YouMed

Phẫu thuật cắt tinh hoàn và những thông tin cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Cắt tinh hoàn là phương pháp điều trị được chỉ định trong các bệnh liên quan đến tinh hoàn. Đặc biệt là bệnh ung thư tinh hoàn. Đây là kỹ thuật đòi hỏi bác sĩ trình độ chuyên môn cao để tránh biến chứng phẫu thuật, bảo vệ chức năng sinh sản. Vậy phẫu thuật này là gì và khi nào thì có chỉ định cắt? Mời bạn cùng tìm hiểu chủ đề này cùng những thông tin cần thiết trong bài viết dưới đây.

Khi nào cần phẫu thuật cắt tinh hoàn?

Cắt tinh hoàn là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tinh hoàn, mào tinh hoàn, thừng tinh ở 1 bên hoặc 2 bên nếu có tổn thương. Mục đích là để loại bỏ các tổn thương ở tinh hoàn, nhất là trong điều trị ung thư.

Phương pháp này được chỉ định trong điều trị các bệnh lý như:

  • Ung thư tinh hoàn
  • Chấn thương tinh hoàn nặng.
  • Xoắn thừng tinh hoàn.
  • Một bên tinh hoàn không phát triển sau dậy thì.

Ung thư tinh hoàn

95% nam giới có thể khỏi bệnh khi điều trị sớm bệnh ung thư tinh hoàn. Bên cạnh hóa trị, xạ trị, thì phẫu thuật cắt tinh hoàn cũng là thủ thuật điều trị ung thư hiệu quả. Loại phẫu thuật không ảnh hưởng đến khả năng tình dục và chức năng sinh sản. Tuy nhiên nếu có di căn hạch ở sâu trong ổ bụng thì sẽ ảnh hưởng đến sự phóng tinh. Điều này có thể khiến nam giới bị vô sinh thứ phát.

cắt tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn là một trong những chỉ định của phẫu thuật cắt tinh hoàn

Chấn thương tinh hoàn nặng

Khoảng 54% chấn thương tinh hoàn là do chơi thể thao, võ thuật. Bởi lực va chạm trong các môn thể thao này là mạnh và trực tiếp vào bìu. 12% do tai nạn giao thông, té ngã, 16% là do bất cẩn do leo cây, súc vật cắn. Và khoảng 7% do nắn bóp và bị đả thương.

Một lực tác động đột ngột vào bìu có thể đẩy tinh hoàn chạy ngược vào trong ống bẹn, thậm chí là ổ bụng. Tổn thương loại này có thể gây đau rất dữ dội. Ða số các trường hợp này thường xảy ra trong bệnh cảnh đa chấn thương nên chấn thương tinh hoàn đôi khi bị bỏ sót.

Việc điều trị nên là phẫu thuật sớm thay vì điều trị bảo tồn. Vì phẫu thuật bao giờ cũng bảo tồn được chức năng của tinh hoàn nhiều hơn. Trong trường hợp nặng có thể phải cắt bỏ một bên tinh hoàn khi bị hoại tử.

Một bên tinh hoàn không phát triển sau dậy thì

Nguyên nhân tinh hoàn không phát triển có thể do:

  • Rối loạn vận động các ống sinh tinh bẩm sinh (hội chứng Klinefelter).
  • Loạn sản hay bất sản tinh hoàn.
  • Chấn thương.
  • Do nhiễm khuẩn: lao, quai bị, giang mai, lậu.

Tinh hoàn không phát triển có thể gây giảm dục tính, không có tinh trùng. Tóc, lông thưa thớt, giảm trương lực cơ. Xét nghiệm sẽ thấy testosterone máu giảm, hormon hướng sinh dục tăng cao.

Điều trị có thể là cắt bỏ tinh hoàn không phát triển và liệu pháp thay thế testosterone nếu cần.

Xoắn thừng tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn thường gặp ở tuổi sơ sinh và dậy thì nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Xoắn tinh hoàn khiến máu không lưu thông được và dẫn đến tình trạng hoại tử rất nhanh. Đây là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa cần can thiệp y tế ngay. Điều trị có thể là cắt bỏ tinh hoàn.

“Thời gian vàng” để điều trị xoắn tinh hoàn là 4 – 6 giờ kể từ khi có triệu chứng. Trong vòng 6 giờ đầu tỷ lệ điều trị thành công lên đến 90%. Từ 6 – 12 giờ tỷ lệ này chỉ còn 50%, và là 20% nếu sau 12 – 24 tiếng.

Nhiều cha mẹ chủ quan không đưa trẻ đi khám. Khi phát hiện thì tình trạng đã nặng nên buộc buộc phải bỏ tinh hoàn do đã bị hoại tử. Hậu quả là trẻ mất 50% khả năng sinh sản và thiếu tự tin khi trưởng thành.

Xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn

Điều gì xảy ra sau khi cắt tinh hoàn?

Việc loại bỏ một tinh hoàn thường không ảnh hưởng đến mức độ tiết nội tiết tố nam của người bệnh. Trường hợp bệnh nhân vẫn còn một bên tinh hoàn với kích thước bình thường. Nếu mức testosterone của bệnh nhân giảm, các triệu chứng có thể bao gồm trầm cảm, mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục, không thể đạt được sự cương cứng bình thường.

Cắt tinh hoàn không làm mất đi khả năng làm cha vì tinh hoàn còn lại vẫn có thể sản xuất tinh trùng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có khoảng 25% nam giới vô sinh trước khi có chẩn đoán ung thư tinh hoàn. Số lượng tinh trùng có thể được cải thiện sau khi tinh hoàn bị ung thư được loại bỏ.

