Cenditan là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Cenditan là thuốc gì? Thuốc có thành phần chính là gì? Cenditan sẽ mang lại công dụng như thế nào? Người dùng cần lưu ý gì khi sử dụng? Những thắc mắc của bạn sẽ được Dược sĩ Trần Việt Linh giải đáp thông qua bài viết sau.
Hoạt chất trong Cenditan: Cao diếp cá, bột rau má.
Thuốc chứa thành phần tương tự: An Trĩ Vương, Viên Giấp Cá Extra Hoàng Liên,…
Cenditan là thuốc gì?
Cenditan là thuốc từ dược liệu được chỉ định để điều trị tình trạng táo bón và trĩ. Cenditan được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm 3/2. Hiện tại, thuốc được bào chế dưới dạng viên nang mềm. Mỗi hộp thuốc gồm 10 vỉ x 5 viên.
Thành phần
Mỗi viên nang mềm Cenditan chứa:1
- Cao diếp cá (Extractum houttuyniae spissum): 75 mg
- Bột rau má (Extractum centellae exsiccatum): 300 mg
- Tá dược: Kali sorbat, butylated hydroxy toluene, lecithin, dầu cọ, Dimethicone, Aerosil 200, sáp trắng, dầu đỗ tương, gelatin, glycerin, nipagin, nipasol, sorbitol, vanilin, titan dioxid, xanh patent, vàng tartrazin, quinoline yellow, oxyd sắt đỏ, oxyd sắt đen, nước cất.
Công dụng của thành phần chính
Cao diếp cá
Diếp cá có tác dụng trị táo bón, trĩ, giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, làm bền mao mạch, sát trùng, kháng viêm.1
Diếp cá chứa nhiều thành phần hóa học như alkaloid, flavonoid, tinh dầu và phenolic. Các thành phần này tạo nên các tác dụng dược lý của diếp cá. Các tác dụng dược lý bao gồm:2
- Hoạt động bảo vệ tim, phổi, thận và hệ tiêu hóa.
- Khả năng chống khối u.
- Tác dụng chống viêm và hoạt động điều hòa miễn dịch.
- Hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus.
Bột rau má
Rau má có tác dụng lợi mật, giảm cholesterol trong máu, giảm ure máu, giảm lipid máu, giúp bảo vệ gan nhất là trong ngộ độc rượu, nhuận gan, giải độc, giải nhiệt, thông tiểu, lọc máu.1
Thành phần chính của rau má là saponin (còn gọi là triterpenoid). Thành phần này được cho là chịu trách nhiệm cho các hoạt tính có tác dụng dược lý của nó. Ngoài việc chữa lành vết thương, rau má được dùng điều trị các tình trạng khác nhau như loét giãn tĩnh mạch, bệnh chàm, bệnh vẩy nến, tiêu chảy, sốt, vô kinh, các bệnh về đường sinh dục nữ,…3
Tác dụng thuốc Cenditan
Thuốc Cenditan được chỉ định điều trị các trường hợp sau:1
- Bệnh trĩ.
- Táo bón.
- Giải nhiệt.
- Lợi tiểu.
- Bảo vệ gan.
- Giải độc gan do rượu.
Cách dùng và liều dùng Cenditan
Cách dùng1
Ceditan được điều chế dưới dạng viên nang mềm, dùng đường uống. Khi dùng, bạn hãy uống thuốc với lượng nước vừa đủ.
Liều dùng1
Theo hướng dẫn từ nhà sản xuất, người lớn uống thuốc mỗi lần 2 viên và mỗi ngày sử dụng 3 lần.
Thuốc Cenditan chủ yếu dành cho người lớn. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ.
Cenditan giá bao nhiêu?
Hiện tại, hộp 50 viên Cenditan có giá khoảng 105.000 VNĐ. Giá bán lẻ tham khảo cho 1 viên Cenditan là 2.100 VNĐ.1
Tác dụng phụ của Cenditan
Hiện tại chưa có thông tin hay báo cáo ghi nhận các tác dụng phụ của thuốc Cenditan. Tuy nhiên, khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng ngay lập tức. Thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Tương tác thuốc
Thuốc Cenditan hiện tại chưa có các báo cáo ghi nhận về việc xảy ra tương tác khi sử dụng cùng với các thuốc khác. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tương tác thuốc xảy ra, tốt nhất là bạn nên liệt kê danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng). Hãy đưa cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem qua để đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn.
Đối tượng chống chỉ định dùng Cenditan
Đối tượng chống chỉ định
Thuốc Cenditan chống chỉ định với các đối tượng trong các trường hợp sau:1
- Người dị ứng với một trong các thành phần của thuốc.
- Người dương hư, tỳ vị hư hàn, tiêu chảy do lạnh.
Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú có sử dụng thuốc Cenditan được không?
Phụ nữ có thai và cho con bú có thể sử dụng thuốc và không có ảnh hưởng.1
Đối tượng thận trọng
Thuốc không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.1
Xử lý khi quá liều Cenditan
Hiện tại, phản ứng quá liều thuốc Cenditan hầu như chưa có ghi nhận hay báo cáo. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, ngay lập tức ngưng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ hay nhân viên y tế.
Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu hoặc đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất. Nếu có thể hãy ghi lại danh sách và mang theo những loại thuốc đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa. Điều này sẽ giúp các bác sĩ thuận tiện hơn trong quá trình điều trị.
Trường hợp quên liều Cenditan
Nếu phát hiện đã quên 1 liều, bổ sung liều bằng cách uống thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu như liều bị quên gần với liều kế tiếp, bỏ qua liều đã quên và dùng thuốc theo đúng như lịch trình bình thường. Không được sử dụng gấp đôi liều để bù cho liều bị quên.
Lưu ý gì khi sử dụng
Để quá trình sử dụng thuốc diễn ra an toàn và hiệu quả, người dùng cần chú ý:
- Thận trọng ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan, chức năng thận.
- Thông báo cho bác sĩ các bất thường hay tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và xem hạn dùng của thuốc trước khi sử dụng, không sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng.
Cách bảo quản
- Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30°C và tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời.
- Để xa tầm tay của trẻ em.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích về việc sử dụng thuốc Cenditan trong điều trị các trường hợp trĩ và táo bón. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như trao đổi với nhân viên y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng thuốc. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cenditanhttps://drugbank.vn/thuoc/Cenditan&V104-H12-13
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Houttuynia cordata Thunb: An Ethnopharmacological Reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8440972/
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Pharmacological Review on Centella asiatica: A Potential Herbal Cure-allhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3116297/
Ngày tham khảo: 16/04/2023