YouMed

Cách cầm máu mũi và phòng ngừa chảy máu mũi

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Mũi của bạn có rất nhiều mạch máu nhỏ bên trong. Nếu mũi bị khô, móc mũi hay xì mũi thường xuyên, hoặc bị chấn thương thì có thể dẫn đến chảy máu mũi. Bài viết sau của ThS.BS Trần Thanh Long sẽ hướng dẫn bạn một số cách để cầm máu mũi, cùng với đó là một số biện pháp phòng ngừa. 

Làm cách nào để cầm máu mũi? 

Nếu bạn bị chảy máu mũi thì sau đây là 5 bước nhanh chóng mà bạn có thể làm theo để cầm máu.

1. Ngồi thẳng người và nghiêng về phía trước

Nhiều người thường có xu hướng ngả người ra sau khi chảy máu mũi để tránh cho máu mũi không chảy xuống mặt. Tuy nhiên, hơi nghiêng người ra trước mới là phương án tốt hơn trong trường hợp này.

Động tác này giúp cho máu không chảy xuống họng, tránh trường hợp sặc hay nôn ói. Hãy tập trung thở bằng miệng thay vì bằng mũi và cố gắng giữ bình tĩnh.

2. Đừng cố nhét vào mũi

Một số người sẽ cố gắng nhét bông gòn, khăn giấy vào trong mũi nhằm ngăn cho máu mũi chảy thêm. Điều này có thể làm nặng thêm tình trạng chảy máu do gây động chạm lên các mạch máu và cũng không tạo đủ lực để cầm máu. Thay vào đó, hãy dùng khăn giấy hay khăn mặt để thấm máu khi máu chảy ra ngoài lỗ mũi.

3. Xịt thuốc giảm sung huyết mũi

Các thuốc xịt giúp giảm nghẹt mũi có chứa các thành phần có tác dụng làm co các mạch máu ở mũi lại. Tác dụng này không chỉ giúp làm giảm viêm, giảm sung huyết mà còn có thể giúp cầm máu mũi.

4. Bóp chặt cánh mũi

Bóp chặt hai bên cánh mũi trong khoảng 10 phút có thể làm đè ép các mạch máu và ngăn chặn chảy máu tiếp diễn. Đừng nới lỏng áp lực trong 10 phút này – nếu không chảy máu có thể xuất hiện trở lại và bạn sẽ phải thực hiện lại từ đầu.

5. Lặp lại các bước trên 

Nếu chảy máu mũi không hết sau 10 phút bóp cánh mũi, bạn hãy thử lại thêm 10 phút. Đôi khi, bạn có thể đặt bông gòn có tẩm thuốc chống sung huyết mũi vào lỗ mũi và đè ép cánh mũi trong 10 phút để xem có cầm được máu mũi không.

Nếu bạn không thể cầm máu mũi sau 30 phút hoặc máu mũi chảy ra quá nhiều thì cần đi cấp cứu ngay lập tức. 

Cách cầm máu mũi
Cách cầm máu mũi

Xử lý sau khi cầm được máu mũi  

Khi tình trạng chảy máu mũi đã giảm bớt đi thì sau đây là một số cách giúp phòng ngừa chảy máu mũi tái phát trở lại.

1. Tránh móc mũi

Móc mũi thường xuyên có thể gây kích ứng niêm mạc mũi. Vì bạn đã từng bị chảy máu mũi nên động tác móc mũi càng làm tăng nguy cơ chảy máu mũi tái phát.

2. Không xì mũi

Bạn sẽ có xu hướng muốn xì mũi để loại bỏ các chất đọng lại sau khi bị chảy máu mũi. Hãy cố gắng kìm nén sự thôi thúc này. Xì mũi trong vòng 24 tiếng sau khi mới bị chảy máu mũi có thể khiến tình trạng này xuất hiện trở lại. Và khi có thể bắt đầu xì mũi trở lại, hãy làm động tác này thật nhẹ nhàng.

3. Tránh cúi người xuống

Cúi người xuống, nâng vật nặng, hay thực hiện các hoạt động mạnh có thể làm kích thích gây chảy máu mũi. Hãy hoạt động nhẹ nhàng trong 24 đến 48 tiếng sau khi chảy máu mũi.

4. Chườm đá

Dùng một túi đá bọc trong một lớp vải và đặt lên mũi có thể giúp làm co rút các mạch máu. Điều này cũng có thể giúp làm giảm quá trình viêm nếu bạn mới bị chấn thương. Đừng để túi đá lâu quá 10 phút để tránh làm tổn thương da của bạn.

Cách cầm máu mũi

Cách phòng ngừa chảy máu mũi

1. Giữ niêm mạc mũi ẩm ướt

Niêm mạc khô do hít thở không khí khô hoặc các nguyên nhân khác có thể làm kích ứng thêm và gây ra chảy máu mũi. Sử dụng nước muối xịt mũi có thể giúp ích trong trường hợp này. 

2. Cắt móng tay

Móng tay dài và sắc nhọn là kẻ thù số một đối với những ai bị chảy máu mũi. Đôi khi, bạn có thói quen móc mũi một cách vô thức, chẳng hạn như vào ban đêm khi đang ngủ. Nếu móng tay của bạn quá dài hoặc quá nhọn thì dễ có khả năng bị chảy máu mũi.

3. Sử dụng máy tạo độ ẩm

Máy tạo ẩm làm tăng thêm độ ẩm cho không khí, giúp giữ cho niêm mạc không bị quá khô. Bạn có thể sử dụng máy này trong phòng khi ngủ để phòng ngừa chảy máu mũi. Hãy đảm bảo vệ sinh máy theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vì độ ẩm và nhiệt độ trong máy có thể tạo điều kiện để vi khuẩn, nấm mốc phát triển.

4. Đeo thiết bị bảo hộ

Chơi các môn thể thao, chẳng hạn như bóng rổ, đều có thể tiềm ẩn các nguy cơ chấn thương. Nếu bạn có tiền sử chảy máu mũi và có chơi thể thao thì hãy cân nhắc sử dụng các thiết bị bảo hộ.

Một số người đeo mặt nạ trong suốt trên mũi nhằm giúp hấp thu các lực tác động và giảm nguy cơ chảy máu mũi và chấn thương mũi.

Cách cầm máu mũi

Khi nào thì đi khám bác sĩ? 

Chảy máu mũi nếu thỉnh thoảng mới xảy ra thì không phải là một mối lo lớn. Nhưng nếu bạn chảy máu mũi nhiều hơn 2 lần trong một tuần hoặc chảy máu mũi kéo dài hơn 30 phút thì đã đến lúc bạn nên đi khám bác sĩ. 

Bác sĩ sẽ thăm khám và nội soi mũi để tìm ra nguyên nhân gây ra chảy máu mũi. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có đầy đủ dụng cụ và thiết bị giúp cầm máu mũi và điều trị không cho chảy máu mũi tái phát.  

Chảy máu mũi thường gây ra nhiều lo lắng, tuy nhiên phần lớn trường hợp không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Nếu có các biện pháp phòng ngừa và sơ cứu đúng cách thì nhiều khả năng máu mũi sẽ được cầm nhanh chóng. Nếu bạn vẫn còn nhiều băn khoăn về vấn đề chảy máu mũi, hãy đi gặp bác sĩ để được tư vấn kĩ lưỡng hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 13 Tips to Stop and Prevent a Nosebleedhttps://www.healthline.com/health/how-to-stop-a-nosebleed

    Ngày tham khảo: 29/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người