Nếu cắt cả hai tinh hoàn, nam giới sẽ không còn sản xuất tinh trùng hoặc testosterone. Điều này nghĩa là không thể sinh con được nữa. Trong trường hợp cần phải cắt bỏ bên còn lại ở người đã cắt một bên. Bác sĩ thường chỉ định phân tích tinh dịch để đánh giá chất lượng tinh trùng. Nếu chất lượng tốt thì sẽ khuyến nghị bệnh nhân gửi tinh trùng để đông lạnh trước khi cắt bỏ. Điều này có thể giúp bệnh nhân vẫn có thể có con sau khi phẫu thuật.

Ngoài ra, đối với những người đã cắt bỏ cả hai tinh hoàn, sẽ cần phải dùng liệu pháp thay thế testosterone.

Phẫu thuật cắt tinh hoàn như thế nào?

Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các giai đoạn của ung thư tinh hoàn. Trong trường hợp ung thư tinh hoàn giai đoạn đầu, người bệnh chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ là đủ.

Quy trình phẫu thuật cắt tinh hoàn

Quy trình phẫu thuật cắt tinh hoàn được diễn ra như sau:

Chuẩn bị

  • Chuẩn bị về dụng cụ, khử trùng, sát khuẩn đảm bảo vô trùng, an toàn.
  • Tư vấn cho bệnh nhân về phương pháp phẫu thuật cắt tinh hoàn và quy trình thực hiện.
  • Thăm khám, kiểm tra thông qua xét nghiệm.

Tiến hành phẫu thuật

  • Thực hiện gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.
  • Tiến hành bóc tách thừng tinh ở phía sau. Lấy nhẹ tinh hoàn và thực hiện bóc tách cầm máu và tiến hành cắt phần dây chằng phía dưới.
  • Khâu vết thương, kiểm tra ống bẹn, cầm máu kỹ. Đặt ống dẫn lưu phía thấp của bìu trong 2-3 ngày. Khâu lại da và các tổ chức dưới da.

Theo dõi và chăm sóc

Sẽ được đề cập ở phần dưới.

Phẫu thuật cắt tinh hoàn

Cắt tinh hoàn một bên

  • Trong ung thư tinh hoàn, nếu khối u nhỏ, bác sĩ sẽ bắt đầu rạch ngang phần phía trên nếp da gấp dưới ổ bụng dưới.
  • Nếu khối u lớn thì rạch trên nếp bẹn từ gốc bìu chéo lên trên.
  • Nếu da bìu bị xâm lấn, viêm dính và loét, bác sĩ sẽ tiến hành rạch da để loại bỏ hoàn toàn khối thương tổn bên trong.
cắt tinh hoàn
Phẫu thuật cắt tinh hoàn

Cắt tinh hoàn hai bên

Phẫu thuật cắt tinh hoàn hai bên cũng thực hiện tương tự cắt một bên. Sau khi cắt 2 bên tinh hoàn nếu người bệnh muốn làm tinh hoàn nhân tạo thì bác sĩ có thể cân nhắc. Sau khi lấy toàn bộ tinh hoàn thông qua lỗ mở, bác sĩ sẽ đặt tinh hoàn giả chứa đầy nước muối đặt vào bìu làm tinh hoàn nhân tạo.

Cắt tinh hoàn bẹn triệt để

Trong ung thư tinh hoàn, nếu có di căn hạch bẹn thì cần phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết. Bác sĩ sẽ cẩn thận thực hiện để tránh làm tổn thương các dây thần kinh xung quanh hạch. Nhưng trong một số trường hợp có thể không tránh khỏi tổn thương các dây thần kinh. Vì vậy bệnh nhân có thể khó khăn khi xuất tinh, ảnh hưởng đến cương cứng sau phẫu thuật.

Theo dõi sau phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ triệt để, đối với những người được chẩn đoán ở giai đoạn I cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực nếu ung thư tái phát. Bao gồm kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu, chụp CT scanner và X-quang ngực theo dõi. Nhất là trong trường hợp mức AFP và beta-hCG đã bình thường sau phẫu thuật

Phẫu thuật cắt tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến ngoại hình, khả năng sinh sản và hứng thú với tình dục của người bệnh. Để khắc phục, bạn có thể phẫu thuật để cấy ghép tinh hoàn nhân tạo.

Nếu không có cả hai tinh hoàn, cơ thể bạn sẽ không thể tạo ra nhiều testosterone. Điều đó có thể làm giảm ham muốn tình dục của bạn và khiến bạn khó cương cứng hơn. Bạn có thể bị bốc hỏa, mất một số khối lượng cơ và mệt mỏi hơn bình thường. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ của bạn để đặt gel, miếng dán hoặc thuốc tiêm testosterone.

cắt tinh hoàn
Dùng liệu pháp testosterone cho bệnh nhân sau phẫu thuật nếu cần thiết

Trên đây là bài viết của YouMed về phẫu thuật cắt tinh hoàn. Đây là phương pháp điều trị cho hầu hết các giai đoạn của bệnh ung thư tinh hoàn. Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể được làm tinh hoàn nhân tạo để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu thấy có bất thường, nam giới không nên ngần ngại mà nên đi khám ngay.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What Is Orchiectomy?https://www.webmd.com/cancer/what-is-orchiectomy

    Ngày tham khảo: 17/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người