YouMed

Cách phân biệt hạ đường huyết và tụt huyết áp bạn có biết?

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Hạ đường huyết và tụt huyết áp là hai rối loạn khá thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, hai rối loạn này có nhiều điểm tương tự nhau làm cho chúng ta dễ nhầm lẫn. Vậy thì cách phân biệt hai rối loạn này như thế nào? Cách xử trí đối với từng rối loạn ra sao? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

Hiểu đúng về hạ đường huyết và tụt huyết áp

Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu định nghĩa về hạ đường huyết và hạ huyết áp.

1. Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng nồng độ đường trong máu (Glucose máu) hạ xuống quá thấp. Cơ thể con người hấp thụ Glucose qua các loại thức ăn có chứa nhiều Carbohydrates. Chẳng hạn như gạo, bánh mì, ngũ cốc, khoai, trái cây,… Glucose sẽ được dự trữ trong gan và mô dưới dạng glycogen. Lượng Glycogen sẽ được chuyển hóa thành glucose để tạo năng lượng cho hoạt động của cơ thể.

Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là gì?

Bình thường, nồng độ Glucose máu nằm trong khoảng từ 80 đến 120 mg/dl (hay 4.4 đến 6.7 mmol/l). Khi nồng độ Glucose máu hạ xuống dưới 70 mg/dl hay 3.9 mmol/l, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng hạ đường huyết. Khi ấy, lượng đường trong máu không đủ để cung cấp cho các hoạt động bình thường của cơ thể.

Nguyên nhân hạ đường huyết

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạ đường huyết. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Chế độ ăn uống thiếu chất đường bột.
  • Ăn uống ít, bỏ bữa ăn. Có thể có hoặc không kèm theo tình trạng hoạt động thể lực quá mức.
  • Người bệnh tiểu đường tuýp 2 sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều. Hoặc sử dụng thuốc hạ đường huyết khi quá đói. Hoặc vận động thể lực quá nhiều.
  • Tác dụng phụ hạ đường huyết của một số loại thuốc điều trị. Chẳng hạn như: Aspirin, Unasyn, Theophyllin,…
  • Một số bệnh lý gây nên tình trạng hạ đường huyết. Chẳng hạn như suy gan, suy giáp, kém hấp thu, suy tuyến thượng thận,…
Suy gan có thể gây nên tình trạng hạ đường huyết
Suy gan có thể gây nên tình trạng hạ đường huyết

2. Tụt huyết áp là gì?

Huyết áp bình thường của con người được định nghĩa là:

Tụt huyết áp hay hạ huyết áp là tình trạng huyết áp hạ xuống dưới giá trị sinh lý bình thường. Khi huyết áp của một người có trị số thấp hơn 90/60 mmHg, người đó được gọi là bị hạ huyết áp. Tùy vào mức độ hạ huyết áp mà người bệnh sẽ có những triệu chứng từ nhẹ đến nặng.

Tiêu chảy có thể gây hạ huyết áp
Tiêu chảy có thể gây hạ huyết áp

Nguyên nhân tụt huyết áp

Những nguyên nhân phổ biến của tình trạng hạ huyết áp bao gồm:

  • Mất nước trong một số trường hợp. Chẳng hạn như tiêu chảy, đổ mồ hôi nhiều, bỏng,…
  • Mất máu do các nguyên nhân như: Chấn thương, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, rong kinh,…
  • Hạ huyết áp tư thế. Xảy ra khi thay đổi tư thế đột ngột.
  • Uống quá liều thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Ăn uống kém, bỏ bữa ăn.
  • Tác dụng phụ của một số thuốc. Chẳng hạn như thuốc kháng histamin, thuốc kháng viêm, thuốc điều trị phì đại tiền liệt tuyến,…
  • Một số bệnh lý của cơ thể. Chẳng hạn như: Suy tuyến thượng thận, suy tim, suy giáp,…

Phân biệt hạ đường huyết và tụt huyết áp

1. Vì sao phải phân biệt hạ đường huyết và hạ huyết áp?

Hạ huyết áp và hạ đường huyết thường có một số biểu hiện tương tự nhau. Vì vậy nên nhiều người lầm tưởng hai rối loạn này là cùng một loại. Tuy nhiên, đây là hai rối loạn hoàn toàn khác nhau. Tụt huyết áp là bệnh lý thuộc hệ tim mạch. Trong khi đó, hạ đường huyết là một rối loạn thuộc về chuyển hóa.

