Sùi mào gà ở phụ nữ có thai!!!
Nội dung bài viết
Sùi mào gà – một triệu chứng bệnh lý tương đối đặc biệt, gây ra nhiều sự ngại ngùng, nhạy cảm, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Vấn đề này sẽ càng nhạy cảm khi xuất hiện ở phụ nữ có thai. Vậy, sùi mào gà là gì? Nguyên nhân gây ra sùi mào gà? Sùi mào gà làm phiền bạn như thế nào? Những vấn đề liên quan giữa sùi mào gà và thai kỳ? Điều trị chung cho sùi mào gà? Thai phụ có nên điều trị sùi mào gà hay không? Tất cả những câu hỏi trên đều sẽ được trả lời ở bài viết dưới đây!
1. Sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà hay còn gọi là mụn cóc là sự phát triển lành tính (không phải ung thư) xuất hiện khi virus lây nhiễm vào da.
Virus gây ra mụn cóc được gọi là papillomavirus ở người (HPV) – để dễ hiểu, chúng tôi sẽ gọi là virus sùi mào gà. Bạn có nhiều khả năng bị nhiễm một trong những loại virus này nếu bề mặt da của bạn bị tổn thương.
Mụn cóc là bệnh truyền nhiễm. Tổn thương da này có thể bị lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc hoặc chạm vào thứ gì đó đã tiếp xúc vào nó.
Mụn cóc thường có màu trùng với màu da, khi sờ có cảm giác sần sùi. Đôi khi chúng có thể có màu sẫm (nâu hoặc xám đen), phẳng và mịn.
>>> Xem thêm bài viết : Bệnh sùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
2. Virus sùi mào gà (HPV) là gì?
HPV thực chất là một loài virus có rất nhiều nhóm nhỏ, lên đến hơn 210 loại HPV khác nhau đã được ghi nhận.
Virus HPV như đã ghi nhận, rất dễ dàng lây truyền từ người sang người. Vị trí lây nhiễm chủ yếu của virus này là da, niêm mạc (bề mặt ẩm ướt lót bên trong các cơ quan).
Hầu hết các bệnh nhân dễ dàng được chẩn đoán HPV thông qua việc thăm khám, hỏi bệnh. Tuy nhiên, con số bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng rất khiêm tốn so với tổng số lượng đối tượng nhiễm bệnh.
>>> Tìm hiểu thêm về các loại vaccine sùi mào gà tại đây
2.1 HPV và ung thư cổ tử cung
HPV liên quan mật thiết đến các tổn thương sùi mào gà ở vùng sinh dục, cũng như một số loại HPV có thể gây ra ung thư. Vì vậy, ngày nay nhà nước, các tổ chức y tế trên thế giới khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung. Mà 99.7% ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra!!!. Cũng như vai trò của vaccine HPV ngày càng được đề cao.
>>> Xem thêm bài viết: Làm thế nào để tầm soát ung thư cổ tử cung?
2.2 Sùi mào gà và ung thư cổ tử cung
Các chủng virus HPV gây ra ung thư là 6, 11, 16, 18, và các chủng này không thường gây ra sùi mào gà. Ngược lại rất hiếm khi các chủng HPV gây ra sùi mào gà làm xuất hiện ung thư. Tuy nhiên, một bệnh nhân có thể nhiễm 1 lần nhiều chủng HPV khác nhau!!!. Do đó, bác sĩ sẽ không kết luận những đối tượng mắc phải sùi mào gà sẽ không xuất hiện ung thư về sau!!!.
3. Triệu chứng của virus HPV gây ra là gì?
Đa số các trường hợp, đặc biệt là phụ nữ trẻ tuổi (20 – 25 tuổi), có sức đề kháng tốt, có thể tự loại bỏ viurs này một cách nhanh chóng khỏi cơ thể. Do đó, ít khi xuất hiện các triệu chứng.
3.1 Mụn cóc sinh dục – Sùi mào gà
Chúng xuất hiện dưới dạng tổn thương phẳng hoặc u gồ nhỏ giống như cây súp lơ hoặc có các phần nhô ra giống như thân cây nhỏ.
Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục xuất hiện chủ yếu ở âm hộ (phần bao quanh âm đạo) nhưng cũng có thể xảy ra gần hậu môn, trên cổ tử cung hoặc trong âm đạo.
Ở nam giới, mụn cóc sinh dục xuất hiện trên dương vật và bìu hoặc xung quanh hậu môn.
Mụn cóc sinh dục hiếm khi gây khó chịu hoặc đau, mặc dù chúng có thể ngứa hoặc cảm thấy đau một cách mơ hồ.
3.2 Mụn cóc thông thường
Tổn thương này thông thường xuất hiện dưới dạng sần sùi, như nổi mụn và thường xuất hiện ở bàn tay và ngón tay.
Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc thông thường chỉ đơn giản là làm mất thẩm mỹ. Nhưng đôi khi chúng cũng có thể gây đau hoặc dễ bị thương hoặc chảy máu.
>>> Xem thêm: Mụn cóc là gì? 5 cách trị mụn cóc hiệu quả
3.3 Mụn cóc bàn chân
Mụn cóc bàn chân là những nốt sần cứng, phát triển thường xuất hiện ở lòng bàn chân, gót chân, có thể mọc thành đám. Những mụn cóc này có thể gây khó chịu như cảm thấy có đá, sỏi trong giày dép khi bước đi. Khi bị đè ép lâu dài, các mụn này có thể dẹt lại, biến thành màu đen. Loại mụn cóc này khó trị khỏi.
3.4 Mụn cóc phẳng.
Đây là những tổn thương phẳng, hơi nổi lên. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, nhưng trẻ em thường lấy chúng trên mặt, đàn ông có xu hướng xuất hiện mụn cóc phẳng ở khu vực ria mép, râu. Phụ nữ có xu hướng xuất hiện mụn cóc phẳng ở chân.
4. Nguy cơ mắc phải virus HPV là gì?
Các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng HPV bao gồm
- Số lượng bạn tình.
- Bạn càng có nhiều bạn tình, bạn càng có nhiều khả năng bị nhiễm virut sinh dục. Quan hệ tình dục với bạn tình đã có nhiều bạn tình cũng làm tăng nguy cơ của bạn.
- Tuổi tác.
- Mụn cóc thường xảy ra ở trẻ em. Mụn cóc sinh dục xảy ra thường xuyên nhất ở thanh thiếu niên và thanh niên.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu. Những người có hệ thống miễn dịch yếu có nguy cơ nhiễm trùng HPV cao hơn.
- Da bị tổn thương. Các khu vực da bị thủng hoặc rách, trầy dễ bị mụn cóc thông thường.
- Dùng chung dụng cụ cá nhân.
>>> Xem thêm: Mụn cóc: Điều trị và phòng ngừa lây nhiễm
5. Sùi mào gà ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Nếu một phụ nữ mang thai bị mụn cóc sinh dục, bác sĩ sẽ theo dõi để xem mụn cóc có lớn hơn không. Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể khiến mụn cóc nhân lên hoặc lớn hơn. Đôi khi mụn cóc trên người thai phụ sẽ chảy máu.
5.1 Ảnh hưởng lên thai
Như chúng ta đã biết, trẻ em được sinh thường sẽ đi ra ngoài qua đường âm đạo, do đó nếu mụn cóc to đến mức có thể gây tắc nghẽn đường ra âm đạo, chúng có thể cần phải được loại bỏ nó trước khi thai phụ sinh con. Thông thường, mụn cóc sinh dục sẽ được điều trị sau sinh.
Nguy cơ lây truyền virus HPV sang em bé khi sinh rất thấp. Ngay cả khi trẻ sơ sinh nhiễm virus HPV, cơ thể chúng thường tự loại bỏ virus dễ dàng.
Do đó, hầu hết trẻ được sinh ra bởi thai phụ có HPV, mụn cóc sinh dục sẽ không có vấn đề gì.
5.2 Papillomatosis hô hấp trẻ nhỏ
Trong những trường hợp rất hiếm (0.25%), một đứa trẻ sinh ra từ một người phụ nữ bị mụn cóc sinh dục sẽ phát triển mụn cóc ở cổ họng. Tình trạng nghiêm trọng này được gọi là papillomatosis hô hấp và cần phẫu thuật laser thường xuyên, liên tục trong suốt cuộc đời để ngăn ngừa mụn cóc ngăn chặn đường thở của em bé.
Thông thường, bệnh lý papillomatosis hô hấp trẻ em thường được phát hiện khi trẻ đạt 2 – 5 tuổi.
Có rất nhiều nghiên cứu tìm cách để ngăn chặn bệnh lý này được thực hiện. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp từ chích vaccin ngừa HPV cho mẹ, cho đến cắt mụn cóc từ sớm trong quá trình mang thai hay mổ sinh cũng không đưa lại một hiệu quả khả quan nào. Điều này đã được khẳng định một lần nữa khi hiểu HPV từ mẹ lây sang con từ trước khi sinh ra.
Và ngay cả khi người mẹ mắc phải một loại virus HPV gây ung thư cổ tử cung, em bé vẫn có thể được sinh an toàn.
6. Mối liên hệ giữa HPV và thai kỳ?
Như đã biết, HPV hiếm khi ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà thai phụ không tầm soát HPV trước và trong khi mang thai!!!.
