YouMed

Cây Ba chẽ: Loài thực vật chữa rắn cắn

Bác sĩ PHẠM THỊ LINH
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Linh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cây Ba chẽ có tên khoa học là Dendrolobium triangulare (Retz.) Schinler. Tên gọi khác là Niễng đực, Ván đất, Đậu bạc đầu, Tràng quả tam giác. Thuộc họ Đậu (Fabaceae). Cây Ba chẽ có tính ôn, vị ngọt và hơi đắng, không độc, có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm hiệu quả trên thực nghiệm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về công dụng, cách dùng và liều lượng của loài cây này đến Quý độc giả.

1. Tìm hiểu chung về Cây Ba chẽ

1.1. Mô tả dược liệu

Ba chẽ là cây bụi nhỏ, sống lâu năm, cao 0.5 – 2m, có khi hơn. Thân tròn, phân nhiều cành. Cành non mảnh, hình tam giác dẹt, uốn lượn, có cạnh, lông mềm màu trắng. Lá kép mọc so le, gốc gần tròn hay tù, đầu nhọn ngắn, mặt trên có lông mềm màu trắng, mặt dưới phủ một lớp lông tơ dày.  Đặc biệt, các lá non ở ngọn phủ lớp lông tơ trắng nhiều hơn cả 2 mặt.

Cụm hoa tụ họp ở kẽ lá thành chùm ngắn, lá bấc nhiều, dạng lá kèm, có lông mềm, hoa nhỏ, 10 – 20 cái, màu trắng. Đài có lông mềm, chia 4 thùy, thùy dưới dài hơn ba thùy trên. Cánh hoa có móng hẹp; bó nhị bó, bao phấn thuôn màu nâu.

Qủa dâu, không cuống, có mép lươn, thắt lại ở giữa các hạt thành 2 – 3 đốt, có lông mềm màu trắng bạc.

Chú ý: Cây dễ nhầm lẫn: Niễng cái (hàm xì, đậu ma) cùng họ. Cây bụi nhỏ. Lá chét có 3 gân chính hình cung xuất phát từ gốc lá. Hoa màu vàng nhạt mọc thành chùm dài. Qủa đậu chứa 2 hạt.

1.2. Phân bố, sinh thái

Desmodium Desv là một chi lớn, tổng số có khoảng 300 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới châu Phi, châu Mỹ và châu Á. Ở Việt nam, có khoảng 55 loài thuộc chi này. Tuy nhiên, gần đây có tài liệu đã tách từ Desmodium Desv một chi mới là Dendrolobium và loài Ba chẽ được xếp vào chi này.

Cây phân bố rộng rãi ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du. Độ cao phân bố tới trên 1000m. Cây còn có ở nhiều nước nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á khác.

1.3. Bộ phận dùng

Lá thu hái vào tháng 7 – 9, dùng tươi hoặc phơi sấy khô ở nhiệt độ không quá 50°C. Dược liệu được bào chế thành dạng cao nước, cao khô, và dập thành viên nén.

Các thí nghiệm cho thấy tác dụng kháng khuẩn của cây giảm dần theo thời gian bảo quản của nguyên liệu.

Rễ cây cũng được coi là vị thuốc làm mạnh gân cốt.

Cây ba chẽ
Cây Ba chẽ có tính ôn, vị ngọt hơi đắng, tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm hiệu quả

1.4. Thành phần hóa học

Lá Ba chẽ chứa tanin, flavonoid, acid hữu cơ và alkaloid. 

2. Tác dụng dược lý của cây ba chẽ 

  • Trong thí nghiệm in vitro, tác dụng kháng sinh rõ rệt đối với các trực khuẩn lỵ: Shigella dysentariae, Shigella shigae. Cao nước có tác dụng mạnh hơn cao cồn, độ cồn của dung môi càng cao thì thì tác dụng kháng khuẩn càng giảm. Nó cũng có tác dụng ức chế Staphylococcus aureus, và ức chế yếu hơn đối với Sh flexneri, Sh sonnei, Escherichia coli.
  • Tác dụng chống viêm rõ rệt đối với cả hai giai đoạn cấp và bán cấp của phản ứng viêm thực nghiệm.
  • Tác dụng gây teo tuyến ức chuột cống non khá mạnh.
  • Trong những thí nghiệm về độc tính cấp và bán cấp, thuốc tỏ ra không độc.
  • Lá Ba chẽ, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thích hợp, lá còn giữ được màu xanh, có tác dụng kháng khuẩn tốt hơn lá phơi đến úa vàng.

Xem thêm: Hoàng đằng: Kháng sinh thần kỳ từ thảo dược

3. Công dụng của cây ba chẽ 

Cây có tính ôn, vị ngọt, hơi đắng và không chứa độc. Đông y thường dùng thảo dược để điều trị bệnh phong tê thấp, đau nhức xương.

Dùng tươi: Theo kinh nghiệm nhân dân ở nhiều vùng trung du, lá Ba chẽ được sử dụng chữa lỵ. Cách dùng như sau: lá hái về phơi khô hay sao vàng, mỗi ngày dùng 30 – 50g, thêm nước, đun sôi chừng 15 phút đến nửa giờ. Chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục từ 3 – 5 ngày tùy theo bệnh nặng hay nhẹ.

Dùng ngoài, lá Ba chẽ tươi giã hay nhai nát, nuốt nước, bã đắp để chữa rắn cắn.

4. Dạng bào chế của cây ba chẽ

Cây Ba chẽ đã được bào chế thành dạng viên với nhiều công dụng, cụ thể:

  • Viên Ba chẽ (bào chế từ cao lá Ba chẽ) đã được nghiên cứu để chữa các bệnh tiêu chảy và lỵ trưc khuẩn có hiệu quả.
  • Viên Ba chẽ có tác dụng chữa các chứng bệnh như lỵ trực khuẩn, hội chứng lỵ và tiêu chảy ở người lớn và trẻ em. Bệnh khỏi tương đối nhanh, thời gian chữa cũng khá ngắn. Đối với bệnh nhân tiêu chảy nặng có biểu hiện rối loạn nước và điện giải, khi điều trị bằng viên Ba chẽ cũng như với các thuốc kháng sinh khác, cần phối hợp truyền dịch để hồi phục cân bằng nước và điện giải.
  • Liều sử dụng: ngày uống 10 – 15 viên chia 2 – 3 lần sau bữa ăn (mỗi viên có 0,25g cao khô lá Ba chẽ). Khi đã khỏi bệnh, nên giảm liều, rồi ngưng thuốc. Nếu dùng thời gian dài, có thể bị táo bón.

Bài viết đã cung cấp thêm nhiều thông tin về cây Ba chẽ, vị thuốc có lẽ vẫn còn tương đối xa lạ với nhiều người. Cũng như các vị thuốc khác, dược liệu cũng sẽ gây hại nếu không dùng đúng liều lượng. Vì vậy Quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên gia để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bác sĩ Phạm Thị Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

  2. Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người