Cách chuẩn bị và bảo quản sữa mẹ cho bé?
Nội dung bài viết
Đôi khi bạn cần phải xa trẻ vì công việc và không thể cho trẻ bú hoặc trẻ không thể bú mẹ trực tiếp trong một thời gian sau sinh vì nằm trong phòng cách ly ở bệnh viện. Trong những tình huống này, bạn có thể vắt sữa và lưu trữ an toàn để cho trẻ bú sau đó.
1. Chuẩn bị
Luôn vệ sinh tay và vú của bạn sạch sẽ trước khi bắt đầu vắt sữa cho trẻ.
Sau mỗi lần sử dụng máy hút sữa, hãy rửa tất cả các bộ phận tiếp xúc với sữa của bạn bằng xà phòng và nước nóng.
2. Thu thập sữa
Đổ sữa sau mỗi lần vắt ra vào bình nhựa hoặc thủy tinh sạch. Không nên sử dụng túi nhựa mỏng vì có thể rách nếu không bảo quản cẩn thận. Cần kiểm tra chất liệu của chai nhựa, tránh thành phần chứa bisphenol A (BPA).
Đóng nắp bình chặt.
Bạn có thể mua túi lưu trữ sữa mẹ được thiết kế đặc biệt.
Dán nhãn cho mỗi bình chứa sữa với thông tin về ngày giờ sữa được vắt ra kèm theo tên của trẻ. Điều này rất hữu ích nếu trẻ của bạn đang ở độ tuổi đi nhà trẻ, cũng như biết được bình sữa nào cần sử dụng trước.
3. Lưu trữ sữa mẹ
Sau khi vắt sữa, bạn có thể lưu trữ sữa:
- Trong bình nhựa ở nhiệt độ phòng (29°C) trong 6 đến 8 giờ.
- Trong một túi lạnh cách nhiệt với túi nước đá trong 12 đến 24 giờ.
- Trong tủ lạnh (1 đến 4°C) trong 72 giờ sau khi vắt sữa và 24 giờ sau khi rã đông.
- Nếu như sữa của bạn nhiều hơn nhu cầu của trẻ và có thể lượng sữa này chưa cần sử dụng trong vòng 4 ngày tới, bạn nên để chúng trong tủ đông, tùy nhiệt độ mà thời gian bảo quản khác nhau như:
- -7 đến -2°C trong tối đa 2 tuần
- -15 đến -9°C trong 3 đến 6 tháng
- Dưới -18°C trong 6 đến 12 tháng
- Không nên để bình chứa sữa mẹ trong ngăn cửa mở của tủ đông, vì đó là nơi nhiệt độ có thể thay đổi thường xuyên mỗi khi bạn mở cửa lấy thức ăn.
4. Rã đông sữa
- Bạn có thể làm rã đông sữa từ từ hoặc nhanh chóng:
- Để sữa đông lạnh trong tủ lạnh để rã đông đá từ từ. Có thể mất vài giờ để làm rã đông khoảng 100mL sữa trở lên.
- Nếu bạn muốn rã đông sữa ngay, hãy đổ nước ấm xung quanh bình sữa hoặc đặt bình sữa vào một chén nước ấm, chú ý đến phần nắp đậy của bình luôn luôn ở trên mặt nước. Không làm rã đông sữa ở nhiệt độ phòng.
- Sau khi làm rã đông sữa, lắc đều bình sữa và cho trẻ bú trong vòng 24 giờ. Không bảo quản sữa sau khi được rã đông ở nhiệt độ phòng trong hơn 1 đến 2 giờ.
- Bạn chỉ cần làm sữa hết lạnh trước khi cho trẻ ăn. Bạn không cần phải hâm nóng lại sữa.
- Không sử dụng lò vi sóng hoặc bếp để làm rã đông hoặc làm ấm sữa. Đã có trường hợp trẻ bị bỏng bởi sữa được rã đông trong lò vi sóng do quá nóng. Bởi vì lò vi sóng chỉ làm nóng sữa ở phần trong của bình, nên bạn có thể cảm thấy ấm khi sờ phía ngoài bình sữa. Ngoài ra, nhiều chất dinh dưỡng hay kháng thể trong sữa mẹ có thể bị phá hủy nếu ở nhiệt độ quá cao.
5. Một số lưu ý
Nếu vẫn còn sữa trong bình sau khi cho trẻ ăn, hãy bỏ phần còn dư.
Không cho trẻ bú sữa bị đặc quánh lại, lợn cợn hoặc có mùi khó chịu.
Đối với những trẻ khỏe mạnh được chăm tại nhà, bạn có thể lưu trữ sữa vào cùng một bình vào những thời điểm khác nhau trong cùng một ngày.
Bạn nên để sữa vừa được vắt ra trong tủ lạnh khoảng 1 giờ trước khi thêm nó vào bình sữa đã đông lạnh trước đó.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.