Cách chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ sinh non như thế nào?
Nội dung bài viết
Trẻ được gọi là sinh non khi chào đời trước 37 tuần thai. Hầu hết những trẻ sinh non đều được chăm sóc vài ngày ở phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện. Khi đã đủ khỏe mạnh cho một môi trường mới, trẻ có thể được tiếp tục chăm sóc tại nhà. Bài biết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ chia sẻ với mẹ một số đặc điểm về dinh dưỡng cho trẻ sinh non, cũng như những lưu ý khi chăm sóc trẻ tại nhà. Mẹ hãy tham khảo nhé!
Dinh dưỡng cho trẻ sinh non như thế nào?
Cho trẻ sinh non bú là việc không dễ dàng tí nào. Tuy nhiên, dinh dưỡng đúng lại cực kỳ quan trọng cho sự phát triển cơ thể và não bộ của trẻ. Sau đây là một số chia sẻ mà mẹ cần nên biết:
Trẻ sinh non cần bủ đủ lượng sữa quan trọng như thế nào?
Ở những trẻ sinh non không đủ tháng có thể chưa bú sữa hoàn toàn ngay lập tức. Trẻ sẽ cần nuôi ăn trong bệnh viện qua dây truyền. Điều này giúp cung cấp lượng dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Mặc dù vậy, trẻ vẫn cần thêm lượng sữa bú. Lượng sữa bổ sung sẽ giúp trẻ phát triển hoàn thiện và tốt hơn.
Lượng dinh dưỡng trong sữa không chỉ giúp cho cơ thể trẻ lớn lên mà con giúp cho não bộ trẻ phát triển. Một số nghiên cứu cho thấy rằng trẻ sinh non có được dinh dưỡng đầy đủ sớm trong đời sẽ phát triển trí tuệ tốt hơn về sau.
Ngoài ra, dinh dưỡng tốt còn giúp trẻ sinh non bắt kịp số đo sinh trưởng so với những trẻ khác ở những tháng đầu tiên. Thông thường, lý tưởng nhất là 3 tháng, trẻ sinh non có thể bắt kịp sự tăng trưởng so với trẻ sinh đủ tháng.
Trẻ sinh non nên uống bao nhiêu sữa trong ngày?
Khi mẹ có thể xác định được lượng sữa nên cho con bú khi trẻ sinh non tại nhà là bao nhiêu. Lúc này mẹ cần hỏi bác sĩ tại khu săn sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh, người đang theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Bác sĩ sẽ cung cấp cho mẹ lượng sữa được nuôi ăn ở bệnh viện là bao nhiêu.
Để đánh giá đúng lượng dinh dưỡng cho trẻ sinh non, một bác sĩ sẽ sử dụng một số công thức, cách tính phức tạp để ước lượng số calo cần cho trẻ sơ sinh non tháng đủ để trẻ phát triển.
Hầu hết những trẻ sinh non cần bú từ 8 đến 12 lần một ngày. Tức là vào mỗi 1,5 đến 3 tiếng mẹ sẽ cho trẻ bú một lần. Trẻ sẽ cần bú từ 45 ml đến 90 ml sữa mỗi 2 đến 3 giờ.
Nếu không bú đủ sữa, trẻ sẽ có những biểu hiện sau:
- Khóc nhưng không chảy nước mắt.
- Ra nước tiểu ít hơn 6 lần thay tã trong 24 giờ.
- Mắt trũng, không đầy.
- Thóp trũng.
Cho dù được nuôi dưỡng bằng sữa công thức hay sữa mẹ, trẻ vẫn sẽ phát triển tốt và khỏe mạnh khi uống đủ sữa.
Ngoài ra, mẹ cần phải đưa trẻ đến tái khám thường xuyên theo lịch của bác sĩ chăm sóc. Bác sĩ sẽ đo cân nặng, chiều cao, vòng đầu và các chỉ số khác. Điều này để xác định trẻ có đang phát triển đúng theo dự định kế hoạch đề ra hay không., nhờ đó đưa ra chiến lược dinh dưỡng phù hợp cho mỗi trẻ.
Loại sữa nào được sử dụng cho trẻ sinh non?
Sữa mẹ là loại sữa tốt nhất cho trẻ, bao gồm cả trẻ sinh non. Sữa mẹ đảm bảo cung cấp đủ chất đạm và calo để trẻ bắt kịp sự tăng tưởng.
Tuy nhiên, đôi khi người mẹ ở trẻ sinh non vẫn chưa có sữa hoặc chưa tiết đủ sữa. Và trên thực tế, sữa mẹ thông thường vẫn chưa đủ để dinh dưỡng cho trẻ sinh non. Vì thế, bác sĩ có thể khuyến cáo mẹ sử dụng sữa human milk fortifier (HMF) cho một phần hoặc hoàn toàn lượng sữa bú.