6.1 Trường hợp không rõ có nhiễm HPV hay không
- Nếu thai phụ tầm soát ung thư cổ tử cung (PAP test) từ trước khi mang thai đều đặn, thường xuyên thì dựa vào kết quả đó bác sĩ sẽ có quyết định tìm HPV cho thai phụ hay không. PAP test âm tính thì có thể loại trừ HPV, nếu dương tính, hoặc nghi ngờ thì bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu để khẳng định.
- Trường hợp thai phụ không làm PAP test thường xuyên.
- Bác sĩ sẽ thực hiện PAP ngay lần đầu tiên đến khám thai. PAP có kết quả nghi ngờ hoặc dương tính, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm khác.
6.2 Trường hợp người phụ nữ muốn có thai nhưng đã biết mình nhiễm HPV
Dựa vào các dấu hiệu như có sùi mào gà, PAP test bất thường thậm chí có ghi nhận tổn thương ung thư thì hầu như chắc chắn bệnh nhân đã nhiễm HPV.
Lựa chọn điều trị phụ thuộc:
- Loại tổn thương cụ thể.
- Mong muốn của bệnh nhân.
- Điều trị y tế sẵn có.
Sau khi thống nhất, bác sĩ sẽ đưa ra một phương hướng điều trị, theo dõi phù hợp.
7. Điều trị sùi mào gà ở phụ nữ có thai như thế nào?
Những mối lo ngại về việc ảnh hưởng của thuốc lên thai nhi. Cũng như các nguy cơ có thể xuất hiện như sinh non,…do đó, số biện pháp dùng để điều trị ở thai phụ bị hạn chế rất nhiều.
7.1 Dùng thuốc
- Trichloroacetic acid (TCA).
Đây là một hoá chất “ăn da”, phá huỷ mụn cóc sinh dục – sùi mào gà rất thường được sử dụng. Dung dịch TCA dùng điều trị sùi mào gà có nồng độ rất cao, lên đến 80 – 90%. Phương pháp dùng là thoa một lớp mỏng TCA trực tiếp lên sùi mào gà. Thông thường, bác sĩ còn sẽ dùng một số gel hoặc thuốc mỡ thoa lên vùng da xung quanh. Chủ yếu vì lo ngại TCA sẽ “ăn” luôn các vùng da lành lân cận (Lidocain Jelly). Sau khi bôi thuốc, bệnh nhân không được ngồi, đứng hay mặc quần. Liệu trình kéo dài khoảng 4 – 6 tuần, tuy nhiên hiệu quả kém ở những sùi to. Nếu thoa vùng quá rộng vào da lành có thể dùng xà bông để trung hoà.
Đây là một thuốc rất độc nếu dùng sai cách. Do đó chỉ được bán dưới toa bác sĩ tại nhà thuốc ở các bệnh viện chuyên khoa.
7.2 Phẫu thuật
Phương pháp áp đông:
Dùng dung dịch nitrogen áp trực tiếp lên sùi mào gà. Tạo một nhiệt độ ở mức đông lạnh ở đây, huỷ mô bằng nhiệt độ lạnh là cơ chế của phương pháp này. Liệu pháp này được thực hiện hàng tuần đến khi tổn thương biến mất.
Phương pháp cắt đốt bằng laser:
Có một số lo ngại nhất định về việc phương pháp này có thể gây ra sinh non hoặc xuất hiện các cơn gò giả tạo. Nhưng không có bằng chứng y khoa nào ủng hộ cho việc này, do đó, nó vẫn được sử dụng.
Phương pháp này gây đau sau, nhiễm trùng sau khi thực hiện thủ thuật, cũng như 2 bề mặt bị laser đốt có thể dính lại với nhau!!!. Do đó, bác sĩ sẽ dặn dò bệnh nhân thật kỹ để tránh các tình trạng này xảy ra.
8. Kết luận
Sùi mào gà là một triệu chứng do HPV gây ra. Các loại virus HPV gây ra sùi mào gà ít khi làm xuất hiện ung thư. Tuy nhiên một bệnh nhân có thể nhiễm nhiều loại HPV khác nhau cùng lúc. Do đó, việc tầm soát HPV trước sanh là cần thiết.
Sùi mào gà hiếm khi ảnh hưởng đến thai nhi. Biến chứng đáng sợ nhất liên quan đó là bệnh lý papillomatosis hô hấp. Bệnh nhân có thể phải trãi qua rất nhiều các cuộc phẫu thuật trong suốt cuộc đời. Tuy vậy, không có một biện pháp nào được coi là khả thi khi để ngăn chặn việc này.
Điều trị sùi mào gà có thể sử dụng thuốc, áp đông hoặc phẫu thuật laser vì các kỹ thuật khác ảnh hưởng đến thai nhi.
Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.