Cải thiện trí nhớ và giảm sa sút trí tuệ với thuốc Citicoline
Nội dung bài viết
Thuốc Citicoline là gì? Thuốc Citicoline được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thật kỹ về thuốc Citicoline trong bài viết được phân tích dưới đây nhé!
Thành phần hoạt chất: citicoline.
Thuốc có thành phần tương tự: Cijoint, Sopelen…
1. Citicoline là thuốc gì?
Citicoline còn được gọi là citidine diphosphat-choline (CDP-choline). Đây là một chất sinh hoá tổng hợp thường có ở thành tế bào.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung CDP-choline sẽ làm tăng mật độ thụ thể dopamine. Dopamin được biết đến là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ con người.
2. Chỉ định của thuốc Citicoline
Citicoline được dùng điều trị bệnh Alzheimer, các loại chứng mất trí.
Ngoài ra, Citicoline còn giúp điều trị các chấn thương ở đầu, bệnh mạch máu não như đột quỵ.
Không những vậy, thuốc còn giúp điều trị các trường hợp mất trí nhớ liên quan đến tuổi, bệnh Parkinson, rối loạn tăng động giảm chú ý, bệnh tăng nhãn áp.
3. Không nên dùng thuốc Citicoline nếu
Dị ứng với citicoline hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào khác có trong công thức của thuốc
4. Cách dùng thuốc Citicoline hiệu quả
4.1. Cách dùng
Dạng viên nang mềm: Uống theo chỉ định và liều lượng của chuyên viên y tế (bác sĩ/ dược sĩ).
Trường hợp Citicoline ở dạng tiêm:
- Chuyên viên y tế bao gồm bác sĩ, y tá sẽ thực hiện kỹ thuật này.
- Do đó, người bệnh tuyệt đối không tự ý tiêm hay nhờ người không có chuyên môn tiêm.
Có thể dùng thuốc kèm theo thức ăn hoặc không, nghĩa là có thể dùng thuốc lúc bụng no hoặc đói.
4.2. Liều dùng
Đối với người lớn mắc bệnh rối loạn mạch máu não, rối loạn nhận thức, bị chấn thương đầu hoặc mắc bệnh Parkinson. Tùy vào dạng dùng mà liều dùng cũng khác nhau. Tuy nhiên, lưu ý các liều dùng dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch:
- Liều 500 – 1.000 mg/ngày qua tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 – 5 phút.
- Hoặc có thể truyền với tốc độ 40 – 60 giọt/phút.
Nếu dùng Citicoline bằng đường uống:
- 500 mg x 1 – 2 lần/ngày.
- Hoặc 1.000 mg/lần/ngày.
- Dạng dung dịch dùng 100 – 200 mg x 2 – 3 lần/ngày.
5. Tác dụng phụ
- Đau bụng, tiêu chảy.
- Thuốc có thể sẽ tác động đến thần kinh với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt.
- Buồn nôn nhưng hiếm khi chán ăn.
- Gây cảm giác nóng, khó chịu.
- Lưu ý nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp, thở khó khăn, tức ngực cần ngưng thuốc Citicoline ngay lập tức.
6. Tương tác xảy ra khi dùng thuốc Citicoline
- Levodopa.
- Meclophenoxat.
- Centrophenoxine.
7. Những lưu ý khi dùng thuốc Citicoline
Tùy vào dạng dùng của thuốc mà người bệnh được chỉ định liều lượng khác nhau. Không tự ý áp liều của bất kỳ ai để dùng mặc dù họ có cùng triệu chứng.
Đối với thuốc dùng ở đường tiêm phải được thực hiện bởi bác sĩ/y tá. Người bệnh không được tự ý tiêm.
8. Các đối tượng sử dụng đặc biệt
8.1. Phụ nữ có thai và cho con bú
- Vẫn chưa có đầy đủ nghiên cứu đánh giá độ an toàn cũng như hiệu quả khi dùng thuốc Citicoline trên các đối tượng mang thai hoặc cho con bú.
- Do đó, cần thận trọng khi dùng thuốc trên các đối tượng này. Cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định dùng thuốc.
8.2. Lái xe và vận hành máy móc
- Thuốc Citicoline có tác động lên thần kinh trung ương với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt.
- Do đó, cần thận trọng khi dùng thuốc trên các đối tượng đòi hỏi sự tập trung cao độ khi làm việc như lái xe hoặc sử dụng máy móc.
9. Xử trí khi quên một liều Citicoline
Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp: bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
10. Cách bảo quản
- Để thuốc Citicoline tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh để thuốc Citicoline tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt vì có thể dễ bị ẩm mốc.
- Nhiệt độ bảo quản thuốc tốt nhất là < 30°C.
- Không nên dùng thuốc khi đã quá hạn dùng.
Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc bổ não Citicoline. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Citicolinehttps://www.mims.com/vietnam/drug/info/citicoline?mtype=generic
Ngày tham khảo: 17/06/2020
-
Citicolinehttps://en.wikipedia.org/wiki/Citicoline
Ngày tham khảo: 17/06/2020