Chúng ta cần biết phân biệt hai rối loạn này để có cách xử trí phù hợp. Nếu xử trí nhầm, tình trạng rối loạn sẽ diễn ra ngày càng nặng hơn. Thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Một số triệu chứng giống nhau giữa hai rối loạn này bao gồm:

  • Muốn ngất hoặc ngất xỉu.
  • Có cảm giác mệt mỏi, đói bụng.
  • Chóng mặt, choáng váng, xây xẩm.
  • Vã mồ hôi, bủn rủn tay chân.
  • Tim đập nhanh.
  • Rối loạn tâm thần. Chẳng hạn như: Mất ngủ, lo âu, mất tập trung, suy giảm trí nhớ,…
  • Trong những trường hợp nặng, cả hạ đường huyết và tụt huyết áp đều gây nên tình trạng rối loạn sự thức tỉnh.
Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp của hạ huyết áp và hạ đường huyết
Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp của hạ huyết áp và hạ đường huyết

2. Khác nhau về nguyên nhân giữa hạ đường huyết và hạ huyết áp

Nguyên nhân hạ đường huyết và tụt huyết áp đôi khi rất khác nhau.

Nguyên nhân hạ đường huyết

  • Sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết ở những người bệnh đái tháo đường.
  • Tác dụng phụ của một số thuốc. Bao gồm: Aspirin, Mebendazole, Unasyn,…
  • Chế độ ăn uống thiếu chất đường bột.
  • Suy chức năng gan.

Những nguyên nhân gây tụt huyết áp

  • Tình trạng mất nước. Chẳng hạn như: Bỏng, tiêu chảy, đổ mồ hôi nhiều,…
  • Mất máu do: Chấn thương, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết nội tạng,…
  • Sử dụng quá liều các thuốc hạ áp.
  • Tác dụng phụ của một số thuốc. Chẳng hạn như: Kháng histamin, chống trầm cảm ba vòng, kháng giáp,…
  • Các trường hợp sốc. Chẳng hạn như: Sốc mất nước, sốc phân bố, sốc phản vệ,…

3. Khác nhau về biểu hiện giữa hạ đường huyết và tụt huyết áp

Hạ đường huyết và hạ huyết áp có nhiều biểu hiện giống nhau. Tuy nhiên, một vài biểu hiện rất khác nhau giữa hai rối loạn này bao gồm:

Đối với hạ đường huyết

Các biểu hiện điển hình đó là:

  • Có cảm giác đói bụng.
  • Run rẩy tay chân.
  • Đổ mồ hôi.
  • Đánh trống ngực.
  • Lờ đờ, suy giảm ý thức, buồn ngủ.
Triệu chứng đói bụng do hạ đường huyết
Triệu chứng đói bụng do hạ đường huyết

Đối với hạ huyết áp

Các biểu hiện điển hình của hạ huyết áp bao gồm:

  • Hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm, đau đầu.
  • Thiếu tập trung, lo lắng, trầm cảm.
  • Da niêm nhợt nhạt, tái xanh.
  • Ngất xỉu nhưng không hôn mê.
  • Có cảm giác khát nước.
Hoa mắt do hạ huyết áp
Hoa mắt do hạ huyết áp

Cách xử trí khi bị hạ huyết áp và hạ đường huyết

Cách xử trí khi bị hạ huyết áp

Cách xử trí nhanh chóng khi bị hạ huyết áp bao gồm:

  • Ngừng ngay các công việc đang làm. Đồng thời ngồi nghỉ hoặc nằm nghỉ.
  • Ăn bánh ngọt, uống nước lọc hoặc nước trái cây.
  • Nếu nằm nghỉ, bạn nên nằm tư thế kê hai chân lên cao. Mục đích là để máu nhanh chóng trở về tim, hạn chế ứ đọng ở chân.
  • Những trường hợp nặng, người bệnh cần được truyền dịch. Hoặc uống thuốc để nâng huyết áp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Biện pháp này nên được thực hiện tại các cơ sở y tế.
Truyền dịch để nâng huyết áp
Truyền dịch để nâng huyết áp

Cách xử trí khi bị hạ đường huyết

Những biện pháp xử trí khi bị hạ đường huyết bao gồm:

  • Ăn bánh ngọt, uống nước trái cây trong những trường hợp người bệnh còn ăn uống được. Hoặc bạn có thể ngậm kẹo.
  • Nghỉ ngơi tại một nơi yên tĩnh, tránh tiếng ồn, tránh ánh sáng chói.
  • Trong những trường hợp nặng, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, người bệnh có thể được truyền dung dịch đường ưu trương. Hoặc tiêm hay truyền liên tục Glucagon để nâng đường huyết.
Ăn bánh ngọt để nâng đường huyết
Ăn bánh ngọt để nâng đường huyết

Cách phòng ngừa hạ đường huyết và tụt huyết áp

Phòng ngừa chung tình trạng hạ đường huyết và tụt huyết áp

Những biện pháp phòng ngừa chung của hạ đường huyết và hạ huyết áp bao gồm:

  • Ăn uống đầy đủ, cân đối các chất. Tránh bỏ bữa ăn, nhất là bữa ăn sáng.
  • Hạn chế vận động thể lực quá mức, làm việc khi đói bụng.
  • Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya.
  • Sử dụng các loại thuốc một cách hợp lý theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tránh sử dụng quá liều hoặc tự ý mua thuốc uống tại nhà.
  • Chú ý điều trị ổn định các bệnh lý có thể gây ra cả tình trạng hạ đường huyết và hạ huyết áp. Chẳng hạn như: Suy giáp, suy tuyến thượng thận, suy tuyến yên.

Đối với từng rối loạn

Để phòng ngừa tình trạng hạ đường huyết: Người bệnh nên thủ sẵn những thực phẩm ngọt trong người. Chẳng hạn như: Bánh ngọt, nước trái cây, kẹo,… Đối với người bệnh tiểu đường, nên tuân theo chỉ định của bác sĩ. Không nên sử dụng quá liều, sử dụng thuốc lúc đói hoặc vận động quá mức.

Để phòng ngừa tình trạng tụt huyết áp: Người bệnh nên uống đủ nước mỗi ngày. Trung bình 1,5 đến 2 lít nước trong một ngày. Riêng những người bị hạ huyết áp tư thế nên thay đổi tư thế một cách từ từ. Đồng thời không nên đứng quá lâu. Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày để tăng cường sức khỏe hệ tim mạch.

Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc sẽ phân biệt được hạ đường huyết và tụt huyết áp. Từ đó, các bạn sẽ có hướng xử trí và phòng ngừa phù hợp theo từng rối loạn cụ thể. Hạn chế những biến chứng nặng có thể xảy ra.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Không nên bỏ bữa ăn sánghttps://suckhoedoisong.vn/cach-phan-biet-ha-duong-huyet-va-huyet-ap-thap-169192653.htm

    Ngày tham khảo: 16/08/2021

  2. 10 Ways to Raise Low Blood Pressurehttps://www.healthline.com/health/how-to-raise-blood-pressure

    Ngày tham khảo: 16/08/2021

  3. Hypoglycemia: When Your Blood Sugar Gets Too Lowhttps://www.webmd.com/diabetes/guide/diabetes-hypoglycemia

    Ngày tham khảo: 16/08/2021

  4. Hypoglycemiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20373685

    Ngày tham khảo: 16/08/2021

  5. Hypoglycemia without diabetes: Causes, treatment, and diethttps://www.medicalnewstoday.com/articles/322744

    Ngày tham khảo: 16/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người