Cây Hoa mào gà: Loài cây gắn liền với tuổi thơ
Nội dung bài viết
Cây Hoa mào gà không chỉ gắn liền với tuổi thơ của nhiều người mà còn có thể dùng làm thuốc trị các bệnh khác nhau. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của vị thuốc này.
1. Giới thiệu về cây Hoa mào gà
- Hoa mào gà đỏ, hay còn gọi là Kê quan hoa, Kê quan, Kê đầu, Hồng kê quan hoa, Bạch kê quan hoa, Kê công hoa, Kê giác hoa…
- Hoa mào gà trắng, hay còn gọi là Mào gà dại, Mào gà đuôi nheo, Thanh tương tử, Thảo hao, Mảo cáy khao (Tày).
- Tên khoa học: Celosia argentea L. var cristata L.
- Họ khoa học: Thuộc họ Rau dền (Amanthaceae).
Tên của loài cây được đặt theo hình dáng của hoa, gần giống như mào của loài gà (cụm hình quạt, cánh hoa xoăn ôm lấy nhau).
Thanh tương tử là hạt chín phơi hay sấy khô của cây Mào gà trắng.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Nguồn gốc cây từ phía đông Ấn Độ, được nhập sang Việt Nam từ lâu. Cây được trồng khắp nơi ở nước ta để làm cảnh vì hoa có dáng đẹp và để lấy hạt làm thuốc.
Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Đến tháng 9 – 10 hạt chín, hái hoa về phơi khô, đập lấy hạt sẩy hết tạp chất, phơi lần nữa cho thật khô. Trong sản xuất thì hoa và hạt của chúng được sử dụng làm các vị thuốc hoặc tán thành viên bột để phục vụ vào từng mục đích riêng.
Hoa mào gà trắng
- Chỉ có thể tồn tại tối đa trong một năm.
- Thân mềm cho nên được trồng nhiều trong vườn nhà, được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận. Vào khoảng thời gian giữa mùa xuân và mùa hè là thời điểm chúng nở hoa.
- Cây Mào gà trắng có thể được sử dụng như một loại lương thực hoặc rau ăn, nhất là ở những khu vực nghèo thuộc châu Phi.
- Ưu điểm nổi bật của giống hoa Mào gà trắng này là cho nhiều hạt.
Hoa mào gà đỏ
Thân hình cứng cáp, tuổi thọ khá cao, cho hoa nhiều.
Màu sắc Hoa mào gà đỏ phong phú, thường thấy nhất là 3 màu đỏ, trắng và vàng.
1.2. Mô tả toàn cây
Cây Hoa mào gà trắng
- Loại cỏ mọc quanh năm, thân mọc thẳng, nhẵn, mang nhiều cành, cao 0,3 – 1m có thể tới 2m.
- Lá mọc so le, hình mác, nguyên, đầu nhọn, gốc lá cũng hơi nhọn, dài 8 – 10cm, rộng 2 – 4cm.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành. Màu trắng ở phần dưới, hồng ở phần trên, gồm nhiều hoa không cuống. Lá bắc khô xác, chẻ đôi ở đầu. Lá đài 5, nhọn đầu, nhị 5 dính nhau ở gốc thành một vòng bao vây hình trứng.
- Quả nang, mở theo hình hộp, trong mang nhiều hạt. Hạt dẹt màu đen hoặc nâu đỏ, mặt bóng, đường kính ước khoảng 1mm. Khi nhìn qua kính lúp thấy mặt hạt có những vân và một điểm lõm là tễ. Vỏ giòn, dễ vỡ, không mùi, vị nhạt.
Cây Hoa mào gà đỏ
- Là cây thảo sống nhiều năm, cao gần 1 m.
- Thân đứng, cành nhẵn, thường có màu đỏ tía.
- Lá hình bầu dục, so le, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, dài 15 – 20cm, rộng 5 – 7cm, mép nguyên. Hai mặt nhẵn, cùng màu lục, sẫm hơn ở mặt trên, gân màu đỏ, mặt dưới nhỏ.
- Cụm hoa mọc thành bông ở ngọn thân. Cuống rất ngắn, màu đỏ hoặc vàng, loe ra và nhăn nheo ở đầu.
