Cần hiểu đúng về triệu chứng dạ dày khi mang thai
Nội dung bài viết
Có thai có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày. Nếu thai phụ đã có sẵn các vấn đề ở dạ dày từ trước thì quá trình mang thai thường làm nặng nề thêm tình trạng đã có. Vì sao lại như thế? Bạn cần biết những gì để hạn chế các vấn đề khó chịu này? Cùng tìm lời giải qua bài viết bên dưới của Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu nhé.
Viêm dạ dày là gì?
Các triệu chứng ở đường tiêu hóa nói chung ở giai đoạn thai kì có thể phân chia làm hai nhóm triệu chứng chính. Đó là:
- Nhóm triệu chứng về trào ngược.
- Nhóm triệu chứng về đau vùng thượng vị.
Phạm vi bài viết bao quát rộng hơn một vài vấn đề về đường tiêu hóa trên trong quá trình mang thai. Hai nhóm triệu chứng trên thường xuất hiện cùng lúc ở bệnh về viêm dạ dày. Tuy nhiên, không chỉ có vậy. Các triệu chứng của co thắt thực quản và các bệnh lý về thực quản khác cũng có cùng các triệu chứng trên. Chính vì thể không nên chủ quan với các triệu chứng thông thường mà ta nghĩ đơn giản.
Vì sao các thai phụ thường có triệu chứng của hệ tiêu hóa trên?
Thời kì mang thai, cơ thể người mẹ biến đổi rất nhiều dẫn đến sự thay đổi của hàng loạt các cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng của hệ tiêu hóa trên của nhiều thai phụ cũng là một trong những biến đổi đó.
1. Thai nghén
Mỗi ngày, càng có nhiều cập nhật mới nhất về bệnh dạ dày. Vấn đề ban đầu các thai phụ hay nghĩ đến là thai nghén. Triệu chứng thai nghén có thể xảy ra bất kì giai đoạn nào của thai kì.
Đây là hình thức phản ứng của cơ thể người mẹ, đối với sự xuất hiện của một sự sống mới đang sinh sôi bên trong cơ thể mình.
Sự thay đổi nồng độ các hormon trong cơ thể ảnh hưởng đến các cơ của dạ dày. Những sự thay đổi này có thể làm mở cơ tâm vị (phần cơ nối giữa thực quản và dạ dày). Qua đó, lượng thức ăn và dịch tiêu hóa từ dạ dày có thể trào lên thực quản. Một số trường hợp có thể gây nên nôn ói.
Triệu chứng sẽ nặng và trầm trọng hơn nếu trước đó thai phụ đã có sẵn các bệnh lý đi kèm. Các bệnh lý thường gặp gây nặng thêm tình trạng này gồm có viêm dạ dày, u dạ dày, u môn vị, sỏi túi mật to…
2. Cảm giác thèm ăn lúc mang thai
Một số ý kiến cho rằng: việc thai phụ thèm ăn chua sẽ gây tăng kích thích dạ dày. Lượng acid sẵn có ở dạ dày và độ pH ở đó luôn rất cao (pH thường vào khoảng 1) sẽ bất hoạt bất kì acid hữu cơ nào. Vấn đề bạn gặp phải chính là các hoạt chất trong “thức ăn” khi phản ứng với lượng acid. Bạn hãy tham khảo một số ví dụ sau đây:
- Chất tanin trong trà xanh sẽ làm giảm nhu động ruột và giảm hấp thụ chất sắt ở ruột non. Các thuốc về dạ dày như domperidon hay các thuốc làm giảm co thắt nhu động ruột cũng gây nên tình trạng tương tự. Lượng thức ăn bị đình ứ trong ruột sẽ gây cảm giác đầy hơi và dễ nôn ói hơn.
- Các thức uống có gas khi uống vào sẽ gây ra hiện tượng sản sinh ra CO2 sẵn có trong nước uống. Điều đó cũng gây nên đầy hơi và nôn.
Cảm giác thèm ăn thực chất là một cảm giác tự nhiên của cơ thể. Đó là cơ chế báo động. Bạn đang mang thai và cần nhiều chất dinh dưỡng, năng lượng để nuôi dưỡng bào thai. Tuy nhiên phản ứng này nếu không biết kiềm chế, bạn sẽ ăn quá nhiều. Điều đó nảy sinh các vấn đề khác như tăng cân, rạng da. Lượng thức ăn không kịp tiêu hóa trong khi bạn lại ăn tiếp vẫn sẽ gây đầy bụng.
Tham khảo bài viết: Cẩm nang dành cho mẹ bầu: 18 điều cần lưu ý khi mang thai
3. Ảnh hưởng của thần kinh X đến với vấn đề hệ tiêu hóa trên
Một yếu tố thường hay bị lãng quên là yếu tố chi phối của thần kinh. Thần kinh X điều khiển hoạt động nhu động của thực quản, cơ bóp của dạ dày và ruột non. Dây thần kinh X cũng điều khiển cả việc chi phối quá trình tiết dịch acid và chất nhày bảo vệ dạ dày.
Thực vậy, khi bạn càng lo lắng thì bạn càng dễ đau dạ dày. Thần kinh X sẽ điều hòa hoạt động cơ thể. Nó gây tiết nhiều acid hơn. Không phải tự nhiên vậy đâu. Vì đơn giản, cảm giác stress, lo lắng làm cơ thể cần nhiều năng lượng hơn. Do đó việc tăng tiết acid là tự nhiên và giúp bạn thèm ăn hơn. Đáng buồn thay tác dụng phụ của nó nếu bạn không ăn lại là… đau dạ dày.
