Cây Nổ gai: Công dụng, cách dùng và một số vị thuốc
Nội dung bài viết
Cây Nổ gai có tên khoa học là Securinega virosa (Willd.) Pax. Cây còn có tên gọi khác là Mác tẻn, Co cáng pa. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Theo Đông y, thảo dược có tác dụng khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt, giải độc, chỉ huyết, giảm đau, giảm ngứa. Cùng hiểu kĩ hơn về công dụng và liều dùng qua bài viết dưới đây.
Giới thiệu về cây Nổ gai
Mô tả dược liệu
Cây Nổ gai là cây nhỏ dạng bụi, cao 2 – 3m. Cành có cạnh hoặc hơi dẹt, lúc già nhẵn, màu nâu sẫm. Lá mỏng, mọc so le, hình bầu dục, gốc thuôn, đầu tù hơi nhọn, mép nguyên; lá kèm hình tam giác.
Hoa nhỏ, đơn tính khác gốc, mọc ở kẽ lá; hoa đực mọc thành cụm gồm nhiều hoa.
Quả nang, hình cầu, màu trắng; hạt màu đỏ nâu, bóng.
Mùa hoa: tháng 6 – 8; mùa quả: tháng 9 – 11.
Phân bố, sinh thái
Trên Thế giới, cây Nổ gai được ghi nhận phân bố ở châu Á, bao gồm vùng Đông Nam của Ấn độ, Nam Trung Quốc, đảo Đài Loan, Việt Nam…
Ở Việt Nam, cây Nổ có rải rác ở hầu khắp các tỉnh thuộc vùng núi thấp, trung du và đồng bằng phía bắc. Ở Tây nguyên và Đông Tây nguyên cây phân bố thưa thớt hơn và chỉ thấy ở vùng núi. Độ cao phân bố thường dưới 600m ở các tỉnh phía bắc và có thể đến 800 m ở các tỉnh phía nam.
Cây đặc biệt ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Cây thường mọc ở ven rừng ẩm, dọc theo các bờ khe suối ở cửa rừng, bờ nương hay bờ ruộng nhưng gần nguồn nước.
Bộ phận dùng
Cây Nổ gai hay sử dụng cành lá, có thể thu hái quanh năm, phơi khô. Rễ và vỏ thân vào mùa thu rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô.
Phần rễ cây thường cho giá trị dược liệu tốt nhất vào mùa thu nên chủ yếu được thu hoạch vào mùa này. Các bộ phận còn lại có thể được thu hoạch quanh năm.
Thành phần hóa học
Cây Nổ gai chứa nhiều alcaloid. Lá chứa viroallosecurinin.
Rễ và vỏ rễ chứa alcaloid với hàm lượng 0,6 – 1% gồm flueggeine, virosin, norsecurinin, dihydronorsecurinin.
Tác dụng dược lý của cây Nổ gai
Tác dụng kháng khuẩn
Dịch chiết toàn phần lá thảo dược, có tác dụng kháng khuẩn trên Staphylococcus aureus.
Tác dụng kéo dài thời gian ngủ
Cao khô chiết bằng cồn 500 của thân và lá cây có tác dụng kéo dài thời gian ngủ do pentobarbiton, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng.
Xem thêm: Cây Bình vôi – Chìa khóa vàng chữa mất ngủ quen thuộc
Tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa
Các thành phần Ethanol và Chloroform được chiết xuất từ cây thuốc thể hiện rõ đặc tính kháng khuẩn. Ngoài ra còn có đặc tính chống oxy hóa vì giúp ức chế sự phát triển của gốc tự do.
Xem thêm: Astaxanthin – Chất chống oxy hóa từ thiên nhiên
Độc tính cấp alcaloid toàn phần của lá cây Nổ gai
Xác định độc tính cấp dùng đường uống cho chuột nhắt trắng thấy alcaloid toàn phần của lá có LD50 = 592 mg/kg.
Công dụng của cây Nổ gai
Lá và toàn cây có vị đắng, hơi chát, tính mát, ít độc. Thảo dược có tác dụng khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt, giải độc, chỉ huyết, giảm đau, giảm ngứa.
Cành lá của dược liệu được dùng chữa viêm da dị ứng, mụn nhọt, mụn đã có mủ, vết thương. Vỏ thân, vỏ rễ được dùng làm thuốc trừ sâu. Ở Ấn độ, người ta dùng nước hãm thân cây để chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Rễ chữa sốt rét, chóng mặt, chân tay run. Liều dùng: ngày sắc uống 6 – 12g.
Bài thuốc có cây Nổ gai
Chữa chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, chân tay run.
Rễ cây Nổ gai, Dây đau xương, mỗi vị 8g, thái mỏng, sấy khô, sao vàng uống.
Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang
Rễ cây Nổ gai 2kg, Rễ củ cây thiên lý kg, Hà thủ ô 1kg, Râu ngô non 1kg.
Chế biến: Rễ Nổ gai và thiên lý hấp cách thủy cho chín, phơi khô, thái nhỏ, tán bột. Hà thủ ô và râu ngô phơi âm can cho khô, tán bột. Tất cả trộn đều luyện với mật ong, làm thành viên 0,5g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên với nước chanh đường.
Xem thêm: Cây nổ (quả nổ) dược liệu quý hiếm với cái tên dộc đáo
Cây nổ gai với nhiều công dụng, có tác dụng khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt, giải độc, chỉ huyết, giảm đau, giảm ngứa. Tuy nhiên vì vị thuốc này có độc tính nên quý độc giả cần tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi dùng để mang lại an toàn và hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.