YouMed

Cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em cha mẹ nên biết

thạc sĩ bác sĩ lê chí hiếu
Tác giả: ThS.BS Lê Chí Hiếu
Chuyên khoa: Nhi khoa

Trẻ em ra mồ hôi đầu là một hiện tượng khá phổ biến. Hầu hết các trường hợp này là bình thường. Nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý ở trẻ. Vậy nguyên nhân đổ mồ hôi ở trẻ là gì? Cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em như thế nào? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu khám phá chủ đề này trong bài viết sau.

Tổng quan bệnh đổ mồ hôi đầu ở trẻ em

Trước khi tìm hiểu cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em, cha mẹ cần hiểu tổng quan về bệnh lý này.

Trong cơ thể người trưởng thành tồn tại hàng triệu tuyến mồ hôi. Trong đó, các tuyến mồ hôi tập trung nhiều ở vùng nách, vùng đầu, lòng bàn tay, bàn chân. Tuyến mồ hôi có vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa thân nhiệt. Khi nóng lên, não sẽ truyền tín hiệu kích thích bài tiết mồ hôi qua da. Mồ hôi sẽ bốc hơi và làm mát cơ thể.

Nhưng các cơ chế trên chỉ hoàn thiện khi cơ thể trưởng thành. Đối với trẻ em, hầu hết các hệ thống trong cơ thể chưa hoàn toàn hoàn thiện. Do đó, việc điều hòa thân nhiệt của trẻ không giống ở người lớn. Đa số các trẻ em đổ mồ hôi nhiều ở vùng đầu mặt. Hiện tượng này là bình thường nếu do các nguyên nhân ngoại sinh như môi trường hay hoạt động thể chất. Nó sẽ là vấn đề đáng lo ngại nếu có đi kèm các dấu hiệu bất thường khác.

Ở trẻ em tuyến mồ hôi tập trung chủ yếu ở vùng đầu
Ở trẻ em tuyến mồ hôi tập trung chủ yếu ở vùng đầu

Nguyên nhân đổ mồ hôi đầu ở trẻ em

Cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây đổ mồ hôi. Sau đây là một số nguyên nhân đổ mồ hôi đầu phổ biến ở trẻ em:

Hệ thần kinh chưa ổn định

Hệ thần kinh có vai trò kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, hệ thần kinh chưa thực hiện vai trò của nó cách ổn định. Bởi chúng chưa được phát triển hoàn thiện.

Không chỉ hệ thần kinh mà các cơ quan khác cũng chưa hoàn thiện ở cơ thể trẻ em.

Do đó, trẻ em chưa có khả năng điều chỉnh thân nhiệt như người lớn. Một số trẻ ra mồ hôi nhiều hơn những trẻ khác. Thậm chí mồ hôi có thể nhiều giống như ở người lớn.

Nhiệt độ cao

Không chỉ trẻ em mà người lớn khi ở nơi oi bức đều rất dễ đổ mồ hôi. Trẻ em không thể tự điều chỉnh nhiệt độ do vậy việc đổ mồ hôi do nhiệt độ cao là điều dễ hiểu. Ngoài ra, nhiều phụ huynh sợ con mình bị lạnh nên cho trẻ mặc nhiều quần áo, che chắn kĩ lưỡng và đắp chăn khiến trẻ ra nhiều mồ hôi.

Trẻ mắc bệnh tim

Nếu bé không chỉ bị đổ mồ hôi đầu mà còn đổ rất nhiều mồ hôi khi thực hiện các hoạt động đơn giản khác thì có thể trẻ mắc bệnh tim.

Các hoạt động đơn giản như khi trẻ bú, lúc ngủ, hay khi vận động nhẹ. Đó có thể dấu hiệu trẻ có bệnh lý tim mạch. Sở dĩ như vậy là do tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu nên cơ thể đổ nhiều mồ hôi.

Do vị trí tuyến mồ hôi

Ở người lớn, tuyến mồ hôi không bị hạn chế ở bộ phận nào của cơ thể. Nghĩa là mồ hôi có thể ra ở nhiều vùng khác nhau.  Có người thì tuyến mồ hôi ở nách sẽ hoạt động nhiều nhất. Có người thì tuyến mồ hôi vùng đầu mặt hoạt động mạnh nhất.

Đối với trẻ em thì hoàn toàn ngược lại, chúng chưa có tuyến mồ hôi vùng nách. Tuyến mồ hôi đầu là hoạt động mạnh mẽ nhất. Vì vậy nếu không gian chật chội, bí bách sẽ khiến trẻ em đổ mồ hôi đầu nhiều.

