YouMed

Cách chữa bướu tuyến giáp và phòng ngừa tái phát

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Bướu tuyến giáp hiện nay là một bệnh phổ biến trong cộng đồng, có thể gặp ở bất kỳ ai. Tuy đa số bướu tuyến giáp không phải là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể gây ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt. Vậy có những cách chữa bướu tuyến giáp nào? Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm câu trả lời phù hợp qua bài viết dưới đây.

Tuyến giáp và bướu tuyến giáp là gì?

Trước khi tìm hiểu về cách chữa bướu tuyến giáp, hãy lược qua một số kiến thức về tuyến giáp.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết trên cổ, nằm bên dưới thanh quản và phía trước khí quản. Tuyến giáp gồm hai thùy nối với nhau tại mô giáp chính giữa cổ. Tuyến giáp chịu sự chi phối bởi hormone TSH của tuyến yên, qua đó, nó chế tiết ra T3, T4. Hai hormone này có chức năng điều hòa chuyển hóa của cơ thể, sự phát triển thể chất, tâm thần.

Bướu tuyến giáp là tuyến giáp phát triển một cách bất thường về kích thước. Trong bướu có thể sờ thấy nốt nhỏ, tròn – gọi là nhân giáp. Thiếu iod là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng bệnh lý này. Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể là nguyên do gây ra bệnh với các mức độ khác nhau. Bướu tuyến giáp có thể gây ra triệu chứng ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của người bệnh.

Triệu chứng u bướu tuyến giáp

  • Triệu chứng cường giáp do hormone quá nhiều trong máu làm các cơ quan hoạt động quá mức. Tim đập nhanh, run tay, rối loạn giấc ngủ, sụt cân,… là những triệu chứng thường gặp.
  • Triệu chứng suy giáp do hormone giáp quá ít trong máu làm các cơ quan giảm hoạt động. Các triệu chứng này là dễ mệt, da khô, táo bón, hay quên, ít tiếp xúc,…
  • Triệu chứng do tuyến giáp to chèn ép vào các cấu trúc xung quanh. Các triệu chứng này bao gồm: khó thở, khó nuốt, thở khò khè, ngáy,…

    Bướu to có thể nhìn thấy được khi ngửa cổ
    Bướu to có thể nhìn thấy được khi ngửa cổ

Qua các triệu chứng kể trên, khi nào thì cần tìm đến cách chữa bướu tuyến giáp. YouMed sẽ giải đáp tiếp sau phần dưới đây.

Chẩn đoán bướu tuyến giáp

Khi gặp những triệu chứng đầu tiên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để tầm soát. Một số chỉ định được sử dụng trong chẩn đoán u bướu tuyến giáp là:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp bằng hormone TSH, T3, T4.
  • Xét nghiệm tự kháng thể tuyến giáp.
  • Nội soi thanh quản.
  • Sinh thiết tuyến giáp.
  • Siêu âm tuyến giáp.
  • Xạ hình tuyến giáp.
  • Chụp CT hay MRI tuyến giáp.

Bên cạnh đó, một số xét nghiệm khác có thể giúp tìm nguyên nhân và biến chứng của bướu. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ sẽ phân loại bệnh và tìm nguyên nhân.

Bướu tuyến giáp có những loại nào?

Bướu tuyến giáp được phân loại dựa vào hình thái, tính chất bướu và chức năng tuyến giáp. Một cách phân loại đơn giản dựa trên tính chất bướu giáp và chia bướu tuyến giáp thành hai nhóm là:

  • Bướu tuyến giáp lành tính có hoặc không gây triệu chứng cho bệnh nhân. Nhóm này chiếm đa số trong tất cả các bướu tuyến giáp. Tuy nhiên, nếu bướu giáp gây triệu chứng nặng nề có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
  • Ung thư tuyến giáp chiếm 5% trong các trường hợp bướu giáp. Mặc dù ít gặp, tất cả các trường hợp ung thư tuyến giáp đều cần điều trị đặc hiệu.

Từ cách phân loại trên, có những cách chữa bướu tuyến giáp nào hiện nay?

Cách điều trị bướu tuyến giáp

Những cách chữa bướu tuyến giáp hiện nay chủ yếu là hỗ trợ triệu chứng. Điều trị triệt căn như phẫu thuật và xạ trị chỉ cần thiết cho những trường hợp bệnh trở nặng.

Thuốc điều trị

Sử dụng thuốc nào còn phụ thuộc vào người bệnh đang mắc cường giáp hay suy giáp. Do đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán trước khi sử dụng thuốc.

