quan đến rối loạn chức năng hệ thần kinh.
  • Heptaminol. Thuốc Heptaminol còn có tên biệt dược là Heptamyl. Thuốc này trị hạ huyết áp và những tình trạng suy tuần hoàn từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng.

Xem thêm: Các thực phẩm giàu kali mà có thể bạn chưa biết

Điều trị huyết áp thấp tại nhà

Bên cạnh phương pháp dùng thuốc, có những cách điều trị bệnh tụt huyết áp tại nhà. Hay nói cách khác, đây là những cách trị bệnh huyết áp thấp không cần dùng thuốc. Những cách đó cụ thể bao gồm:

  • Bổ sung nước. Huyết áp thấp có thể xuất phát từ nguyên nhân thiếu nước, hoặc mất nước, mất máu. Vì vậy, cách chữa tụt huyết áp nhanh nhất và đơn giản nhất là uống nhiều nước. Tốt hơn hết là bạn nên uống nước cam, nước dừa. Nếu không có những loại nước này thì có thể uống nước lọc.
  • Mang vớ nén. Các loại vớ đàn hồi thường được sử dụng để giảm đau và viêm do giãn tĩnh mạch. Chúng có thể giúp giảm lượng máu ứ đọng ở chân của người bệnh.
  • Thay đổi tư thế một cách từ từ. Đây là một cách điều trị bệnh tụt huyết áp dành cho những người bị hạ huyết áp tư thế. Nếu bạn chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, hoặc từ nằm sang ngồi, bạn hãy thực hiện từ từ. Không nên thay đổi tư thế đột ngột hay nhanh quá.
  • Tăng lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày. Huyết áp của bạn thấp có thể do chế độ ăn nhạt, ít muối. Vì vậy, bạn hãy bổ sung thêm muối vào các bữa ăn hàng ngày. Chẳng hạn như thêm muối vào thịt, cá, canh,…
Mang vớ nén điều trị huyết áp thấp
Mang vớ nén có thể điều trị huyết áp thấp

Làm thế nào để ngăn ngừa huyết áp thấp?

Sau khi nắm được kiến thức về bệnh huyết áp thấp và cách chữa trị, bạn đọc nên biết qua cách phòng ngừa tình trạng này. Những biện pháp cơ bản và dễ thực hiện nhất bao gồm:

  • Tăng thêm muối trong chế biến thức ăn.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, ít nhất là 1,5 lít nước lọc.
  • Tránh thay đổi tư thế một cách đột ngột.
  • Ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa, đặc biệt là bữa ăn sáng.
  • Đi khám ngay khi xuất hiện những triệu chứng hạ huyết áp. Hoặc đo huyết áp thấy thấp hơn mức bình thường.
Uống nhiều nước mỗi ngày để phòng hạ huyết áp
Uống nhiều nước mỗi ngày để phòng hạ huyết áp

Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cách điều trị huyết áp thấp. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của tình trạng huyết áp thấp, bạn hãy đi khám ngay. Mục tiêu là để giữ gìn sức khỏe, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra do tình trạng huyết áp thấp thường xuyên.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Symptoms of Low Blood Pressurehttps://www.verywellhealth.com/low-blood-pressure-symptoms-4689152

    Ngày tham khảo: 07/08/2021

  2. Understanding Low Blood Pressure -- the Basicshttps://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-basics

    Ngày tham khảo: 07/08/2021

  3. Low blood pressure (hypotension)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/low-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20355470

    Ngày tham khảo: 07/08/2021

  4. Low Blood Pressure - When Blood Pressure Is Too Lowhttps://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/the-facts-about-high-blood-pressure/low-blood-pressure-when-blood-pressure-is-too-low

    Ngày tham khảo: 07/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người