Trẻ bị tăng tiết mồ hôi

Nếu bé ở nơi có nhiệt độ ổn định, mát mẻ mà vẫn bị đổ mồ hôi thì rất có thể trẻ mắc chứng tăng tiết tuyến mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi ở trẻ em thường là loại nguyên phát. Nghĩa là đổ mồ hôi không phải do bệnh lý nào khác gây nên. Mà chỉ là do cơ thể tăng hoạt động bài tiết mồ hôi.

Hiện tượng này có thể hết khi trẻ lớn. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể tiếp diễn. Lúc này, cha mẹ có thể cân nhắc điều trị cho trẻ nếu trẻ thấy bất tiện trong cuộc sống.

Trẻ đang được cho bú/ ăn

Hiện tượng trẻ đổ mồ hôi khi đang bú hoặc đang ăn khá phổ biến. Đặc biệt là những trẻ nhỏ. Lý do là khi cho con bú, các bà mẹ thường cố định phần đầu của con ở 1 tư thế trong 1 khoảng thời gian nhất định. Lòng bàn tay của người mẹ sẽ truyền hơi ấm cho bé và làm trẻ đổ mồ hôi đầu.

Do trẻ bị còi xương

Với các bé bị còi xương, thì hiện tượng đổ mồ hôi đầu cũng có thể xảy ra. Ngoài đổ mồ hôi, trẻ bị còi xương sẽ có thêm các dấu hiệu khác:

  • Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên, dễ giật mình khi ngủ.
  • Tóc rụng nhiều hình vành khăn ở vùng sau gáy.
  • Có các bất thường ở vùng xương đầu: thóp rộng và mềm, thóp không đầy, phập phồng theo nhịp thở.
  • Chậm mọc răng.
  • Chậm phát triển vận động: chậm lẫy, bò, đi, đứng…

Cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em

Cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân. Dưới đây là một số cách điều trị thường được sử dụng.

Cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em tại nhà

Giấm táo

Giấm táo có khả năng cân bằng độ pH trong cơ thể. Từ đó giúp giảm bài tiết mồ hôi. Đối với trẻ lớn, mẹ có thể sử dụng giấm táo để trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em như sau:

  • Lau đầu trẻ bằng khăn giấy đã nhúng vào giấm táo hữu cơ mỗi ngày 2 lần.
  • Trộn 10ml giấm táo với nước ấm và một ít mật ong cho trẻ uống.

Đối với trẻ sơ sinh thì các chuyên gia y tế không khuyến khích dùng cách này.

Dùng giấm táo để trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em
Dùng giấm táo để trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em

Trà xô thơm

Trà xô thơm có thể giúp giảm lượng mồ hôi tiết ra. Việc chống đổ nhiều mồ hôi của loại trà này còn có thể giúp loại bỏ mùi cơ thể do mồ hôi gây ra. Với cách này, mẹ chỉ cần đun sôi nước cây xô thơm và cho trẻ uống 3 – 4 lần/ ngày. Tuy nhiên cách này cũng chỉ nên áp dụng đối với trẻ lớn, không nên dùng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Một số tip giúp trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em

  • Giữ cơ thể trẻ luôn mát mẻ, vệ sinh nhà cửa để có không gian thoáng mát, rộng rãi.
  • Tắm thường xuyên cho con mỗi ngày.
  • Cho trẻ uống đủ nước.
  • Giữ cho giấc ngủ của trẻ được trọn vẹn và tránh cho trẻ ăn no trước 30 phút khi ngủ.
  • Dùng khăn mềm lau khô vùng đổ mồ hôi để tránh bị cảm lạnh.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây cho trẻ hàng ngày. Hạn các thực phẩm như tiêu, tỏi, ớt, gừng,… vì có thể gây đổ mồ hôi nhiều hơn.

Trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em theo y khoa

Nếu trẻ mắc chứng tăng tiết mồ hôi, điều trị y khoa là điều cần thiết khi trẻ lớn. Phương pháp điều trị có thể là:

  • Chế phẩm bôi tại chỗ.
  • Thuốc kháng cholinergic.
  • Các thủ thuật như liệu pháp ion, botox.

Hy vọng qua bài viết trên mẹ đã “bỏ túi” cách trị đổ mồ hôi đầu ở trẻ em hiệu quả. Tuy nhiên bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay nếu phát hiện những bất thường về tình trạng đổ mồ hôi đầu ở trẻ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Why does my child sweat excessively in the head?https://doctor.ndtv.com/faq/why-does-my-child-sweat-excessively-in-the-head-5788

    Ngày tham khảo: 25/06/2021

  2. Excessive Head Sweating in Children

    https://healthhearty.com/excessive-head-sweating-in-children

    Ngày tham khảo: 25/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người