Vì vậy, khi mang thai, ăn uống khoa học, đúng thời điểm, đúng nhóm thức ăn, bổ sung dinh dưỡng sẽ phòng tránh đau dạ dày.
Một điểm quan trọng là tâm lý của thai phụ. Như đã nói ở trên, vấn đề tâm lý gây ảnh hưởng đến các triệu chứng dạ dày. Việc có một thai kì thoải mái sẽ giúp thai phụ phòng tránh hoặc làm giảm các triệu chứng của hệ tiêu hóa trên.
4. Các thói quen không lành mạnh
Không ăn quá no trước khi ngủ. Thói quen ăn đêm sẽ làm dạ dày quá tải. Trong khi phần thần kinh và mạch máu được điều đến để tiêu hóa lượng thức ăn bạn vừa dung nạp đêm khuya thì bạn lại… đi ngủ. Cơ thể sẽ rơi vào trạng thái thư giãn. Phần thức ăn ấy sẽ bị tiêu hóa chậm và không hiệu quả.
Một vấn đề sinh lý khác cần được nhắc đến là sự tái cấu trúc lớp niêm mạc dạ dày. Lớp niêm mạc dạ dày không đứng yên một chỗ mà chúng thay đổi mỗi phút. Lớp tế bào già, bị bong tróc ra khi tiếp xúc với dịch vị sẽ được thay thế và được bảo vệ bởi lớp dịch nhầy của dạ dày. Vào khoảng từ 0h đêm đến 2h sáng, lớp thành bảo vệ này được tái tạo nhiều hơn cả. Việc tái tạo này được thực hiện vô thức lúc bạn ngủ. Do đó, khi bạn thức quá khuya, qua thời điểm này, có thể nói đơn giản: bạn đang làm suy yếu hàng rào duy trì tự nhiên của dạ dày.
Buổi sáng, bạn dậy trễ và gộp chung ăn sáng với ăn trưa hay bỏ bữa. Điều đó cũng là cách đưa bạn đến gần hơn với tình trạng nặng hơn của các vấn đề của hệ tiêu hóa trên.
Ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý sẽ giúp bạn cải thiện các vấn đề đường tiêu hóa trên.
5. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc và các chất kích thích
Hãy hạn chế tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng. Trừ khi, bạn bắt buộc phải dùng nó. Hãy đi khá và tham khảo với bác sĩ. Tôi tin chắc, bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn loại thuốc phù hợp cho bạn.
Thuốc lá lại là nhóm gây nguy hại nhất cho thai kì. Khói thuốc và các hóa chất trong thuốc lá đã được chứng minh gây biến dị ở bào thai. Thuốc lá cũng làm suy giảm lớp chất nhày bảo vệ của dạ dày. Vì vậy nếu thai phụ có vấn đề về dạ dày mà còn hút thuốc, chắc chắn đấy là thai kì không khỏe mạnh.
Rượu bia và các chất có cồn thì thế nào? Nồng độ cồn làm ăn mòn lớp gastrin bảo vệ của dạ dày. Cồn còn bị chuyển hóa thành andehit trong cơ thể, gây độc cho bào thai. Vậy sao ta không tránh các phút vui trong vài tháng để chăm chút cho bào thai trong bụng nhỉ? Vừa an toàn cho con, vừa khỏe mạnh cho mẹ.
Xem thêm: Bí quyết giúp mẹ bầu sinh thường dễ dàng
Biện pháp phòng ngừa và cách giảm triệu chứng
Như các vấn đề đã phân tích ở trên, chúng ta có các cách phòng ngừa tương ứng.
1. Về thực phẩm
- Nếu bạn bị loét dạ dày trong thời gian mang thai, hãy có chế độ ăn uống hợp lý.
- Bạn có thể tham khảo ý kiến các sĩ về các nhóm thức ăn nên ăn, và chế độ dinh dưỡng thai kì phù hợp.
- Không hút thuốc, dùng đồ uống có cồn trong thai kì.
2. Thuốc
- Tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc.
- Báo cho bác sĩ biết tình trạng của mình và cả vấn đề thai kì. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn các loại thuốc phù hợp.
- Không nên tự ý dùng thuốc khi đang mang thai.
3. Chế độ sinh hoạt, thư giãn
- Có chế độ sinh hoạt hợp lý. Ăn ngủ nghỉ có điều độ và tiết chế. Không thức quá khuya. Ăn đúng bữa.
- Thư giãn, vui chơi phù hợp với sức khỏe.
- Các bài tập vùng cơ chậu, vùng hông, tập đi bộ, bơi nhẹ nhàng… sẽ giúp bạn thư giãn và có sức khỏe tốt cho quá trình chuyển dạ.
Để có một thai kì thoải mái và không bị các vấn đề về đường tiêu hóa trên, các thai phụ cần cân nhắc các vấn đề trên. Hiểu rõ và hiểu đúng về sức khỏe của mình sẽ giúp các thai phụ có thai kì khỏe mạnh. Bạn cũng nhớ rằng, đội ngũ chuyên gia y tế luôn sẵn sàng tư vấn và giúp đỡ bạn khi cần. Đó là tất cả những gì bạn nên ghi nhớ nếu chẳng may các vấn đề tiêu hóa đến với bạn khi mang thai.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Heartburn During Pregnancyhttps://www.webmd.com/heartburn-gerd/guide/heartburn-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 30/06/2020
-
Gastritis in Pregnancyhttps://www.pushdoctor.co.uk/what-we-treat/digestive-problems/gastritis/pregnancy
Ngày tham khảo: 30/06/2020