Cần chuẩn gì trước khi đi khám ung thư vú?
Nội dung bài viết
Khi thực hiện tầm soát, khám bệnh ung thư vú cần chuẩn bị những gì? Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ chia sẻ một số thông tin giúp cho cuộc gặp gỡ giữa bạn và bác sĩ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả thông qua bài viết dưới đây.
Chuẩn bị những trước khi đi khám bệnh ung thư vú?
Để quá trình thăm khám ung thư vú diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng, bạn đọc nên:
- Ghi ra tất cả triệu chứng lạ, bao gồm cả những dấu hiệu có vẻ như không liên quan đến bệnh.
- Liệt kê những áp lực hay những thay đổi trong cuộc sống gần đây.
- Tìm hiểu về tiền căn ung thư trong gia đình. Đừng bỏ qua bất kỳ thành viên nào trong gia đình bị ung thư, quan hệ của họ với bạn như thế nào, loại ung thư, độ tuổi được chẩn đoán ung thư và diễn tiến bệnh, tình trạng hiện tại của từng người.
- Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng.
- Giữ tất cả các hồ sơ liên quan đến chẩn đoán và điều trị ung thư của bạn. Nên sắp xếp chúng trong một bìa hồ sơ và mang theo đến buổi khám.
- Nên có người thân hoặc người bạn đi cùng. Việc thăm khám đôi khi có thể làm bạn hồi hộp và quên một số thông tin. Có người đi cùng sẽ hỗ trợ bạn ghi nhớ những điều cần thiết.
- Viết ra các câu hỏi muốn hỏi bác sĩ.
Các câu hỏi bạn cần hỏi bác sĩ
Thời gian của bạn với bác sĩ là có hạn. Vì vậy, việc chuẩn bị các câu hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa khoảng thời gian bạn được bác sĩ tư vấn. Đối với ung thư vú, một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ bao gồm:
- Tôi bị loại ung thư vú nào?
- Ung thư vú của tôi đang ở giai đoạn mấy?
- Bác sĩ có thể giải thích về kết quả giải phẫu bệnh của tôi được không?
- Tôi có cần làm thêm xét nghiệm nào khác không?
- Có những phương pháp điều trị ung thư vú nào mà bác sĩ thấy phù hợp tôi?
- Mỗi phương pháp điều trị mang lại lợi ích như thế nào cho tình trạng bệnh của tôi?
- Tác dụng phụ của từng phương pháp điều trị là gì?
- Điều trị bệnh có gây ra mãn kinh không?
- Mỗi phương pháp điều trị sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của tôi như thế nào? Tôi có thể tiếp tục làm việc không?
- Có phương pháp điều trị nào mà bác sĩ cảm thấy phù hợp với tôi hơn các phương pháp còn lại không?
- Làm thế nào để bác sĩ có thể đánh giá được hiệu quả của những phương pháp điều trị này?
- Bác sĩ có lời khuyên nào cho bạn bè hoặc thành viên gia đình tôi hiện tại không?
- Tôi có bao nhiêu thời gian để đưa ra quyết định điều trị ung thư?
- Điều gì xảy ra nếu tôi không muốn điều trị ung thư?
- Chi phí điều trị ung thư sẽ là bao nhiêu?
- Bảo hiểm y tế của tôi có chi trả cho các xét nghiệm và điều trị mà bác sĩ đề xuất không?
- Có thử nghiệm lâm sàng hoặc phương pháp điều trị mới hơn mà tôi nên xem xét?
Ngoài ra, đừng ngần ngại hỏi thêm bác sĩ về những điều bạn thấy thắc mắc trong buổi khám.
Những gì bác sĩ cần biết từ bạn
Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy sẵn sàng để trả lời, việc đó có thể giúp bạn có thêm thời gian để được giải đáp những điều bạn còn thắc mắc. Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu như sau:
- Lần đầu tiên bạn phát hiện các triệu chứng là khi nào?
- Các triệu chứng của bạn xảy ra liên tục hay chỉ thỉnh thoảng?
- Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng đến mức nào?
- Có điều gì giúp cải thiện các triệu chứng của bạn không?
- Có bất cứ điều gì làm cho các triệu chứng của bạn trở nên tệ hơn không?
Khám ung thư vú ở đâu?
Bảng dưới đây sẽ thống kê một số đơn vị y tế thực hiện thăm khám, tầm soát ung thư vú. Bạn đọc có thể xem thêm nhé!
Tên đơn vị | Địa chỉ |
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM |
Cơ sở 1: 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5,TP.HCM. Cơ sở 2: 201 Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM Cơ sở 3: 221B Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM. |
Bệnh viện Bạch Mai | 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. |
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM |
Cơ sở Bình Thạnh:
Cơ sở Thủ Đức: Đường 400, ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM. |
Bệnh viện K |
Cơ sở 1: Số 43 Quán Sứ (đang sửa chữa) và số 9A – 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ sở 2: Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Cơ sở 3: Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. |
Bệnh viện Nhân dân 115 | 527, đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP.HCM. |
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh | 2B, đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. |
Bệnh viện Chợ Rẫy | 201B, đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM. |
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội | 42A, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội |
Trên đây là những thông tin về những điều cần chuẩn bị khi thăm khám bệnh ung thư vú. Hy vọng bài viết sẽ giúp bệnh nhân ung thư vú có được một buổi khám bệnh hiệu quả và cảm thấy yên tâm trước khi đến gặp bác sĩ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Breast cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/breast-cancer/diagnosis-treatment/drc-20352475
Ngày tham khảo: 01/03/2023