Một khi trẻ đã bắt kịp sự tăng trưởng, mẹ có thể tìm hỏi bác sĩ về việc cho trẻ bú sữa mẹ thông thường hoàn toàn.
Nếu mẹ quyết định cho trẻ bú sữa công thức hoàn toàn, bé cũng sẽ cần loại sữa công thức đặc biệt dành cho trẻ sinh non. Loại sữa này sẽ cung cấp nhiều chất đạm và calo hơn so với loại sữa công thức thông thường. Mẹ có thể dễ dàng mua ở siêu thị và cần thông qua ý kiến bác sĩ loại sữa mà mình muốn sử dụng.
Một số hãng cho sữa công thức dành cho trẻ sinh non bao gồm:
- Similac Neosure.
- Enfamil Enfacare.
- Cow & Gate Nutriprem 2.
Khuyến khích trẻ sinh non bú nhiều hơn
Nếu như trẻ bú ít sữa hơn ở nhà so với ở bệnh viện hoặc phát triển không đủ theo giấy số đo tăng trưởng cần đạt cho trẻ sinh non, mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ Nhi khoa.
Kể cả khi trẻ bú sữa mẹ hoặc đang bú bình, để ý một số điều sau đây có thể giúp trẻ bú tốt hơn:
- Cho bú ngay khi trẻ đói. Trên thực tế, trẻ khóc là một dấu hiệu trễ báo hiệu trẻ đã đói. Trẻ sinh non có thể sẽ bú nhiều và tốt hơn nếu mẹ cho bú đúng lúc trẻ đói. Qua biểu hiện trẻ mút nắm tay hoặc ngậm mân mê chiếc khăn quấn, hãy cho trẻ bú.
- Hãy đảm bảo rằng trẻ hoàn toàn tỉnh táo khi bú. Nếu thấy trẻ lim dim mắt và cảm giác như sắp rơi vào giấc ngủ, mẹ nên đánh thức bé dậy. Nếu đã quá thời gian cho cần cho bú nhưng trẻ vẫn đang ngủ, vẫn hãy đánh thức bé dậy bằng cách thay tã lót. Trẻ bú đủ cữ và tỉnh táo khi bú giúp đảm bảo trẻ có đủ dinh dưỡng cho một ngày.
- Để thời gian cho trẻ ợ khi đang bú. Nếu bụng trẻ căng và chứa đầy khí thì sẽ không có chỗ để tiếp tục chứa sữa. Mẹ hãy đôi khi ngưng ngắt quãng để trẻ có thể có cảm giác ợ khi đang bú. Hoặc khi mẹ thấy trẻ đang bú chậm lại, hãy cho trẻ nghỉ một chút sau đó tiếp tục cho bú.
- Nén vú. Nếu mẹ đang cho trẻ bú, hãy áp nén vú ở cuối cử bú để trẻ có thể thêm những giọt sữa có hàm lượng calo cao.
Chăm sóc tại nhà cho trẻ sinh non như thế nào?
Trẻ sinh non có đặc điểm gì khác hơn cần lưu ý?
Trẻ sinh non sẽ cần chế độ chăm sóc đặc biệt và được theo dõi chặt chẽ tùy thuộc vào tuổi thai lúc sinh. Bởi lẽ ở trẻ sinh non sẽ có những đặc điểm khác hơn so với trẻ đủ tháng. Tuy nhiên, những đặc điểm này theo thời gian sẽ ngày một ít đi khi lớn lên.
Các đặc điểm này bao gồm:
- Ở trẻ sinh non sẽ ít mỡ cơ thể hơn. Mỡ là một phần cực kỳ quan trọng để giữ nhiệt độ cơ thể cho trẻ. Mỡ ở dưới da lớp da của trẻ, còn được gọi là mỡ nâu. Lớp mỡ này thường có ở lưng vai, đùi, nách và thận.
- Một phần hệ thống thần kinh của trẻ có thể chưa phát triển hoàn thiện.
- Ở trẻ sinh non, thường lá phổi là cơ quan chưa được phát triển hoàn toàn. Điều này có thể làm cho trẻ khó thở hơn.
- Trẻ cũng sẽ ít lông và tóc hơn. Tuy nhiên, với những trẻ sinh non nhưng cận 37 tuần, thường vẫn sẽ phát triển lông và tóc đầy đủ.
- Với những trẻ sinh cực non, dưới 26 tuần, thường trẻ vẫn chưa thể mở mắt.
- Cử động ở trẻ sinh non thường ít hơn, bởi vì cơ thể không có nhiều mỡ. Trẻ từ 29 đến 32 tuần có thể sẽ có những cử động đột ngột, giống như giật nhẹ. Tuy nhiên, với những trẻ sinh trước 29 tuần, thường trẻ sẽ rất ít cử động.