- Quả hình trứng hoặc hình cầu, nứt ngang chứa nhiều hạt nhỏ, dẹt, màu đen bóng.
- Mùa hoa quả tháng 6 – 10.
1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế
Bộ phận dùng là hạt chín (Thanh tương tử). Thu hái vào mùa thu phơi hoặc sấy khô, còn dùng lá và hoa.
Lấy hạt vào mùa thu khi hạt già, cắt cả bông hoa đem phơi khô, đập xoa cho hạt rơi ra, đem sàng sẩy, loại bỏ tạp chất rồi phơi khô. Loại Thanh tương tử hạt mập già, màu đen nhánh, khô không vụn nát là tốt.
1.4. Bảo quản
Vị thuốc bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt.
>> Cúc hoa cũng là một loài cây quen thuộc, có nhiều tác dụng trị bệnh. Đọc thêm: Cúc hoa: Thảo dược thanh nhiệt, mát gan.
2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
2.1. Thành phần hóa học
Phần trên mặt đất của Mào gà trắng chứa 21,51% protein, nhiều K, isoflavone.
Trong hạt Mào gà trắng có chứa chất béo, các chất khác và hoạt chất như Polysaccharid acid là celosian với tác dụng bảo vệ gan.
Cây Mào gà đỏ chứa kaempfertrin, amaranthin, purit.
2.2. Tác dụng y học hiện đại
Cây Hoa mào gà trắng
- Dạng cao cồn 50° có tác dụng ức chế amip lỵ, ức chế co bóp hồi tràng cô lập chuột lang, hạ nhiệt.
- Celosian có tác dụng bảo vệ chống độc cho gan và điều hòa miễn dịch.
Cây Hoa mào gà đỏ
- Toàn cây có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm.
- Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí American Journal of Food Technology, chiết xuất nước nóng từ cây Mào gà đỏ cho thấy hoạt động chống oxy hóa rõ rệt.
- Chống tăng đường huyết: Theo tạp chí Comparative Clinical Pathology, kết quả nghiên cứu trên chuột bạch, chiết xuất methanolic từ Mào gà đỏ có tác dụng chống tăng đường huyết đáng kể.
- Gây sẩy thai: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng.
2.3. Tác dụng y học cổ truyền
Cây Hoa mào gà trắng
- Hạt có vị đắng, tính hơi hàn, không mùi.
- Hoa: Vị nhạt, tính mát
- Tác dụng: Thanh can minh mục, làm sáng mắt, tiêu viêm, cầm máu, thanh nhiệt, mát huyết…
Cây Hoa mào gà đỏ
- Vị ngọt, tính mát.
- Tác dụng: Làm mát máu, cầm máu. Chữa trĩ máu, nôn ra máu, kinh nguyệt kéo dài…
Quy kinh: Can.
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau.
Liều dùng:
- 4 – 12g hay dưới hình thức thuốc sắc hoặc thuốc viên.
- Dùng ngoài da nấu nước để tắm rửa chữa ghẻ lở, mẩn ngứa… không kể liều lượng.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Chữa rong kinh, rong huyết
Hoa mào gà đỏ phơi khô, tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với rượu. Trong khi dùng thuốc, kiêng ăn cá tanh và thịt lợn.
4.2. Chữa trĩ ra máu
Hạt và hoa của cây Hoa mào gà trắng 8 – 15g, sắc uống trong ngày hoặc sấy khô, tán nhỏ. Chế thành viên hoàn. Chia thành nhiều lần uống trong ngày.
4.3. Hỗ trợ điều trị hen phế quản
Lá cây Hoa mào gà trắng phơi khô 30g, sắc uống.
Lá cây Hoa mào gà trắng, lá Bồng bồng, lá Xương sông (tươi), dây Tơ hồng (sao) mỗi vị 20g, sắc uống.
5. Kiêng kỵ
- Ðối với bệnh tăng nhãn áp (đồng tử giãn to).
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong dược liệu.
- Người suy gan, suy thận.
- Những người tích trệ không nên dùng thảo dược này làm thuốc.
- Phụ nữ mang thai không nên dùng.
Cây Hoa mào gà là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.