Thuốc kháng giáp

Thuốc kháng giáp dành cho bệnh nhân bị cường giáp giúp làm giảm lượng hormone giáp trong máu. Các thuốc kháng giáp ngày nay tương đối ít tác dụng phụ, tuy nhiên một số người nhạy cảm có thể bị dị ứng, tăng men gan. Khi uống thuốc, cần tái khám mỗi tháng để tầm soát các tác dụng phụ không đáng có.

Hormone giáp ngoại sinh

Hormone giáp ngoại sinh dành cho người bị suy giáp bổ sung lượng T3, T4 bị thiếu hụt. Cũng như thuốc kháng giáp, tác dụng phụ có thể gặp chủ yếu là dị ứng. Vì vậy, người bệnh cần tự theo dõi sát sao tại nhà để sớm phát hiện và xử trí kịp thời.

Levothyroxine là thuốc bổ sung hormone T4 trong điều trị suy giáp
Levothyroxine là thuốc bổ sung hormone T4 trong điều trị suy giáp

Thuốc kháng viêm

Các thuốc kháng viêm, giảm đau cho bệnh nhân viêm giáp. Viêm giáp có thể gây đau vùng tuyến giáp của bệnh nhân. Vì thế ngoài điều trị cường giáp hay suy giáp, bác sĩ sẽ bổ sung thuốc chống viêm uống kèm trong toa thuốc.

Phẫu thuật

Bác sĩ mổ cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp nếu bướu to gây khó thở, khó nuốt. Mổ có thể thực hiện qua mổ nội soi hay mổ hở. Ngoài ra, đây là cách chữa bướu tuyến giáp chủ đạo đối với ung thư tuyến giáp. Một số các phương pháp mổ được lựa chọn là:

  • Mổ cắt hoàn toàn tuyến giáp kèm nạo hạch.
  • Mổ cắt hoàn toàn tuyến giáp không nạo hạch.
  • Mổ cắt tuyến giáp một phần.

Xạ trị

Xạ trị thường được thực hiện cho những bệnh nhân cường giáp. Chất phóng xạ được bào chế thành thuốc uống và đưa vào trong cơ thể. Sau đó, chất xạ theo máu đi tới tuyến giáp và tiêu diệt các mô giáp, làm giảm kích thước bướu giáp.

Ngoài ra còn có xạ trị ngoài cơ thể – sử dụng máy bắn chùm tia xạ chiếu lên khối bướu để loại bỏ chúng. Xạ trị còn là biện pháp hỗ trợ sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp giúp loại bỏ những mô ác tính còn sót lại.

Phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp

Ngoài các cách chữa bướu tuyến giáp trên, giữ một lối sống lành mạnh cũng là một cách bảo vệ tuyến giáp của mình. Một số lời khuyên của YouMed dành cho bạn là:

  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Giảm thức uống có cồn như rượu, bia,…
  • Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây,…
  • Giảm stress.
  • Tập thể dục đều đặn, hợp lý.
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại như chất phóng xạ, khí thải công nghiệp,…

    Tập thể dục mỗi ngày giúp tuyến giáp khỏe mạnh hơn
    Tập thể dục mỗi ngày giúp tuyến giáp khỏe mạnh hơn

Bài viết trên là những kiến thức cần thiết về các cách chữa bướu tuyến giáp. Bệnh lý rất thường gặp nhưng cũng có rất nhiều cách điều trị khác nhau. Hi vọng các bạn đã tìm được những thông tin bổ ích cho mình.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hypothyroidismhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/323196#hypothyroidism

    Ngày tham khảo: 28/05/2021

  2. Goiterhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/goiter/diagnosis-treatment/drc-20351834

    Ngày tham khảo: 28/05/2021

  3. Goiterhttps://www.amboss.com/us/knowledge/Goiter#:~:text=Classification%20of%20goiter%20by%20palpation,-According%20to%20the&text=Grade%200%3A%20no%20goiter%20is,with%20a%20goiter%20on%20palpation

    Ngày tham khảo: 28/05/2021

  4. Differentiated thyroid cancer: Overview of managementhttps://www.uptodate.com/contents/differentiated-thyroid-cancer-overview-of-management?search=thyroid%20cancer&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1

    Ngày tham khảo: 28/05/2021

  5. The Anatomy of the Thyroid Glandhttps://www.verywellhealth.com/thyroid-gland-anatomy-4799991

    Ngày tham khảo: 28/05/2021

  6. Thyroid Nodules: 7 Natural Ways to Manage Symptoms of Thyroid Diseasehttps://draxe.com/health/thyroid-nodules/

    Ngày tham khảo: 28/05/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người