- Hệ miễn địch của trẻ sinh non cũng sẽ kém hơn. Tình trạng này làm cho trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Một số trẻ sinh non sẽ không thể bú tốt, kém bú. Trường hợp này trẻ sẽ được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.
Chăm sóc trẻ sinh non cần chú ý những gì?
Sau đây là một số lời nhắn nhỏ cho mẹ khi chăm sóc cho trẻ sinh non tại nhà.
Giữ cho trẻ phát triển theo đúng kế hoạch
Ở phần trên đã giới thiệu với mẹ về việc cho trẻ bú như thế nào là đủ. Và giờ đây để đảm bảo trẻ dinh dưỡng đủ, mẹ cần theo dõi tốc độ tăng trưởng của trẻ.
Tốc độ tăng trưởng của trẻ sinh non sẽ khác so với trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian, trẻ sinh non sẽ bắt kịp phát triển như trẻ bình thường.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mẹ theo dõi qua “biểu đồ theo dõi phát triển” của trẻ sinh non. Mẹ có thể dựa vào đó kiểm tra.
Xem thêm: Cân nặng trẻ sơ sinh như thế nào là hợp lý?
Khi mẹ thấy trẻ chậm phát triển hơn so với bảng theo dõi thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm nguyên do.
Luôn nhớ lịch hẹn với bác sĩ
Sau khi trẻ có thể được về nhà và tự chăm sóc, mẹ vẫn cần giữ liên lạc với bác sĩ qua lịch tái khám. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ giúp mẹ giải đáp thắc mắc và đưa ra những lời khuyên khi chăm sóc trẻ tại nhà. Nếu cần thiết, mẹ có thể xem xét dịch vụ khám tại nhà.
Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ
Thông thường, trẻ sinh non tháng sẽ dành hấu hết thời gian để ngủ. Vì vậy, hãy đảm bảo là trẻ chỉ ngủ trên một tấm đệm và không để bất cứ tấm chăn gối nào ở trong buồng đệm. Hãy để trẻ nằm ở tư thế ngửa, không để trẻ nằm ở tư thế sấp.
Xem thêm: Như thế nào là tư thế ngủ an toàn cho bé?
Ăn dặm sau 6 tháng tuổi
Trẻ sinh non tháng thường sẽ chậm hơn về việc nuốt. Trẻ sẽ khó nuốt thức ăn hơn. Mẹ chỉ nên cho trẻ tập ăn đồ đặc khi trẻ trên 6 tháng tuổi, tính từ ngày trẻ sinh ra đời.
Hạn chế người viếng thăm
Với trẻ sinh non, cơ thể và hệ miễn dịch vẫn còn yếu. Vì thế, mẹ cần hạn chế người đến thăm.
Bở vì khi trẻ tiếp xúc quá nhiều người sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt là không hút thuốc hoặc có mùi thuốc lá ở gần trẻ.
Mẹ có thể cân nhắc ai có thể được đến thăm trẻ. Và đặc biệt, người tiếp xúc cần rửa tay bằng xà bông, lau khô sạch tay trước khi tiếp xúc với trẻ.
Chăm sóc da kề da
Có lẽ khi mẹ ở bệnh viện, sẽ không lạ khi nghe chăm sóc trẻ da kề da khi vừa mới sinh. Điều này cũng nên được thực hành tại nhà khoảng vài tuần. Khi trẻ da kề da với mẹ, sẽ giúp trẻ đủ cảm nhận đủ sự ấm áp từ cơ thể của mẹ.
Chích ngừa đều đặn theo lịch tiêm chủng
Mẹ cần nên thường xuyên kiểm tra lịch tiêm chủng và chích ngừa cho trẻ theo lịch.
Trẻ sinh non sẽ càng tăng nguy cơ nhiễm trùng và nếu phát bệnh sẽ càng nặng hơn so với trẻ đủ tháng. Bởi vậy, tiêm chủng đủ là vô cùng quan trọng.
Chăm sóc cho trẻ sinh non sẽ cực hơn. Tuy nhiên, nhìn con càng khỏe mạnh từng ngày, ắt hẳn người mẹ nào cũng sẽ hạnh phúc. Ngoài việc chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ sinh non, mẹ hãy quan sát các bất thường khác. Bất kỳ khi nào mẹ thấy không an tâm về điều gì bất thường ở trẻ, hãy đến gặp bác sĩ để được đánh giá và tư vấn tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What kind of care do preterm babies need?https://www.who.int/news-room/q-a-detail/what-kind-of-care-do-preterm-babies-need
Ngày tham khảo: 14/06/2020
-
Care For The Premature Babyhttps://americanpregnancy.org/labor-and-birth/premature-care/
Ngày tham khảo: 14/06/2020