Các thói quen răng miệng xấu ở trẻ em
Nội dung bài viết
Việc giáo dục cho trẻ ý thức chăm sóc răng miệng sớm là một phần rất quan trọng. Ý thức từ nhỏ sẽ thiết lập thói quen vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngoài việc duy trì các thói quen chăm sóc răng miệng tốt, trẻ em có thể mắc phải các thói quen xấu về răng miệng. Các thói quen răng miệng xấu của trẻ có thể dẫn đến các hậu quả về lâu dài như hỏng răng, sâu răng và tổn thương mô mềm miệng. Phụ huynh nên quan sát và hướng dẫn trẻ tránh các thói quen xấu về răng miệng dưới đây.
1. Nhai vật cứng như nước đá
Trẻ em thường có thói quen răng miệng xấu vì thường có sở thích nhai các thức ăn, đồ vật cứng như nước đá hoặc kẹo cứng có thể dẫn đến mẻ hoặc gãy răng. Nếu kẹo cứng có chứa đường, một vấn đề khác có thể phát sinh. Sâu răng có thể xảy ra do đường dính vào răng và thu hút vi khuẩn gây sâu răng. Giải pháp cho phụ huynh là hạn chế tối đa cho trẻ ăn kẹo cứng. Ngoài ra, không nên cho trẻ cắn đá khi sử dụng thức uống.
2. Nghiến và siết chặt răng
Nghiến răng liên tục là một trong những thói quen răng miệng xấu có thể khiến răng bị gãy và mòn, thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề về hàm. Chứng nghiến răng ban đêm ở trẻ em có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hơn. Những trẻ này có thể đang bị các vấn đề tâm lý và hô hấp. Cung cấp cho nha sĩ bệnh sử nghiến răng của con bạn sẽ giúp ích cho các nha sĩ trong việc chuẩn đoán, đánh giá nhu cầu điều trị. Trong một số trường hợp, các nha sĩ có thể điều trị cho trẻ bằng cách làm cho riêng trẻ máng nhai, để bảo vệ hàm răng của trẻ khỏi các tác động xấu của việc nghiến răng.
3. Nước ngọt và nước tăng lực
Trẻ em thường thích uống các nước ngọt đóng chai, nước tăng lực… hơn là nước khoáng. Các loại đồ uống này chứa một lượng lớn đường, do đó con bạn sẽ có nguy cơ bị sâu răng cao hơn. Thói quen răng miệng xấu ở đây là việc trẻ chải răng ngay sau khi sử dụng các loại nước ngọt cũng khiến răng dễ bị mòn. Hãy dạy trẻ sau khi uống các loại nước này, hãy đợi khoảng 10 phút để nước bọt trung hòa các axit trong nước ngọt, rồi sau đó mới chải răng.
4. Chải răng quá mạnh
Chải răng quá mạnh bằng bàn chải quá cứng hoặc quá thô có thể mang đến nhiều tác hại hơn là lợi ích, nên đó là một thói quen răng miệng xấu. Việc chải răng quá mạnh làm hỏng bề mặt thân răng và chân răng và có thể dẫn đến tụt nướu.
Giải pháp cho các phụ huynh là hướng dẫn cho trẻ em đánh răng nhẹ nhàng, đúng cách sẽ giúp loại bỏ các mảng bám đang hình thành trên răng và nướu.
Không cần phải dùng lực để chải răng quá mạnh. Hãy chọn cho con bạn loại bàn chải mềm mại phù hợp với trẻ. Chúng sẽ loại bỏ hiệu quả các mảng bám có thể dẫn đến sâu răng và các bệnh về nướu mà không gây tổn thương cho răng và nướu.
5. Cắn móng tay
Cắn móng tay có thể dẫn đến gãy và sứt mẻ răng cửa. Đó là một thói quen xấu có thể bắt đầu từ khi còn nhỏ. Cắn móng tay ở trẻ có thể chỉ điểm rằng trẻ đang chịu một số vấn đề về tâm lý. Phụ huynh có thể giúp trẻ loại bỏ thói quen này bằng cách quấn băng keo lên các ngón tay hoặc sơn lên móng tay trẻ các loại sơn có mùi vị khó chịu với trẻ.
6. Mút ngón tay là một thói quen răng miệng xấu thường gặp
Mút ngón tay cái là thói quen xấu. Thói quen này thành lập từ khi trẻ còn nhỏ và có thể kéo dài khi chúng lớn lên. Mút ngón tay làm cho các răng cửa trên hô ra, trong khi các răng cửa dưới nghiêng vào trong, gây tình trạng răng mọc lệch ở trẻ.
Thậm chí trong một số trường hợp, mút ngón tay có thể gây biến dạng vòm miệng và sai khớp cắn trầm trọng. Ngoài ra, mút ngón tay thường xuyên khiến trẻ con đưa vào miệng các vi khuẩn trên tay.
Phụ huynh hãy dạy cho trẻ tự nhận thức, hoặc sử dụng các biện pháp nhắc nhở như dán băng keo, hoặc sơn vào các ngón tay. Nếu trẻ vẫn chưa bỏ được, phương pháp cuối cùng là các khí cụ răng miệng có thể được nha sĩ chỉ định để ngăn chặn thói quen này.
7. Kẹo cao su có đường
Việc sử dụng các loại kẹo cao su có đường gây rất nhiều tác hại cho sức khỏe răng miệng. Đường trong kẹo cao su sẽ bám trên các bề mặt răng. Về lâu dài vi khuẩn gây sâu răng sẽ phát triển lên. Thật ngạc nhiên là ngày nay nhiều phụ huynh vẫn để cho trẻ em nhai kẹo cao su nhiều đường. Điều này đặc biệt không tốt cho hàm răng non nớt của trẻ.
8. Chơi đùa, chạy nhảy trong khi ngậm các đồ vật trong miệng
Những đứa trẻ có thể bị vấp ngã trong khi đang ngậm các đồ vật, đồ chơi trong miệng. Các vật cứng sắc nhọn có thể làm gãy răng, rách các mô mềm và khiến trẻ rất đau. Cha mẹ hãy nên khuyên trẻ bỏ bút, kẹo và tăm trong miệng ra trước khi đi, chạy bộ. Trẻ em sẽ hiểu được và bỏ thói quen xấu này.
Hy vọng qua bài viết này các bậc phụ huynh đã có thêm những kiến thức bổ ích trong việc nhận ra và loại bỏ các thói quen răng miệng xấu ở trẻ. Cha mẹ có thể hướng dẫn giúp trẻ nhận thức, tránh được những thói quen xấu này. Và duy trì các thói quen tốt đến khi trẻ lớn lên và trưởng thành.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Children and 9 Bad Oral Habits
https://artisticdentistryofatlanta.com/2016/05/04/children-and-9-bad-oral-habits/
Ngày tham khảo: 15/09/2020